Polaroid
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện áo trắng


Chương 17

Trong những ngày ảm đạm đó, "giáo sư" Bá lúc nào cũng đi tò tò theo tôi. Tôi lang thang trong vườn, Bá cũng lang thang trong vườn. Tôi trèo lên cây mận, ngồi đu đưa trên nhánh cây cho đỡ buồn. Nó cũng trèo lên cây xoài ngồi dòm sang. Tôi ra ngoài bờ ao ngồi nhìn hoa sen, hoa súng. Nó cũng xách cần câu ra ngồi kế bên.
Nhưng mặc cho Bá lẽo đẽo bên cạnh, tôi không buồn trò chuyện với nó. Nó biết tôi "yêu là chết ở trong lòng một mớ" nên nó cũng không dám hé môi.
Mãi đến ngày thứ ba, Bá mới nhẹ nhàng khuyên tôi:
- Thôi, đừng buồn nữa! Thua keo này ta bày keo khác, Khoa ơi!
Tôi nhăn mặt:
- Mày nói hoài cũng có mỗi một câu đó, tao chán lắm rồi!
Bá đặt tay lên vai tôi:
- Đừng chán! Chán là hỏng bét! Mày yên tâm, tao vừa nghĩ ra một kế mới cho mày đây!
Tôi thở hắt ra:
- Mưu với chẳng kế! Mưu của mày là mưu chuột nhắt!
Bất chấp sự chế giễu của tôi, Bá vẫn thản nhiên trình bày kế hoạch:
- Sau ba ngày đêm nghiền ngẫm suy tư, tao vừa khám phá ra một việc trọng đại. Tấn công em bằng con đường văn thơ nhạc họa là sai lầm. Những trò lãng mạn đó chỉ dành cho những đứa khác. Còn với một em ham học như em Gia Khanh mày phải tấn công bằng con đường học tập!
Mặc dù chán "sư phụ" của mình đến tận cổ, tôi vẫn không nén được tò mò:
- Mày nói vậy nghĩa là sao?
Bá hăm hở giải thích:
- Nghĩa là muốn em Gia Khanh tự nguyện móc trái tim ra trao cho mình, mình phải lân la giúp đỡ em trong học tập!
Tôi trố mắt:
- Giúp đỡ Gia Khanh học tập? Tháng nào cũng xếp hạng trên tao, nó không giúp đỡ tao thì thôi, làm sao tao giúp đỡ nó nổi?
- Sao không nổi? Nó học giỏi nhưng đâu phải giỏi đều các môn! Cũng phải có môn nó yếu chứ!
Tôi nhìn Bá, bán tín bán nghi:
- Như môn nào chẳng hạn?
Bá cười toe:
- Vừa rồi, tao xem bảng điểm thấy nó yếu nhất ở môn... Anh văn.
Tôi thở dài thườn thượt:
- Tưởng nó yếu môn nào, nó yếu môn đó, mình biết cóc khô gì mà giúp!
Bá khịt mũi:
- Mày sao ưa bi quan quá! Muốn giỏi Anh văn thì chẳng có gì khó! Mày chỉ cần đi học thêm ba tháng là thừa sức làm thầy Gia Khanh! Lúc đó mày chỉ nó, nó sẽ nhìn mày như nhìn một... nhà ảo thuật đại tài!
Trước vẻ quả quyết của Bá, tôi chỉ có nước chắp tay xá dài:
- Thôi, thôi, tao lạy mày! Mày đừng xúi dại! Anh văn mà học ba tháng thì nhằm nhò gì! Tao bày đặt chỉ cho nó làm bài, rủi nó lãnh dê-rô, lúc đó tao chỉ có nước khăn gói về quê sớm!
Bá vẫn tìm cách thuyết phục tôi:
- Mày phải tự tin! Tao đã tính rồi...
Trước nay, bao giờ tôi cũng nghe lời Bá. Nhưng lần này tôi cương quyết "tẩy chay" kế hoạch khủng khiếp của nó. Tôi nhắm mắt và đưa tay bịt tai lại:
- Thôi, thôi đủ rồi! Không có tự tin tự tín tự tìn gì hết! Tao đã nói không là không!
Thấy tôi giở chứng ù lì, Bá khẽ lắc đầu và thở dài quay đi. Đợi nó đi một đỗi xa, tôi mới hé mắt nhìn theo. Dòm Bá thất tha thất thểu, tôi bỗng thấy tội tội. Chắc nó đang buồn nỗi buồn... sư phụ. Lần đầu tiên, sư phụ bị đệ tử đuổi như đuổi tà. Nhưng tôi biết làm sao! Nghe theo nó chắc đời tôi còn gặp lắm cảnh thương tâm!
Những ngày sau đó, không những tôi phải tránh Bá mà còn phải tránh mặt cả nhỏ Hồng. Bây giờ, nó đã biết tôi là nhà thơ K.K.K., chắc nó không để tôi yên.
