watch sexy videos at nza-vids!
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện áo trắng


Chương 29

Công việc dạy học mới mẻ và vất vả cũng giúp tôi nguôi ngoai phần nào đau khổ. Chỗ tôi dạy là một vùng quê hẻo lánh, trường lớp lụp xụp, học trò thì lôi thôi lếch thếch. Thầy và trò không chỉ dạy học mà còn xúm nhau lợp nhà, đắp vách, san nền, đóng bàn đóng ghế. Khi rảnh, học trò còn dắt thầy đi câu cá, đào khoai.

Tình cảm thân thiết của học trò và sự quí mến của bà con địa phương đã giúp tôi khuây khỏa rất nhiều.

Và chính bản thân tôi cũng bắt tôi ngày đêm lao đầu vào công việc không một phút giây xao lãng, một phần vì thương học trò, phần khác để đầu óc không có thì giờ rảnh rỗi nghĩ ngợi vu vơ.

Nhờ vậy, tôi không có nhiều thời gian để nhìn ngắm và gặm nhấm nỗi đau khổ của mình. Thậm chí có lúc tôi tưởng đã có thể quên được Quỳnh và tôi vừa mong vừa không mong điều đó xảy ra.

Nhưng rồi dần dần tôi phát hiện ra tình yêu của tôi đối với Quỳnh vẫn còn sống mãnh liệt trong tôi, không cháy bỏng như trước đây nhưng dai dẳng, âm ỉ, không phai nhạt và han gỉ một chút nào. Thường ngày nó bị đè nén dưới xô bồ công việc, dưới sự cưỡng bách của ý chí, nhưng cũng như con thú bị nhốt trong chuồng chỉ chực chờ sự lơi lỏng của tôi là nó lại vùng thoát ra và kêu lên những tiếng kêu nhói buốt.

Nhất là vào những mùa nổi, nỗi nhớ Quỳnh dâng lên từng ngày theo con nước. Ngó ra tứ bề trời nước bao la, lòng tôi không khỏi dợn buồn. Những hình ảnh êm đẹp ngày nào lại hiện về nhức nhối.

Buổi chiều ngắm mặt trời lặn bên kia rặng tràm, tôi nhớ Quỳnh. Buổi tối nằm nghe gió hú trên mái lá, tôi nhớ Quỳnh. Buổi sáng vừa mở mắt ra, tôi lại nhớ Quỳnh. Nhưng nỗi nhớ ban ngày dù sao cũng không đến nỗi dai dẳng lắm. Tôi có thể vùi đầu vào soạn giáo án hoặc xách cuốc ra vườn khơi mương, dẫy cỏ để xua đuổi nó đi. Chỉ trong những giấc mơ, tôi hoàn toàn bất lực trong việc ngăn cản sự đùa cợt tàn nhẫn của Qùynh. Cô bé hiện đến và cũng y như ngày xưa, kêu tôi chở đi học trên những con đường quen thuộc, rồi lại nhõng nhẽo bắt tôi trèo lên hái hoa trên cây sứ năm nào. Khi tôi tụt xuống đất đưa chùm hoa cho Quỳnh, cô bé cười với tôi bằng mắt và chìa tay ra :

- Anh cầm tay em đi!

- Chi vậy?

- Dắt em đi chơi!

Tôi sung sướng nắm bàn tay xinh xắn, ấm áp của Quỳnh nhưng chưa kịp bước đi, ba Quỳnh đã xuất hiện với nét mặt giận dữ :

- Bỏ tay ra!

Tôi giật mình thức giấc và thấy hai tay mình đang đặt trên ngực, tay này đang nắm lấy tay kia. Những lúc ấy tôi chỉ biết thở dài nằm chờ sáng. Ngủ lại, tôi sợ Quỳnh lại hiện về đùa cợt với trái tim đang ốm của tôi.

Nằm thao thức day qua trở lại, bất chợt tôi nhớ đến câu Kiều tôi đọc trong kỳ thi vấn đáp năm xưa :

- Khi về hỏi liễu Chương đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay?

