Teya Salat
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện áo trắng


Chương 19

Quả nhiên, chiều hôm đó Tài Khôn đem tiền đến trả cho Thường thật.
Cô giúi xấp bạc vào tay anh, cười nói:
- Cảm ơn anh nhiều nghen!
- Em bướng ghê! - Thường nhún vai - Lại còn bày đặt khách sáo nữa!
Nói vậy nhưng Thường vẫn cầm lấy xấp tiền. Anh biết tính Tài Khôn. Cô không thích nhận không cái gì của ai, kể cả người bạn thân thiết là anh. Trong hoàn cảnh khó khăn, Tài Khôn vẫn không đánh mất tính lạc quan vui vẻ, và cả lòng tự trọng. Chơi với Tài Khôn lâu ngày, Thường dần dà cảm nhận ở cô bạn bé nhỏ này một niềm tự hào thanh bạch, những suy nghĩ vừa hồn nhiên vừa sâu sắc và cùng với chúng là một ý thức chế ngự số phận, không cho nó làm vỡ những quả bóng mộng mơ, chở đầy những dự cảm tốt lành trong tâm hồn cô. Đôi lúc Thường ngạc nhiên khi thấy cái ý thức này ở Tài Khôn một mặt thì mãnh liệt, mặt khác lại được bộc lộ một cách thư thái đến vô tâm, một cách rất gần với bản năng, như thể đó là một điều kỳ diệu.
Và đã là điều kỳ diệu, thì nó kỳ diệu ngay cả ở cách lan truyền sang người khác. Như mới đây thôi.
Hôm đó, trời u ám ngay từ sáng. Trời không mây, chỉ tù mù. Không khí đầu ngày hơi se lạnh, nhưng càng về trưa càng nóng bức, ngột ngạt.
Đầu giờ chiều, học trò trường Phương Nam vừa vào lớp khoảng mười phút thì trời đổ mưa khiến những kẻ bán dạo trước cổng trường lật đật chạy dạt vào hai bên hè, co ro đứng nép dưới mái hiên.
Thường nhìn Tài Khôn, dịu dàng hỏi:
- Em lạnh không?
- Không! - Tài Khôn nhún vai - Em quen rồi! Cái lạnh ở đây đâu ăn thua gì so với ở Đắc Lắc! Chỉ sợ anh lạnh thì có!
Thường đưa tay xoa má, ngượng ngùng thú nhận:
- Ừ, anh thấy hơi lành lạnh!
Tài Khôn nháy nháy mắt vẻ giễu cợt:
- Lần sau ra đường, anh nhớ mang theo áo mưa và mặc thêm áo ấm!
Thấy Tài Khôn lên giọng chị hai, Thường bật cười khẽ và thò tay cốc cho cô bé một phát.
Những người bán dạo sợ nhất trời mưa. Đó là những ngày buồn. Mưa, đường sá lầy lội, hàng quán ướt át. Kéo theo nó là vắng khách, ế hàng.
Nhưng may làm sao, gần đến giờ ra chơi thì mưa bỗng dứt hạt. Trời chỉ hơi hửng lên một chút nhưng cũng đủ khiến những người nép mình dưới hàng hiên lật đật chạy bổ ra ngoài với vẻ mặt hớn hở.
Thường đẩy xe đạp ra ngoài và đưa tay sửa lại tấm giấy dầu. Khi chạm tay lên cây kẹo, mặt anh bỗng thoáng vẻ lo âu. Hôm nay chú Kiến nấu đường hơi già tay nên cây kẹo không được dẻo. Hồi đầu giờ, Thường đã nhận ra điều đó khi anh phải dùng sức nhiều hơn để kéo kẹo cho lũ trẻ. Sau cơn mưa, cây kẹo trở nên rắn hơn. Cũng như người, nó co lại khi gặp lạnh.
Thường bặm môi kéo thử và đúng như anh lo ngại, phải rất vất vả anh mới khiến nó nhúch nhích một tí ti.
Cho đến khi tiếng kẻng ra chơi vang lên, các khách hàng tí hon bu lại thì Thường thật sự lúng túng. Anh kéo đến mỏi tay, mồ hôi ra đẫm trán, nhưng những tiếng thúc giục vẫn không ngừng vang lên bên tai:
- Bán cho em ba trăm!
