Snack's 1967
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện áo trắng


Chương 6

Những ngày sau đó, Thường lại lang thang đi kiếm việc làm thêm. Mẹ bảo bổn phận của Thường là học tập. Thường cũng biết thế; nhưng anh lại không thể dửng dưng nhìn mẹ quần quật suốt ngày đêm. Anh tự nhủ: mình đi làm thêm, nhưng mình sẽ cố gắng học tập tốt. Như vậy, hẳn mẹ sẽ chẳng buồn lòng vì mình.
Nhưng Thường lại chẳng thể tìm việc ở bất cứ nơi đâu. Như những lần trước, anh rảo đến rã cẳng qua khắp các đường phố để rồi lại thất thểu lê gót về nhà, người mỏi nhừ, lòng ê chề, tuyệt vọng.
Trong một lần lang thang vô vọng như thế, tình cờ Thường gặp chú Kiến, một người bạn trong cánh thợ hồ của ba trước đây.
Thoạt tiên, Thường không nhận ra chú. Chú mặc một chiếc quần dạ cũ xì, với chiếc áo ca-rô bạc màu cũng cũ không kém. Chỉ có chiếc kê-pi in hàng chữ Afnor đội trên đầu là mới. Khi Thường gặp chú, chú đang dắt chiếc xe kẹo kéo đi ra từ một con hẻm nhỏ, với chiếc thùng gỗ giăng đầy những đèn màu chớp nháy và tiếng nhạc xập xình phát ra từ cặp loa tăng âm hết cỡ.
Chú Kiến nhìn thấy Thường trước. Chú kêu:
- Thường!
Nghe tiếng kêu, Thường ngạc nhiên quay lại và sau khi chớp mắt hai, ba cái, Thường mới nhận ra người quen và mừng rỡ chạy lại:
- Chú!
Chú Kiến lau tay vào một miếng giẻ treo cạnh thùng gỗ rồi ôm chặt lấy vai Thường, vồn vã hỏi:
- Cháu đi đâu đây ? Sao, dạo này mẹ cháu khỏe không ?
- Dạ, mẹ cháu vẫn khỏe! - Thường liếm môi, ngập ngừng - Nhưng... không thật khỏe lắm! Dạo này mẹ cháu phải đi dạy thêm buổi chiều và buổi tối...
Chú Kiến chép miệng:
- Chà, thế thì gay quá! Hẳn là mẹ cháu rất vất vả!
Giọng chú Kiến bùi ngùi. Chú nắn nhẹ vai Thường:
- Hai anh em cháu vẫn đi học đều đấy chứ ?
- Dạ, cháu và Nhi vẫn đi học bình thường.
- Thế còn hôm nay cháu đi đâu đây ?
Chú Kiến nhắc lại câu hỏi khi nãy khiến Thường đột nhiên lúng túng. Anh ngập ngừng:
- Dạ, cháu đi... tìm việc làm.
- Tìm việc làm ? - Chú Kiến trố mắt - Cháu nói cháu vẫn còn đi học kia mà!
Thường gãi đầu:
- Cháu chỉ tìm việc làm thêm buổi chiều thôi. Cháu muốn giúp đỡ mẹ cháu.
- Thì ra vậy! - Chú Kiến gật gù - Thế cháu đã tìm được việc gì chưa ?
Thường đỏ mặt:
- Dạ chưa ạ! Cháu chẳng có nghề ngỗng gì nên chẳng nơi nào chịu nhận.
- Gay go đấy! - Chú Kiến hắng giọng - Thời buổi này, có nghề chuyên môn kiếm việc làm đã khó, huống gì tay trơn như cháu! Hay là như thế này...
Đang nói, chú Kiến bỗng ngừng bặt khiến Thường phải buộc miệng:
- Sao ạ ?
Chú Kiến tỏ vẻ ngần ngại:
- Ý chú muốn nói là nếu cháu không thấy ngại, cháu đi bán kẹo kéo với chú.
Thường tròn mắt:
- Đi bán kẹo kéo ?