Và tôi buồn rầu tự hỏi không biết bây giờ Quỳnh đã có "người mới" nào chưa. Ý nghĩ đột ngột đó càng làm tôi thêm day dứt. Mà tình yêu cũng thật lạ, nhiều khi tôi cũng lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao Quỳnh đã cư xử với tôi tệ bạc như thế, tôi vẫn cứ nuôi trong lòng một tình yêu đẹp đẽ và một niềm hy vọng mơ hồ đối với Quỳnh. Đã nhiều lần tôi tìm mọi lý lẽ để lên án Quỳnh, để tự chứng minh rằng đó là một con người tầm thường, bội bạc, không đáng để nhớ thương chút nào nhưng vẫn không sao thuyết phục được trái tim ngốc nghếch, ù lì của tôi.

Chính vì vậy mà mặc dù Quỳnh đã thực sự quay lưng với tôi, tôi vẫn thấp thỏm lo sợ Quỳnh sẽ đến với một người con trai khác.

Nhưng tôi, kẻ đang ở xa Quỳnh hàng trăm cây số về khoảng cách địa lý và hàng tỉ tỉ năm ánh sáng về khoảng cách tình cảm, làm sao có thể ngăn chặn được điều không may đó!

Trong một lá thư gởi cho tôi vào khoảng cuối năm dạy học đầu tiên, Lan Anh báo cho tôi biết Quỳnh đã có người yêu mới. Đó là anh Phong, bí thư phường đoàn.

Từ lâu tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận loại tin "báo tử" này nhưng khi đọc thư Lan Anh ,tôi vẫn rơi vào trạng thái sững sờ, cay đắng. Thế là "cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay"! Đối với tôi, mọi chuyện thế là xong, u ám, đen đủi. Bây giờ tôi chỉ muốn nói với Quỳnh một điều : Hãy tha cho anh, đừng trở về đêm đêm bắt anh dắt em đi chơi nữa!

Sau khi nhận được tin đó, tôi chẳng còn thiết tha viết thư về cho dì tôi và Lan Anh nữa. Tôi sợ những lá thư của người quen sẽ làm tôi nhớ đến mối tình tôi đang muốn quên đi. Hè đó, tôi ở luôn lại trường, không về thành phố. Qua năm sau, tôi được điều động qua dạy một trường khác và tiếp tục im hơi lặng tiếng suôt' một thời gian dài, cắt đứt liên lạc thư từ với mọi người, trừ Bảo, Kim Dung và gia đình tôi ngoài quê. Trong những lá thư viết cho tôi, Bảo và Kim Dung chửi tôi tơi bời về chuyện tôi liên tiếp không thực hiện nghiêm chỉnh cái khoản "đúng bốn giờ chiều ngày một tháng bảy hằng năm" mà chúng tôi đã đề ra. Tôi chỉ biết viết thư xin lỗi và "nhận khuyết điểm" chứ không tiện giải thích lý do.

Hai năm sau, cảm thấy mình đã biệt tích quá lâu, cảm thấy nhớ dì dượng tôi, nhớ Lan Anh, nhớ Trâm, nhớ Kim Dung và Bảo da diết, tôi lần mò trở về thành phố. Lúc này, tôi tin rằng mặc dù tôi vẫn còn yêu Quỳnh nhưng nỗi đau khổ đã lặng dần theo thời gian, không còn cồn cào đến mức có thể gây cho tôi những cú sốc như ngày nào.

Vừa thấy tôi ló mặt vô cửa, Lan Anh đứng bật dậy khỏi đi-văng, sửng sốt :

- Trời đất ơi, anh Chương đó hả?

Tôi mỉm cười :

- Thì anh chứ ai!

Lan Anh lộ vẻ mừng rỡ nửa như muốn chạy lại ôm tôi như ngày nào nửa ngần ngừ mắc cỡ. Bây giờ nó đã là một cô gái phổng phao, xinh đẹp ra trò nên nó chỉ dám nắm tay tôi hỏi :

- Anh đi đâu mà biệt tăm biệt tích vậy?

