XtGem Forum catalog
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện ma
Tên Của Đóa Hồng


Tác giả: Umberto Eco
Dịch giả: Đặng Thu Hương
Nguyên văn tiếng Anh: The Name of the Rose
Giải PREMIO STREGA 1981
Giải MEDICI 1982
Giải CESAR 1987

Sách bán chạy nhất Châu Âu 1987
"Hãy tưởng tượng một lâu đài thời trung cổ, với các viên quản hầm, làm vườn, dược thảo sư và các tu sinh trẻ. Lần lượt sáu tu sĩ bị ám sát bằng những cách hết sức kỳ quặc. Một học giả dòng Francisco được phái đến để khám phá sự bí ẩn đó, nhưng rồi ông lại thấy mình vướng vào những điều bí ẩn còn đáng sợ hơn nữa ... Và thế là bắt đầu cuộc truy tìm điều bí mật và ý nghĩa thực sự của các từ ngữ, biểu tượng, ý tưởng, tất cả những dấu hiệu có thể nghĩ ra được mà thế giới hữu hình chứa đựng đằng sau bức màn bí mật đó"...
Umberto đã viết tiểu thuyết đầu tay của mình .... và nó đã trở nên một biến cố văn học".

Vài dòng về tác giả
Umberto Eco sinh ngày 5 tháng 1 năm 1932 tại Alessandria, Ý, nay sinh sống tại Milan.
Là một nhà văn kiêm nhà triệu chứng học, ông là một trong những người trí thức Ý tiếng tăm nhất, được đánh giá cao ở nước ngoài.
Những tư tưởng của ông, khởi thủy từ sự ca ngợi cái đẹp thời Trung Cổ, bao gồm nhiều đề tài rất khác biệt nhau, như những tác phẩm về nghệ thuật tiên phong: “Tác phẩm mở ngỏ” (1962), và văn hóa quần chúng: “Siêu nhân của đám đông” và “Khải huyền và Chính trực”.
Ông từng là giáo sư giảng dạy tại các Đại học Mỹ, và từ năm 1971, được bầu làm Khoa trưởng khoa Triệu chứng học của Đại học Bologne.
Ông quan tâm đến các hiện tượng đương thời và viết rất nhiều bài xã luận. Tuy nhiên, những chủ đề đa dạng này được kết tụ trong tác phẩm của ông bằng cách đặt vấn đề chung mà ông minh họa trong những tác phẩm đầy tính chất lý thuyết nhất như: “Cấu trúc hư vô” (1968), “Khái luận về Triệu chứng tổng quát” (1975).
Ta có thể phân biệt hai tiền đề trong tư tưởng ông:
1. Sự cần thiết phải có một phương pháp phân tích tổng hợp, có thể giải thích mỗi hiện tượng văn hóa như một sự kiện truyền thông được những qui tắc hỗ trợ.
2. Sự tin tưởng rằng mỗi ý niệm triết học hay mỗi hiển thị văn hóa phải được nghiên cứu như một dấu hiệu của một môi trường lịch sử xác định, chính học thuyết Triệu chứng phải được đặt trong điều kiện này.

Tất cả hoạt động sôi nổi của tác giả đều nhằm định nghĩa những qui tắc này, chúng không được lý giải như luật bất di bất dịch nhưng được hiểu như những công cụ truyền cảm thông và nhằm thử nghiệm những qui tắc này trong việc lý giải thực tiễn.
Trong phạm vi này, có quyển “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG”, với lối cấu trúc tuy phức tạp nhưng ăn khớp với nhau: với sự tinh tế trong việc làm sống lại lịch sử và các mưu đồ trí thức, tác phẩm đã hiển hiện kiến thức văn hóa của nhà văn.

Lời mở đầu

Trong “Những lời chú giải về quyển “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG” đăng trên một tạp chí Ý, UMBERTO ECO khẳng định rằng một nhà văn luôn luôn nghĩ đến độc giả. Chính ECO đã từng nói rằng khi viết, tác giả phải “nhắm vào” người đọc.
Cũng có khi nhà văn nhằm vào một số người đặc biệt nào đó, nhưng thông thường ông nói với một độc giả tưởng tượng mà ông hy vọng sẽ tạo ra được nhờ tác phẩm của mình.
Có lẽ ECO đã không tiên đoán được sự thành công vĩ đại, và không ngờ tiểu thuyết này đã được đón nhận quá nồng nhiệt ở Ý và nước ngoài, một sự thành công mà các nhà phê bình văn học và những chuyên gia về truyền thông cố tìm cách giải thích.
Điều làm điên đầu các nhà phê bình và các chủ bút không phải là việc phát hành quyển sách này quá nhanh chóng và rộng rãi, mà vì quyển sách này vừa phong phú vừa phức tạp; một sản phẩm văn học có giá trị khiến cả nhà phê bình lẫn độc giả bình dân, giới trí thức cũng như quảng đại quần chúng cùng lưu tâm.

Vậy thì nguyên nhân đưa đến sự thành công này là gì? Và làm thế nào một quyển tiểu thuyết đặt trọng tâm trong một Tu viện thời Trung Cổ ở Ý, đầy rẫy những liên hệ lịch sử và triết lý, lại có thể chinh phục mọi tầng lớp người trên thế giới?
Đã có lần, trong thị trường sách báo của chúng ta, có một sự phân biệt rõ ràng giữa những tác phẩm dành cho số đông và sách cho giới trí thức cùng người sành điệu. Sự phân đôi này, một phần vì việc san bằng và thương mại hóa văn học, mà nguyên nhân là do các phương tiện truyền thông quảng đại (radio, tivi, báo chí…), mặt khác, vì phản ứng đối kháng của các thức giả để chống lại sự hạ thấp dân trí này.
Thật mâu thuẫn thay, hiện nay giới trí thức Ý xem một tác phẩm càng được nhiều người đọc bao nhiêu thì càng kém giá trị bấy nhiêu.
UMBERTO ECO cho rằng nguyên lý này phải bị hủy bỏ, và “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG” là minh chứng cho lời nói của ông và có lẽ đó là lý do ông thành công.
Thật ra, tiểu thuyết này nhằm vào một quần chúng đủ loại, người ta đọc và hiểu nó như một cái hộp nhiệm màu hay để giải trí, nhờ tính chất hồi hộp và sinh động của một truyện trinh thám, xen lẫn với những suy ngẫm triết lý. Vì sự háo hức, đợi chờ kết cục và sức quyến rũ của tác phẩm, độc giả nào cầm trong tay quyển sách cũng có thể thưởng thức được một trong những sự kiện nêu trên.
Với mục đích này, cấu trúc quyển sách rất phức tạp, vì nó đưa ra nhiều khúc mắc nhưng không cho cái nào nổi trội lên. Thế nên, đọc “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG” như đi vào một phòng thí nghiệm, trong đó mỗi sự giải thích phải được gạn lọc bằng một ý nghĩa khác nhau và tất cả các đoạn văn đều quan trọng.