- Cháu ngạc nhiên lắm sao ? Một buổi đi học, một buổi đi bán kẹo kéo, giống như chú vừa làm thợ hồ vừa bán kẹo kéo vậy!
- Nhưng cháu... cháu... - Thường khẽ liếc chiếc xe cồng kềnh, sặc sỡ của chú Kiến, giọng lúng túng - Cháu... cũng không biết nữa!
Dường như thông cảm tâm trạng của Thường, chú Kiến ôn tồn hỏi:
- Cháu mắc cỡ phải không ?
Thường ngượng nghịu thú thật:
- Dạ. Cháu sợ đi bán như thế này, ra đường con nít bu quanh, cháu mắc cỡ lắm.
Chú Kiến vỗ vai Thường, trấn an:
- Cháu đừng sợ. Chú không bảo cháu phải trang bị như chú đâu. Đi bán kẹo kéo, muốn được con nít bu quanh đâu có dễ. Phải có đèn xanh xanh đỏ đỏ, phải có dù nhiều màu, rồi phải mua chiếc cát-xét, cặp loa, thêm cái bình ắc-qui nữa, sắm tất cả tốn mấy trăm ngằn chứ đâu có ít. Cháu thì khỏi cần trang bị như vậy. Cháu khỏi cần phải đi rảo khắp các hang cùng ngõ hẻm như chú. Cháu chỉ cần sắm một cây kẹo, đèo trên xe đạp, chiều chiều tới bán trước cổng trường cấp một là được rồi.
Hình ảnh nghề bán kẹo kéo "cố định" do chú Kiến vẽ ra quả thật không đến nỗi "khủng khiếp" như nghề bán kẹo kéo "di động" với đủ trò nổi đình nổi đám như Thường hằng thấy. Chở một cây kẹo kéo đến trước một cổng trường nào đấy, bán cho lũ trẻ con trước lúc vào học. Rồi kiếm một bóng mát ngồi đọc sách hoặc ôn bài chờ bọn trẻ ra chơi. Khi chúng vào lớp, lại ngồi đợi kẻng tan học để bán nốt khúc kẹo còn lại trước khi thanh thản đạp xe ra về. Nếu chỉ đơn giản và kín đáo như vậy Thường nghĩ mình có thể làm được. Dù sao thì cũng không còn cách nào khác, nếu mình muốn giúp đỡ mẹ. Vấn đề còn lại là vốn liếng. Thường nhìn chú Kiến, băn khoăn hỏi:
- Để làm như chú nói, cháu cần phải có bao nhiêu tiền hả chú ?
- Nghề này vốn liếng chẳng bao nhiêu đâu! Cháu bán một buổi, chỉ cần một ký đường, một ký đậu, vài ống bột màu là đủ. Chừng mươi, mười lăm ngàn. Còn việc nấu đường rồi đánh thành kẹo, chú có thể làm giúp cháu được.
Thường nhíu mày, lẩm bẩm:
- Mươi, mười lăm ngàn...
Quả thật số tiền này không phải là lớn, nhưng vẫn làm cho Thường băn khoăn. Trong tình cảnh hiện nay, anh khó mà xoay ra một món tiền như vậy. Xin mẹ thì Thường không dám. Nếu mẹ biết được Thường định đi bán kẹo kéo, chắc chắn mẹ sẽ rầy la và ngăn cản quyết liệt. Vả lại, chưa chắc mẹ đã có tiền. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Thường vẫn chưa tính được kế gì.
Nhìn vẻ mặt của Thường, chú Kiến biết ngay điều anh đang lo nghĩ. Chú cười nói:
- Cháu đừng lo về chuyện tiền bạc. Chú sẽ cho cháu mượn vốn. Nhiều thì chú không có chứ mười lăm ngàn chú giúp cháu được. Nghề này coi vậy chứ cũng dễ ăn lắm. Một lời một mà!
Nhiệt tình của chú Kiến khiến Thường vô cùng xúc động. Anh cầm chặt tay chú, giọng cảm kích:
- Cảm ơn chú, chú tốt với cháu quá!
