Snack's 1967
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện tâm linh

Chương 11

Trở Về Ấn Độ


Tàu Rajputana về đến hải cảng Bombay ngày 22 tháng 8, năm 1935. Tôi hít đầy phổi cái không khí yên lành của Ấn Độ.

Vừa lên tới bến, tôi đã nhìn thấy trước những gì đang chờ đợi tôi ở xứ nhà: đó là mười hai tháng trường hoạt động không ngừng. Các bạn bè và thân bằng quyến thuộc tiếp đón chúng tôi trên bến với những tràng hoa tươi. Kế đó, khi chúng tôi đến khách sạn Taj Mahal, chúng tôi liền bị bao vây bởi những ký giả và nhiếp ảnh viên. Sau khi đã ký thác cho sở Hỏa Xa chiếc xe Ford của chúng tôi đem theo xuống tàu từ bên Mỹ Quốc, nhóm ba người chúng tôi hối hả dáp xe lửa đi Calcutta.

Đến ga Howrah, chúng tôi được tiếp đón bởi một số người đông đảo đến nỗi chúng tôi phải vất vả khó khăn mới bước lên tới bến. Vị tiểu vương Kasimbazar và em trai tôi là Bishnu điều khiển ủy ban tiếp đón, chúng tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ được đón tiếp một cách nồng nhiệt như vậy.

Cha tôi ôm chầm lấy tôi dường như tôi vừa sống lại và chui ra khỏi mồ! Chúng tôi nhìn nhau rất lâu trong câm lặng vì vui mừng. Các anh em chị em tôi, các bà con thân quyến, học trò và bằng hữu cố tri ngày xưa vây chung quanh tôi, với đôi mắt đẫm lệ. Đến bây giờ thì cảnh tượng trở về quê nhà trong sự đón tiếp nồng hậu đầy tình thương ấy chỉ là một kỷ niệm xa vời, nhưng nó sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng tôi.

Tôi không tìm thấy ngôn ngữ nào có thể diễn tả nỗi tâm trạng của tôi khi tôi gặp lại Sri Yukteswar, Sư Phụ tôi. Tôi xin trích một đoạn văn của bạn Richard đã tả cảnh tái ngộ ấy trong tập Du Ký của ông như sau:

“Hôm nay, trong sự vui mừng và trông đợi, tôi lái xe đưa đại đức Yogananda từ Calcutta đi Serampore. Chúng tôi đi ngang qua những dãy hàng quán hai bên đường (trong một quán cơm này, đại đức Yogananda thường dùng bữa trong những năm ở trường đại học) và sau cùng, đi rẽ vào con đường nhỏ hẹp giữa hai vách tường. Cuối đường xe quẹo về bên trái thì đã tới đạo viện, một ngôi nhà lầu hai tầng, giản dị nhưng ấm cúng, với một bao lơn kiểu Tây Ban Nha nhô ra phía ngoài từng lầu trên. Cảm tưởng chung là một nơi hẻo lánh và yên tĩnh.

“Tôi đi theo đại đức Yogananda vào một cái sân nhỏ vào trong đạo viện. Trong lòng hồi hộp, chúng tôi bước lên những bậc thang đã cũ mà chắc hẳn hàng nghìn những người tìm đạo đã từng bước qua. Mỗi bước làm cho tôi càng thêm hồi hộp. Thình lình, tôi thấy xuất hiện ở trên cầu thang, vị Tôn Sư Sri Yukteswar, trong dáng điệu cao quý của một nhà hiền triết.”

“Run lên vì xúc động, tôi cảm thấy cái ân huệ tốt lành của sự hiện diện cao cả ấy. Đôi mắt tôi ứa lệ trong khi đó đại đức Yogananda, với tất cả sự biết ơn vô hạn trong tâm hồn, cúi đầu quỳ xuống chân Sư Phụ, đưa tay nắm lấy, rồi kế đó gục đầu xuống hai chân người để rỏ rõ sự cung kính rất mực và tuyệt đối phục tùng. Kế đó, người mới đứng dậy và Sri Yukteswar ôm lấy người một cách thật đậm đà thân mến.”

“Trước hết một cơn yên lặng ngự khắp gian phòng, nhưng cái yên lặng đó diễn tả tất cả những khía cạnh của hai tâm hồn. hai cặp mắt long lanh chiếu những tia sáng hạnh phúc trước sự tái ngộ của hai thầy trò sau bao nhiêu năm xá cách.”