Là một “Tiểu thuyết lịch sử” cho những ai xem đó là một công trình tỉ mỉ sống động của một thời đại, là một “tư duy triết lý” cho đọc giả nào xem các khúc mắc là cái cớ để suy luận sâu xa hơn; hay là môt “truyện trinh thám” cho người nào thích tình tiết hấp dẫn.
Sự phóng khoáng này làm cho độc giả “giải trí một cách trí thức”, người đọc bị lôi cuốn bởi một quyển tiểu thuyết “khúc mắc nhưng thú vị”. Đó là kết quả của một công trình uyên bác của một nhà văn đã từng nghiên cứu luật quân bình ảnh hưởng đến người kể chuyện như thế nào. Chính ECO trước khi thành văn sĩ đã từng là nhà phê bình, và là một độc giả rất chăm chú.
Vậy đây không phải là một quyển sách đòi hỏi sự thông minh của người đọc, tác giả chỉ cần độc giả mà ông “nhắm vào” một ít kiên nhẫn để vượt qua những trang đầu, rồi lặng lẽ theo hai tu sĩ đến chân tường của tu viện.
Chuyện xảy ra trong một tu viện dòng Benedict cuối năm 1327.
Bối cảnh lịch sử là nước Ý bị dày xéo giữa những trận đụng độ giữa Giáo hoàng và Triều đình, giữa Giáo hội và các tập đoàn dị giáo. Cả nước bất mãn vì không có một quyền lực trung ương: Giáo hoàng thì dời về Avignon bên bờ sông Rhône nước Pháp, còn Hoàng đế thì bận đối phó với nước Đức. Chính tu viện, dù bề ngoài có vẻ bình lặng, cũng bị chao đảo bởi âm vang của các biến cố trên.
Chuyện kể về một Tu sĩ tên William xứ Baskerville. Ông đã làm sáng tỏ một loạt án mạng xảy ra tại tu viện, bên trong những bức tường kiên cố, được dùng làm nơi gặp gỡ giữa các đại biểu dòng Francisco và sứ giả của Giáo hoàng.
Người kể chuyện là một tu sĩ nhớ lại những biến cố xảy ra lúc ông còn là một thiếu niên. Đó là tu sinh Adso xứ Melk, đệ tử của Thày William.
Cốt chuyện bao quanh một quyển sách bí ẩn được cất giấu trong Thư viện, mà chỉ một thiểu số người có thẩm quyền mới được vào. Bên ngoài Thư viện này, và bên kia bức tường Tu viện, là một thế giới của những kẻ phàm tục, những người bị loại bỏ, chỉ trông cậy vào lực lượng dị giáo để kết hợp thành mối đe dọa cho giai cấp Tăng lữ.

William xứ Baskerville, người không bao giờ hài lòng với những lối giải thích giản dị, kiên quyết xoay theo một đường hướng đầy trí tuệ, ông không dựa vào những sự phán đoán trong một thế giới xen lẫn những mâu thuẫn giữa đức tin chính thống và dị giáo, công lý và lạm quyền, sự thật và nhầm lẫn. Nhờ một ánh sáng mờ nhạt nhưng bền bỉ, ông dần dần phanh phui các âm mưu, để rồi đến tận trung tâm Thư viện, nơi cất giấu những điều bí ẩn. Trên chặng đường điều tra gian nan chằng chịt các dấu vết của thầy William, may thay, chúng ta cuối cùng cũng có được lời giải đáp. Nếu không, có lẽ mọi sự thật đều mong manh, và sự hiểu biết chỉ là sự lạm dụng của trí năng.
Quyển sách chấm dứt bằng cách đưa ra cho độc giả hai lựa chọn: sự yên lặng của Adso, người tìm thấy bình an trong tâm hồn nhờ suy ngẫm về cõi hư vô; hay sự tìm kiếm của William, người không rõ mục đích của chính mình, nhưng trong tiến trình tìm kiếm đó, người ấy đã xây dựng nên một thế giới mà chúng ta đang sống đây, với đầy khuyết điểm và bấp bênh.

ELIZABETTA CABASSI  
Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Ý
(Hà Nội)
Nguyên bản tiếng Ý: “IL NOME DELLA ROSA” , NXB Fabbri – Bompiani, Sonzogno, Etas, 1980. Dịch theo bản tiếng Anh “THE NAME OF THE ROSE”, NXB Panbooks, Cavaya Place, London và Martin Secker và Warburg cùng hợp tác xuất bản 1984, do Ban Văn Hóa Hội người Việt Nam tại CHLB Đức gửi tặng Nhà xuất bản Trẻ.
Phần dịch tiếng La-tinh trong tác phẩm này là của bà Elizabetta Cabassi và anh Nguyễn Văn Nội. Các chú giải của người dịch.
Để bạn đọc dễ theo dõi, người dịch đã chuyển nghĩa các câu La-tinh vào bản dịch tiếng Việt và ghi lại nguyên thể La-tinh trong phần chú thích. Tuy nhiên những câu La-tinh có ý nghĩa quan trọng đến diễn biến câu chuyện, đặc biệt là tên các phòng trong MÊ CUNG THƯ VIỆN, vẫn được giữ nguyên dạng và có chú thích nghĩa tiếng Việt bên dưới.