- Em nữa! Em năm trăm!
- Sao bữa nay anh kéo chậm rì vậy!
Thậm chí có cả giọng hờn dỗi:
- Thôi, em không ăn kẹo kéo nữa! Em đi mua ô mai đây!
Thường chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ kéo từng chút, trán nhăn lại vì nhọc sức và vì áy náy trước sự chậm chạp của mình.
Chỉ đến khi tiếng kẻng vang lên kéo những khách hàng nhẫn nại đang đứng quanh Thường với tờ giấy bạc cầm lăm lăm trên tay vào lớp, anh mới thoát khỏi tâm trạng bứt rứt, nặng nề. Thường thở một hơi dài, cảm thấy mười lăm phút vừa rồi sao mà dài dằng dặc.
Đã vậy, mưa vừa mới ngớt lại bất thần đổ ập xuống, nặng hạt hơn và tầm tã hơn.
Đứng dưới mái hiên, Thường sờ tay vào cây kẹo, buồn bã nói với Tài Khôn:
- Bây giờ nó rắn lại như đá rồi!
- Kiếm lửa hơ! - Tài Khôn hiến kế.
Thường tặc lưỡi:
- Lửa đâu mà kiếm! Vả lại cũng chẳng ăn thua gì!
Tài Khôn ngước nhìn trời, trấn an:
- Mưa lớn nhưng không lâu đâu! Nó sẽ tạnh bây giờ!
Thường nhún vai:
- Tạnh cũng vậy thôi! Nó sẽ không dẻo lại đâu!
- Vậy lấy ra ăn đi!
- Ăn?
- Ừ. Anh và em ăn. Bán không được, để làm gì!
Trước đề nghị hồn nhiên của Tài Khôn, Thường mỉm cười:
- Nhưng không kéo nổi, làm sao ăn?
- Thì lấy dao chặt. Chặt từng khúc.
- Dao đâu ?
- Để em đi mượn cho.
Nói xong, Tài Khôn chạy lúp xúp dưới hàng hiên tới chỗ xe nước mía. Lát sau, cô quay về với con dao to bản trên tay:
- Dao nè!
Thường cầm lấy con dao, lật tấm giấy dầu và mím môi chặt. Lưỡi dao chạm vào cây kẹo kêu "côm cốp". Mỗi lần chặt được một khúc, đậu phộng bên trong lại văng tung tóe tứ phía. Tài Khôn đứng bên cạnh thè lưỡi:
- Xời ơi! Kẹo này mà cắn một phát chắc mẻ nửa hàm răng!
Quả thật, kẹo nấu già đường, lại gặp lạnh, rắn đanh, nhai cứ nghe rào rạo.
Tài Khôn vừa nhai vừa hít hà:
- Dòn quá!
Thường hừ mũi:
- Dòn thì sao ? Ăn nữa không?
- Nữa chứ! - Tài Khôn đáp tỉnh.
Thế là Thường lại lấy dao ra chặt.
Rồi ăn. Rồi lại chặt. Lại ăn. Cứ thế, cho đến khi Tài Khôn reo lên:
- Thôi, mưa tạnh rồi, không ăn nữa!
Thường nheo mắt:
- Ngán rồi hả ?
- Ừ, ngán rồi. Ăn kẹo kiểu này, về nhà chắc uống cả lu nước mới hết khát.
Thường cười:
- Nước mưa thiếu gì!
- Hứ.
Cô bé hứ một tiếng và ngồi im trên chiếc xe đang dựa vào tường. Trong khi đó, những người chung quanh đang lục đục rời khỏi chỗ nấp và bưng bê thúng mủng về chỗ ngồi quen thuộc trước cổng trường.
Thường liếc Tài Khôn:
- Sao em không ra bán?
- Chứ còn anh? Sao anh lại đứng đây ?
Thường nhăn mặt:
- Em đừng có chọc quê anh! Em thừa biết cây kẹo của anh biến thành cục sắt rồi mà!
Tài Khôn nghinh mặt:
- Vậy thì em ngồi đây chơi với anh!
- Có gì đâu mà chơi ?
- Có chứ! Bây giờ em với anh chơi trò thả bong bóng!
