Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...

Insane
Truyện ma

Vệ Nữ Thành ILƠ

Tác giả: Merime

Tôi ở trên quả đồi cuối cùng của ngọn núi Canigu đi xuống; lúc ấy tuy mặt trời đã lặn nhưng tôi vẫn còn nhận thấy rõ ở dưới đồng bằng nhà cửa một thành phố nhỏ là thành Ilơ, nơi tôi đang đi tới.
Tôi hỏi bác người Catalan đi theo dẫn đường cho tôi từ hôm trước:
- Chắc bác biết nhà cụ Đơ Pêrơgôrát ở đâu đấy nhỉ?
- Tôi mà còn có biết hay không à! Bác ta kêu lên, tôi biết rõ nhà cụ ấy như nhà tôi vậy; nếu trời không tối mịt thế này thì tôi sẽ chỉ cho ông. Nhà cụ đẹp nhất Ilơ đấy. Cụ Đơ Pêrơhôrát lắm tiền lắm; và cụ lấy vợ cho con là con một nhà giàu hơn nhà cụ nữa kia.
Tôi hỏi:
- Thế đã sắp cưới chưa?
- Nay mai thôi. Có thể là người ta đã đặt thuê dàn nhạc vi-ô-lông cho đám cưới rồi. Có lẽ chiều nay, hoặc ngày mai, ngày kia chưa biết chừng! Lễ cưới sẽ tổ chức ở Puygaric; vì cậu con lấy chính cô Đơ Puygaric. Vâng, sẽ linh đình lắm!
Tôi được một bạn là ông Đơ P…giới thiệu với cụ Đơ Pêtơhôrát. Bạn tôi có nói cụ là một nhà khảo cổ, học thức uyên bác, và đối với ai cần cũng tử tế. Cụ sẽ vui lòng dẫn tôi đi xem những phế tích thời xưa ở quanh đó năm mươi dặm. Tôi đinh ninh trông cậy ở cụ để đi thăm những vùng lân cận thành Ilơ mà tôi biết là có rất nhiều công trình thời cổ và thời trung cổ. Đám cưới này mà bây giờ tôi mới được nghe nói, làm nhỡ nhàng tất cả kế hoạch của tôi.

Tôi nghĩ thầm: “Thế này thành ra mình là kẻ đến phá cuộc vui”. Nhưng người ta đợi tôi; ông Đơ P… đã báo trước rồi; thế nào tôi cũng phải đến thôi.
-Nào tôi xin cuộc với ông, người dẫn đường nói khi chúng tôi đã xuống tới đồng bằng, cuộc với ông một điếu xì-gà là tôi đoán được ông đến nhà cụ Đơ Pêrơhôrát để làm gì rồi?
-Nhưng, tôi vừa đáp vừa đưa cho bác ta một điếu xì-gà, điều đó có khó gì mà không đoán được. Vào giờ này, sau khi đã đi sáu dặm đường trên núi Canigu, việc lớn nhất là được ăn tối…
-Vâng, nhưng còn ngày mai…Tôi cuộc là ông đến thành Ilơ này để xem tượng thần. Tôi đoán biết được điều này là vì thấy ông vẽ tượng các thánh ở Xêrabôna.
-Tượng thần? tượng thần nào? Hai tiếng ấy đã kích thích tính tò mò của tôi.
-Thế nào? Ở Perpinhan người ta không kể lại cho ông nghe chuyện cụ Đơ Pêrơhôrát đào được pho tượng thần ở dưới đất à?
-Bác định nói tượng bằng đất sét, bằng sành à?
-Không phải đâu. Bằng đồng cơ, vâng bằng đồng và có thể lấy đúc những đồng xu lớn. Tượng nặng bằng cái chuông nhà thờ ấy. Chúng tôi đã đào mãi tận sâu dưới đất, dưới một cây ô-liu.
-Vậy ra, lúc đào được, bác cũng có mặt à?

-Thưa ông vâng. Cách đây mười lăm hôm, cụ Đơ Pêrơhôrát có bảo tôi và anh Gian Côn đào một cây ô-liu bị băng giá chết hồi năm ngoái; năm ngoái thời tiết xấu quá, ông cũng biết đấy. Thế là trong lúc đang làm, anh Gian Côn hăm hở đào giáng một nhát cuốc xuống, tôi liền nghe thấy một tiếng boong y như đã nện vào chuông vậy. Tôi mới hỏi: cái gì thế? Chúng tôi lại hì hục đào, đào mãi, thế là một bàn tay đen xì hiện ra, như tay người chết từ đưới đất nhô lên. Tôi đâm hoảng, chạy đi tìm cụ Đơ Pêtơhôrát và nói:- Cụ chủ ơi, có xác người chết ở dưới cây ô-liu, cụ a! Phải cho mời cha xứ đến mới được. - Cụ mới bảo tôi: Xác người chết nào? Cụ ấy chạy đến vừa thoáng nhìn thấy bàn tay đã reo lên:- A! Đồ cổ! Đồ cổ!tưởng như cụ ấy bắt được kho của. Và thế là cụ, lúc bằng cuốc, lúc bằng tay không, hì hà hì hục đào bới , một mình làm gần bằng cả hai chúng tôi.
- Thế cuối cùng tìm được cái gì hở bác?
- Một pho tượng đàn bà lớn, đen trũi, nói ông bỏ lỗi cho, trần truồng đến quá nửa người, toàn bằng đồng, ông ạ. Và cụ Đờ Pêrơhôrát bảo chúng tôi đấy là một tượng thần thời còn Tà giáo… thời vua Sarlơmanhơ ấy mà!
- Tôi hiểu là cái gì rồi. Lại một pho tượng Đức Mẹ Đồng trinh nào đó bằng đồng đen của một tu viện bị tàn phá chứ gì.
-Tượng Đức Mẹ Đồng Trinh à! Úi chà!…Nếu là tượng Đức Mẹ Đồng trinh thì tôi đã nhận ra ngay rồi. Tôi đã bảo là tượng thần kia mà. Cứ trông dáng điệu là biết ngay. Đôi mắt to tướng và trắng dã cứ như trừng trừng nhìn mình…Hễ nhìn pho tượng là người ta phải cúi mặt xuống.