KHỞI ĐẦU TỪ MỘT BẢN THẢO
Vào ngày 16 tháng 8 năm 1968, tôi được trao một quyển sách do một linh mục Vallet nào đó viết, Bản thảo của Dom Adson xứ Melk dịch sang tiếng Pháp từ ấn bản của Dom J. Mabillon (do Nhà In của Tu viện Source, ở Paris, xuất bản năm 1842). Được bổ sung bằng những cứ liệu lịch sử quả thực vô cùng hiếm hoi, quyển sách tuyên bố đã tái hiện một cách trung thực một bản thảo hồi thế kỉ 14, mà trước kia đã được một học giả vĩ đại ở thế kỷ 18 tìm thấy trong một tu viện ở Melk, người đã cho chúng ta lượng tư liệu lớn về lịch sử của dòng Benedict. Phát hiện mang tính học thuật này (tôi muốn nói của tôi, theo thứ tự xếp hàng thứ ba) khiến tôi vô cùng thích thú trong thời gian lưu lại Prague để đợi một người bạn thân. Sáu ngày sau khi quân đội Xô Viết tiến vào thành phố này, tôi xoay xở đến được biên giới Áo ở Linx, và từ đó đi đến Viên, nơi tôi hội ngộ với bạn thân yêu của tôi và cùng nhau ngược dòng Danube.
Trong một trạng thái hưng phấn trí tuệ, tôi say mê đọc câu chuyện khủng khiếp của Adso xứ Melk, và đắm đuối vào quyển sách đến nỗi, trong một cơn hứng chí, tôi đã hoàn thành bản dịch. Trong thời gian đang dịch, chúng tôi đã đến địa phận xứ Melk, nơi Tu viện nguy nga Stift tọa lạc trên một khúc rẽ của dòng sông, đứng bền vững cho tới ngày nay sau vài ba lần trùng tu trong nhiều thế kỷ. Như bạn đọc hẳn đã đoán trước, trong Thư viện của Tu viện này, tôi chẳng tìm thấy một dấu vết nào về bản thảo của Adso.

Trước khi chúng tôi đến Salzburg, vào một đêm định mệnh, tại một khách sạn nhỏ trên vùng biển Mondsee, người bạn đồng hành của tôi đột nhiên biến mất, mang theo quyển sách của Abbé Vallet, nhưng không phải do thù ghét tôi, mà do anh đã ra đi quá bất ngờ và vội vã. Thế là tôi bị bỏ lại với một số tập bản thảo trong tay, và một cảm giác trống rỗng mênh mông trong lòng.
Vài tháng sau, tại Paris, tôi quyết định hoàn tất đến cùng công trình nghiên cứu của mình.Trong số vài mẫu tư liệu tôi đã trích từ tác phẩm bằng tiếng Pháp, tôi vẫn còn giữ được tên gốc của bản thảo, Vetera Analecta, Những điều cũ kỹ thâu lượm được.

Tôi nhanh chóng tìm được quyển sách mang tên Vetera Analecta đó tại Thư viện Thánh Geneviève, nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra ấn bản tôi gặp có hai chi tiết khác với sự miêu tả trong quyển tiếng Pháp: thứ nhất, tên nhà xuất bản; và thứ hai là thời gian xuất bản, ấn bản này xuất bản sau hai năm. Tôi chẳng cần phải nói thêm rằng ấn bản này chẳng khớp với bản thảo nào của Adso hay Adson xứ Melk cả; ngược lại, nó chỉ là tuyển tập các bài viết ngắn hoặc trung bình, trong khi câu chuyện do Vallet viết lại kéo dài đến mấy trăm trang. Đồng thời, tôi cũng hỏi ý kiến các nhà nghiên cứu thời Trung Cổ như ngài Étienne Gilson lừng danh, nhưng rõ ràng là quyển sách Vetera Analecta tôi đã thấy ở Thư viện Thánh Geneviève là quyển duy nhất. Tôi bèn đi thực tế đến Tu viện Source, trong vùng Passy và trao đổi với bạn tôi, Dom Arne Lahnestedt, càng đoan chắc thêm rằng chẳng có linh mục Vallet nào đã xuất bản sách nhờ nhà in của tu viện cả, vào do đó, nó không hề tồn tại. Các học giả Pháp xưa nay vốn thường xem nhẹ việc cung cấp những tư liệu tiểu sử đáng tin cậy, nhưng trong trường hợp này, tác giả đã tỏ ra bàng quan thái quá. Tôi bắt đầu nghĩ mình đã gặp phải một quyển sách giả mạo. Bây giờ,tôi chẳng thể thu hồi bản thảo gốc của Vallet được nữa, hoặc ít nhất tôi cũng chẳng dám đòi người đã mang nó đi phải đem trả lại. Tôi chỉ còn lại các ghi chú của mình và tôi đâm nghi ngờ chúng.

Có những giây phút kỳ diệu, bao hàm cả sự mệt mỏi rã rời của thân xác lẫn sự hưng phấn thần kinh cực độ, làm sinh ra ảo giác về những nhân ảnh trong quá khứ. Như về sau tôi đã học được từ một quyển sách nhỏ rất thú vị của linh mục Bucquoy, cũng có cả ảo giác về những quyển sách chưa được viết ra.
Nếu không có một điều gì mới xảy ra, có lẽ tôi vẫn còn thắc mắc không hiểu câu chuyện của Adso xứ Melk phát xuất từ đâu; thế nhưng vào năm 1970, tại Buenos Aires, khi tôi đang tẩn mẩn xem sách trên các kệ trong một hiệu bán sách cũ trên đại lộ Corientes, cách cửa hàng sách vĩ đại Patio del Tango không xa lắm, tôi bắt gặp một quyển sách nhỏ của Milo Temesvar, “Bàn về cách sử dụng gương trong khi đánh cờ”. Đó là bản dịch tiếng Ý từ bản gốc tiếng Georgian (Tbilisi, 1934), ngày nay vô phương tìm lại được. Trong quyển sách đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc những câu trích giống hệt như trong bản thảo của Adso, mặc dù nguồn gốc chẳng phải của Vallet hay Mabillon nào cả, mà là của Thày Athanasius Kircher. Nhưng từ tác phẩm nào cơ chứ? Một tác giả - tôi muốn giấu tên – về sau, bảo đảm với tôi rằng dòng Tên chẳng bao giờ nhắc đến Adso xứ Melk cả. Thế nhưng, những trang sách của Temesvar hiện ở trước mắt tôi, và những mẩu chuyện anh ta kể giống hệt như trong bản thảo của Vallet, đặc biệt sự miêu tả về Mê cung thì chẳng thể nghi ngờ mảy may.