Thường tròn mắt:
- Thả bong bóng? Bong bóng nào ?
Tài Khôn chỉ chùm bong bóng lơ lửng trên đầu:
- Bong bóng này chứ bong bóng nào!
Thường thắc mắc:
- Thả cách sao ?
- Thả hết! - Tài Khôn đáp tỉnh khô - Thả cho nó bay tuốt lên trời!
Thường giật mình:
- Em đừng có giỡn chơi! Thả hết lấy gì mà bán!
Tài Khôn nhún vai:
- Anh khéo lo! Trời mưa, ai mua mà bán!
Thường liếm môi:
- Thì để ngày mai bán!
- Làm sao để được?
- Sao không được? Em xì hết hơi ra, ngày mai thổi lại!
- Xì! Nói như anh! - Tài Khôn bĩu môi - Chẳng ai thổi bong bóng hai lần cả! Thổi một lần, nó đã dãn cả ra rồi!
Vừa nói, Tài Khôn vừa quay người tháo chùm bong bóng cột trên xe ra. Thường lặng lẽ ngước mắt nhìn. Chùm bong bóng còn khá nhiều, có đến hai chục quả là ít. Thả hết lên trời, chắc trông đẹp lắm. Cứ như mây ngũ sắc ấy. Tài Khôn cắt đứt dòng suy nghĩ trong đầu Thường:
- Anh thả hay em thả ?
- Ai thả cũng được! Hay là chia đôi ra. Mỗi người thả một nửa.
- Đừng chia đôi! - Tài Khôn lắc đầu - Hay anh và em cùng nắm lấy đầu dây. Hô một hai ba, thả tay ra. Như vậy thì cả hai cùng thả.
- Hay đấy!
Thường gật gù khen và thò tay nắm lấy sợi dây. Nhưng anh chưa kịp nắm thì Tài Khôn đã giựt lại:
- Khoan đã!
Thường chưng hửng:
- Gì nữa vậy ?
Mắt Tài Khôn long lanh:
- Em vừa nghĩ ra một chuyện.
- Chuyện gì?
- Thả những điều ước lên trời.
- Điều ước?
Tài Khôn gật đầu:
- Ừ. Bộ anh không bao giờ ước gì sao ?
- Điều ước hả ? Có chứ! - Thường bối rối - Nhưng thả lên trời làm gì? Mà làm sao thả được?
- Sao lại thả lên trời làm gì? Những điều ước khi bay lên tới trời thì trời sẽ đọc được. Trời sẽ biết anh và em muốn gì và biến những mơ ước của mình thành sự thật.
Trước giọng điệu nghiêm trang của Tài Khôn, Thường khẽ mỉm cười:
- Ai bảo em vậy ?
- Ngoại em. Bây giờ ngoại em mất rồi nhưng những gì ngoại nói em còn nhớ như in.
- Thôi được! - Thường gật gù - Nếu ngoại em đã nói vậy thì anh sẽ thả! Nhưng làm sao thả ?
Tài Khôn nheo mắt:
- Viết vô giấy! Viết xong, cột vào đuôi bong bóng cho nó bay lên!
Vừa nói, Tài Khôn vừa thò tay vào túi áo lục lọi. Cô móc ra một mảnh giấy nhỏ, xé làm hai rồi đưa cho Thường một nửa:
- Nè, anh viết vô đây đi! Anh một tấm, em một tấm.
Thường cầm lấy tờ giấy. Nhưng anh vẫn đứng yên tò mò nhìn Tài Khôn hào hứng đặt mảnh giấy lên yên xe và hí hoáy thổ lộ những mơ ước thầm kín của mình.
Viết xong, Tài Khôn lật đật gấp mảnh giấy lại, liếc Thường:
- Tờ giấy của anh đâu ?
Thường chìa tay ra:
- Anh không có viết! Cho anh mượn cây viết đi!
Tài Khôn nguýt Thường một cái:
- "Sinh viên" lớp mười một mà không mang theo viết trong người! Dỏm ơi là dỏm!
- Dỏm kệ anh!
Vừa nói, Thường vừa cầm lấy mẩu bút chì ngắn cũn Tài Khôn đưa và loay hoay nghĩ xem thật sự thì mình mơ ước những gì.