Chú Kiến cười hiền lành:
- Có gì đâu mà cháu phải cảm ơn! Chú là bạn của ba cháu, nay gia đình cháu gặp khó khăn, chú giúp cháu là chuyện bình thường mà!

Chương 7

Thế là, sau lần gặp gỡ tình cờ đó, Thường trở thành một anh chàng bán kẹo kéo. Theo yêu cầu của Thường, chú Kiến không hó hé chuyện này với bất cứ ai. Với bà Tuệ, lại càng giấu tiệt. Thường nói dối mẹ là anh mới tìm được chỗ dạy kèm. Khi anh hí hửng thông báo tin đó trong bữa ăn, thoạt đầu bà Tuệ tỏ vẻ không bằng lòng:
- Lo cho gia đình là chuyện của mẹ! Chiều nào con cũng đi dạy kèm, thì giờ đâu mà học tập!
- Con sắp xếp giờ giấc được mà!
Bà Tuệ vẫn chưa yên tâm:
- Sắp xếp là một chuyện! Nhưng lấy gì đảm bảo chất lượng học tập của con sẽ không bị ảnh hưởng ?
Thường mím môi:
- Con hứa với mẹ điều đó! Sau một thời gian, mẹ cứ kiểm tra bài vở của con. Nếu việc dạy kèm quả thực làm con học kém đi, con sẽ bỏ dạy ngay!
Nét mặt thành khẩn của Thường khiến bà Tuệ dịu lại. Nhưng bà vẫn cảm thấy lo lắng:
- Thế còn sức khỏe của con ?
- Không sao đâu mẹ! - Thường nói với giọng quả quyết - Con biết giữ gìn sức khỏe mà! Hơn nữa, con kèm hoc. trò lớp chín, chương trình cũng nhẹ, chỉ phải năm cuối cấp nên chiều nào cũng phải đi kèm mà thôi!
Ánh mắt nài nỉ và lời lẽ khẩn thiết của Thường cuối cùng đã làm bà Tuệ xiêu lòng:
- Thôi được! Nếu con đã nói vậy, mẹ cũng không cấm cản. Chỉ có điều, con đừng bao giờ quên những lời hứa của mình!
Chỉ đợi có vậy, ngay chiều hôm sau, Thường lật đật phóng xe ra khỏi nhà. Anh đến thẳng nhà chú Kiến, như đã hẹn trước. Khi đi, Thường cố ý ăn vận tươm tất, ra dáng một ông thầy giáo đi dạy kèm. Trong cái túi xách cầm theo, bên cạnh những cuốn sách ghi trang, Thường đã nhét sẵn một bộ quần áo cũ. Tới nhà chú Kiến, Thường sẽ thay đồ ra và anh sẽ đi hành nghề trong bộ quần áo cũ kỹ kia. Chiều về, Thường lại ghé nhà chú Kiến để hóa trang một lần nữa trước khi trở về nhà.
Chú Kiến đón Thường bằng ánh mắt vui vẻ. Chú chỉ cây kẹo gói trong tấm ny-lông đặt giữa bàn:
- Của cháu đây!
Vừa nói chú vừa kéo Thường lại cạnh bàn và bắt đầu hướng dẫn cho anh cách kéo từng khúc kẹo. Động tác chẳng có gì phức tạp nên chỉ trong chốc lát, Thường đã có thể kéo thuần thục. Sau đó, chú nói sơ qua về giá cả, khúc dài bao nhiêu, khúc ngắn bao nhiêu.
Thường ngó quanh:
- Đồ nghề nấu kẹo của chú đâu ?
Chú Kiến cười:
- Làm kẹo kéo cần gì đồ nghề! Cứ đổ đường vô nồi mà nấu. Khi nào thấy nó bắt đầu quánh lại thì nhỏ từng giọt vô chén nước để thử. Thấy được rồi thì đổ ra thau, chờ nó nguội bớt treo lên móc mà đánh.