Tôi kết luận rằng, Hồi ký của Adso và những sự kiện ông kể lại cũng mang tính chất giống nhau: chúng được bao phủ bởi vô vàn bí ẩn mờ ảo, bắt đầu bằng tung tích của tác giả, và chấm dứt bằng vị trí của tu viện mà Adso đã thận trọng nhất quyết không tiết lộ. Chúng ta có thể mường tượng ra một vùng nào đó giữa Pomposa và Conques, và suy đoán giả định rằng tu viện tọa lạc đâu đó dọc theo vùng đồi núi trung tâm Appenines, giữa Piedmont, Liguria và Pháp. Còn về thời khắc xảy ra các biến cố ông miêu tả trong Hồi ký, chúng ta biết là vào khoảng cuối tháng 11 năm 1327; mặt khác, thời điểm tác giả viết Hồi ký thì ta không chắc chắn lắm. Xét theo việc ông mô tả mình là tu sinh năm 1327, và việc ông bảo mình đã kề cái chết khi viết Hồi ký, chúng ta có thể phỏng tính là bản thảo này được viết vào khoảng thập niên cuối hay gần cuối thế kỷ XIV.
…Tóm lại, trong tôi chất chứa nhiều nỗi nghi ngờ. Tình thực, tôi chẳng biết tại sao tôi lại quyết định gom góp can đảm, giới thiệu bản thảo của Adso xứ Melk, như thể nó có thực. Hãy cho rằng đó là một hành động yêu thương. Hay, nếu như bạn thích, đó là một cách để tôi tự giải thoát khỏi vô số nỗi ám ảnh dai dẳng.

Tôi viết lại câu chuyện này, chẳng quan hoài đến việc nó có hợp thời hay không. Vào những năm khi tôi phát hiện quyển sách của linh mục Vallet, nhiều người vẫn tin rằng con người chỉ nên viết về những gì thuộc về hiện tại, nhằm mục đích thay đổi thế gian này. Giờ đây, sau hơn mười năm các nhà văn được khôi phục lại phẩm giá cao quý nhất của mình, họ có thể hoan hỉ viết, thuần túy chỉ vì niềm vui được sáng tạo và do đó, giờ tôi có thể tha hồ kể chuyện của Adso xứ Melk, thuần túy chỉ vì niềm vui được kể lại chuyện ấy. Tôi rất khoan khoái thấy rằng câu chuyện đã lùi về một quá khứ xa xăm – những con quái vật được sinh ra trong giấc ngủ thời ấy đã bị thời đại duy lý ngày nay xua đi tất cả - tách hẳn những ràng buộc của thế kỷ chúng ta, về thời gian tính cách xa những niềm hy vọng và sự khẳng định của chúng ta.
Vì đây chỉ là một chuyện kể, không phải chuyện lo lắng trong đời thường. Đọc quyển sách này, ta có thể ngâm lại câu thơ của Kempis vĩ đại: “Tôi đã tìm kiếm sự an ngơi trong tất cả, nhưng tôi chỉ có thể tìm thấy nó trong góc đọc sách mà thôi.”[1]
Năm, tháng Giêng, 1980.
UMBERTO ECO
[1] In omnibus requiem quaesivi, et nusquam inveni nisi in angulo cum libro.

GHI CHÚ
Bản thảo của Adso được chia thành bảy ngày, mỗi ngày lại được chia thành nhiều giai đoạn tương ứng với các giờ kinh lễ. Các tiểu tựa, viết dưới dạng ngôi thứ ba, có lẽ do Valet thêm vào. Nhưng do các tiểu tựa này sẽ giúp quý độc giả dễ định hướng theo dõi câu chuyện và do kỹ thuật hành văn này cũng không xa lạ lắm đối với nền văn học địa phương thời bấy giờ, tôi thấy không cần phải loại bỏ chúng.
Cách Adso liên hệ với các giờ kinh lễ khiến tôi hơi hoang mang, vì các giờ kinh thay đổi theo từng địa phương, từng mùa; hơn thế nữa, hoàn toàn có khả năng là trong thế kỷ XIV, các luật lệ của dòng thánh Benedict đã không được triệt để tuân hành.
Tuy nhiên, tôi tin rằng quý độc giả có thể tin vào thời gian biểu dưới đây, xem nó như một bản hướng dẫn. Thời gian biểu này, một phần được suy diễn ra từ bản thảo, một phần dựa theo sự so sánh giữa Luật gốc và sự miêu tả đời tu hành trong sách “Thời gian biểu của dòng Benedict” của Edouard Schneider, xuất bản tại Paris năm 1925:
KINH SỚM: khoảng từ 2 giờ 30 đến 3 giờ sáng.
KINH NGỢI KHEN: khoảng từ 5 giờ đến 6 giờ sáng, chấm dứt vào lúc bình minh.
KINH ĐẦU: khoảng 7 giờ 30, trước rạng đông một chút.
KINH XẾ SÁNG: khoảng 9 giờ.
KINH TRƯA: giữa trưa.
KINH XẾ TRƯA: khoảng giữa 2 và 3 giờ chiều.
KINH CHIỀU: khoảng 4 giờ 30, lúc hoàng hôn, luật dòng quy định phải dùng bữa trước khi trời tối.
KINH TỐI: khoảng 6 giờ, trước 7 giờ (các tu sĩ đi ngủ)
Sự tính toán này dựa trên thực tế rằng ở phía Bắc nước Ý, vào khoảng cuối tháng 11, mặt trời mọc vào lúc 7 giờ rưỡi và lặn vào khoảng 4 giờ 40 chiều.