- Mắt trắng à? Thôi chắc là mắt nạm vào đồng rồi. Có lẽ đây là một pho tượng La-mã nào cũng nên.
- Tượng La-mã! Đúng thế. Cụ Đờ Pêrơhôrát bảo đó là một pho tượng La-mã. Ồ! Tôi thấy rõ ông cũng là một nhà thông thái như cụ ấy.
- Tượng còn nguyên, hay có bị sứt mẻ gì không?
- Ồ! Thưa ông, tượng còn nguyên vẹn cả. Còn đẹp hơn và kỹ nét hơn pho tượng bán thân của vua Lui Philíp bằng thạch cao ngoài phủ một lớp sơn ở Tòa Thị chính. Tuy vậy trông bộ mặt tôi thấy chẳng ưa chút nào. Trông có vẻ ác lắm, và nó ác thật đấy.
-Ác à? Nhưng nó đã ác với bác như thế nào kia?
-Không phải chính ngay với tôi; nhưng ông xem đây này: chúng tôi phải lấy hết sức bình sinh mới dựng đứng pho tượng lên được, và cả cụ Đơ Pêrơhorát nữa, tuy sức trói gà không chặt, cụ cũng cầm dây kéo, cụ người đạo mạo thế! Chúng tôi vất vả lắm mới dựng pho tượng đứng thẳng lên được. Tôi nhặt một viên ngói để chèn thì ầm một cái thế là pho tượng đổ kềnh xuống đất. Tôi nói, cẩn thận chân kìa! Nhưng chậm quá mất rồi, vì Gian Côn không kịp rút chân ra.
-Thế anh ấy bị thương à?

-Thương hại cho cái chân anh ấy bị gãy đôi, cứ y như cái cọc chống nho vậy. Rõ tội nghiệp! Thấy thế, tôi điên tiết định lấy cuốc bổ vỡ pho tượng. Nhưng cụ Đơ Pêrơhôrát vội giữ tôi lại. Cụ cho tiền Gian Côn, anh ta bị đã mười lăm hôm nay, ấy thế mà bây giờ hãy còn nằm liệt giường; và bác sĩ nói cái chân ấy không bao giờ còn đi đứng được như chân bên kia nữa đâu. Thật đáng tiếc, anh ta còn là một tay chạy đua giỏi nhất, và sau cậu con cụ chủ, anh ta là người chơi pôm (môn chơi gần giống như tennis)có nhiều mánh lới nhất của chúng tôi đấy. Cậu Anphônxơ Đơ Pêrơhôrát rất buồn về việc này vì Gian Côn chính là người vẫn đánh đôi với cậu ấy. Xem hai người chuyền bóng cho nhau thật sướng mắt. Pách! Pách! Không lúc nào bóng rơi xuống đất.

Vừa đi vừa trò chuyện, chúng tôi vào đến Ilơ, và chẳng bao lâu tôi đã được tiếp kiến cụ Đờ Pêrơhorát. Cụ là một ông già người nhỏ nhắn nhưng hãy còn mạnh mẽ nhanh nhẹn, còn đánh phấn, mũi đỏ, có vẻ vui tính và hay bỡn cợt. Trước khi mở xem thư của ông Đơ P…, cụ mời tôi ngồi vào một bàn ăn thịnh soạn, và giới thiệu với vợ và con trai rằng tôi là một nhà khảo cổ nổi tiếng sẽ làm cho xứ Ruxinông này thoát khỏi tình trạng bị lãng quên do sự thờ ơ của các nhà bác học.
Tôi ăn bữa cơm rất ngon miệng, vì không có gì làm cho người ta ăn thấy ngon bằng không khí kích thích của miền núi; tôi vừa ăn vừa quan sát gia đình chủ nhân. Tôi đã nói qua về cụ Đơ Pêrơhôrát; tôi cần nói thêm rằng cụ là hiện thân của sự linh lợi hoạt bát. Cụ nói, cụ ăn, cụ đứng dậy, chạy sang phòng đọc sách, mang sách lại cho tôi, chỉ cho tôi xem những bức ấn họa, rót rượu mời tôi uống; không lúc nào cụ ngồi yên đến hai phút. Cụ bà hơi béo quá, như phần lớn phụ nữ Catalan khi đã ngoài bốn mươi, tôi trông có vẻ đặc là một phụ nữ tỉnh nhỏ, chỉ biết lo lắng công việc nội trợ. Tuy bữa ăn tối ít nhất sáu người mới ăn hết, cụ bà cũng còn chạy xuống bếp, sai làm thịt bồ câu, rán bánh ngô, mở không biết bao nhiêu lọ mứt. Chỉ một lát trên bàn chật ních những chai cùng đĩa, và nếu tôi chỉ gọi là nếm thử tất cả các món chủ nhân mời, thì cũng đủ bội thực mà chết. Tuy vậy mỗi khi tôi từ chối món nào là chủ nhân lại xin lỗi. Người ta sợ tôi đến tỉnh Ilơ này thiếu thốn khổ sở quá. Ở tỉnh nhỏ, mọi phương tiện đều thiếu, mà người Pa-ri thì khó tính lắm.