Chú Kiến chỉ tay lên cái móc sắt treo sát tường:
- Cái móc kia kìa! Đánh đến khi nào nó trắng tinh và bắt đầu co lại thì đem xuống cán dẹp ra! - Đang thao thao bất tuyệt, chợt chú khựng lại, ngó Thường - Mà thôi, cháu cần gì biết ba chuyện đó. Chuyện làm kẹo để chú lo. Hằng ngày, cháu cứ việc ghé đây lấy kẹo mang đi là được rồi!
Thường mỉm cười:
- Thì cháu hỏi cho biết...
Không đợi Thường nói dứt câu, chú Kiến vội lên tiếng giục:
- Thôi, chú cháu mình đi!
- Bây giờ đi đâu ?
- Chú sẽ dẫn cháu đến trường cấp một Phương Nam. Chỗ này thường ngày chú vẫn tạt qua. Phải có chú dẫn đi mới được. Cháu là "ma mới", đi một mình không khéo bị "ma cũ" bắt nạt. Thôi, mình đi!
- Chú chờ cháu một chút! Cháu phải thay đồ đã!
Vừa nói, Thường vừa lôi bộ đồ trong túi xách ra.
Chú Kiến cười cười:
- Thật khổ! Đi bán kẹo kéo mà y như đi đóng kịch không bằng!

Chương 8

Ngày đầu tiên trở thành một anh chàng bán kẹo kéo đối với Thường là một ngày đẹp trời. Tất nhiên, những giây phút khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi chú Kiến bỏ đi sau khi đãcăn dặn Thường những điều cần thiết.
Hôm đó, khi hai chú cháu đến nơi thìcác lớp đã vào học. Cổng trường đóng kín mít. Hai bên cổng, dọc trên lề đường toàn những người bán dạo. Cô bé bán bong bóng đứng cạnh xe nước mía. Bà bán bánh kẹo ngồi cạnh bà bán đồ chơi trẻ em. Có cả một chú lớn tuổi đeo toòng teng trước ngực những chiếc trống tí hon cắm lông gà nhuộm màu sặc sỡ.
Trước khi đi, chú Kiến "sắp xếp" cho Thường đứng kế một dì lớn tuổi, trước mặt là một chiếc mẹt bày la liệt những con thú đủ màu nặn bằng bột.
- Dì Sáu! - Chú Kiến giới thiệu - Bữa nay thằng cháu bán thế chỗ tôi. Nó mới ra nghề, còn khờ khạo, có gì nhờ dì bảo ban dùm!
Dì Sáu vui vẻ: - Chú nói quá! Thằng bé lớn tồng ngồng rồi chứ nhỏ nhít gì mà bảo ban! Nói xong, dì ý tứ nhích sát qua một chút để Thường có chỗ dựng xe. Kể từ lúc đó, dì Sáu thỉnh thoảng quay sang trò chuyện với Thường.
Dì hỏi han chuyện nhà cửa, gia đình. Hẳn nhiên Thường không dám kể thật. Anh bảo cha mất, mẹ đi bán rau quả ngoài chợ, nhà đông anh em nên anh phải nghỉ học đi bán kẹo kéo. Nhờ trò chuyện qua lại với dì, dần dần Thường cảm thấy tự nhiên hơn. Anh không còn cảm giác lạc lõng và lúng túng như khi chú Kiến vừa bỏ đi.