Để tránh đụng độ với nó, bữa nào tôi cũng phải cố tình vào lớp trễ năm, mười phút. Nhỏ Hồng ngồi bàn trước, tôi ngồi bàn sau, khoảng cách an toàn chỉ là chân tơ kẽ tóc, tôi lò dò đi sớm, nó quay xuống nó hỏi tội, tôi hết đường tháo chạy. Gia Khanh nổi hứng hùa theo, chất vấn tôi về chuyện râu ria bữa trước, tôi càng tơi tả.
Ba mươi sáu chước, chước "đi trễ" xem ra dễ thở nhất. Đang bù đầu chép bài, lại thêm thầy cô "giám sát" bên cạnh, có cho vàng nhỏ Hồng cũng chẳng dám gây sự. Và hễ trống ra chơi vừa đánh "tùng, tùng" là tôi nhảy vội qua cửa sổ, tót ra sân không để cho nó kịp níu áo.
Nhưng nhỏ Hồng không phải là tay mơ. Tôi đã láu, nó còn láu hơn. Nó dùng phép của nhà Cô Tô Mộ Dung để trị tôi. Nó chơi đòn "gậy ông đập lưng ông". Tôi khù khờ đâu biết nó dùng ngay mẹo "đi trễ" của tôi để tóm cổ tôi.
Tôi chạy mặt nó được ba ngày, tưởng đã nín thở qua sông trót lọt, ai dè tới ngày thứ tư, đang nhơn nhơn ôm tập đến trường, tôi bỗng "đụng đầu" nó một cái cốp ngay trước cổng, tá hỏa tam tinh. Hóa ra nhỏ Hồng không thèm vô lớp. Nó rình ngay trước cổng để chộp tôi.
Bất ngờ thọ địch, tôi tái mặt và vội dáo dác dòm quanh. Nhưng tụi bạn lúc này đã vào học ráo trọi, tôi chẳng hy vọng gì tìm kiếm "viện binh".
Nhìn vẻ mặt hoang mang của tôi, nhỏ Hồng "kê" liền:
- Ông tìm ai mà láo liên vậy? Kiếm người "cứu bồ" hả?
Giọng nhỏ Hồng sắc lẻm như dao cau. Nó lại nói trúng ngay tim đen tôi khiến tôi chết sững. Tôi ấp úng:
- Đâu có!
Nhỏ Hồng nhìn tôi lừ lừ:
- Ông nói dối! Lúc này tôi biết là ông đang mong ông bạn "giáo sư" của ông tới giải vây cho ông. Ông sợ gặp tôi thấy mồ!
Tôi đỏ mặt:
- Hồng nghĩ sao ấy chứ! Tôi đâu có sợ gặp Hồng!
Thấy tôi chối dài, nhỏ Hồng nghinh mặt:
- Không sợ gặp tôi, sao ông đi trễ hoài vậy?
- À, à... - Tôi liếm môi - tôi đi trễ tại vì... tôi ngủ dậy trễ!
- Xạo ơi là xạo! - Nhỏ Hồng nhăn mặt kêu lên - Ông làm như ông ở một mình ngoài hoang đảo không bằng! Ông dậy trễ thì mấy ông bạn quí của ông phải kêu ông chứ!
Tôi gãi cổ:
- Tụi nó đâu có thèm kêu!
- Chứ không phải ông không thèm dậy hả?
Miệng lưỡi con nhỏ này độc địa quá chừng. Cái giọng khích bác của nó khiến tôi phát khùng. Nỗi sợ hãi bay vèo đâu mất, tôi đâm sẵng giọng:
- Nhưng việc gì tôi phải sợ ai! Tôi đi trễ bởi vì tôi thích đi trễ, thế thôi!
Nhỏ Hồng có vẻ khoái trá trước sự phẫn nộ của tôi, làm như cuộc đời của nó chỉ có mỗi một niềm vui là chọc cho người khác đổ quạu. Nó cười chúm chím:
- Ông anh hùng quá hén! Ông làm thơ ký tên K.K.K. để chửi xỏ nước da của tôi mà dám tuyên bố là không sợ gặp tôi hén!
Đang hùng hùng hổ hổ, nghe nhỏ Hồng nhắc chuyện thơ thẩn, tôi bỗng xụi lơ. Mặt tôi xịu xuống như quả bong bóng vừa bị gai đâm.
Thái độ của tôi càng khiến nhỏ Hồng hiểu lầm. Nó giở giọng nói kháy:
- Sao ông im re vậy? Bộ hết đường chối rồi hả?
Tôi cười như mếu:
- Việc gì tôi phải chối! Tôi là K.K.K. nhưng tôi không phải là K.K.K.!