Khi Thường đưa trả mẩu bút chì cho Tài Khôn, cô cười cười gạ:
- Anh viết gì trong đó vậy ? Cho em xem đi!
- Không được! - Thường nhún vai - Đây là bí mật của riêng anh!
- Xì! - Tài Khôn bĩu môi - Ước mơ mà cũng bày đặt bí mật!
- Chứ em thì sao ? - Thường nheo mắt hỏi - Em có dám cho anh xem những gì em viết không?
Tài Khôn nghinh mặt:
- Sao lại không dám! Nhưng anh cho em xem, em mới cho anh xem!
Thường ngần ngừ:
- Đổi hả ?
- Chứ sao ? Bộ anh không dám cho em biết anh ước những gì hả ?
- Gì mà không dám!
- Vậy thì đưa đây! - Tài Khôn ranh mãnh giục.
Lưỡng lự một thoáng, Thường tặc lưỡi chìa tờ giấy ra.
Chỉ đợi có vậy, Tài Khôn hí hửng giật tờ giấy trên tay Thường và mỉm cười đưa cho anh tờ giấy của cô. Xong, cô quay lưng lại và tò mò mở tờ giấy trên tay ra.

Hóa ra những điều ước của Thường thật giản dị. Anh chỉ ước cuộc sống gia đình bớt khó khăn để mẹ anh đỡ lo toan vất vả. Điều ước thứ hai của Thường khiến Tài Khôn thật sự xúc động: anh ước Tài Khôn luôn luôn gặp nhiều may mắn và mãi mãi là người bạn tốt của anh.
Cô mỉm cười liếc Thường và bắt gặp anh cũng đang mỉm cười khi đọc những điều ước của cô. Trong mẩu giấy nhỏ xíu bằng bàn tay đó, cô đã nắn nót viết ra những khát vọng đẹp đẽ của mình. Cô mơ ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo không có tiền nhập viện như cô. Cô cũng mơ ước một cách kỳ cục rằng đến lúc đó, buổi sáng cô sẽ khám và chữa bệnh, còn buổi chiều cô vẫn sẽ tiếp tục chở bong bóng đi bán cho lũ trẻ con. Cô không muốn chia tay những chùm bong bóng rực rỡ và lúc nào cũng bay bổng của mình.
Nhìn ánh mắt nheo nheo của Thường, Tài Khôn nghĩ rằng anh đang chực buột miệng trêu cô. Nhưng không, Thường chỉ trầm trồ:
- Một ý nghĩ tuyệt vời!
Tài Khôn sung sướng:
- Tuyệt vời hả ? Anh nói thật đấy chứ?
Thường gật đầu:
- Thật! Những ước mơ hoàn toàn phù hợp với tính cách của em! Nghộ nghĩnh nhưng thật đáng yêu!
Tài Khôn chun mũi:
- Anh nịnh em đấy hả ?
- Thật chứ nịnh gì! Em cũng đáng yêu như những mơ ước của em vậy!
Lời khen của Thường khiến Tài Khôn bối rối quay mặt đi. Cô đánh trống lảng:
- Bây giờ cột vô hén?
- Ừ.
- Vậy anh đưa tờ giấy của em đây!
Tài Khôn lấy đầu nhọn bút chì chích một lỗ nhỏ trên hai tờ giấy và xỏ sợi dây qua. Cô cột lại thật chặt rồi kéo chùm bong bóng ra sát mé hiên, trang trọng bảo Thường:
- Rồi! Bây giờ anh cầm lấy đầu sợi dây với em đi!

Thường hồi hộp cầm lấy sợi dây. Trong một thoáng, anh không còn cảm thấy đây là một trò chơi trẻ con nghịch ngợm nữa. Mà cũng như Tài Khôn, mặt anh bỗng chốc trở nên nghiêm trang như thể không phải anh chuẩn bị thả lên trời một chùm bong bóng mà dường như anh sắp sửa gửi lên cõi cao xa huyền nhiệm những hoài trông ngóng đợi của đời mình, và chỉ cần anh khẽ buông tay, những mơ ước ngay lập tức sẽ đập cánh bay lên, sẽ có một ai đó thông cảm và thấu hiểu và rốt cuộc tất nhiên những kỳ vọng chẳng lớn lao gì đó sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.