- Thì anh vẫn dạy học dưới đó!

- Sao bao nhiêu thư em gửi cho anh đều bị trả lại hết?

- Tại anh chuyển sang trường khác.

Nó cấu tôi một cái đau điếng :

- Vậy mà không báo cho em biết!

Tôi cười hì hì, không trả lời. Nhưng có lẽ Lan Anh đoán biết lý do nên nó không hỏi tới. Nó ngắm nghía tôi kỹ lưỡng một lúc rồi nhận xét :

- Anh đen thùi lùi!

Bất giác tôi nhìn xuống hai cánh tay mình. Đúng là so với hồi còn ở thành phố, da tôi bây giờ sạm đi nhiều vì nắng gió. Nhưng Lan Anh nhận xét như vậy còn nhẹ. Lát nữa Trâm nhìn thấy tôi, dám nó trợn mắt phát biểu oang oang :

- Trông anh đen thui như cục than hầm!

Nghĩ tới Trâm, tự nhiên tôi nôn nao muốn gặp nó ngay. Tôi hỏi Lan Anh :

- Chị Trâm có nhà không?

Lan Anh không trả lời mà nhìn xuống đất. Thái độ khác thường của nó khiến tôi bỗng tái hẳn người đi. Tôi nắm hai vai Lan Anh lay mạnh :

- Có chuyện gì vậy em? Chị Trâm đâu rồi?

Như không nén được, Lan Anh đột ngột ôm chầm lấy tôi và gục đầu lên vai tôi khóc rưng rức. Và trong những tiếng nức nở xé gan xé ruột đó, tôi nghe như vẳng lại từ cõi xa xăm nào một giọng nói đứt quãng, nghẹn ngào :

- Chị Trâm chết rồi!

Tôi như bị đóng đinh xuống đất, người chết điếng. Sự thật hãi hùng đến mức tôi không thể nào tin được. Tôi hỏi một câu ngô nghê và cố nghĩ Lan Anh sẽ lắc đầu :

- Có thật không em?

Nghe tôi hỏi, thay vì trả lời, Lan Anh càng khóc to hơn. Còn tôi thì rơi vào một trạng thái đờ đẫn kỳ lạ.

Không buồn bã, không khổ đau, không một cảm giác gì rõ rệt, tôi thấy mình đang bước đi trên những cụm mây trắng nõn đuổi theo Trâm, mặc những giọt lệ ướt đẫm hai má và mằn mặn, bỏng rát trên môi. Trâm đi phía trước, thỉnh thoảng quay lại nháy mắt và mỉm cười nghịch ngợm với tôi. Nhưng dù tôi cố hết sức chạy theo vẫn không làm sao đuổi kịp Trâm. Khoảng cách giữa hai đứa mỗi ngày một xa. Tôi hốt hoảng kêu lên :

- Trâm ơi, chờ tôi với!

Trâm liền đứng lại và quay nhìn tôi. Tôi thấy Trâm không cười nữa. Mà Trâm khóc, hệt như đêm hôm nào Trâm tiễn tôi lên đường. Và cũng như đêm hôm ấy, Trâm nói :

- Anh đừng buồn nữa nghen!

Tôi gật đầu.

- Tính tôi bộp chộp, ưa nghịch phá, có gì anh đừng giận tôi nghen!

Tôi lại gật đầu.

- Mai mốt đi dạy xa có cần gì anh biên thư cho tôi nghen!

- Ừ, tôi sẽ biên thư cho Trâm! - Tôi sụt sịt nói.

- Rồi chừng nào nghỉ hè anh nhớ về thăm tôi nghen!

Tôi quệt nước mắt, đáp :

- Ừ, tôi sẽ về thăm Trâm!

Đột nhiên Trâm thở dài :

- Nhưng mà rồi anh đâu có biên thư cho tôi, nghỉ hè anh cũng đâu có về thăm tôi! Thôi anh ở lại đi, tôi đi đây!