Nhỏ Hồng tròn xoe mắt:
- Ông nói gì mà nghe bí hiểm quá vậy? Ông định chơi trò "đố mẹo" với tôi hả?
- Mưu mẹo gì đâu! - Sau một thoáng ngập ngừng, tôi buồn rầu thú thật - Bài thơ đó của tôi. Tôi ký tên là K.K. Nhưng khi đăng lên báo, thằng Ngữ lại thêm vào một chữ K. nữa. Chứ ai lại lấy cái bút hiệu kỳ cục đó!
Tôi nói thật nhưng nhỏ Hồng coi bộ không tin. Nó nhìn tôi với vẻ nghi hoặc:
- Ông làm như tôi là con nít không bằng! Ông Ngữ điên hay sao mà đi sửa bút hiệu của ông!
Tôi thở dài:
- Nó không điên. Nhưng nó ghét tôi. Nó ghét cái bút hiệu K.K. của tôi.
- Ghét cái bút hiệu? - Nhỏ Hồng chưng hửng - Bút hiệu của ông có cái gì mà ghét?
Thắc mắc của nhỏ Hồng khiến tôi giật mình nhận ra cuộc "tâm sự" đã đi quá xa. Xa đến mức không thể quay lại được nữa. Lúng ta lúng túng một hồi, tôi đành nuốt nước bọt, vụng về giải thích:
- Bởi vì trong hai chữ K. đó, một chữ là Khoa, chữ K. kia là... là...
Thấy tôi cà lăm, nhỏ Hồng lém lỉnh:
- Ông ngọng nghịu không nói được thì để tôi nói giùm cho. Chữ K. kia là Gia Khanh phải không?
Tôi không gật đầu mà cũng không lắc đầu. Tôi đứng như chôn chân xuống đất, mặt đỏ nhừ. Nhỏ Hồng phớt lờ nỗi xấu hổ của tôi. Nó thủng thỉnh nói tiếp:
- Còn ông Ngữ ghét ông bởi vì ông Ngữ cũng mắc bệnh... tương tư Gia Khanh giống như ông, đúng không?
Lần thứ hai tôi không trả lời câu hỏi của nhỏ Hồng. Tôi cũng không dám nhìn thẳng vào mắt nó. Tôi ngượng nghịu ngó lơ chỗ khác.
Nhưng nhỏ Hồng không để tôi yên. Giọng nói chua lè của nó vang lên bên tai khiến tôi đờ người ra:
- Lần trước ông thương tôi, ông bảo là "thương chơi". Còn lần này ông "thương chơi" hay là "thương thiệt" vậy?
Tôi đoán thế nào nhỏ Hồng cũng hỏi câu này. Nhưng tôi không tìm ra cách đối phó. Nếu bảo "thương chơi", nó về nó méc lại với Gia Khanh thì khốn. Đó là chưa kể nó nổi khùng lên nó chửi tôi tắt bếp. Nó sẽ bảo tôi "bước qua xác của phụ nữ". Nó sẽ đòi đem tôi ra bắn bỏ. Nhưng nói "thương thiệt" thì tôi không đủ can đảm. Tôi đã lỡ mang tiếng là "người mặt sắt", bây giờ thú nhận mọi chuyện, khác nào tôi tự kết án mình. Tụi con gái sẽ tha hồ chế nhạo tôi. Chúng sẽ bảo tôi là đồ đạo đức giả. Sắt của tôi là sắt dỏm, sắt phế liệu.
Lần đầu tiên trong đời, tôi lâm vào cảnh tấn thoái lưỡng nan, "chơi" hay "thiệt" đằng nào cũng dở.
Thấy tôi trầm tư lâu lắc, sợ tôi hóa đá, nhỏ Hồng thương hại mách nước:
- Như vậy là ông "thương thiệt" phải không? Ông cứ thú nhận đi, nếu đúng vậy, tôi gặp Gia Khanh tôi "nói vô" giùm cho!
Lời hứa hẹn của nhỏ Hồng hấp dẫn và bất ngờ đến mức tôi tưởng là tôi nghe lầm. Lúc nãy, khi tôi sượng sùng tiết lộ bút hiệu K.K. của tôi là do tên tôi và tên Gia Khanh ghép lại, tôi cứ đinh ninh nhỏ Hồng sẽ mỉa mai tôi ghê lắm, nào ngờ nó không những không "kết án" tôi mà còn ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi nữa. Quả thật điều đó khiến tôi bàng hoàng vô kể. Và tôi tin rằng nếu nhỏ Hồng chịu làm đúng như lời nó hứa thì chuyện tình cảm của tôi sẽ tiến vùn vụt như máy bay phản lực. Tôi sẽ bỏ tụi thằng Ngữ, thằng Nghị, thằng Hòa ở lại đằng sau xa lắc xa lơ. Các đối thủ của tôi lúc đó chỉ có nước ứa nước mắt tuyệt vọng nhìn theo. Hào hứng trước viễn anh sáng sủa đó, tôi không buồn giữ kẽ nữa. Tôi khẽ liếc nhỏ Hồng, thẹn thùng "nhận tội":
- Ừ, tôi... "thương thiệt"!