Những người khác chẳng chú ý đến Thường nhiều. Đội quân hàng rong trên hè phố thỉnh thoảng lại bổ sung thêm một tân binh vốn là chuyện bình thường trong xã hội hiện nay nên chẳng ai buồn ngạc nhiên về chú bé đồng nghiệp mới toanh này. Mọi người thản nhiên tròchuyện, nói dăm câu bông đùa rồi cười phá lên, chốc chốc lại liếc mắt vềphía cổng trường chờ nghe tiếng kẻng ra chơi. Thái độ tự nhiên và giản dị của mọi người giúp Thường cảm thấy yên tâm. Anh trở nên bình tĩnh và tự tin. Nhưng sự bình tĩnh đó kéo dài không lâu. Khi tiếng kẻng báo giờ chơi vang lên, Thường lại đâm ra lúng túng. Anh hồi hộp không biết lát nữa đây, khi lũ trẻ con ùa ra, anh sẽ phải nói năng và bán chác với chúng như thế nào. Cũng không biết chúng có sẽ mua kẹo của anh không. Hằng trăm câu hỏi không lời giải đáp bỗng chốc hiện lên trong tâm trí, cộng với nỗi lo lắng của kẻ mới ra nghề, khiến Thường vô cùng thấp thỏm. Anh nghe tim mình đập thình thịch như muốn nhảy vọt ra khỏi lồng ngực. Có lúc, Thường tuyệt vọng trông ngang liếc dọc như muốn cầu cứu những người chung quanh. Nhưng ai nấy đều đang sửa soạn đón tiếp khách hàng. Chẳng ai chú ý đến vẻ mặt lo âu của anh. Chỉ đến khi lũ trẻ chen nhau ùa ra khỏi lớp và chạy xô về phía cổng, trong đó một vài đứa nhanh miệng reo lên "kẹo kéo, kẹo kéo" với giọng điệu hớn hở thì Thường mới thoát ra khỏi cảm giác nặng nề và nhanh chóng hòa nhập vào không khí ồn ã, náo nhiệt của phiên chợ học trò.
Bắt chước những người bán hàng khác, Thường lật đật đẩy xe tới sát hàng rào song sắt cạnh cổng ra vào.
Từ bên trong, chìa ra hàng chục cánh tay chen chúc nhau, tay nào cũng ve vẩy một tờ giấy bạc:
- Bán ba trăm kẹo kéo!
- Bán cho em năm trăm!
- Bán cho một khúc dài dài!
- Bán cho em trước! Kéo sao cho nhiều đâụ phộng ấy!
- Em trước! Em đưa tiền trước!
Những tiếng nhi nhô thúc giục, kèo nài khiến Thường vừa mừng rỡ lại vừa lóng ngóng.
- Các em chờ một chút! Một chút thôi! Có ngay đây nè!
Vừa nói, Thường vừa vội vã quấn mảnh khăn vào cây kẹo và mím môi kéo. Lúc ở nhà chú Kiến, Thường đã thực tập trước nên bây giờ anh kéo chẳng mấy khó khăn. Nhất là sau khi kéo được năm, sáu khúc, động tác của Thường càng trở nên nhanh nhẹn, gọn gàng hơn. Nhưng đó chẳng phải là điều quan trọng nhất. Cái chính là khi đã bắt đầu hành nghề, Thường dần dà quên đi những mặc cảm của riêng mình. Anh không còn nhớ mình là cậu học trò lớp mười một và là con của một nhà giáo có uy tín. Anh không còn cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ về nghề nghiệp bất đắc dĩ của mình. Ở giữa những đồng nghiệp bình dân, được vây bọc bởi đám trẻ con vô tư và huyên náo, Thường cảm thấy thanh thản và tự nhiên như thể anh đã làm nghề này từ lâu lắm rồi. Trên đường về, khi nhớ lại, chính Thường cũng không khỏi ngạc nhiên về tâm trạng thảnh thơi của mình.
Dĩ nhiên, đối với Thường, hôm đó làngày vui của anh. Anh đã hành động để giúp đỡ mẹ. Và anh tin chắc rằng kết quả của công việc nhất định sẽ giúp mẹ trút bỏ được phần nào gánh nặng cơm áo hiện nay.
Chỉ có điều, khi cây kẹo đã hết nhẵn sau khi bán thêm một hồi lúc tan trường, Thường thong thả xếp lại những tờgiấy bạc rồi nhẩm đếm, anh bàng hoàng nhận thấy khoản tiền thu được cũng xấp xỉ chi phí làm ra cây kẹo.
Tưởng mình lộn, Thường cẩn thận đếm đi đếm lại. Kết quả vẫn thế: chuyến ra quân đầu tiên của Thường coi như huề vốn. Lọc cọc trên đường về, Thường nghĩ mãi nhưng vẫn không tìm được nguyên nhân.
Khi Thường thuật lại điều đó với chú Kiến và chép miệng:
- Chắc cháu thối nhầm tiền!