Trong khi bố mẹ đi đi lại lại thì Anphônxơ Đơ Pêrơhôrát cứ ngồi trơ ra như phỗng. Anphônxơ là một thanh niên hai mươi sáu tuổi, người cao lớn, đẹp trai, đường nét đều đặn, nhưng thiếu ý nhị. Vóc người và thân hình nở nang của anh khiến anh thật không hổ danh là tay chơi pôm không biết mệt ở xứ này. Tối hôm ấy anh ăn mặc rất lịch sự, đúng hệt bức vẽ trong báo "Mốt" số mới nhất. Nhưng anh có vẻ ngượng nghịu trong bộ quần áo của mình; cái cổ áo nhung làm anh cứ thẳng đuỗn như khúc gỗ, mỗi khi quay đầu lại phải quay cả toàn thân. Đôi bàn tay to và rám nắng, móng tay ngắn, trái ngược một cách lạ thường với bộ quần áo kia. Trông rõ là đôi bàn tay dân cày thò ra ở đầu ống tay áo của công tử bột. Vả lại tuy anh ta ngắm nghía tôi từ đầu tới gót một cách hết sức tò mò…, vì tôi là người Pa-ri, nhưng suốt buổi tối hôm ấy anh chỉ nói với tôi có mỗi một lần: đó là để hỏi xem tôi mua sợi giây đồng hồ ở đâu.
-Úi chà! Ông khách thân mến, cụ Đơ Pêrơhôrát nói, khi bữa ăn tối đã gần xong, ông là người thuộc quyền tôi đấy nhé, ông ở nhà tôi mà lại. Tôi sẽ không buông thả ông ra đâu, trừ khi nào ông đã đi xem tất cả những cái hay cái lạ ở vùng rừng núi chúng tôi. Phải để cho ông tìm hiểu rõ xứ Ruxiông chúng tôi, và đánh giá một cách xứng đáng kẻo oan cho nó. Chắc ông không ngờ được tất cả những cái chúng tôi sẽ đưa ông đi xem. Những đền đài di tích thời đại người Phê-ni-xiêng Xen-tơ, La Mã, A Rập, Bi-dăng-tin, ông sẽ được xem từ vật to đến vật nhỏ, không bỏ qua một cái gì. tôi sẽ xin dẫn ông đi xem khắp mọi nơi, không để sót một viên gạch nào.

Một cơn ho làm cụ phải ngừng lại. Tôi nhân lúc đó liền nói ngay là tôi rất lấy làm ân hận đến quấy nhiễu cụ đúng vào lúc trong nhà có việc vui mừng. Nếu cụ sẵn lòng chỉ bảo cho những điều quý báu về những nơi tôi nên đi thăm, tôi có thể đi một mình, không dám phiền cụ cùng đi…
-A! Ông định nói đến đám cưới của thằng cháu nó nhà tôi phải không? Cụ kêu lên cắt lời tôi. Xá gì chuyện ấy! Chỉ ngày kia là xong. Ông sẽ dự đám cưới, tổi chức đơn giản trong gia đình thôi, vì cô dâu đang có tang một người dì mà cô ta là người thừa kế. Vì thế cho nên không có hội hè, khiêu vũ gì cả…Thật đáng tiếc…nếu không ông sẽ được xem phụ nữ xứ tôi nhảy. Các cô ấy xinh lắm, và biết đâu ông lại chẳng muốn bắt chước thằng cháu Anphônxơ nhà tôi. Người ta thường nói đám cưới này dắt dây đám khác…Thứ bảy đôi trẻ cưới xong, chúng ta sẽ cùng rong chơi. Tôi xin ông tha lỗi về việc làm phiền ông phải dự một đám cưới tỉnh lẻ. Đối với một người Pa-ri đã chán ngấy hội hè…mà lại thêm một đám cưới không khiêu vũ nữa.! Nhưng ông sẽ được xem mặt cô dâu…một cô dâu…để rồi ông sẽ cho biết ý kiến sau…Nhưng ông là một người đạo mạo, thấy phụ nữ cũng chẳng buồn nhìn nữa. Tôi có cái còn hơn thế nữa để đưa ông xem. Tôi sẽ cho ông xem cái này!…Tôi để dành cho ông một chuyện bất ngờ đáng tự hào vào ngày mai.