Nói xong, tôi bỗng cảm thấy nóng ran mày mặt. Tôi tưởng như tôi đang ăn cắp bị bắt quả tang. Tôi cúi đầu nhìn xuống đất và thấy những ngón chân mình đang ngọ nguậy một cách khổ sở bên trong quai dép. Tiếng nhỏ Hồng cười khúc khích bên tai càng khiến tôi bối tối tợn.
May sao lúc ấy tiếng trống đổi tiết học thình lình vang lên.
- Thôi, tôi vào lớp nghen!
Tôi vội vàng lên tiếng và không đợi cho nhỏ Hồng kịp có ý kiến, tôi dợm chân định bước.
Nhưng tôi chưa kịp tháo chạy, nhỏ Hồng đã lật đật ngăn lại. Nó kêu:
- Khoa khoan đi đã! Đứng lại Hồng nói cái này cho nghe nè!
Trời đất ơi, đang "ông ông tôi tôi" như hai kẻ tử thù, sao tự dưng nó chuyển tông thành "Khoa Khoa Hồng Hồng" nghe ngọt lịm như đường phèn vậy không biết! Hay là nó đang âm mưu hãm hại gì tôi đây? Tôi thấp thỏm nhủ bụng và rụt rè quay lại.
Và tôi vô cùng ngỡ ngàng khi bắt gặp trên gương mặt ngổ ngáo của nó nụ cười thân thiện và tia nhìn ấm áp tựa mùa hè xích đạo. Bất giác tôi khẽ mấp máy môi và hỏi lại, giọng cũng ngọt không kém:
- Hồng định nói gì nữa vậy?
Nhỏ Hồng không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Mà nó đố:
- Khoa có biết sáng nay Hồng đón đường Khoa để làm gì không?
- Thì để "hỏi tội" cái vụ K.K.K. chứ gì! - Tôi gượng gạo đáp.
- Không phải đâu! - Nhỏ Hồng cười láu lỉnh - Chuyện đó, Hồng chỉ đùa thôi! Thực ra, Hồng gặp Khoa là để mời Khoa đến nhà chơi!
- Mời đến nhà chơi? - Tôi kêu lên kinh ngạc.
- Ừ, mẹ Hồng mời. Mẹ Hồng bảo Hồng rủ Khoa đến chơi. Cả Hồng nữa, Hồng cũng mời Khoa. - Rồi nó nheo mắt nghịch ngợm - Chuyện hồi nhỏ, mẹ Hồng kể cho Hồng nghe hết rồi. Té ra Hồng và Khoa kết bạn với nhau lâu ghê hén!
Nói xong, nhỏ Hồng lại cười khúc khích. Tôi cũng bật cười. Và thở một hơi dài nhẹ nhõm. Thì ra vậy. Ông tôi đã cứu nhỏ Hồng, nhờ vậy ông cứu luôn cả tôi. Nếu hồi đó, mẹ nhỏ Hồng không mang nó đến cho ông tôi, chắc bữa nay nó mang tôi đến... nhà xác. Ơn đền oán trả, nhỏ Hồng không nỡ nặng tay với tôi. Ngược lại, nó còn niềm nở mời tôi đến nhà nó chơi. Từ nay trở đi, tôi khỏi cần nhờ Bá dùng kế "điệu hổ ly sơn" nữa. Chính cọp đã đích thân rủ tôi vào hang "đàm đạo". Chắc chắn nó sẽ không ăn thịt tôi. Mà sẽ tạo điều kiện cho tôi "xơi tái" con nai đang ở trọ trong hang nó. Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian. Chừng nào "xơi"? Ngay chiều nay chăng? Tôi không biết. Tôi nhìn nhỏ Hồng, nói đại:
- Chiều nay Khoa ghé!

Chương 18

Lịch sử thường đi những bước rất kỳ cục, ít ai lường trước được. Có khi nó rẽ ngoặt một trăm tám mươi độ khiến mọi thứ tưởng đã trật tự bỗng chốc trở nên lộn tùng phèo.
Tôi không nói ngoa. Từ ngày tôi thường xuyên lui tới nhà nhỏ Hồng, cán cân lực lượng giữa tôi và các đại kình địch bỗng thay đổi hẳn. Ưu thế bây giờ thuộc về tôi một cách rõ rệt.