- Một hai ba! - Tài Khôn khẽ hô.
Ngay lập tức, cả hai cùng buông tay và cũng chính trong khoảng khắc chùm bong bóng lượn lờ nhấc mình lên khỏi mặt đất đầy bụi bặm này, Thường cảm thấy lòng mình nhẹ bỗng và lâng lâng một cách lạ lùng.
Ngay bên cạnh anh, Tài Khôn cũng đang ngước mắt ngẩn ngơ nhìn theo chùm bong bóng đang mỗi lúc mỗi cuốn dần theo gió, mỗi lúc mỗi bay tít lên cao, vừa bay vừa khẽ lắc lư chao lượn như thể vẫy tay giã từ đôi bạn những ngày qua.

Chương 20

Ở lớp, quan hệ giữa Thường và Thủy Tiên ngày một tốt hơn.
Đã có những tiếng xì xào trong đám bạn nhiều chuyện, tuy không công khai nhưng không thể không nhận thấy.
Ái Lan sau vụ đóng tiền, đã "cạch" mặt Thường. Ái Lan thôi chòng ghẹo, Thường thấy nhẹ lòng. Anh sợ nhất là những lời ỡm ờ bóng gió của cô, cái kiểu ăn nói như thể ta đây biết tỏng mọi chuyện trong khi thực ra lại chẳng biết cóc khô gì hết.
Ái Lan "tắt đài", Thường hết ngán. Còn những tiếng rì rầm khác, anh mặc kệ. Dầu sao thì Thường cũng không thể phủ nhận tình cảm của mình đối với Thủy Tiên gần đây đã được cải thiện đáng kể. Sự cố hôm trước đã giúp Thường khám phá ra tấm lòng tốt ẩn náu đằng sau vẻ bề ngoài thanh lịch và kiêu hãnh của Thủy Tiên. Cãi nhau với đám bạn thóc mách hoặc lớn tiếng phủ nhận kịch liệt những lời đồn đãi vô căn cứ đang râm ran khắp lớp kia chẳng khác nào xúc phạm đến lòng tốt của Thủy Tiên. Thường đã một lần làm Thủy Tiên mất mặt. Anh không muốn phạm phải sai lầm lần thứ hai.

Nhưng mặc dù đã dành cho Thủy Tiên nhiều thiện cảm, Thường vẫn không cảm thấy cô gần gũi với anh như Tài Khôn. Thủy Tiên tốt bụng, tế nhị và lịch sự nhưng chừng đó vẫn không đủ xóa tan khoảng cách tuy đã được thu hẹp nhưng khó thể mất đi giữa cô và anh. Tài Khôn hành động không khéo léo và ít cân nhắc hơn, nhưng vì vậy mà bình dân và bộc trực hơn. Tài Khôn vô tâm nhưng vô tâm một cách chân thành. Nhưng có lẽ điều khiến cho Thường cảm thấy yêu mến Tài Khôn chính là hoàn cảnh của cô. Cô sống trong nỗi khó khăn và sự túng quẫn như con cá nhỏ quẫy mình giữa dòng nước ngược. Cô phải bươn chải ở cái tuổi lẽ ra phải được học hành và vui chơi. Thủy Tiên lại khác. Cô sống ở ngoài thế giới của anh và Tài Khôn.
Thủy Tiên quan tâm đến anh. Nhưng bên cạnh đó, cô cũng có những mối quan tâm khác. Như mới đây, Thủy Tiên mời Thường đến dự sinh nhật của cô.
- Chừng nào ? - Thường hỏi.
- Mốt.
Rồi Thủy Tiên hớn hở khoe:
- Mẹ Thủy Tiên hứa sẽ làm cho Thủy Tiên một cái bánh sinh nhật mười bảy tầng.
Thường trố mắt:
- Mười bảy tầng? Sao lại phải mười bảy tầng?
- Thì năm nay Thủy Tiên mười bảy tuổi mà lại!
- À ra vậy!
Thường khẽ chép miệng. Những cung cách thật xa lạ với cuộc sống của anh. Từ nhỏ đến lớn, Thường chưa hề biết bánh sinh nhật là gì. Tới ngày sinh nhật của anh và Nhi, ba mẹ Thường chỉ tặng quà kèm theo những lời chúc học giỏi. Vậy thôi. Năm nào có tiền thì bữa cơm thêm vài món thịt cá, tươm tất hơn ngày thường một chút. Còn bánh sinh nhật nhiều tầng thì bây giờ anh mới nghe nói.