-Trời ơi! Tôi nói, thật khó có một của báu trong nhà mà công chúng lại không biết. Tôi tưởng có thể đã đoán ra chuyện bất ngờ cũ định để dành cho tôi rồi. Nếu là chuyện pho tượng kia, thì những lời người dẫn đường cho tôi đã tả chỉ càng kích thích tánh tò mò và làm tôi phải sẵn sàng để chiêm ngưỡng.
-A!thế ra bác ấy đã nói đến pho tượng thần rồi à, ấy họ cứ toàn gọi pho tượng Vệ-nữ Tur…tuyệt đẹp của tôi thế đấy…Nhưng thôi tôi cũng chẳng muốn nói gì thêm nữa. Ngày mai, giữa ban ngày ông sẽ thấy và xin ông sẽ cho biết rằng nó có đúng là một công trình tuyệt tác như tôi nghĩ không. Tuyệt quá! Ông đến không thể đúng lúc hơn! Trên tượng có những dòng chữ khắc mà tôi, một con người dốt nát đáng thương, tôi giải thích theo cách của tôi…nhưng còn một nhà bác học ở Pa-ri!…Chắc có lẽ ông phải cười cách giải thích của tôi…vì tôi đã viết một bản thuyết trình…tôi, người đang hầu chuyện ở đây…một người nghiên cứu đồ cổ già ở tỉnh nhỏ…tôi đã đánh bạo…Tôi muốn làm cho báo chí phải rên siết…Nếu ông sẵn sàng đọc giúp và chính phủ cho, tôi có thể hy vọng…Chẳng hạn như tôi rất tò mò muốn biết chữ này khắc ở trên bệ ông sẽ dịch như thế nào! CAVE…Nhưng tôi chưa muốn yêu cầu gì ông ngay bây giờ cả! Xin để đến mai! Đến mai! Hôm nay không nói gì đến tượng Vệ-nữ cả.
-Ông nó nói phải đấy, cụ bà Đơ Pêrơhôrát nói, nên gác cái tượng thần của ông lại. Ông phải thấy ông làm cho ông đây không ăn được nữa. Thôi đi, ông đây ở Pa-ri đã được xem khối tượng đẹp hơn của ông nhiều. Ở Cung Tuylơri có hàng tá, và cũng bằng đồng đen.
-Đấy cái dốt nát- cụ Đơ Pêrơhôrát ngắt lời vợ- cái dốt nát thần thánh ở tỉnh lẻ nó như thế đấy ông ạ. Đem so một pho tượng cổ tuyệt đẹp với những pho tượng tẻ nhạt của Cuxtu.

Bà vợ tôi là người nội trợ
Nói tới thần linh.
Sao dám buông lời bất kính.
Ông có biết bà nó nhà tôi còn muốn tôi đem nấu pho tượng để đúc cho nhà thờ không? Chả là bà nó nhà tôi có gì sẽ thành người bảo trợ mà. Thưa ông, một công trình tuyệt tác của Myrôn!
-Tuyệt tác à! Tuyệt tác! Công trình tuyệt tác như thế à! Làm gãy chân người ta!
-Bà nó ơi, này này, cụ Đơ Pêrơhôrát nói, giọng cương quyết, vừa nói vừa giơ chân phải đi bít tất lụa ngũ sắc về phía vợ, nếu Vệ-nữ của tôi có làm gẫy cái chân này cũng không tiếc.
-Trời ơi! Ông Đơ Pêrơhôrát, làm sao ông lại có thể nói như vậy được nhỉ! May mà anh ta đã đỡ nhiều…Ấy là tôi còn chưa dám nhìn pho tượng đã gây ra tai họa như thế đấy! Tội nghiệp anh Gian Côn!
-Thưa ông, đau khổ vì thần Vệ-nữ, cụ Đơ Pêrơhorát vừa nói vừa cười khanh khách, đau khổ vì thần Vệ-nữ mà cái thằng láo lếu phàn nàn:
Veneris nec praemia noris.
Ai mà chẳng đau khổ vì thần Vệ-nữ?

Anphônxơ vốn hiểu tiếng Pháp hơn tiếng La-tinh, nháy mắt và nhìn tôi như muốn hỏi: ông là người Pa-ri, ông có hiểu không?
Bữa tối đã xong. Tôi đã thôi ăn được đến một giờ.Tôi mệt quá và không tài nào giấu nổi những cái ngáp liên hồi không kìm lại được. Cụ bà Đơ Pêrơhôrát là người nhận thấy đầu tiên và nêu ra ý kiến là đã đến giờ đi ngủ. Thế là lại bắt đầu một tràng những câu xin lỗi về nơi ăn chốn nằm không được tử tế mà chủ nhân dành cho khách. Tôi sẽ không được như ở Pa-ri đâu. Ở tỉnh lẻ, thiếu thốn đủ thứ! Khách nên rộng lượng đối với người Ruxiông ở đây. Tôi đã phân trần mãi là sau một buổi leo núi chỉ cần một bó rơm cũng đủ là một chỗ ngủ tuyệt vời, chủ nhân vẫn cứ nằn nì xin tôi thứ lỗi cho những người quê mùa không tiếp đãi khách được đúng như ý họ muốn. Cuối cùng tôi lên buồng dánh riêng cho tôi, có cụ Đơ Pêrơhôrát đi theo. Cầu thang, những bậc trên bằng gỗ, dẫn tới một hành lang có cửa đi vào nhiều buồng.
-Bên phải- chủ nhân nói- là gian tôi dành cho cô dâu.Buồng của ông ở cuối phía bên kia. Ông cũng thừa hiểu- cụ nói thêm với một vẻ cố làm cho hóm hỉnh- ông cũng thừa hiểu là vợ chồng mới cưới phải để cho họ có một chỗ biệt tịch. Ông ở đầu bên này, họ ở đầu bên kia.
Chúng tôi vào một căn phòng bày biện tươm tất, vật đầu tiên đập vào mắt tôi là một cái giường dài bảy pi-ê, rộng sáu pi-ê và cao đến nỗi phải dùng cái ghế con để trèo lên.