Ngữ, Nghị, Hòa chỉ biết nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Ngay cả "giáo sư" Bá cũng không giấu vẻ ghen tức với tên đồ đệ may mắn của mình. Nó có vẻ ấm ức về chuyện tôi không cần nhờ nó mà vẫn tiếp cận được với Gia Khanh một cách ngon lành. Nó cảm giác nó là sư phụ dỏm. Nó mang mặc cảm bị tôi bỏ rơi. Mặt Bá cứ xụ xuống khiến tôi phải bỏ mất ba ngày để động viên nó, nào là tôi chẳng có tài cán gì, chỉ nhờ âm đức ông bà tôi mới có được hạnh phúc ngày hôm nay, nào là mặc dù đã được nhỏ Hồng hỗ trợ, tôi còn cần phải hỏi ý kiến nó dài dài trên con đường tình quanh co khúc khuỷu đang chờ tôi trước mặt, vân vân và vân vân...
Tôi tâng bốc một hồi, Bá tươi tỉnh lên liền. Nó quên phắt giận hờn, vỗ vai tôi khen ngợi:
- Mày khá lắm! Đúng là thánh nhân hay đãi kẻ khù khờ! Đối với mày bây giờ, những khó khăn lớn nhất đã ở lại phía sau!
Tôi chép miệng:
- Còn tao thì bây giờ tao mới thấy khó!
- Đừng nghĩ quẩn! Thời gian khó thực sự đã qua rồi!
Tôi chớp mắt:
- Nhưng mày phải cho tao biết tao nên làm gì trong lúc này chứ!
Bá khịt mũi:
- Chẳng làm gì sất! Cứ tới chơi và trò chuyện bình thường với nhỏ Hồng và Gia Khanh! Mày là lửa, Gia Khanh là rơm, xáp lại gần nhau trước sau gì cũng xảy ra "hỏa hoạn", mày đừng lo!
Bá nói có sách, mách có chứng. Chiến thuật của nó, binh pháp cổ gọi là "bất chiến tự nhiên thành". Nhưng tôi chẳng muốn thực hiện kế hoạch "không chiến" đó. Tôi muốn "tử chiến" kia. Luồn lách cực khổ bao tháng ngày, nay mới có dịp tiếp cận với đối phương mà "không chiến" thì uổng quá!
Trong khi tôi đang lưỡng lự không biết có nên làm theo lời Bá hay không thì một hôm, nhân lúc nhỏ Hồng đi vắng, Gia Khanh đột ngột hỏi tôi:
- Nghe nói hôm trước Khoa làm thơ tặng Gia Khanh phải không?
Tôi không bao giờ chờ đợi một câu hỏi gây cấn như thế. Vì vậy khi Gia Khanh tung câu hỏi ra như tung một cú đấm quyền Anh, tôi lặng người mất mấy phút. Mãi một hồi lâu, tôi mới mở miệng lí nhí đáp:
- Phải.
- Rồi Khoa lại vẽ hình tặng Gia Khanh nữa phải không? - Gia Khanh tiếp tục gặng hỏi.
Tôi gật đầu một cách khó khăn, bụng hoang mang vô kể. Tôi không hiểu Gia Khanh sẽ dẫn tôi đến đâu với những câu hỏi cắc cớ của nó. Hay nó định nhắc lại râu ria hôm nọ?
Dường như Gia Khanh đọc được nỗi lo âu trong mắt tôi nên nó mỉm cười trấn an:
- Gia Khanh chỉ hỏi vậy thôi, chẳng có gì quan trọng đâu! Nhưng từ nay về sau, Khoa đừng làm thơ hay vẽ tranh cho Gia Khanh nữa! Đừng làm gì hết. Khoa đến đây chơi là được rồi!
Cho tới lúc đó, tôi mới bần thần hiểu ra Gia Khanh là một đứa cực kỳ bản lĩnh. Nó chẳng ngây ngô như tôi hằng tưởng. Nó chẳng phải là "con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô" ở trong thơ Lưu Trọng Lư. Dám ở chung với cọp, bét nhất nó cũng là... tê giác. Nhưng dù bây giờ Gia Khanh có là gì đi nữa, tôi cũng đã "lỡ yêu rồi, làm sao quên được em ơi...".
Khi tôi thuật lại chuyện này với Bá, nó phấn khởi bình luận:
- Vậy là ngon lành rồi!
- Ngon lành cái khỉ mốc! - Tôi nhăn mặt - Nó chẳng thèm màng đến thơ và tranh của tao mà mày bảo là ngon lành!
Bá bĩu môi:
- Mày ngốc quá! Thơ văn nhạc họa chỉ là phương tiện bày tỏ tình cảm. Khi em bảo như vậy, ý em muốn nói là mục đích đã đạt được rồi, đâu cần phương tiện nữa làm chi!
Phân tích của Bá khiến tôi ngẩn ngơ. Tôi bâng khuâng hỏi:
- Vậy tao khỏi cần làm thơ nữa?
- Khỏi.
- Khỏi cần vẽ tranh?
- Khỏi luôn.