“Đến lượt tôi cũng quỳ trước mặt Sư Phụ, tôi bày tỏ tấm lòng yêu mến và biết ơn người, tôi cũng cúi xuống nắm hai bàn chân đã tê cứng với thời gian và nhận lãnh ân huệ của Tôn Sư. Kế đó, tôi đứng dậy, nhìn vào đôi mắt của Tôn Sư, một đôi mắt đẹp, lớn, thâm trầm và chiếu sáng vì vui mừng. Chúng tôi bước qua phòng khách, mà một bên giáp với bao lơn, và có thể nhìn thấy đường lộ. Tôn Sư ngồi trên một tấm niệm trải dưới sàn gạch, dựa lưng vào một cái gối lớn. Đại Đức Yogananda và tôi ngồi dưới chân Tôn Sư, trên một chiếc chiếu bằng rơm, và dựa cùi chỏ trên những cái gối gòn màu vàng sậm.

“Tôi cố gắng theo dõi câu chuyện đàm thoại bằng tiếng Bengali giữa hai thầy trò đại đức nhưng không hiểu được gì cả vì cả hai không dùng tiếng Anh, tuy rằng Tôn Sư cũng nói được tiếng Anh trôi chảy. Nhưng sự thánh thiện của Tôn Sư được biểu lộ qua nụ cười hồn nhiên và tia sáng trong cặp mắt. Một đặc điểm trong tính chất của Tôn Sư là sự nhận xét đứng đắn trong mọi chuyện, đó tức là dấu hiệu minh triết của một người đã cảm thông được với Thượng Đế.”

“Tôi kính cẩn đưa mắt nhìn Tôn Sư thì thấy người vóc vạc cao lớn, vai rộng và dường như được trui rèn cứng rắn bởi bao nhiêu những cuộc thử thách và hi sinh của cuộc đời xuất gia. Người có một cái trán cao, cái mũi lớn, đôi mắt nâu sậm, tóc dài gợn sóng, rẽ làm hai phần, đã điểm bạc và thòng xuống đến tận vai. Hàm râu hơi thưa và ngắn, tuy nhiên bộ râu khéo xén kỹ làm tăng vẽ uy nghiêm trên gương mặt.”

“Tôn sư có giọng cười lớn, thành thật và cởi mở, hồn nhiên. Toàn thân người toát ra một sức mạnh, lưng thẳng và dáng điệu hùng vĩ. Tôn Sư mặc áo rộng và vận một các chăn vải, trước kia chắc hẳn là màu nâu sậm, nhưng nay đã trở thành màu vàng lợt. Tuy đã 81, Tôn Sư có vẻ lực lưỡng và khỏe mạnh.”

“Tình trạng cũ kỹ của gian phòng cho thấy rằng Tôn Sư ít chú trọng đến vấn đề vật chất. Nhưng vách tường quét vôi trắng đã trổ màu với thời gian. Ở một góc phòng có một bức chân dung của đại đức Lahiri Mahasaya treo trên vách. Ngoài ra còn có một bức ảnh đại đức Yogananda chụp chung với các vị đại biểu quốc tế tại Đại hội Tôn Giáo ở Boston.

“Tôi cũng nhận thấy một sự chung đụng lạ lùng giữa cổ lẫn kim: một cái chân đèn lớn có đóng mạng nhện vì đã lâu không dùng đến, trên tường một quyển lịch không lật đúng ngày. Từ những thứ đó toát ra một bầu không khí yên tịnh, êm đềm. Bên ngoài bao lơn, những cây giờ cao lớn tỏa bóng mắt và che chở khắp đạo viện.”

“Tôn Sư chỉ cần vỗ hai bàn tay để sai bảo những vị đệ tử trẻ tuổi trong đạo viện khi người cần dùng đến họ. Tôi có cảm tình đặc biệt với một thanh niên tên là Prafulla, với mái tóc đen dài xõa xuống vai, đôi mắt đen láy với cái nhìn sâu sắc thâm trầm và nụ cười hiền dịu. Đôi mắt y chiếu sáng mỗi khi hai khoé miệng y xếch lên trong một nụ cười, giống như hai ngôi sao và mặt trăng lưỡi liềm vào lúc hoàng hôn.”