Chủ nhân chỉ cho tôi chỗ dây chuông rồi đích thân xem lại bình đường có đầy không, các chai nước hoa Côlônhơ có để trên bàn rửa mặt đâu vào đấy không, và hỏi lại tôi xem còn thiếu thứ gì không, sau đấy chúc tôi ngủ ngon giấc rồi đi ra để tôi ở lại một mình trong phòng.
Các cửa sổ trong phòng đều đóng kín. Trong khi cởi quần áo, tôi mở một cửa ra để thở hít không khí mát mẻ ban đêm, tuyệt thú sau một bữa ăn tối kéo dài. Trước mặt là núi Canigu, lúc nào trông cũng đẹp, nhưng tối hôm ấy tôi thấy như là ngọn núi đẹp nhất thế giới, vì lúc ấy sáng trăng vằng vặc. Tôi đừng ngắm những nét thanh kỳ tuyệt diệu của ngọn núi mấy phút, và đang định đóng cửa sổ lại thì chợt nhìn xuống thấy pho tượng đặt trên một cái bệ chỉ cách nhà độ vài chục toa-dơ. Pho tượng đặt ở góc một hàng rào bằng cây xanh ngăn một mảnh vườn nhỏ với một miếng đất vuông phẳng lì. Miếng đất này, về sau tôi mới được biết, là sân đánh pôm của thành phố. Miếng đất ấy trước thuộc quyền sở hữu của cụ Đơ Pêrơhôrát, sau vì con trai khẩn khoản mãi cụ mới nhường lại cho thị xã.
Từ chỗ tôi đứng xa quá, khó mà có thể nhận được dáng điệu của pho tượng; tôi chỉ ước lượng được chiều cao độ sáu pi-ê. Lúc đó có hai thằng bé trong thành trông có vẻ nghịch ngợm, đi qua sân đánh pôm, khá gần hàng rào, miệng huýt sáo điệu rất hay của xứ Ruxiông "Núi Rêgalát". Chúng đứng lại nhìn pho tượng; thậm chí một đứa còn lớn tiếng quát. Nó nói tiếng Catalan; nhưng tôi đến ở xứ Ruxiông cũng đã khá lâu nên có thể hiểu đại khái chúng nói gì.
-A ra mày đấy à! Con đĩ kia (danh từ trong tiếng Catalan còn mạnh hơn nữa). Mày đấy à! Nó nói. Thế ra chính mày đã làm gãy chân anh Gian Côn đấy! Nếu mày là của tao thì tao đánh cho cứ gọi là gãy cổ.
-Úi chà! Đánh bằng gì được? Tượng bằng đồng, rắn lắm đến bác Echiên định chơi vào cũng còn gãy cả dũa nữa là. Tượng bằng đồng từ thời Tà giáo; rắn không thể tưởng tượng được.
-Nếu tao có cái đục ở đây (hình như nó học nghề thợ khóa) thì tao sẽ nậy đôi mắt to trắng dã kia đi ngay như nậy hạnh nhân ấy. Chỗ bạc ấy bán đi cũng được trăm xu.

Chúng đi ra xa mấy bước.
Đứa lớn bỗng đứng dừng lại nói:
-Để tao phải gửi lời chào tượng thần mới được.
Nó cúi xuống, chắc có lẽ nhặt một hòn đá. Tôi thấy nó vung tay ném một vật gì rồi liền nghe có tiếng đập vào đồng kêu đánh keng. Ngay lúc ấy thằng bé học việc thét lên đưa tay lên xoa đầu kêu đau:
-A ! Ra nó ném trả tao mày ạ!
Thế rồi hai thằng ranh ba chân bốn cẳng cắm đầu chạy mất. Hiển nhiên là hòn đá đập vào đồng đã bật lại trúng phải thằng bé láo lếu kia đã dám xúc phạm đến vị nữ thấn.
Tôi vừa khép cửa sổ lại vừa vui vẻ cười.
-Lại một kẻ phá hoại công trình nghệ thuật bị thần Vệ-nữ trừng phạt! Lạy trời cho tất cả những kẻ phá hoại đến đài di tích cổ cũng sẽ bị vỡ đầu như vậy.
Sau điều cầu phúc nhân từ đó, tôi nhắm mắt ngủ.
Tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng rõ. Đứng cạnh giường tôi một bên là cụ Đơ Pêrơhôrát với chiếc áo mặc trong nhà, một bên là người đầy tớ trai do bà chủ sai đến, tay bưng một chén sô-cô-la:

-Thế nào dậy thôi chứ, ông khách Pa-ri! Ra các ngài ở thủ đô lười thế đấy! Chủ nhân nói trong khi tôi vội vã mặc quần áo. Đã tám giờ rồi mà hãy còn ngủ à! Tôi thì đã dậy từ sáu giờ. Tôi đã lên đây ba bốn lần rón rén lại gần cửa buồng; không có bóng một ai, không thấy động tĩnh gì cả. Tuổi ông mà ngủ nhiều quá sẽ không tốt đâu. Lại còn Vệ-nữ của tôi ông chưa xem! Nào xin mời ông dùng ngay cho tôi một chén sô-cô-la Barxơlon kia đi…Hàng lậu chính cống đấy nhé…Sô-cô-la này ở Pa-ri không làm gì có đâu…,ông uống đi để lấy sức, vì một khi đã đứng trước tượng Vệ-nữ của tôi thì ông không dứt ra được nữa đâu.
Chỉ năm phút sau tôi đã sửa soạn xong, nghĩa là mặt cạo dở dang, khuy cài đại khái, bỏng miệng vì uống vội chén sô-cô-la còn nóng quá. Tôi xuống vườn và thấy trước mặt một pho tượng tuyệt mỹ.