- Khỏi làm gì hết?
- Đúng. Khỏi làm gì hết. Mày cứ nghe lời em. Chỉ đến chơi thôi.
Tôi chớp mắt:
- Thế còn tụi kia?
- Tụi nào?
- Tụi thằng Ngữ, thằng Hòa.
Bá nhún vai:
- Tụi nó bây giờ chỉ có nước đi theo xách dép cho mày và Gia Khanh.
- Thế còn thằng Nghị tẩm ngẩm tầm ngầm?
Bá cười khảy:
- Thằng Nghị cũng vậy. Trước đây, tao còn "ngán" nó, nhưng kể từ khi em Gia Khanh ngầm tuyên bố yêu mày, thằng Nghị trở thành đồ bỏ. Bây giờ mày là Sơn Tinh, ba đứa kia là Thủy Tinh.
Thấy Bá bốc tôi lên tận mây xanh, bụng tôi sướng rơn. Nhưng tôi vẫn dè dặt hỏi lại:
- Làm gì có chuyện Gia Khanh tuyên bố yêu tao?
Bá hừ giọng:
- Mày biết tỏng bụng dạ của em rồi mà còn làm bộ! Không yêu mày, sức mấy em chịu để mày đến nhà chơi. Hoặc giả mẹ nhỏ Hồng có mời mày đến, em cũng tìm cách lỉnh đi chỗ khác chứ đời nào ngồi trò chuyện với mày!
Bá lý luận chặt chẽ và hùng hồn đến mức tôi không thể không tin nó. Thế là tôi gục gặc đầu, mặt mày sáng rỡ:
- Ờ hén! Em yêu tao mà tao đâu có biết! Tao khờ ghê!
Kể từ hôm đó, tôi tự coi mình là Sơn Tinh. Tôi không sợ các đối thủ của tôi phỗng tay tay trên nữa. Tôi ăn nói dạn dĩ hơn. Và đi dứng cũng khệnh khạng hơn.
Ngược lại, các đối thủ của tôi ngán tôi thấy rõ. Ông ngoại của tụi nó đâu có làm nghề thuốc như ông ngoại của tôi. Tụi nó chẳng có lý do gì để bén mảng đến nhà nhỏ Hồng. Thấy tôi ngày nào cũng tới thủ thỉ tâm tình với Gia Khanh, khối đứa thèm nhỏ dãi, tức anh ách mà chẳng biết làm sao.
Rốt cuộc, nhà thơ Ngu Kha đành tiếp tục cặm cụi... làm thơ. Ca sĩ Hòa lé tiếp tục... ca. Nghị chẳng có năng khiếu gì. Vũ khí của nó là chiếc honda. Nó xách xe lượn vòng vèo suốt ngày ngoài phố. Một hôm, Ngữ chìa một tờ giấy ra trước mặt tôi:
- Cho mày xem nè!
Tôi tò mò:
- Gì vậy?
- Thì mày đọc đi! Thơ!
Tôi vừa cầm tờ giấy vừa hững hờ hỏi:
- Thơ của mày hả?
Ngữ nháy mắt:
- Thơ của tao thì nói làm gì! Đây là thơ của em Gia Khanh gửi cho tao!
Tôi giật thót:
- Thơ Gia Khanh gửi cho mày?
- Chứ sao!
Tôi bán tín bán nghi, cúi đầu dòm vô tờ giấy. Đó là một bài thơ bốn câu, được viết bởi một nét chữ nguệch ngoạc, xiêu vẹo. Tôi bất giác buột miệng:
- Đâu phải nét chữ Gia Khanh!
Ngữ ỡm ờ:
- Thì đâu phải chữ nó. Ngu gì nó viết cho lộ bí mật. Nó nhờ người khác.
Ngữ nói kiểu đó, tôi hết đường bắt bẻ. Tôi nhẩm đọc bài thơ xem thử nó nói gì. Bài thơ viết:
Những bài thơ anh viết
Em đọc đã thuộc lòng
Dẫu là chim xứ lạ
Vẫn biết tình anh mong!
Bài thơ có bốn câu nhưng tình ý dạt dào. Và rõ ràng là nói đến Ngữ. Lần trước Ngữ làm thơ "phỏng vấn": "Em là chim xứ lạ, có hiểu tình anh không?" Bây giờ người đẹp trả lời nó. Mà trả lời như vậy có khác nào đáp lại tình yêu của nó. Tôi xoay ngang xoay dọc tờ giấy trên tay, mắt hoa lên, đầu óc lơ lơ lửng lửng. Cho đến khi Ngữ đòi lại bài thơ tôi mới hoàn hồn. Tôi đưa tờ giấy cho nó, giọng ngờ vực:
- Tao không tin bài thơ này là của Gia Khanh.
Ngữ nhếch mép:
- Tin hay không mày hỏi em là biết liền!