Trâm vừa nói dứt, tôi không còn thấy Trâm đâu nữa. Chỉ có Lan Anh vẫn đang thổn thức trên vai tôi.

Chương 30

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Trâm đang là phó bí thư phường đoàn, đã tình nguyện đi bộ đội, bất chấp sự ngăn cản quyết liệt của gia đình. Tám tháng sau, Trâm hy sinh ở Xa-Mát, Tây Ninh. Ngày tôi về lại thành phố, Trâm đã mất hơn một năm.

Trước khi nhập ngũ, Trâm có viết thư cho tôi một lá thư nhờ Lan Anh chuyển. Nhưng lúc đó tôi đã chuyển sang trường mới, thư không có người nhận nên bị trả lại.

Lan Anh kể xong, liền chạy đi lấy lá thư của Trâm đưa cho tôi.

Tôi run run cầm lá thư. Phong bì đã ngả vàng, bên ngoài đề địa chỉ trường cũ của tôi. Địa chỉ này chắc Trâm hỏi Lan Anh. Tôi bồi hồi xé phong bì và mở thư ra đọc.

Trâm viết :

Anh Chương thân mến,

Khi anh nhận được thư này, có lẽ tôi đã lên đường ra biên giới. Kỳ hè vừa rồi, tôi ngóng anh dài cổ nhưng chẳng thấy anh về. Nhưng tôi cũng đoán ra được lý do tại sao anh không về nên tôi chẳng trách anh đâu.

Anh cứ yên tâm mà trốn kỹ dưới đó đến chừng nào anh cảm thấy mọi chuyện đã thực sự qua đi. Dù sao tôi cũng tiếc là không được gặp anh một lần trước khi đi. Trong thời gian qua, tôi luôn luôn coi anh như một người anh, một người bạn thân trong gia đình và tôi cũng luôn luôn mong mỏi chuyện tình cảm của anh và con Quỳnh sẽ dẫn đến một kết thúc tốt đẹp, vui vẻ. Lúc đó, tôi sẽ rất sung sướng được coi anh là em rể của tôi và tôi sẽ tha hồ ăn hiếp anh. Nhưng rốt cuộc mọi chuyện lại chẳng đi tới đâu.

Ngay lúc này đây, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ với anh, với dì Ba, với nhỏ Lan Anh về thái độ của gia đình tôi đối với anh trong những ngày vừa qua. Lúc trước, có một lần anh hỏi tôi về những thay đổi tình cảm của con Quỳnh, tôi nói với anh là tôi chưa thể trả lời được. Và bây giờ, không gặp anh thì qua lá thư này tôi sẽ nói cho anh rõ để tôi khỏi áy náy trước khi đi xa.

Chuyện bắt đầu từ hồi mới giải phóng, lúc anh về thăm quê. Trong những ngày đó, ba tôi có họp gia đình lại để tính toán công việc và bàn định tương lai cho mấy đứa tôi. Bữa đó, mẹ tôi có nêu chuyện của anh với con Quỳnh và kể lại những điều trao đổi giữa mẹ tôi và dì anh trước đây. Ba tôi gạt phắt với lý do gia đình tôi bây giờ là gia đình cách mạng, ba tôi là đảng viên, là cán bộ cách mạng trong khi ba anh là sĩ quan chế độ cũ và đang chuẩn bị đi học tập cải tạo. Do đó, nếu lấy anh, lý lịch con Quỳnh sẽ bị ảnh hưởng và tương lai không phát triển được. Mẹ tôi hồi nào đến giờ vẫn phục tùng ba tôi nên không cãi lại tiếng nào. Chị Kim không phát biểu ý kiến riêng mà quay lại hỏi con Quỳnh. Lúc đó, con Quỳnh khóc, nó nói là nó yêu anh. Ba tôi nạt một tiếng, nó ngồi im và sau đó chạy lên gác nằm khóc tiếp. Chỉ có tôi vốn quen tính bướng bỉnh nên dám cãi lại ba tôi. Tôi hỏi tại sao ba tôi vẫn thường khen anh là một thanh niên tốt mà bây giờ lại không cho con Quỳnh lấy anh. Ba tôi nói sợ ảnh hưởng về sau. Tôi nói : chuyện về sau làm sao biết được và xử sự như vậy là ích kỷ. Ba tôi mắng tôi hỗn và nói đó là làm theo quan điểm cách mạng. Tôi lại cãi : cách mạng đem lại hạnh phúc cho con người chứ đâu có phá hoại hạnh phúc của con người! Ba tôi gầm lên : mày nói ai phá hoại, và tát cho tôi một cái như trời giáng. Tối đó, tôi và con Quỳnh nằm ôm nhau khóc rấm rứt. Lúc đó, tôi thương con Quỳnh dễ sợ!