Thường chớp mắt:
- Mười bảy tầng chắc là cao lắm!
- Hẳn rồi! Thường nhớ đến nghen!
- Ừ.
Thủy Tiên vui vẻ:
- Thường đến chơi với Thủy Tiên. Rồi hôm nào Thường làm sinh nhật, Thủy Tiên sẽ đến chung vui với Thường.
Thường khịt mũi:
- Sinh nhật của tôi không có bánh mười bảy tầng đâu!
Câu nói của Thường khiến Thủy Tiên hơi chột dạ. Tự dưng cô cảm thấy áy náy về niềm vui quá trớn của mình. Nói về cái bánh mười bảy tầng trước mặt Thường chẳng khác nào một sự khoe khoang lố bịch. Cô chép miệng, giọng bối rối:
- Điều đó đâu có quan trọng! - Rồi cô nói tiếp một cách ngớ ngẩn - Thủy Tiên đến là đến chơi thôi. Đâu phải để ăn bánh!
- Cũng chẳng có bánh mà ăn! - Thường nhún vai - Sinh nhật tôi chỉ có kẹo kéo thôi!
- Kẹo kéo ? - Thủy Tiên trợn mắt.
Thường tỉnh bơ:
- Chứ sao! Thay vì làm bánh, tôi làm một cây kẹo kéo thật bự để giữa nhà đãi bạn bè.
Thủy Tiên không biết Thường nói trêu. Cô chớp mắt xuýt xoa:
- Hay quá hén! Vậy Thường làm cho Thủy Tiên đi!
Tới phiên Thường ngạc nhiên:
- Làm gì?
- Thì làm kẹo kéo! - Thủy Tiên hào hứng - Thủy Tiên sẽ đãi sinh nhật bằng kẹo kéo! Giống như Thường vậy!
- Thế còn chiếc bánh mười bảy tầng?
- Thì vẫn làm. Ăn kẹo trước, ăn bánh sau.
Thường dở khóc dở cười. Anh không ngờ Thủy Tiên tin những lời đùa cợt của mình là thật, liền so vai:
- Tôi nói đùa cho vui đó thôi! Ai lại đãi sinh nhật bằng kẹo kéo!
Thường đinh ninh sau khi nghe mình thú thật, Thủy Tiên sẽ rút lui ý định kỳ cục đó lại. Nào ngờ cô vẫn khăng khăng:
- Thì Thường cứ làm cho Thủy Tiên đi! Coi như Thủy Tiên đặt Thường làm, Thủy Tiên trả...
Đang hăm hở, chợt nhận ra mình nói hớ, Thủy Tiên liền ngưng bặt.
Nhưng Thường rất nhạy cảm, anh khịt mũi:
- Không cần phải trả tiền! Nếu Thủy Tiên nhất định muốn vậy, tôi sẽ làm. Coi như đó là quà sinh nhật của tôi tặng Thủy Tiên. Chỉ có điều...
Thấy Thường ngập ngừng, Thủy Tiên sốt ruột:
- Điều gì?
Thường liếm môi:
- Sao tôi thấy nó... kỳ kỳ! Tôi nói chơi mà Thủy Tiên lại làm thật!
- Thủy Tiên thấy chẳng kỳ gì cả, lại còn vui nữa!
Thủy Tiên đáp với giọng háo hức. Trước vẻ quả quyết của cô, Thường biết mình chẳng thể từ khước được nữa. Anh thở dài, xụi lơ:
- Được rồi! Hôm đó tôi sẽ mang đến!

Chương 21

Thấm thoắt mà đã một tháng trôi qua, kể từ ngày Thường đi "dạy kèm". Chiều nay, Thường đem "tháng lương" đầu tiên về cho mẹ. Đó là khoản tiền trước nay Thường vẫn gửi nơi chú Kiến. Anh trích ra một ít mua cho bé Nhi một chiếc cặp xách đi học. Anh cũng mua cho chú Kiến một chiếc nón mới thay cho chiếc nón cũ mèm chú vẫn thường đội.