Vẻ thản nhiên của Ngữ làm tôi đâm hoảng. Tôi liền chạy đi tìm sư phụ vấn kế. Nghe tôi kể xong, Bá hừ mũi:
- Thằng Ngữ xạo! Chính nó là tác giả bài thơ đó!
Tôi nhẹ nhõm:
- Thơ của nó?
- Chứ ai vô đây!
Tôi nhíu mày:
- Vậy sao nó dá thách tao đi hỏi Gia Khanh?
Bá hắng giọng:
- Đó là mưu độc của nó. Khi đưa bài thơ ra, trước hết nó muốn thăm dò chuyện tình cảm của mày. Thời gian gần đây, thấy mày thường lui tới chỗ Gia Khanh, nó lo lắng không biết mày đã "làm ăn" tới đâu rồi. Vì vậy nó tung bài thơ ra để làm một phép thử. Nếu mày khẳng định ngay bài thơ đó là "hàng giả", tức là tình cảm giữa mày và Gia Khanh tiến triển rất xa rồi. Còn nếu mày lộ vẻ bán tín bán nghi có nghĩa là giữa mày với Gia Khanh vẫn chưa có gì đáng kể. Rồi mày mà nghe lời nó xúi dại, lật đật đi hỏi Gia Khanh về chuyện bài thơ, mọi chuyện sẽ hỏng bét. Gia Khanh sẽ đánh giá mày là một đứa hời hợt, không tin vào tình yêu của nó mà đi tin những điều vớ vẩn. Em sẽ tống cổ mày ra đường cho mày đi lượm... bao ny lông.
Bá nói đến đâu, mồ hôi tôi chảy ra đến đó. Hóa ra thằng Ngữ này mưu sâu kế hiểm quá chừng. Nếu tôi không có một sư phụ tài ba như Bá, hẳn tôi đã mắc bẫy nó. Thật hú vía!
Tôi xúc động cầm tay Bá, nịnh nọt:
- Mày thông minh ghê!
- Còn phải nói!
Bá đáp lại cũng bằng một giọng xúc động không kém.
Đang miên man trong nỗi nghẹn ngào, tôi bỗng giật mình nhớ ra một chuyện, liền kêu lên:
- Nguy rồi Bá ơi!
- Gì vậy?
- Như vậy là thằng Ngữ đã biết giữa tao và Gia Khanh chưa có gì. Khi nãy, đọc bài thơ, tao tỏ vẻ nghi nghi ngờ ngờ.
Bá khoát tay:
- Đừng lo! Trường hợp của mày là trường hợp đặc biệt. Cái "có gì" của tụi mày là cái "có gì" kín đáo, người ngoài làm sao biết được. Mày phải tin vào tình yêu thầm lặng mà Gia Khanh dành cho mày.
Bá bảo tôi tin, tôi buộc phải tin. Chứ thực ra tình cảm của Gia Khanh kín đáo đến mức không những "người ngoài" mà cả "người trong" như tôi cũng không cách nào biết đích xác được. Ngay cả nhỏ Hồng cũng không "moi" được điều gì. Từ ngày phát hiện ra chuyện đời xửa đời xưa giữa tôi và nó, nhỏ Hồng đã đối xử với tôi rất mực dịu dàng, tử tế. Thậm chí nó còn xung phong làm "gián điệp" không công cho tôi. Nhưng sau một thời gian lân la dò xét, nhỏ Hồng gặp tôi, thở dài thông báo:
Chịu thôi, Khoa ơi! Gia Khanh nó kín như bưng. Hồng hỏi gì nó cũng cười cười không nói.
Không nhận được nguồn tin chính thức, tôi đành phải bằng lòng với suy luận của Bá. Rằng đích thị Gia Khanh đã yêu tôi lắm lắm rồi. Chỉ có điều nó e thẹn nó không nói ra miệng đó thôi.
Tôi tin như vậy. Và dường như các đối thủ của tôi cũng tin như vậy. Cho nên tụi nó tăng cường hoạt động đến chóng mặt để mong thay đổi tình hình. Nhất là khi chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa năm học sẽ kết thúc. Những ngày này, những tán phượng trước sân trường đã lác đác ra hoa và lũ ve đã bắt đầu thi nhau kéo đàn trong lá.
Con nhà Nghị vốn trầm ngâm ít nói, vậy mà mấy hôm nay cũng đã nhiễm thói ba hoa của Ngữ và Bá. Bữa ăn nào, nó cũng rêu rao:
- Gia Khanh đã hẹn với tao rồi! Hè này, nó nhờ tao chở nó về Hội An!
Thái độ khoe khoang của Nghị nhanh chóng phá vỡ sự đoàn kết của phe Anh văn. Ngữ cà khịa liền:
- Mày chở nó bằng cách nó ngồi trên xe đò, còn mày chạy honda đằng sau chứ gì?