Nhưng tôi vẫn nghĩ mọi chuyện sẽ không đến nỗi nào. Tôi làm công tác đoàn nên có quen biết nhiều chú, nhiều anh từ trên quận xuống làm việc. Gặp ai, tôi cũng hỏi quan điểm của họ về chuyện anh và con Quỳnh. Một số người cho ba tôi đúng. Nhưng cũng có một số người cho ba tôi sai. Nghe vậy, tôi mừng lắm. Vì qua đó tôi biết rằng đây không phải là chủ trương chính sách của cách mạng mà chỉ là quan điểm của mỗi cá nhân, bởi vì nếu là chủ trương, chính sách thì mọi cán bộ, đảng viên đều phải thống nhất chứ đâu có kiểu mỗi người nói một cách như vậy.

Tôi về bàn với con Quỳnh và rủ nó cùng thuyết phục ba tôi. Nhưng ba tôi vẫn không lay chuyển. Ông mắng cả hai đứa nhưng cho tôi là đứa xúi giục nên lại tặng tôi thêm một cái tát.

Mặc dù bị đánh đau nhưng tôi không hề sợ hãi vì tôi tin rằng tôi đang làm một việc đúng đắn để bảo vệ hạnh phúc của anh và con Quỳnh. Tôi dự định sẽ nhờ một số chú ở trên quận có quan điểm rộng rãi về chuyện này đến nói chuyện và thuyết phục ba tôi. Còn nếu không được, tôi sẽ tính cách khác.

Không ngờ tôi chưa kịp làm gì, con Quỳnh đã cản. Nó sợ làm to chuyện, ba tôi giận đuổi nó ra khỏi nhà. Tôi trấn an nó : không ai đuổi mày đâu! Nhưng nó cương quyết không chịu, nó bảo : thôi, nghe lời ba đi cho rồi! Tôi hỏi nó : mày yêu anh Chương không? Nó bảo : yêu, nhưng nếu ba cấm thì không yêu cũng được! Anh nghe nó ăn nói vậy có được không! Tôi lại nói : nếu vậy mày là một đứa phản bội. Nó bảo, nó chưa hề nói với anh là nó yêu anh và ngược lại anh cũng chưa bao giờ thổ lộ tình yêu với nó nên không thể bảo nó phản bội được! Tôi không biết con Quỳnh có nói thật không nhưng nếu dẫu sự thật là như vậy, lẽ nào nó không phải là đứa con gái phản bội! Tình yêu đâu phải chỉ được nói ra ngoài miệng lưỡi mà còn bộc lộ trong cách quan hệ với nhau nữa chứ, phải không anh Chương?

Kể từ đó, tình cảm của tôi đối với con Quỳnh đã phai lạt đi nhiều. Tôi hoàn toàn thất vọng khi nhận ra nó là một đứa con gái hời hợt, vô tâm, thích được chiều chuộng và không hề có trách nhiệm với ai kể cả với chính bản thân mình. Vì vậy, tình yêu mà nó dành cho anh trước đây là có thật nhưng không sâu sắc, sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào nếu gặp sóng gió. Tuy mới lớn nhưng nó lại an phận như người già cho nên nó sợ đấu tranh, dù đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình.