“Tuy Tôn Sư bản tính vui vẻ hồn nhiên, nhưng sự minh triết thiêng liêng mới là điểm đáng nổi bật trong tác phong của người, nó khiến cho người không hề bộc lộ tình cảm ra ngoài.”

“Đại đức Yogananda dâng lên Tôn Sư các món quà biếu theo tục lệ thông thường khi một đệ tử đi xa trờr về gặp lại Sư Phụ. Sau đó, một bữa cơm giản dị, tươm tất được dọn ra cho chúng tôi, với các món ăn rất khéo gồm có cơm và rau đậu. Tôn Sư lấy làm thích thú khi thấy tôi hòa mình với phong tục Ấn Độ, và ăn cơm bằng tay.”

“Sau nhiều giờ hàn huyên và đàm luận trong tình thầy trò thân mật đậm đà, chúng tôi vừa kính cẩn kiếu từ Sư Phụ vừa chắp tay đưa lên trán theo phong tục của bổn xứ, và trở về Calcutta với những kỷ niệm khó quên. Tuy rằng cảm giác của tôi mới chỉ là bề ngoài, tôi cũng ý thức được sự cao cả tâm linh của Sư Phụ. Tôi cảm giác được cái sức mạnh tinh thần của người, và cái cảm giác đó đối với tôi là một ân huệ thiêng liêng.”

***

- Bạch Sư Phụ, con rất sung sướng mà được gặp có một mình Sư Phụ sáng nay!

Tôi vừa mới đến đạo viện Serampore với một giỏ hoa quả thơm phức là quà biếu Sư Phụ. Sư phụ nhìn tôi với cặp mắt dịu hiền:

- Con muốn nói chi?

- Bạch Sư Phụ con đến với sư phụ từ ngày còn là học trò. Bây giờ, con đã là một người ở tuổi trung niên, với một hai sợi tóc trắng! Sư Phụ đã ban cho con một sụ trìu mến thương yêu thầm lặng từ giờ phút đầu, nhưng chỉ có một lần, một lần thôi, vào ngày chúng tôi gặp nhau, Sư Phụ đã nói rằng Sư Phụ thương con!

Cái nhìn của tôi có vẻ tha thiết. Sư Phụ cuối mặt nhìn xuống đất, và nói:

- Yogananda, con lại muốn cho Thầy phơi bày những tình cảm nồng ấm ra ngoài bằng những ngôn ngữ thường tình sao?

- Bạch Sư phụ con biết rằng Sư phụ thương con nhưng tai phàm của con mong ước được nghe điều đó từ miệng Sư Phụ nói ra.

- Được, con sẽ được như ý. Khi Thầy còn sống cuộc đời người gia trưởng. Thầy đã mong có một người con để dạy nó theo môn pháp Yoga. Khi con bước vào cuộc đời Thầy, Thầy đã được như ý muốn, Thầy đã tìm thấy ở nơi con đứa con trai của Thầy!

Hai giọt lệ đợm trên mắt Sư Phụ tôi:

- Yogananda, Thầy vẫn thương con như bây giờ!

- Lời nói của sư phụ đã mở của Thiêng Đàng cho con!

Tôi bất giác thốt lên với tấm lòng nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng.

Tôi vẫn thường ngạc nhiên về cái im lặng của Sư Phụ. Tôi biết rằng Sư Phụ tôi tính tình trầm tĩnh và tự chủ, tuy vậy tôi vẫn e ngại rằng tôi không làm vừa lòng người. Đối với con mắt người đời, tính chất là lùng, bí hiểm của Sư Phụ không bao giờ có thể đoán biết được rõ ràng, nhất là khi mà những giá trị của sự vật trần gian không còn có ý nghĩa gì đối với người nữa.

Vài ngày sau đó, tôi thuyết pháp trước một của tọa đông đảo tại giảng đường Albert Hall ở Calcutta, trong dịp này Sư Phụ tôi bằng lòng ngồii bên cạnh tôi trên diễn đàn cùng với vị quốc vương Santosh và viên thị trưởng Thành phố Calcutta. Sư phụ không bình phẩm gì, nhưng thỉnh thoảng tôi liếc nhìn Sư Phụ thì nhận thấy trong cặp mắt của người có hiện ra vẻ hài lòng.