Chú Kiến đón chiếc nón từ tay Thường với vẻ cảm động, miệng trách yêu:
- Cái thằng bày đặt! Chỉ lần này thôi nghen! Lầu sau đừng mua gì cho chú nữa! Hãy đem tiền về cho mẹ!
Thường nắm chặt tay chú Kiến:
- Nếu không nhờ chú, cháu đâu biết làm cách nào giúp đỡ mẹ cháu!
Chú Kiến vỗ vai Thường:
- Thôi, về đi! Đừng nói chuyện tình nghĩa ấm ớ nữa!
Khi Thường bước vào nhà, đặt cặp sách lên bàn, hoan hỉ nói với Nhi:
- Quà cho em nè!
Thì Nhi sáng mắt lên và vội vã chạy bổ lại. Nó ôm cái cặp vào người, thận trọng và âu yếm sờ lên những chiếc khóa đồng sáng lóe, miệng trầm trồ:
- Ôi, chiếc cặp đẹp quá! Ở đâu ra vậy anh?
Thường vui vẻ:
- Anh mua cho em chứ đâu!
- Anh mua ? - Nhi tròn xoe mắt, nhưng rồi chợt nhớ ra, Nhi cười tủm tỉm - Anh mới lãnh lương hả ?
- Ừ, anh mới lãnh lương!
Thường đáp với giọng kiêu hãnh và âu yếm nhìn em. Vẻ mừng rỡ của Nhi khiến Thường cảm thấy nao nao trong dạ. Tội nghiệp, chiếc cặp của Nhi cũ xì, sứt chỉ tuột quai mấy tháng nay nhưng Nhi không dám mở miệng xin mẹ. Biết gia đình khó khăn, mẹ phải vất vả đối phó với cái ăn cái uống, Nhi lầm lũi đi học với chiếc cặp xộc xệch trên tay, quai phải bó lại bằng sợi kẽm.
Ngẫm nghĩ một hồi, Thường khẽ hắng giọng:
- Nhi nè!
- Gì anh?
- Khi nào cần gì, em nói với anh nghen! Kỳ lương sau, anh sẽ mua cho!
Nghe anh hứa hẹn mặt Nhi tươi roi rói. Nhưng rồi không biết nghĩ ngợi thế nào, Nhi lại lắc đầu:
- Thôi, em chẳng cần gì đâu! Anh đưa hết tiền cho mẹ đi!
Bất giác Thường khẽ thở dài. Câu nói của Nhi khiến anh cảm động và càng thương em hơn. Nhi còn nhỏ nhưng biết thương mẹ thương anh, không hay vòi vĩnh như các bạn cùng tuổi. Tuần lễ đầu đi bán, chiều nào Thường cũng để dành đem về cho em một khúc kẹo kéo. Tưởng Thường mua thật, qua đến ngày thứ tư Nhi rụt rè lên tiếng:
- Thôi, em không ăn nữa đâu! Anh đừng mua nữa! Tốn tiền lắm!
Nhưng Thường phớt lờ. Chiều nào anh cũng đem kẹo về cho em. Mấy ngày sau, Nhi lại buột miệng:
- Em đã nói anh đừng mua nữa mà! Em ngán lắm, ăn không nổi nữa đâu!
Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của Nhi, Thường không biết Nhi nói thật hay giả vờ. Anh gật gù:
- Nếu em ngán thì anh không mua kẹo kéo nữa! Anh mua kẹo khác!
Nhi lật đật từ chối:
- Thôi, thôi, kẹo khác em cũng không ăn đâu!
Thường nheo mắt:
- Vậy chứ em muốn ăn thứ gì?
Nhi nhe răng sún ra cười:
- Em chẳng ăn gì hết! Thay vì mua kẹo, anh cứ để dành tiền đó cho em. Ít hôm nữa đóng tiền bảo trợ học đường, em khỏi phải xin mẹ!
Bây giờ nhìn vẻ mặt trầm ngâm trước tuổi của Nhi, bất giác Thường nhớ tới câu nói của Nhi hôm nào, lòng anh bỗng dạt dào thương mến. Và Thường tự nhủ, mặc dù Nhi không hé môi, nhưng từ nay về sau anh sẽ quan tâm đến Nhi nhiều hơn, xem Nhi ước muốn những gì, anh sẽ tự động mua quà cho Nhi vào kỳ "lương" tới.