MỞ ĐẦU
Khởi đầu là Chúa Lời, và Chúa Lời ở bên Chúa, và Chúa Lời là Chúa. Đó là khởi đầu với Chúa, và nhiệm vụ của mọi tu sĩ kính đạo là ngày ngày, với sự khiêm cung, ngân nga điều vĩnh cửu duy nhất mà sự thật hiển nhiên của nó có thể khẳng định được. Nhưng ngày nay, chúng ta nhìn qua một lăng kính tăm tối, và sự thật, trước khi được phơi bày ra với mọi người, chỉ hiện lên qua những mảnh vụn của thế gian lầm lạc này, do đó ta phải xướng lên những dấu hiệu trung thực của nó, thậm chí khi chúng đối với ta có vẻ còn mờ nhạt, và như thể đã trộn lẫn với một tâm địa hoàn toàn độc ác.

Sau khi đi đến cuối đường đời tội lỗi của mình, tóc đã bạc, tôi hóa già đi cùng với thế gian ngày mỗi già nua này, đợi đến ngày sẽ mất hút vào vực sâu thăm thẳm của cõi thiêng liêng yên vắng và cùng dự vào ánh sáng thánh thiện của trí tuệ. Giờ đây, với tấm thân nặng nề, bệnh hoạn, quanh quẩn trong căn phòng nhỏ nơi tu viện Melk thân yêu này, tôi chuẩn bị để lại trên bản da này lời chứng của tôi về những sự kiện kỳ diệu và kinh khủng tôi đã chứng kiến trong thời trai trẻ, ghi lại đúng từng chữ một tất cả những gì tôi đã tai nghe mắt thấy, không theo một bản mẫu nào cả, mong truyền lại cho hậu thế các dấu hiệu và biểu tượng, để những người đi sau sẽ xin nguyện cầu giải mã tìm ra ý nghĩa của chúng.
Xin Chúa ban ân cho các lời chứng trong sáng của con về những sự việc đã xảy ra trong tu viện, mà vì đạo đức và tôn kính, con nghĩ chẳng nên nói tên ra. Lúc đó, vào khoảng cuối năm 1327, năm Hoàng đế Louis hạ giáng xuống nước Ý để khôi phục lại chức vụ của Thánh Đế La Mã, tuân theo ý Chúa và trước sự hoang mang của tên soán ngôi tàn ác, tên buôn thần bán thánh, tên lãnh tụ dị giáo, kẻ đã làm ô danh các tông đồ của Chúa ở Avignon. Tôi muốn nói đến linh hồn tội lỗi của Jacques, kẻ được những tên vô đạo kính cẩn gọi là John XXII.

Có lẽ để giúp các bạn hiểu rõ những biến cố mà tôi đã tham dự vào, tôi cần kể lại những gì đã xảy ra trong những năm hồi cuối thế kỷ trước, theo như cách tôi hiểu qua thực tế bản thân hồi bấy giờ, và theo như cách tôi nhớ lại bây giờ, bổ sung thêm những câu chuyện khác tôi được biết sau đó – nếu như trí nhớ tôi vẫn còn khả năng đan nổi cơ man các sự kiện rối bung lại với nhau.
Hồi đầu thế kỷ trước, Giáo hoàng Clementé V đã dời Giáo triều về Avignon, để mặc La mã trở thành miếng mồi ngon cho các lãnh chúa tham lam ở địa phương, rồi dần dần thành phố thánh của Kitô giáo đã bị biến thành một gánh xiếc, hay thành một nhà chứa, bị các thủ lĩnh của thành phố tranh giành xâu xé lẫn nhau. Nó chẳng phải là một nước Cộng hòa dù người ta vẫn gọi như vậy, và thường bị các nhóm vũ trang tấn công nhằm gây bạo động hay cướp bóc. Các tu sĩ trốn tránh luật đời đã cầm đầu những bọn bất lương xách gươm đi cướp của, và lộng hành thực hiện các vụ phạm giới. Làm thế nào ngăn thành phố lãnh đạo thế giới khỏi trở thành mục tiêu của kẻ muốn chiếm lấy ngai vàng của Thánh đế La Mã, và khôi phục chức vị của lãnh địa đó, trước đây vốn thuộc về Caesars?

Do đó, năm 1314, năm vị Hoàng tử Đức ở Francfurt đã bầu Louis lên ngôi trị vì tối cao của Đế chế. Nhưng cũng cùng ngày đó, bên kia bờ sông Main, bá tước Palantine và Tổng Giám mục xứ Cologne đã bầu Frederick nước Áo lên cùng ngôi vị đó. Hai Hoàng đế cho một ngai vàng và một Đức Giáo hoàng cho hai Hoàng Đế; quả là một tình thế khiến phát sinh cảnh đại hỗn loạn.
Hai năm sau tại Avignon, một Giáo hoàng mới được cử lên. Ông là Jacques, một ông già 72 tuổi, kẻ, như tôi đã nói, lấy tên là John XXII. Và Chúa đã phán rằng, không một Giáo hoàng nào lại được lấy cái tên như thế nữa, cái tên mà những người chính trực ngày nay vô cùng ghê tởm. Là một người Pháp tận tụy với vua Pháp, ông đã ủng hộ tên Philip đẹp trai chống lại các Hiệp sĩ Templar (1), những người đã bị nhà vua buộc oan uổng vào những tội ác ghê tởm nhất, để ông có thể chiếm đoạt tài sản của họ, nhờ sự đồng lõa của tên giáo sĩ phản đạo đó.