Quả đúng là một pho tượng thần Vệ-nữ với một vẻ đẹp tuyệt diệu. Pho tượng nửa mình trên để trần theo cách người thời cổ thường vẽ hoặc tạc những vị thượng đẳng thần; bàn tay phải để ngang vú, lòng bàn tay úp vào trong, ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón tay giữa ruỗi thẳng, còn hai ngón kia hơi cong. Bàn tay kia để gần háng, nâng tấm vải che nửa thân dưới. Tư thế của pho tượng làm cho người ta nhớ đến tư thế của Người chơi tính ngón tay mà không hiểu tại sao người ta mệnh danh là Giermanicux. Phải chăng người ta muốn tạc tượng nữ thần đang chơi tính ngón tay.
Dù sao cũng không thể nào tìm đâu thấy một cái gì tuyệt mỹ hơn thân hình của tượng Vệ-nữ này; không còn gì kỳ thú và gợi lòng xuân hơn những đường cong nét lượn của thân hình kia, không còn gì thanh lịch và cao quí hơn tấm vải quấn quanh mình. Trước tôi đinh ninh đây lại là một tác phẩm nào đó thuộc thời Hậu Đế chế; nay tôi được thấy một công trình tuyệt tác của thời cực thịnh trong nghề tạc tượng. Điều làm tôi chú ý nhất là tính chân thật tuyệt diệu của hình dáng, đến nỗi người ta có cảm tưởng như đổ khuôn theo mẫu thiên nhiên nếu thiên nhiên sản sinh ra được những người mẫu hoàn mỹ như vậy.

Bộ tóc hất ngược trên trán hình như trước kia mạ vàng. Cái đầu nhỏ như hầu hết tất cả tượng Hy-lạp, hơi ngả về phía trước. Còn bộ mặt, tôi không tài nào diễn tả nổi vẻ kỳ lạ, bộ mặt đó thuộc một kiểu đặc biệt, tôi không nhớ có một pho tượng cổ nào hao hao giống như vậy. Đây không phải là vẻ đẹp trầm lặng và nghiêm nghị các nhà điêu khắc Hy-lạp, theo một quan điểm nhất định, bao giờ cũng cho các nét một vẻ bất động uy nghiệm. Ở đây, trái lại, tôi ngạc nhiên nhận thấy dụng ý rõ rệt của nghệ sĩ muốn diễn tả sự hiểm độc lên tới mức tàn ác. Tất cả các nét mặt đều hơi căng thẳng, mắt hơi xếch, mép hơi nhếch, lỗ mũi hơi phồng. Sự khinh thị, mỉa mai, độc ác, hiện rõ trên bộ mặt kia, tuy vậy có một vẻ đẹp không thể tưởng tượng được.Thật ra càng ngắm pho tượng tuyệt mỹ kia, người ta lại càng có cảm giác khó chịu, tại sao một vẻ đẹp tuyệt diệu nhường kia lại có thể đi đôi với một sự thiếu tình cảm triệt để như vậy.
-Nếu người mẫu có thật-tôi nói với cụ Đô Pêrơhôrát- và tôi ngờ là trời khó có thể sinh ra một người đàn bà như vậy ở trên đời, thì tôi rất thương hại những kẻ yêu cô ta! Chắc hẳn cô ta thích làm cho họ chết vì tuyệt vọng. Trông vẻ mặt pho tượng có một cái gì rất dữ tợn, tuy vậy tôi chưa từng thấy một bộ mặt nào đẹp hơn.
-Đây là Vệ-nữ đang hết sức giữ chặt lấy mồi! Cụ Đô Pêrơhôrát kêu lên, có vẻ đắc ý trước nhiệt tình của tôi.