Chú Kiến mỉm cười:
- Không phải cháu thối nhầm tiền đâu! Có lẽ cháu bán rẻ quá! Ai mới vô nghềkẹo kéo cũng vậy. Cứ sợ mình bán mắc, do đó không dám kéo mỏng, rốt cuộc khúc một ngàn lại bán năm trăm, khúc năm trăm thì bán có ba trăm!
Rồi thấy Thường cứ đực mặt ra, chú Kiến vỗ vai an ủi:
- Không hề gì đâu cháu! Bán chừng vài ngày, cháu sẽ quen tay. Những ngày đầu,chuyện lời lỗ không quan trọng. Cái chính là làm quen với môi trường chung quanh.
Nghe chú Kiến nói vậy, Thường mới thôi lo lắng. Và anh bắt đầu nghĩ đến chuyện lát nữa đây khi anh đưa cho Nhi khúc kẹo kéo anh để dành cho nó, chẳng biết anh sẽ giải thích như thế nào. Chắc là anh sẽ nói: "Đằng trước ngôi nhà anh dạy kèm, có một chiếc xe kẹo kéo...".

Chương 9


Trong những người bạn mới của Thường, những kẻ hành nghề trước cổng trường Phương Nam, có một cô bé bán bong bóng trạc mười bốn tuổi. Cô bé ăn mặc xoàng xĩnh nhưng gọn gàng, mặt mày thông minh sáng sủa.
Ngay hôm đầu tiên đi bán, Thường đã nhìn thấy cô bé. Cô đang ngồi trò chuyện rù rì với bà bán kẹo, chiếc xe đạp cột hàng chùm bong bóng dựng bên cạnh. Lúc đó, cô bé có thoáng trông thấy Thường. Cô nhìn anh bằng ánh mắt tò mò, và khi nỗi ngạc nhiên qua đi, cô lại toét miệng cười với anh, hồn nhiên và thân mật. Nụ cười làm quen của cô bé khiến Thường đâm bối rối. Anh chưa kịp nghĩ ra cách ứng xử thì cô bé lại quay sang bà bán kẹo trò chuyện tiếp.
Tất cả chỉ vậy thôi. Thường bán ở bên này cổng, cô bé bán ở phía bên kia, ngó vậy chứ muôn trùng xa cách, nhất làvới một kẻ mới chân ướt chân ráo đến đây như anh. Vả lại, mải chìm đắm trong tâm trạng thấp thỏm của ngày đầu đi bán, Thường không còn tâm trí đâu mà quan tâm đến ai, mặc dù cô bé gợi cho anh nhớ đến bé Nhi và điều đó đem lại cho anh một cảm giác thân thiện. Ngày thứ hai, mọi việc diễn biến một cách đột ngột. Khi học trò đã vào lớp, Thường đang lúi húi ràng lại sợi cao su phía sau xe thì cô bé bỗng nhiên tiến lại. Cô chủ động làm quen trước. Cách làm quen của cô cũng thật lạ:
- Anh bán cho em một khúc kẹo!
Thường ngẩng lên, ngạc nhiên hỏi:
- Em mua kẹo thật hả ? Cô bé "hứ" một tiếng:
- Trời đất, sao anh hỏi kỳ vậy ? Anh tưởng em không biết ăn kẹo kéo hả ?
Thường mỉm cười:
- Em mua bao nhiêu ?
- Ba trăm.
Khi Thường giở tấm ny-lông bọc quanh cây kẹo, chuẩn bị kéo, cô bé lại nói:
- Nhưng em không có tiền trả đâu!
Thường dễ dãi:
- Không có tiền cũng không sao! Anh biếu em!
Không ngờ cô bé lại lắc đầu:
- Em cũng không thích lấy không cái gìcủa ai cả.
Đến đây thì Thường thật sự bối rối. Anh nhăn nhó:
- Mua thì em bảo không có tiền, biếu em lại không lấy! Vậy là sao ?
- Vậy là như thế này nè!