Năm 1322, vua Louis đánh bại kình địch của mình là Frederick. John sợ hãi Hoàng đế duy nhất, thậm chí còn hơn cả khi lão sợ hai Hoàng đế. Ông bèn rút phép thông công của người chiến thắng; vua Louis đổi lại, bèn tố cáo Giáo hoàng là kẻ lạc đạo. Tôi cũng cần kể lại, trong chính năm đó, Đại hội của Dòng Francisco ở Perugia đã diễn ra như thế nào, và Tổng Giám mục Michael, theo lời khẩn cầu của các tu sĩ dòng Thánh thần, đã tuyên bố về sự nghèo khó của Chúa Kitô như một vấn đề về đức tin và giáo lý ra sao. Ông phán, nếu Chúa Kitô cùng với tông đồ có sở hữu một vật gì đó, Ngài chỉ sở hữu nó như một vật hữu ích. Một nghị quyết cao quý nhằm bảo vệ phẩm hạnh và đạo đức của dòng tu như thế khiến Giáo hoàng vô cùng khó chịu. Có lẽ lão nhận thấy rõ nghị quyết đó chứa đựng một nguyên lý có thể đe dọa những yêu sách lão đã đưa ra, với cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, như khước từ việc triều đình được quyền bổ nhiệm Giám mục, ngược lại, khăng khăng cho rằng Giáo hoàng có quyền trao quyền cho Hoàng đế. Bị khích động bởi nhiều nguyên do này nọ, năm 1323, John ban sắc lệnh tố cáo các đề nghị của dòng Francisco.
Theo tôi, chính vào thời điểm đó, vua Louis mới xem các tu sĩ dòng Francisco, nay là kẻ thù của Giáo hoàng, như những người bạn đồng minh tiềm tàng của người. Bằng việc khẳng định sự nghèo khó của Chúa Kitô, mặt này hay mặt khác, họ đang củng cố tư tưởng các nhà Thần học ở triều đình, như Marsilius và John xứ Jandun. Và cuối cùng, trước khi xảy ra các biến cố tôi đang thuật lại chừng vài tháng, vua Louis dàn xếp với vị vua chiến bại Frederick, rồi hạ giáng xuống Ý và lên ngôi vua ở Milan.

Đó là tình hình khi tôi – một tu sinh trẻ ở tu viện dòng Benedict xứ Melk – bị cha ép rời khỏi cảnh êm ấm ở nhà thờ để chen lấn đi trong đoàn tùy tùng của vua Louis, như một tên tiểu tốt hèn mọn. Cha tôi nghĩ nên dắt tôi theo để tôi được xem các danh lam thắng cảnh ở Ý và dự buổi đăng quang của Hoàng đế tại La Mã. Nhưng rồi cuộc bao vây thành Pisa khiến ông phải dồn tâm sức vào việc binh bị. Còn lại một mình, tôi đi lang thang trong các thành phố của xứ Tuscany, một phần vì nhàn rỗi, một phần vì muốn học hỏi. Nhưng cha mẹ tôi e ngại sự tự do phóng túng này không thích hợp với một thiếu niên đã hiến đời mình cho việc tu hành. Theo lời khuyên của Marsilius, một người rất yêu mến tôi, cha mẹ tôi quyết định đặt tôi dưới quyền giám hộ của một học giả dòng Francisco, Sư Huynh William xứ Baskerville, hiện sắp nhận lãnh một sứ mệnh sẽ đưa ông đến các thành phố nổi tiếng và tu viện cổ xưa. Thế là tôi trở thành môn đệ, đồng thời là người ghi chép của Thày William, và tôi chẳng bao giờ ân hận về việc này, vì cùng với ông, tôi đã được chứng kiến những biến cố đáng thuật lại, như tôi hiện đang ghi để truyền cho hậu thế.

Lúc bấy giờ tôi chẳng biết thầy William đang tìm kiếm điều gì, và tình thực mà nói, đến ngày nay tôi vẫn chưa biết. Tôi cho rằng bản thân ông cũng không biết, mặc dù chỉ có hai điều luôn ám ảnh ông, đó là lòng khát khao tìm chân lý và sự hoài nghi rằng chân lý không phải lúc nào cũng hiện ra trước mắt. Có lẽ trong những năm đó, nhiệm vụ thế tục đã khiến ông xao nhãng các công việc nghiên cứu thân thương của mình. Trong suốt hành trình, tôi vẫn chẳng biết tí gì về sứ mệnh đã trao cho thầy William, hay có lẽ ông chẳng bao giờ nói với tôi về việc đó. Chính nhờ nghe lỏm các mẩu đối thoại với các Cha bề trên của các tu viện nơi chúng tôi dừng chân, tôi mới hình dung được vài nét về bản chất của sứ mệnh này. Nhưng chỉ khi đến đích, tôi mới hoàn toàn hiểu rõ nó, như tôi sắp kể ra liền đây. Đích của chúng tôi ở phương Bắc, tuy vậy hành trình của chúng tôi không theo một đường thẳng và chúng tôi đã nghỉ ở nhiều tu viện khác nhau. Thế cho nên, chúng tôi đang rẽ về hướng Tây trong khi mục tiêu cuối cùng lại nằm ở hướng Đông. Chúng tôi hầu như men theo đường núi chạy từ Pisa theo hướng đường hành hương đến Santiego, rồi dừng chân tại một nơi mà những biến cố kinh khủng xảy ra ở đó đã khiến tôi chẳng muốn miêu tả rõ vị trí làm gì. Các Lãnh chúa ở đó đều là chư hầu của triều đình, và các Cha bề trên trong dòng tu của chúng tôi đều nhất trí chống lại đức Giáo hoàng suy đồi và lạc đạo. Hành trình của chúng tôi kéo dài hai tuần, trải qua nhiều nỗi thăng trầm, và trong thời gian đó, tôi có dịp biết rõ ông thầy mới của tôi.