Vẻ diễu cợt quái đản kia hình như còn tăng thêm sự trái ngược giữa đôi mắt long lanh nạm bạc và lớp rỉ đồng xanh đen mà thời gian phủ trên toàn thân pho tượng. Đôi mắt long lanh kia gây ra một ảo ảnh nào đó làm cho người ta tưởng đến thực tế, đến sự sống. Tôi chợt nhớ đến những lời nói của người dẫn đường là pho tượng làm cho ai nhìn cũng phải cúi mặt xuống đất. Điều đó gần như đúng sự thật, và tôi không tài nào nén nổi tức giận với bản thân khi cảm thấy hơi lúng túng trước pho tượng đồng.
-Ông bạn đồng nghiệp về đồ cổ thân mến của tôi ơi-chủ nhân nói-bây giờ ông đã được ngắm nghía từng chi tiết nhỏ rồi, vậy xin ông hãy cùng tôi mở một cuộc hội nghị khoa học. Ông nghĩ thế nào về dòng chữ khắc này trên pho tượng mà ông chưa hề để ý?
Cụ chỉ cho tôi xem đế tượng, tôi đọc thấy hàng chữ:
CAVE AMANTEM
-Quid dicis doctissime? (tiếng La tinh: nhà bác học nghĩ sao?) Cụ vừa hỏi vừa xoa tay. Nào thử xem ý kiến của chúng ta có gặp nhau về nghĩa của câu Cave amantem này không?
-À, tôi đáp, câu này có hai nghĩa. Ta có thể dịch: "Hãy coi chừng những kẻ yêu nàng. Hãy đề phòng những người tình của nàng". Nhưng nếu hiểu theo nghĩa này về mấy chữ Cave amantem, tôi không biết có phải là chính cống tiếng La- tinh không? Trông vẻ mặt quái ác kia của cô ả, tôi nghĩ rằng có lẽ nghệ sĩ định bảo người xem tượng phải coi chừng sắc đẹp ghê gớm kia thì đúng hơn. Vậy tôi xin dịch là: "Phải coi chừng cô ấy yêu anh".

-Hừ! Cụ Đơ Pêrơhôrát nói, nghĩa ấy cũng hay lắm, nhưng ông thứ lỗi cho, tôi thích cách dịch trước hơn, và tôi xin phát triển như sau. Chắc ông biết người yêu của Vệ-nữ đấy chứ!
-Người yêu của Vệ-nữ thì có nhiều.
-Vâng, đúng thế! Nhưng người yêu đầu tiên là Vuncanh. Phải chăng người ta định nói: "Mặc dầu cô đẹp và có vẻ khinh người, người yêu của cô sẽ chỉ là một anh thợ rèn, một tên thọt chân xấu xí". Một bài học sâu sắc cho những cô ả có tính đỏng đảnh đấy ông ạ.
Tôi không khỏi mỉm cười, vì cách giải thích đó có vẻ gượng ép quá.
-Tiếng La-tinh ghê gớm thật, nó súc tích quá! Tôi nói vậy để tránh phát biểu một ý kiến trái ngược với nhà nghiên cứu đồ cổ của tôi, và tôi lúi lại mấy bước để ngắm pho tượng cho rõ hơn.
-Hãy khoan, ông bạn đồng nghiệp! Cụ Đơ Pêrơhôrát vừa nói vừa lôi cánh tay tôi lại, ông chưa xem xét hết. Hãy còn một dòng chữ khác nữa. Xin ông trèo lên bệ pho tượng mà xem xem ở cánh tay phải. Cụ vừa nói vừa đỡ cho tôi trèo lên.
Không nề hà, tôi níu phăng lấy cổ pho tượng Vệ-nữ mà tôi bắt đầu quen dần. Thậm chí tôi còn nhìn sát ngay tận mặt một lát và nhìn gần lại càng thấy độc ác và đẹp.Tôi nhận thấy trên cánh tay có khắc mấy chữ, hình như thuộc một lối chữ khảo cổ. Cố giương mục kỉnh, tôi đánh vần được mấy chữ dưới đây, và mỗi khi tôi đọc được chữ nào cụ Đơ Pêrơhôrát lại nhắc lại, với cử chỉ và giọng nói ra vẻ tán đồng.

VENERI TVRBVL
EVTYCHES MYRON
IMPERIO PECIT

Sau tiếng TVRBVL ở dòng đầu hính như có mấy chữ bị mờ, nhưng TVRBVL rất rõ.
-Câu đó nghĩa là…chủ nhân hỏi, nét mặt hớn hở và mỉm cười một cách hóm hỉnh, vì cụ cho rằng chữ TVRBVL chắc tôi khó mà gỡ cho ra mối.
-Có một tiếng tôi chưa tự giải thích được, tôi nói, còn thì dễ cả. EVTYCHES MYRON dâng pho tượng này lên thần Vệ-nữ theo lệnh của Người.
-Tuyệt lắm!nhưng còn TVRBVL ông bỏ đi đâu? TVRBVL là gì?
-Tiếng TVRBVL này làm tôi hết sức lúng túng. Tôi đang tìm một tính từ thuộc về thần Vệ-nữ mà mọi người đều biết có thể gợi ý cho tôi, nhưng mãi chưa ra. Nào ta thử xem TVRBVLENTA là một tính từ đối với Vệ-nữ cũng không đến nỗi sai quá, tôi khiêm tốn nói tiếp, vì chính bản thân tôi cũng không hài lòng lắm về cách giải thích này.
-Vệ-nữ nghịch ngợm! Vệ-nữ quấy nhộn! A! Dễ ông tưởng Vệ-nữ của tôi là một Vệ-nữ ở ngoài quán rượu chắc? Không phải đâu, ộng ạ; đó là một Vệ-nữ của giới người lịch sự kia. Nhưng để tôi xin giải thích ông nghe tiếng TVRBVL… này. Ít nhất cũng xin ông hứa với tôi là không đem phổ biến sự phát hiện này trước khi bản thuyết trình của tôi được in ra. Là vì, ông cũng thấy đấy chứ, tôi lấy làm vinh dự về điều tôi tìm ra đó…Dù sao thì ông cũng phải để lại vài bông lúa cho bọn người ở tỉnh nhỏ khổ sở như chúng tôi mót máy chứ. Các ngài bác học ở Pa-ri thì còn thiếu gì!
Lúc đó tôi hãy còn đang đứng ngất nghểu trên bệ cao của pho tượng; từ trên đó tôi long trọng hứa với cụ Đờ Pêrơhôrát không bao giờ làm cái việc hèn hạ ăn cắp phát hiện này của cụ.