Khác với Nhi, bà Tuệ đón nhận món tiền đầu tiên Thường mang về bằng một vẻ mặt trầm lặng. Trong lòng bà, buồn vui lẫn lộn. Để cho đứa con trai đang tuổi đi học phải đi làm thêm, điều đó làm bà áy náy, cảm thấy, cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với con cái. Nhưng mặt khác, với món tiền đầu tiên kiếm được, Thường đem đến cho bà cảm giác rằng anh đã trưởng thành, đã tỏ rõ vai trò của một người đàn ông trong gia đình và nhất là Thường đã làm tất cả những điều đó với phong cách lặng lẽ nhưng quả quyết, hệt như ông Phong lúc còn sống. Sự so sánh lạc quan đó đã giúp bà Tuệ nhanh chóng xua tan những lợn cợn trong đầu. Bà dịu dàng đặt tay lên vai Thường, trầm giọng, nói ngắn gọn:
- Dù sao con cũng phải lo giữ gìn sức khỏe và cố gắng học tốt!
Thường dạ khẽ.
Như sực nhớ ra, bà Tuệ nói thêm:
- Và dạy tốt nữa!
Thường lại dạ, không nén nổi vui mừng. Khi mẹ đã dặn anh "dạy tốt" có nghĩa mẹ đã mặc nhiên đồng tình với việc làm của anh. Mẹ đã không còn lo lắng nhiều về anh nữa. Trong suốt một tháng qua, vừa đi bán, Thường vừa sắp xếp thời gian để học bài, ôn tập cẩn thận nên kết quả học tập của Thường ở lớp không bị ảnh hưởng gì. Chính mẹ đã nhận thấy điều đó.
Nhưng điều khiến Thường sung sướng nhất, một niềm sung sướng không bờ bến, là kể từ khi có thêm phần đóng góp của Thường, sau nhiều ngày lưỡng lự, bà Tuệ đồng ý nghỉ một buổi dạy thêm trong ngày theo đề nghị khẩn thiết của Thường và Nhi.
Thế là một tuần sau ngày "lãnh lương" của Thường, bà Tuệ chỉ còn dạy một ngày hai buổi sáng và tối thay vì kín đặc cả ba buổi như trước đây. Thường đề nghị mẹ nghỉ dạy buổi tối, chỉ giữ lại buổi chiều nhưng bà Tuệ không chịu. Bà bảo học sinh buổi chiều là học sinh các trường phổ thông đi học thêm, không người này thì người khác nhận dạy, giáo viên thừa chứ không thiếu. Còn các lớp bổ túc ban đêm thù lao thấp, giáo viên ít nên không thể nghỉ dạy được. Hơn nữa, học trò các lớp đêm hầu hết là những người có hoàn cảnh khó khăn, vì lý do nào đó mà thất học hoặc không có điều kiện theo học các trường lớp chính qui, vì vậy bà không đành bỏ họ.
- Những người này họ còn khổ hơn mình, con ạ!
Bà Tuệ ngậm ngùi kết luận. Nghe vậy, Thường mới thôi nằn nì. Anh hiểu mẹ đã chọn lựa đúng, mặc dù so với đi dạy buổi chiều thì đi dạy buổi tối vất vả hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn.
Nhưng dù sao thì việc bà Tuệ thôi xoay tất bật như chong chóng với ba buổi dạy một ngày cũng đã là một bước tiến lớn và là một thay đổi đầy ý nghĩa trong gia đình. Cuộc sống có vẻ như thư thả và bớt nặng nề hơn, ít ra là về mặt tinh thần. Những tiếng ho húng hắng của bà Tuệ giữa canh khuya cũng dường như giảm đi nhiều. Thường nhận thấy thế.
Và trong nỗi hân hoan ngọt ngào đó, Thường chợt nhớ tới những ước mơ hôm nào anh đã cùng Tài Khôn thả theo những quả bóng bay. Như vậy là những mong mỏi thầm kín của anh đã dần dà biến thành sự thật. Còn mộng ước đẹp đẽ của cô bạn nhỏ kia, biết đến bao giờ?



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 5
C-STAT