Trong những trang sắp tới, tôi sẽ không sa vào việc miêu tả nhân vật – trừ khi một biểu hiện trên gương mặt, hay một cử chỉ hiện ra như dấu hiệu của một ngôn ngữ không lời hùng hồn – vì, như Boethius nói – không có gì phù du hơn hình thể bên ngoài, vốn sẽ tàn úa, biến đổi đi như hoa trên đồng khi mùa thu đến. Giờ đây, nếu ta miêu tả Cha bề trên Abo có đôi mắt nghiêm khắc, gò má nhợt nhạt thì có ích chi đâu, khi thi thể ông và những người chung quanh ông giờ đã thành tro bụi, và chỉ có linh hồn Chúa ban cho họ là vẫn còn tỏa rạng một ánh sáng không hề tắt? Thế nhưng tôi muốn miêu tả thầy William ít nhất một lần, vì những đường nét độc đáo của ông đã gây ấn tượng mạnh lên tâm trí tôi. Đặc điểm của một người trẻ là thường gắn bó với một người lớn tuổi và khôn ngoan hơn mình, không chỉ do hấp lực toát ra từ lời nói và trí tuệ sắc sảo của người ấy, mà còn do vẻ ngoài của người ấy nữa. Thân thể ấy trở nên rất thân thiết với ta như bóng người cha ruột, người cha ta nhớ rõ từng cử chỉ, quan sát từng nụ cười, từng cái chau mày, nhưng không hề mảy may thèm muốn làm ô uế thân thể đó bằng tình yêu nhục dục.
Ngày xưa, con người cao lớn và đẹp đẽ (ngày nay, họ là lũ trẻ con, lũ lùn), nhưng đó chỉ là một trong nhiều sự kiện nhấn mạnh thảm họa của một thế giới ngày càng già cỗi. Tuổi trẻ chẳng còn muốn nghiên cứu gì nữa, việc học hành đang xuống dốc, toàn thế giới đang đi bằng đầu, những kẻ mù dắt những kẻ cũng mù không kém và khiến họ ngã nhào xuống vực thẳm, chim rời khỏi tổ trước khi bay, lừa đực chơi đàn “lia”, và lũ trâu bò nhảy múa… Tất cả mọi thứ đã đi sai đường. Trong những ngày đó, thầy tôi đã truyền cho tôi sự khao khát học hỏi và khả năng phán đoán đường ngay lẽ phải, dù lối đi có khúc khuỷu quanh co.

Người có óc quan sát tệ nhất cũng phải chú ý ngay đến thể chất Sư huynh William lúc bấy giờ. Ông cao hơn hẳn người thường và rất gầy, nên trông càng cao hơn. Mắt ông sắc, nhìn thấu suốt tâm can; chiếc mũi nhỏ và hơn khoằm khiến gương mặt ông giống một người luôn đặt mình trong tình trạng báo động, trừ những lúc ông lừ đừ mà tôi sẽ nói sau. Cằm ông cũng biểu lộ nét cương nghị, dù gương mặt dài đầy tàn nhang – như tôi vẫn thường thấy ở những người sinh quán tại vùng giữa Hibernia và Northhumbria – đôi lúc lại lộ vẻ lưỡng lự, hoang mang. Về sau tôi mới hiểu vẻ tưởng chừng như hoang mang ấy chính là sự hiếu kỳ, nhưng thoạt đầu tôi ít hiểu về hạnh này nên thường cho rằng đó chỉ là sự đam mê mang tính tò mò, hiếu kỳ. Tôi cứ mãi tin rằng, một người biết suy xét không nên dung dưỡng một sự đam mê như thế, mà chỉ nên theo đuổi chân lý mà ta biết được tự thuở khởi nguyên.

Vào độ trai trẻ ấy, mấy chùm lông màu vàng hoe mọc từ trong tai ông và đôi mày rậm màu vàng đập vào óc tôi những ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất. Có lẽ ông đã trải qua 50 mùa xuân đời, và do đó đã già lắm rồi, thế nhưng cơ thể khang kiện của ông di chuyển linh hoạt mà ngay bản thân tôi cũng chẳng so kịp. Khi phải đối đầu với một sự kiện đột biến nào, sinh lực trong ông dường như vô tận. Tuy nhiên, tính năng động của ông đôi khi chùn lại và ông uể oải rút về. Tôi đã thấy ông nằm hàng mấy giờ liền trên ổ nệm rơm trong phòng tôi, nhát gừng phát ra vài tiếng mà không hề động đậy một sớ thịt nào trên khuôn mặt. Vào những lúc đó, mắt ông nhìn trống vắng xa xôi, và nếu tôi không biết rõ lối sống thanh bạch, chính trực của ông, hẳn tôi sẽ ngờ ông đang chịu tác dụng của một loại dược thảo gây ảo giác nào đó. Tuy nhiên, tôi công nhận rằng trên đường đi, ông thỉnh thoảng lại dừng chân bên một cánh đồng hay một cánh rừng để lượm hái một loại lá nào đó, rồi nhai nhai chúng với một vẻ rất chăm chú. Ông mang theo một ít bên mình và ăn thứ lá đó vào những lúc thần kinh căng thẳng nhất. Có một lần tôi hỏi ông đó là loại lá gì, ông cười bảo rằng một tín đồ Công giáo tốt đôi khi có thể học tập ở các người vô thần, và khi tôi xin ông được nếm qua thứ lá đó thì ông đáp lại: những loại dược thảo tốt cho một tu sĩ già dòng Francisco lại không tốt cho một tu sinh trẻ dòng Benedict.

Trong thời gian ở bên nhau, thầy trò tôi không có điều kiện sinh hoạt đều đặn lắm: ngay khi ở tu viện, chúng tôi thường thức đêm và ngủ vật vờ vào ban ngày, thường không dự các thánh lễ. Tuy nhiên, trên đường đi, ông hiếm khi thức đêm sau kinh Cuối, và sống rất thanh đạm. Lúc ở tu viện, có khi ông tản bộ suốt ngày trong vườn sau, nghiên cứu các loại cây như thể chúng là trân châu bảo ngọc; tôi cũng thấy ông dạo quanh kho tàng của tu viện, nhìn cái rương nạm ngọc như thể nó chỉ là một bụi táo dại. Có khi ông ở cả ngày trong thư viện, lật các bản thảo như thể chẳng tìm kiếm chi cả mà chỉ muốn ngó qua cho vui, trong khi đó quanh chúng tôi, xác của các tu sĩ bị thảm sát cứ tăng lên mãi. Một ngày nọ, tôi bắt gặp ông đang rảo bước trong vườn hoa, chẳng có chủ đích gì rõ rệt, như thể ông chẳng cần giải thích với Chúa công việc của mình. Ở dòng tu của tôi, người ta dạy tôi cách sử dụng thời gian hoàn toàn khác, và tôi đem kể với ông như vậy. Ông đáp rằng vẻ đẹp của vũ trụ không chỉ xuất phát từ sự tổng hòa nhiều bản thể đa dạng, mà còn từ sự đa dạng của các bản thể trong khối tổng hòa…