Tiếc rằng tôi nhận ra điều đó quá muộn, nếu không tôi đã chẳng tìm cách ngăn cản anh đi chơi với chị Kim Dung dù rằng tôi không biết giữa hai người có chuyện gì hay không.

Anh Chương thân mến,

Trước đây tôi đã không kể gì với anh mặc dù tôi vô cùng đau khổ khi trông thấy vẻ mặt thẫn thờ của anh bởi vì tôi luôn có mặc cảm tôi là con của ba tôi và là chị của con Quỳnh. Cũng chính vì tâm trạng nặng nề đó mà hôm nay tôi tình nguyện ra mặt trận mặc dù mẹ tôi khóc lóc và ba tôi tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Nhưng tôi không phải là con Quỳnh. Tôi đã quyết đi là đi cho bằng được!

Bây giờ thì anh đã đi xa và tôi cũng sắp sửa đi xa, không biết ngày nào mới gặp lại nhau nên tôi viết lá thư này cho anh. Lúc này, tôi thương anh và nhớ anh kinh khủng, anh có biết không? Gặp anh thì chắc tôi không dám nói những câu "tình cảm ướt át" như vậy nhưng bây giờ anh đang ở xa lắc xa lơ, tôi chẳng sợ anh cười đâu!

Đừng buồn nữa nghe anh Chương! Anh hãy cố gắng vượt qua như anh đã nói với tôi hôm nào. Dù ở xa nhưng tôi vẫn luôn luôn cầu mong anh sẽ tìm được một người yêu xứng đáng, xứng đáng gấp trăm lần con Quỳnh! Trong những ngày sắp tới, tôi sẽ cố tìm một nhánh lan rừng thật đẹp, lúc nào cũng mang theo bên mình để chờ chừng nào anh có tin vui, tôi sẽ đem về tặng cho cô bạn của anh, anh có thích vậy không?

Nước mắt tôi nhòe trên những trang thư Trâm viết. Những dòng chữ ngả nghiêng, lay động như những cánh rừng trước gió. Trên cánh rừng nào, Trâm đã ngã xuống mà không kịp chờ tôi báo tin vui?

Chương 31

Cơ hồ đã chục năm trôi qua kể từ ngày Trâm mất. Những ngày, những tháng, những năm lặng lẽ và lạnh lùng lướt qua những cuộc đời, những số phận.

Tôi bây giờ đã trên ba mươi tuổi và từ lâu đã chuyển về dạy học ở thành phố. Ngày ngày tôi vẫn đạp xe đến trường trên chiếc xe đạp thời còn đi học.

Thời gian và nỗi lo toan cuộc sống đã phủ những lớp bụi mờ lên trí nhớ ngày càng chậm chạp của tôi. Riêng hình ảnh Trâm vẫn luôn tỏa sáng, rực rỡ và dịu dàng, không gì che khuất nổi.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ, tôi lại ra đặt hoa trước mộ Trâm. Có lần tôi đem đến cho Trâm một cụm lan rừng xin được của một đứa bạn thanh niên xung phong. Những lúc đó, tôi thường ngồi vẩn vơ hàng giờ ngoài nghĩa trang, trong lòng cồn lên bao kỷ niệm. Thôi, Trâm hãy nghỉ ngơi, sang năm tôi sẽ lại đến thăm Trâm! Trước khi ra về, bao giờ tôi cũng nói thầm với Trâm như thế.

Thằng Bảo bây giờ cắm rễ luôn ở Long An. Nó làm hiệu trưởng trường trung học và đã có một vợ, hai con. Gặp tôi, nó thường chắt lưỡi hít hà :

- Ước chi tao được như mày!

Tôi cười :

- Độc thân khổ thấy mồ chứ sung sướng gì mà ham!

Nó lại xuýt xoa :

- Nhưng mà sướng lâu quá rồi, bây giờ tao đang muốn khổ!

Cái thằng làm tới hiệu trưởng rồi mà giọng lưỡi vẫn còn bạt mạng như thời sinh viên.