Sau đó ít lâu, Sư Phụ làm lễ đưa tôi lên cấp đẳng Parahamsa của dòng tu sĩ xuất gia. Khi tôi quỳ trước mặt Sư Phụ để thụ lễ tăng cấp, người nói:

- Quả vị này chánh thức đưa con lên một cấp cao hơn quả vị Swami của con trước kia. Từ nay đạo nghiệp của Thầy trên thế gian này đã chấm dứt, con sẽ có bổn phận tiếp tục công việc ấy.

Sư Phụ nói với giọng trầm tĩnh, đôi mắt của người vẫn giữ nét yên lặng. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Kế đó người nói tiếp:

- Con hãy chỉnh định cho Thầy một người kế thừa để trong nom đạo viện tại Puri. Thầy giao tất cả mọi việc trong tay con. Từ nay con sẽ lái con thuyền đời của con và đạo của Thầy đến những bờ bến thiêng liêng. Hai hàng lệ tuôn tràn, tôi cuối xuống hôn hai bàn chân thiêng liêng của Sư Phụ, người đứng dậy và ban ân huệ cho tôi một cách thân yêu.

Qua ngày hôm sau, tôi cho mời một đệ tử tên là Swami Sebananda từ Ranchi đến và giao cho y trọng trách điều khiển đạo viện Puri.

Hàng ngày sống bên cạnh Sư Phụ, sống trong bầu không khí đầy tình thương yêu của người, tình thương ấy tuy thầm lặng, nhưng biểu hiện trong từng chi tiết nhỏ nhặt, tôi quên hẳn tất cả những lời nói úp mở của Sư Phụ ám chỉ sự từ trần của người sắp đến.

- Bạch Sư Phụ, thánh lễ Kumbha Mela năm nay sẽ cử hành tại Allahabad.

Tôi vừa nói vừa chỉ cho Sư Phụ ngày cuộc lễ có ghi trong một quyển lịch.

- Con thật có muốn dự lễ này chăng?

Không hiểu rằng Sư Phụ nói thế là có ngụ ý bảo tôi đừng đi, tôi nói thêm:

Sư Phụ đã có lần gặp đức Babâji trong một cuộc thánh lễ Kumbha Mela. Biết đâu lần này con chẳng có duyên mai được gặp ngài tại đó?

- Thầy không tin như vậy.

Nói đến đó, Sư Phụ lại im lặng, vì người không muốn làm trái với ý định của tôi.

Sáng ngày hôm sau, khi tôi cùng một nhóm nhỏ gồm vài môn đệ lên đường đi Allahabad, Sư Phụ điềm nhiên ban ân huệ cho tôi như không có việc gì hệ trọng. Sở dĩ tôi không hiểu lời cảnh báo ngầm của Sư Phụ tôi, chắc hẳn là bởi vì thượng Đế muốn tránh cho tôi khỏi vị sự đau khổ phải chứng kiến cái chết của Sư Phụ tôi mà không làm gì được. Như vậy, đấng Thượng Đế từ bi vô lượng đã giữ tôi ở cách xa giờ phút hấp hối của những người thân yêu của tôi.

Nhóm chúng tôi đến dự thánh lễ Kumbha Mela ngày 23 tháng 1 năm 1936. Quần chúng đông gần hai triệu người từ khắp mọi nơi đổ dồn về thành phố, gây một cảnh tưởng rất náo nhiệt ồn ào. Tôn giáo là lẽ sống của người dân Ấn Độ, từ người nông dân chất phát đến người tu sĩ khất thực đã cắt đứt mọi sợi dây liên lạc trói buộc với thế gian, đi tìm sự giác ngộ tâm linh để hưởng cái lạc thú vô biên của cõi Tinh Thần. Lẽ tất nhiên cũng có những kẻ giả mạo, bịp đời, đội lốt nhà tu để sóng một đời ký sinh, ăn nhờ của bố thí, nhưng người Ấn vẫn trọng vọng tất cả các tu sĩ vì trong số đó có một thiểu số những bậc chân tu đắc Đạo ban rãi ân huệ thiêng liêng cho toàn thể xứ sở của họ.