Trong thời gian thầy trò tôi ở tu viện, tay ông lúc nào cũng bám đầy bụi sách, bụi nhũ, từ những minh họa còn mới, hay chất bột vàng vàng ông xem thử trong bệnh xá của Severinus. Dường như ông cần có đôi tay để suy nghĩ, một đặc tính tôi cho rằng hợp với thợ sửa chữa hơn. Nhưng khi ông chạm vào những vật mỏng manh nhất, chẳng hạn những quyển sách chép tay mới được minh họa, hay những trang giấy cũ mèm, giòn như bánh không men, tôi cảm thấy trong đôi tay ông một vẻ dịu dàng khác thường, vẻ dịu dàng ta vẫn nhận biết khi ông nâng niu các máy móc của mình. Tôi xin kể cụ thể, làm cách nào con người lạ lùng ấy đã mang theo trong chiếc xắc bên mình những vật dụng tôi chưa hề thấy mà ông vẫn gọi là các bộ máy kỳ diệu. Ông nói máy móc là kết quả nghệ thuật của con người, và cái chúng tái sản xuất ra không phải là các hình thái, mà là sự vận hành của chính chúng. Ông giảng cho tôi nghe những điều kỳ diệu trong chiếc đồng hồ, máy đo độ cao thiên thể và nam châm. Thoạt đầu, tôi sợ đó là phép phù thủy, nên bèn giả vờ ngủ say trong những đêm ông ngắm nhìn tinh tú, tay cầm một vật hình tam giác lạ lùng. Những tu sĩ dòng Francisco ở Ý và quê tôi là những người rất chất phác, thường là thất học, và tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với tài học của ông. Nhưng ông mỉm cười bảo các tu sĩ dòng Francisco ở đảo ông được đúc trong một khuôn khác: “Roger Bacon, người ta kính như thầy, đã dạy rằng Luật tạo hóa một ngày kia sẽ bao gồm khoa học về máy móc, một phép lạ tự nhiên và lành mạnh. Trong tương lai, bằng cách khai thác sức mạnh thiên nhiên, con người sẽ có thể tạo ra những công cụ hàng hải cho phép chỉ cần một người điều khiển tầu thuyền tiến lên, và tầu chạy nhanh hơn nhiều so với các tầu thuyền chạy bằng buồm hay chèo tay. Rồi sẽ có những xe tải tự hành và những phương tiện bay, được cấu tạo sao cho con người ngồi bên trong chỉ cần xoay một bộ phận nào đó là có thể đập đôi cánh nhân tạo theo cách chim bay. Rồi những công cụ nhỏ tí xíu sẽ nhấc được những trọng lượng nặng và con người sẽ có các phương tiện du lịch dưới đáy biển”.

Khi tôi hỏi hỏi thầy những máy móc trên ở đâu ra, ông bảo chúng đã được chế tạo từ thuở xa xưa, và thậm chí có vài loại được chế trong thời đại chúng ta: “Trừ máy bay, ta chưa hề thấy hay biết ai đã nhìn thấy nó, nhưng ta biết một nhà thông thái đã hình thành nó trong óc. Cầu có thể bắc qua sông không cần cột kèo chống đỡ gì cả, và các loại máy chưa nghe nói đến đều có thể là hiện thực. Nhưng con đừng bận tâm nếu chúng chưa xuất hiện, vì như thế không có nghĩa là chúng sẽ không xuất hiện sau này. Và ta bảo con hay rằng, Thượng đế ước mong có những máy đó và chúng hẳn đã hiện hữu trong trí Ngài, dù bạn ta ở Occam có phủ nhận các tư tưởng đã tồn tại như vậy chăng nữa; ta nói điều này không vì chúng ta có thể quyết định thiên nhiên cao quý mà chính vì chúng ta không thể giới hạn gì ở thiên nhiên cả”. Đó không phải là điều mâu thuẫn duy nhất mà tôi được nghe ông phát biểu, nhưng ngay lúc này đây, khi tôi già hơn, khôn hơn thuở xưa, tôi vẫn chưa hiểu hết làm thế nào mà thầy tôi lại tin tưởng vào người bạn của thầy ở Occam như thế, đồng thời lại lấy lời Bacon ra thề, như ông vẫn thường làm. Cũng đúng là vào những thời kỳ đen tối thuở ấy, một người khôn ngoan phải tin vào những điều mâu thuẫn như vậy.

Đó, có lẽ là tôi đã nói năng lảm nhảm về thầy William, như thể thâu lượm những ấn tượng riêng lẻ của tôi thời bấy giờ vào phần Mở đầu này. Ông là ai, và ông đang làm gì, thưa bạn đọc thân mến, có lẽ các bạn sẽ suy ra từ những hành động của ông trong thời gian chúng tôi ở tu viện. Tôi cũng không hứa hẹn sẽ cống hiên cho các bạn một cấu trúc hoàn thiện mà chỉ là một loạt chuyện kể kỳ diệu và kinh khủng.
Và như vậy, sau khi tôi đã lần hồi hiểu rõ thầy tôi và cùng thầy tôi hàn huyên rất lâu trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi đến chân đồi, nơi tu viện tọa lạc. Đã đến lúc câu chuyện của tôi bắt đầu, và xin tay tôi đừng run rẩy để tôi chuẩn bị kể lại những việc đã xảy ra.

Chú thích:
[1] Thành viên của Thập Tự Quân, đầu thế kỷ XII, bảo vệ những người hành hương đến Thành địa Palestine.

 



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 2
C-STAT