Vừa nói cô bé vừa chạy vụt về chỗ để xe. Cô tháo một cái bong bóng, quấn sợi dây quanh ngón tay rồi quay lại chỗThường. Cô đưa sợi chỉ cho anh, giọng tươi tỉnh:
- Anh cầm đi !
- Nghĩa là sao ? - Thường vẫn chưa hiểu.
Cô bé nhăn mũi:
- Anh cứ "vậy là" với "nghĩa là" hoài! Nghĩa là sao hả ? Nghĩa là em đổi bongbóng lấy kẹo! Cái bong bóng của em ba trăm, khúc kẹo của anh cũng ba trăm, giá ngang nhau, anh không lỗ đâu mà sợ!
Ý tưởng nghộ nghĩnh của cô bé khiến Thường bật cười. Anh chìa khúc kẹo ra:
- Nè!
Cô bé cầm khúc kẹo bằng tay trái, tay phải vẫn nắm chặt sợi chỉ buộc bong bóng. Cô dúi sợi chỉ vào tay Thường:
- Đổi nghen!
Thường cầm lấy đầu sợi chỉ và ngước mắt trông lên. Trên đầu anh,quả bong bóng màu xanh đang lơ lửng lượn qua lượn lại trong gió. Bất giác Thường nhớ đến những ngày còn bé. Hồi đó, anh rất thích những quả bong bóng. Mỗi lần đi ra đường, hễ thấy bong bóng là Thường vòi ba mẹ mua cho bằng được. Và anh chơi với chúng cho đến khi chúng xì hơi xẹp lép mới thôi. Có lần Thường tuột tay để quả bong bóng bay mất. Thế là anh vội vã đuổi theo, vừa chạy vừa ngẩn ngơ ngước nhìn quả bóng mỗi lúc một nhỏ dần và cuối cùng hóa thành một dấu chấm nhỏ xíu trên nền trời xa lắc. Lần đó, do mải mê nhìn theo quả bóng, Thường đâm sầm vào một chiếc ô-tô đỗ bên đường đến tét trán, phải vào bệnh viện khâu cả chục mũi và sau đó phải nghỉ học suốt hai tuần lễ.
Đang nghĩ ngợi miên man, Thường bỗng giật mình khi nghe cô bé lên tiếng:
- Làm gì mà anh thẩn thờ vậy! Coi chừng tuột quả bong bóng bây giờ!
Thường chớp chớp mắt. Anh quấn sợi chỉ hai, ba vòng quanh ngón tay:
- Vậy là hết tuột!
Cô bé nhún vai:
- Cột vậy chẳng ăn thua gì đâu! Chỉ cần anh lơ đễnh một chút, quả bóng bay tuốt liền! - Cô bé chỉ tay vào chiếc xe đạp của Thường - Cột vô ghi đông kia kìa!
Thường chẳng nói gì. Anh lặng lẽ làm theo lời chỉ dẫn. Cô bé đứng bêncạnh, vừa nhai kẹo vừa quan sát Thường,chốc chốc lại buột miệng hệt như người lớn nhắc nhở trẻ con:
- Buộc chặt vào! Thêm một vòng nữa!
Thường đùa:
- Có bao giờ quả bong bóng lôi tuốt chiếc xe đạp lên trời không?
Cô bé "xì" một tiếng:
- Chiếc xe của em buộc mấy chục quả bongbóng còn không bay lên nổi nữa là!
Đang nói, cô bé chợt xòe hai bàn tay ra trước mặt, giọng tươi tỉnh:
- Hết rồi!
Thường ngơ ngác:
- Hết gì ?
- Kẹo kéo.
Thường bật cười:
- Em ăn nữa không?
- Nữa.
Thường vừa kéo kẹo vừa chọc:
- Đổi bong bóng nữa hả ?
Cô bé mỉm cười lắc đầu:
- Không. Lần này em trả tiền đàng hoàng!
Nói xong cô bé cho tay vào túi móc tiền ra. Thấy vậy, Thường vội lên tiếng ngăn:
- Cất vô đi! Anh không lấy tiền của emđâu!
Nhưng cô bé không thèm nghe lời Thường. Cô bướng bỉnh:
- Em đã nói rồi! Em không thích lấy không cái gì của ai hết!