Nghị đỏ mặt:
- Bậy! Tao chở nó trên xe tao đàng hoàng! Tao ngồi đằng trước, nó ngồi đằng sau... ôm eo ếch!
Hòa lé cười mũi:
- Mày kể chuyện cổ tích hay chuyện khoa học viễn tưởng vậy?
Trước tình thế bị tấn công dồn dập, Nghị chột dạ. Nó không dám huênh hoang nữa. Mà chỉ nhún vai, gọn lỏn:
- Để rồi xem!
Tôi nghi thằng Nghị bốc phét cho sướng miệng. Nhưng Bá lại lộ vẻ lo âu. Nó liếc tôi, giọng nghiêm trọng:
- Thằng Nghị nói thật đấy! Nó là đứa nghiêm túc, trước nay chưa bịa chuyện bao giờ!
Tôi liếm môi:
- Tao không tin.
- Tin hay không tùy mày! Nhưng mày phải cảnh giác!
Tôi tự ái:
- Cảnh giác quái gì! Sao mày bảo Gia Khanh yêu tao?
Trước sự vặn vẹo của tôi, Bá chẳng hề lúng túng chút nào. Nó thản nhiên đáp:
- Thì Gia Khanh yêu mày, nhưng nửa chừng nó nhảy sang yêu người khác mấy hồi! Tâm địa của tụi con gái biết đâu mà lường!
Bá là đứa không có lập trường. Nó nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Thằng Nghị mới hù một phát, nó đã quýnh và bắt đầu ăn nói vung vít. Thấy nó xúc phạm đến "người yêu" của tôi, tôi đâm cáu:
- Mày đừng có nói xấu người khác!
Thấy tôi nổi dóa, Bá làm thinh. Nếu như trước đây, nó đã vặc lại tôi. Nhưng bây giờ, Bá đã thay đổi nhiều. Sau vài lần bị tôi "tẩy chay", Bá có vẻ mềm mỏng hơn. Hẳn nó thừa thông minh để hiểu rằng đối với một người đang yêu, chẳng có quyền uy nào có thể khuất phục được.
Bá không sửng cồ với tôi. Nhưng nó bỏ đi. Thời gian gần đây hễ đụng độ với tôi bao giờ Bá cũng lặng lẽ bỏ đi. Nó đâu có biết rằng những lúc như vậy, tôi buồn lắm. Buồn một hồi, tôi đâm giận Nghị. Đầu đuôi cũng tại nó. Ai bảo nó đem khoe chuyện Gia Khanh nhờ nó chở về quê!
Nhưng không phải chỉ có Nghị chơi trò chiến tranh tâm lý. Hòa lé gần đây cũng bô bô:
- Tao đã nói chuyện với Gia Khanh rồi! Kết quả mỹ mãn!
Tuyên bố của Hòa lé chẳng gặp phản ứng gì. Chẳng ai buồn hỏi nó đã nói chuyện gì với Gia Khanh. Không hỏi cũng biết, vì vậy không đứa nào buồn mở miệng. Có điều lạ là cũng không đứa nào lên tiếng chọc quê Hòa, kể cả những đứa chuyên xỏ xiên như Ngữ và Bá. Có lẽ vào những ngày cuối cùng, mỗi đứa trong tụi tôi đã chán công kích lẫn nhau. Chúng tôi đi vào hoạt động bề sâu: âm thầm dò xét và cố phán đoán xem đứa nào nói thật, đứa nào nói dối, và điều quan trọng nhất là đoán xem đứa nào đã thật sự chinh phục được sao chổi Halley.
Nếu Bá bị Nghị lung lạc thì tôi lại bị Hòa lung lay. Đối với tôi, những thông báo tình cảm của Hòa dù sao cũng có cơ sở hơn những lời rêu rao của Nghị. Để tập dượt văn nghệ chuẩn bị cho liên hoan bế giảng, gần mười ngày nay, Hòa thường xuyên "cặp kè" với Gia Khanh. Và trong thời điểm sắp sửa "chia tay mùa hạ" này, rất có thể Hòa đã tỏ tình với Gia Khanh. Và cũng rất có thể Gia Khanh đã...

Đã gì? Tôi không dám nghĩ tiếp. Chỉ nghĩ đến mấy chữ "kết quả mỹ mãn" mà Hòa hí hửng khoe khoang, lòng tôi đã trĩu buồn lo. Mà không lo sao được, khi những ngày gần đây, đến chơi nhà nhỏ Hồng, họa hoằn lắm tôi mới gặp được Gia Khanh. Nó cứ theo thằng Hòa tếch đi tận đẩy tận đâu. Những lúc ấy, lủi thủi trên đường về, tôi lại ray rứt nhớ tới ước mơ trở thành ca sĩ ngày nào.



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 1
C-STAT