Thỉnh thoảng nó vẫn lên thành phố đi chơi với tôi và Kim Dung.

Kim Dung đã nghĩ dạy, chuyển sang làm báo. Cái nghề phóng viên coi bộ hợp với nó hơn là nghề sư phạm. Cũng như tôi, Kim Dung chưa chịu lập gia đình. Tôi và thằng Bảo thúc nó, nó nheo mắt :

- Quí vị cứ yên chí! Khi nào muốn, tôi sẽ moi ra một đấng ông chồng ngay tức khắc!

Chồng mà nó làm như cục đất không bằng! Nhưng nghe nó bảo vậy, tôi và thằng Bảo cũng không giục nữa, để khi nào muốn "moi" thì nó "moi".

Thằng Bảo bây giờ vẫn còn khoái làm thơ. Lâu lâu nó lại chìa ra một bài thơ, năn nỉ Kim Dung :

- Bà làm báo, bà coi thử có được thì đăng giùm tôi!

Kim Dung đọc xong bài thơ liền gật gù :

- Đăng được nhưng không thể đăng trang văn nghệ!

Thằng Bảo mắt sáng trưng :

- Đăng trang nào cũng được!

- Tôi đăng ở trang bạn đọc, mục "thơ cậy đăng"!

Nói xong, Kim Dung nhe răng cười hì hì. Còn thằng Bảo thì giật phắt bài thơ lại :

- Bà đừng có chọc quê tôi! Báo bà không biết phát hiện tài năng thì để tôi đăng báo khác!

Nhưng suốt một thời gian dài, không tờ báo nào chịu "phát hiện tài năng" của nó cả khiến mỗi lần gặp tôi và Kim Dung, nó "xả xú-páp" bằng cách bắt hai đứa tôi phải ngồi nghe thơ của nó. Thấy chúng tôi ngồi nghe với vẻ nóng ruột, nó trợn mắt :

- Không ai in thơ tao thì lâu lâu tụi mày cũng phải cho tao xuất bản bằng... miệng một bữa chứ!

Ba đứa chúng tôi hiện vẫn thường xuyên gặp gỡ và chuyện trò với nhau vui nhộn như vậy, chẳng khác gì hồi trước.

Lan Anh thì sau khi thi rớt đại học, xin vào làm ở một nhà máy dệt. Nó đã có chồng và hiện đang ở nhà chồng, tuần nào cũng ghé về thăm tôi và dì dượng Ba.

Đã mười năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến Trâm, Lan Anh vẫn thường rơm rớm nước mắt.

Và cuối cùng là Quỳnh, niềm vui và nỗi khổ một thời của tôi. Cô bé đã lấy chồng, nhưng không phải lấy Phong. Phong là người Hoa, trong thời gian xảy ra cái gọi là "nạn kiều", anh ta đã bỏ về nước.

Tôi không biết tên người chồng mới của Quỳnh, chỉ biết anh ta là chủ một tiệm may lớn. Hai vợ chồng Quỳnh đã có một con, cuộc sống có vẻ sung túc.

Đôi khi chạy ngang tiệm may, tôi vẫn nhìn thấy Quỳnh. Có một lần, vâng, chỉ có một lần thôi, tôi dừng xe lại đứng nói chuyện dăm ba câu với Quỳnh trước cửa. Thú thật đó là những câu chuyện nhạt phèo, chán ngắt nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn vào mắt Quỳnh, tôi bỗng cảm thấy bồi hồi, xao xuyến lạ lùng chẳng khác nào tôi đang đứng trước Quỳnh mười lăm năm về trước. Đúng là lạ lùng, bởi vì tôi biết chắc rằng tình yêu của tôi đối với Quỳnh thực sự đã chết từ lâu.

Khi đạp xe đi, bỗng dưng tôi bâng khuâng tự hỏi, rằng không biết trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ hay không.

Hết

Thành Phố Hồ Chí Minh 1988
Nguyễn Nhật Ánh



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 2
C-STAT