Thường hắng giọng:
- Nhưng đây là anh biếu em mà!
- Biếu cũng không lấy.
Thấy cô bé cứ một mực cự tuyệt,Thường đâm ra khó xử. Anh nhăn mặt:
- Vậy anh phải làm sao bây giờ ?
Điệu bộ khổ sở của Thường khiến côbé phì cười. Cô nheo nheo mắt:
- Em bày cho anh một cách nghen?
- Ừ! Cách sao ?
- Anh cứ lấy tiền!
- Cô bé vừa nóivừa gục gặc đầu - Nhưng anh kéo khúc kẹo to gấp đôi. Kiểu như bán rẻ vậy mà!
- Em khôn ghê!
Vừa xuýt xoa, Thường vừa mỉm cười ngắt cho cô bé nhí nhảnh một khúc kẹo to tướng. Cô bé cầm lấy khúc kẹo, dẩu môi:
- Em khôn là phải rồi! Em tên là TàiKhôn mà!
Thường nheo mắt:
- Em chỉ phịa! Ai lại tên Tài Khôn!
Cô bé ngúng nguẩy:
- Anh không tin thì thôi! Em là ngườiViệt gốc Hoa mà! Nội em là người Hoa chính cống đó!
- Nội em là người Hoa ?
- Chứ sao! Nội em nói tiếng Quảng hay lắm. Nội nói như gió.
Thường tò mò:
- Thế còn ba em? Ba em nói tiếng Quảng được không?
Cô bé liếm môi:
- Ba em hả Ba em thì không nói được. Ba chỉ nghe được thôi. Nghe tiếng Quảng nhưng lại trả lời bằng tiếng Việt.
Thường cười cười:
- Còn em thì nói cũng không được mà nghe cũng không xong?
Cô bé nhe răng cười theo:
- Ừ. Đến đời tụi em thì chẳng ai biết mốc khô gì cả!
Nghe cô bé giới thiệu gốc gác một hồi, Thường đâm bán tín bán nghi:
- Bộ em tên Tài Khôn thật hả ?
- Thật chứ sao! Tên tụi em đều do nội đặt. Nội đặt em là Tài Khôn, còn em gái em là Xíu Muội. Con Xíu Muội nhỏ hơn em tới bốn tuổi lận.
Đến đây thì Thường hơi tin tin. Anh gật gù chép miệng:
- Tên gì ngộ ghê!
Cô bé níu tay Thường: - Vậy từ giờ trở đi, anh gọi em là Tài Khôn hén?
- Ừ. Nếu tên em như vậy thì anh sẽ gọi em là Tài Khôn. Tài Khôn có vẻ thích thú khi được Thường công nhận cái tên nghộ nghĩnh của mình. Cô cười khúc khích luôn miệng.
Đang cười, Tài Khôn bỗng ngừng bặt. Cô tặc lưỡi:
- Chút xíu nữa em quên!
- Quên gì?
- Quên hỏi tên anh.
Thường hắng giọng:
- Tên anh thường lắm!
Tài Khôn lộ vẻ hiếu kỳ!
- Tên gì vậy ?
- Tên Thường.
Tài Khôn dậm chân, giọng sốt ruột:
- Thường cũng chẳng sao! Anh cứ nói đại ra đi!
- Thì anh đã nói rồi. Anh tên Thường! -Rồi xem chừng Tài Khôn vẫn ngơ ngác, Thường mỉm cười nói thêm - Tên anh làNguyễn Minh Thường, hiểu chưa ?
- À, à, - Tài Khôn sáng mắt lên - Hóa ra vậy!
Rồi cô gật gù:
- Tên anh đúng là thường thật!
Thường trêu:
- Chứ đâu có kỳ cục như tên của em.
- A, anh dám chê tên em hén.
Tài Khôn giơ nắm đấm lên, nhưng chưa kịp hỏi tội Thường, cô đã lật đật quay mình chạy về bên kia cổng. Kẻng ra chơi đã vang lên.



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 4
C-STAT