Chúng tôi trải qua ngày đầu tiên để đi nhìn xem cảnh vật chung quanh. Hàng hà sa số những tín đồ Ấn giáo trầm mình dưới sông Hằng linh thiên để rửa sạch tội lỗi, hoặc làm lễ dọn mình để cầu phước. Trên bờ sông, những tín đồ cúng dường vật lễ dưới chân các vị tu sĩ râu tóc xồm xoàm, những đoàn voi, ngựa đeo yên cương màu mè sặc sỡ rất đẹp, cùng những đoàn lạc đà xứ Rajputana từ từ đi diễn hành trước mắt chúng tôi. Một cuộc rước lễ của các tu sĩ sống khỏa thân theo phái tự nhiên Kỳ Na Giáo (Jainism), tay cầm đạo kỳ bằng lụa diễn hành khắp nơi.

Những tu sĩ mặc khố vải tụ hợp thành từng nhóm nhỏ, ngồi yên lặng, thân mình bôi tro, trên trán có vẽ con mắt thánh bằng bột vàng. Những tu sĩ dòng Swami đầu cạo trọc, mặc áo màu vàng sậm, đi qua lại với cây gậy tre và cái bình bát cầm nơi tay. Gương mặt họ biểu lộ sự trầm lặng và an tịnh của nội tâm trong khi họ đi dạo ngắm cảnh hoặc ngồi thảo luận đạo lý với các đệ tử.

Rải rác đó đây, dưới cây to bóng mát, ngồi chung quanh những đám củi lửa vừa đốt lên là những nhà tu khổ hạnh búi tốc cột lên trên đỉnh đầu. vài vị trong số đó để râu dài đến một thước tây, họ phải cột và thắc nút lại cho gọn. Họ ngồi thiền trong im lặng hoặc đưa tay ban ân huệ cho người đi đường, trong số này là những người thường dân đi xem lễ, những người đàn bà mặc sari màu mè sặc sở, những kẻ hành khuất và những vị quốc vương ngồi chiễm chệ trên chiếc bành đặt lưng voi v.v... những người thuật sĩ thân thể gầy còm làm những tư thế vặn vẹo thân mình coi rất lạ mắt. những nhà hiền triết với tác phong đạo mạo, trầm mặc, biểu lộ trạng thái bằng an của nội tâm. Trấn ác tất cả những tiếng động ồn ào, là tiếng chuông ngân vang rền trong các ngôi đền thờ.
Qua ngày thứ hai của cuộc lễ, chúng tôi đi viếng những đạo viện và những túp liều tạm mới dựng lên để kính chào những nhà tu sĩ thánh đức. Chúng tôi được ân huệ của vị Đạo trưởng phân bộ Giri của dòng Swami, một tu sĩ khổ hạnh có khuôn mặt gầy ốm và cái nhìn sáng rực như lửa. Kế đó chúng tôi đến viếng một đạo viện mà vị sư trưởng đã từng trải qua chín năm tịnh khẩu và tịch cốc, chỉ dùng toàn trái cây mà thôi. Nơi hành lang của đạo viện, có một tu sĩ mù tên là Pragla Chakshu, rất tinh thông kinh điển và được tất cả các môn phái đều mến chuộng.

Khi tôi đã chấm dứt một bài thuyết pháp bằng tiếng Hindi và triết phái Vedanta, nhóm chúng tôi từ giã đạo viện êm đềm này để đến viếng tu sĩ Krishna ở gần bên, một vị tu sĩ có gương mặt khôi ngô tươi nhuận và một vóc dáng mạnh khỏe. Một con sư tử cái được tập luyện thuần nết, nằm dưới chân tu sĩ. Nhờ ảnh hưởng tâm linh của tu sĩ, con sư tử này không chịu ăn thịt nữa mà chỉ ăn cơm và sữa tươi. Tu sĩ đã tập cho nó biết ngân trong cổ họng một tiếng thánh ngữ AUM bằng một giọng thâm trầm và ấm tiếng: nó có vẻ như một vật đã biết sùng tín thiêng liêng!

Kế đó, chúng tôi đến viếng một vị tu sĩ kiêm học giả còn trẻ tuổi. Tôi xin nhường lời cho vị bí thơ của tôi diễn tả cuộc gặp gỡ này trong tập Du Ký của ông:

“Chiếc xe Ford của chúng tôi vượt qua sông Hằng trên một chiếc cầu nổi gập ghềnh và chạy len lỏi trong đám rừng người qua những con đường nhỏ hẹp quanh co. Chúng tôi đi qua một chỗ nọ trên bờ sông, mà đại đức Yoga nói rằng khi xưa Sri Yukteswar đã gặp đức Babaji. Đi được một quảng khá xa, chúng tôi ngừng xe bước xuống đi bộ, vượt qua đám khói của các tu sĩ đốt lửa củi trên bãi cát, và đến những túp liều tạm của các tu sĩ khác. Một trong những lều tạm này cửa rất thấp, là nơi tạm trú của Kara Patri, một tu sĩ đi ta bà còn trẻ tuổi, nổi tiếng về học lực uyên thâm. Tu sĩ ngồi trong lều, hai chân kiết già trên một đống rơm, chỉ mặc một bộ áo vàng sậm, và không sở hữu vật gì khác.”