-TVRBVL…ông ạ, cụ vừa nói vừa tiến lại gần tôi và hạ thấp giọng để không cho người khác nghe được, xin ông đọc là TVRBVLNERA.
-Tôi cũng chẳng hiểu rõ thêm được chút nào.
-Xin ông nghe đây. Cách đây một năm, ở dưới chân núi, có một làng tên là BOULTERNÈRE. Đó là biến dạng của tiếng La-tinh TVRBVLNERA. Nói lái như vậy là chuyện rất thường. Boulternère, ông ạ, xưa kia là một thành phố La-mã. Tôi vẫn ngờ ngợ như vậy, nhưng chưa bao giờ nắm được bằng chứng. Nay bằng chứng đây. Thần Vệ-nữ kia là Thành hoàng thành phố Boulternere, và cái tên Boulternère mà tôivừa mới chứng minh nguồn gốc cổ xưa, còn chứng tỏ một điều kỳ lạ hơn nữa, đó là việc Boulternère trước khi là một thành phố La-mã, đã từng là một thành phố Phê-ni-xiêng.
Cụ ngừng lại một lát để thở và hưởng cái khoái trá được thấy tôi ngạc nhiên. Tôi buồn cười quá nhưng cố nhịn được.
-Thật vậy, cụ nói tiếp, TVRBVLNERA là tiếng Phê-ni-xiêng chính cống, TVR đọc là TOUR và SOUR, cũng là một, phải không ông? SOUR là tên của người Phê-ni-xiêng gọi TYR, tôi tưởng chẳng cần nhắc lại với ông nghĩa của tiếng này. BVL tức là BAAL; ĐAL, BEL, BUL, đọc chỉ hơi khác nhau một chút, còn NERA thì làm tôi hơi vất vả một chút. Không tìm ra được tiếng Phê-ni-xiêng tương đương, tôi có ý muốn cho rằng tiếng này gốc ở Hy-Lạp nghĩa là ẩm thấp bùn lầy. Vậy thì đây là một tiếng gốc lai căng. Để chứng minh điều này, tôi sẽ xin đưa ông đi xem những lạch và suối ở Boulternère ở trên núi chảy xuồng đọng lại thành những hồ ao hôi thối. Một mặt khác, vĩ từ NERA có thể là mãi sau này mới thêm vào để ghi nhớ công ơn NERA PIVESUVIA, vợ của TETRICUS, có lẽ có lần đã giáng phúc cho thành phố TURBUL. Nhưng vì có những ao tù kia, tôi cho ngữ nguyên nói trên đúng hơn.

Cụ lấy thuốc lá ra hít với vẻ đắc ý.
-Nhưng thôi ta hãy bỏ chuyện người Phê-ni-xiêng đi, và trở lại dòng chữ trên tượng kia. Vậy tôi xin dịch là : "Myrôn kính dâng thần Vệ-nữ ở Boulternère theo lệnh của Người, pho tượng này, tác phẩm của mình".
Tôi cố tránh không chỉ trích cách giải thích ngữ nguyên đó của cụ, nhưng tôi cũng muốn tỏ ra mình thâm thúy, và nói:
-Thôi thôi cụ ơi! Myrôn có dâng cúng một vật gì thật đấy, nhưng tôi thật không thấy cái đó phải là phải là pho tượng này.
-Sao! Cụ kêu lên, Myrôn chẳng phải là một nhà điêu khắc Hy-lạp nổi tiếng đó ư? Tài năng đã truyền lại từ đời này qua đời khác trong dòng họ ấy: đây là một người con cháu trong dòng họ Myrôn đã tạc pho tượng này. Không còn gì chắc chắn hơn.
-Nhưng, tôi đáp, tôi thấy ở trên cánh tay có một lỗ nhỏ. Tôi cho là lỗ đó đã dùng để giữ một vật gì, một chiếc vòng chẳng hạn, và người tên là Myrôn nào đó đã cúng thần Vệ-nữ chiếc vòng này để trả lễ. Myrôn là một người thất tình. Thần Vệ-nữ giận ghét anh ta: anh ta đem cúng một chiếc vòng vàng để thần nguôi giận. Xin cụ chú ý là FECIT thường được dùng thay chữ CONSECRAVIT. Đó là hai chữ đồng nghĩa. Tôi sẽ chỉ cụ xem nhiều trường hợp như vậy, nếu tôi có ở đây quyển Gruter hay quyển Orellius. Một anh chàng si tình nằm mơ thấy thần Vệ-nữ là một chuyện tự nhiên, anh ta tưởng tượng là thần phán bảo anh ta phải mang cúng một chiếc vòng vàng. Rồi sau bọn man di hay một tên ăn trộm nào đó đã phạm tội bất kính…
-A! Người ta thấy rõ ông là người đã viết tiểu thuyết, chủ nhân vừa kêu lên vừa giơ tay đỡ tôi xuống. Không ông ạ, đây là một tác phẩm của một người thuộc trường phái Myrôn. Ông chỉ cần xem pho tượng là ông phải đồng ý như vậy.



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 2
C-STAT