“Một gương mặt thật tiêu diêu thanh thoát mỉm cười tiếp đón khi chúng tôi cuối mình xuống thấp để chui vào lều và làm lễ dưới chân tu sĩ, dưới ánh đèn dầu leo lét phát ra từ bóng đen trên vách. Gương mặt tu sĩ tỏ vẻ hân hoan, đôi mắt và hàm răng trắng đều chiếu sáng trong đêm tối. Người nói tiếng Hindi, nét mặt của người biểu lộ tình thương, lòng nhiệt thành vì đạo và sự cao cả tâm linh, điều đó không ai có thể đoán lầm.”

“Chúng tôi hãy thử hình dung cuộc đời lý tưởng của một người đã cắt đứt mọi sự trói buộc với trần gian, không hề bận tâm lo nghĩ về việc ăn, việc mặc, không ăn thức ăn nấu chính, không cầm bình bát khất thực, không hề lo nghĩ về tiền bạc, không cần làm gì để kiếm tiền, không cần buôn bán làm ăn và phó mặc mọi sự cho Thượng Đế, không bận nghĩ đến vấn đề về phương tiện di chuyển, không bao giờ dùng xe cộ, mà chỉ đi bộ dạo theo bờ những con sông linh thiêng, và sau hết, không bao giờ dừng chân ở một nơi nào lâu hơn một tuần lễ, để khỏi tạo nên những sự lưu luyến, trói buộc. Một người đức độ khiêm tốn nhưng học vấn uyên thâm về các thánh kinh Phệ Đà, có bằng tiến sĩ Văn Khoa và được ban danh hiệu Shastri (bác học về khoa Thánh Kinh Tôn Giáo) tại trường đại hộ Bénarès, đó là tu sĩ Kara Patri. Với một lòng thán phục vô biên, tôi ngồi dưới chân tu sĩ. Tôi cảm thấy rằng lòng mong ước của tôi được biết xứ Ấn Độ thực sự, xứ Ấn Độ thầm lặng và cổ kính, nay đã được thỏa mãn. Tu sĩ Kara Patri chính là người đại diện xứng đáng của xứ Ấn Độ thần bí và cao cả tâm linh đó..."

Tôi hỏi thăm Kara Patri về cuộc đời đi ta bà của ông ta:

- Tu sĩ có mặc chiếc áo nào khác không, khi trời rét lạnh?

- Không, tôi chỉ có một áo cũng đủ.

- Tu sĩ có đem theo kinh sách gì không?

- Không, tôi giảng đạo bằng trí nhớ cho những ai chịu nghe tôi thuyết pháp.

- Tu sĩ có bận rộn công việc gì khác không?

- Tôi đi dạo trên bờ sông Hằng.

Những lời này làm cho tôi hối tiếc rằng mình đã không có được một đời sống giản dị như thế! Tôi nhớ đến Mỹ Quốc, và những trách nhiệm nặng nề của tôi. Tôi thầm nghĩ mà lòng buồn man mác:

- Không, định mệnh của tôi trong kiếp này là không phải đi dạo trên bờ sông Hằng!

Khi tu sĩ đã nói qua cho tôi biết đại khái về những thành quả tâm linh của y, tôi hỏi một câu hỏi quyết định:

- Tu sĩ diễn tả những điều đó theo Kinh Thánh, hay là theo kinh nghiệm bản thân?

Tu sĩ đáp với một nụ cười thành thật:

- Một nửa theo kinh sách, và một nửa theo kinh nghiệm của riêng tôi.

Chúng tôi lại đắm chìm trong im lặng và ngồi thiền định trong giây lát. Sau khi đã khiếu từ tu sĩ, tôi nói với bạn Richard:

- Đó là một ông vua ngự trên chiếc ngai bằng rơm mạ vàng!


.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 1
C-STAT