80s toys - Atari. I still have
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện ma

 

Chương 3

KINH TRƯA

Adso ngưỡng mộ cánh cửa giáo đường.
William hội ngộ Ubertino

Giáo đường này không nguy nga như những giáo đường sau này tôi gặp ở Strasbourg, Chartres, Bamberg và Paris. Nó khá giống những ngôi giáo đường tôi đã gặp ở Ý, với khuynh hướng vươn thẳng lên trời xanh đến phát chóng mặt, nhưng thực sự lại trụ rất chắc trên mặt đất, chiều ngang thường lớn hơn chiều cao. Ở từng thứ nhất, giáo đường được vây bọc bởi một dãy tường vuông điểm những lỗ châu mai giống như một pháo đài, trên tầng này nổi lên một cấu trúc khác, một giáo đường kiên cố thứ hai, trông hơi giống một ngọn tháp, mái lát đá, trổ nhiều cửa sổ dáng cứng, khắc khổ. Đó là một giáo đường uy nghi như cha ông ta đã xây dựng ở Provence, Languedoc, khác hẳn những hình khối trơ trẽn và kiểu trang trí mang gân quá độ của kiến trúc hiện đại mà mấy thế kỷ gần đây mới chú ý tô điểm cho chỗ ca đoàn đứng hát thêm một tháp nhọn táo bạo đâm thẳng lên trời.
Hai cột thẳng, không chạm trổ, dựng ở hai bên cổng vào mà lúc mới thoạt nhìn, mở ra như một vòm cung vĩ đại, nhưng từ hai cột này lại mở ra hai ô cửa, trên đó chồng chất tầng tầng lớp lớp các vòm cung khác nữa, hướng tầm nhìn về phía lối vào chính diện, như thể vào tận cùng sâu thẳm của đáy vực. Trên đỉnh của lối vào chính này là một mạng đồ sộ, có hai chân vòm chống đỡ hai bên và một cột chạm trổ trụ ở giữa. Cột này chia lối vào thành hai bên, bao quanh bởi những cánh cửa bằng gỗ sồi bọc kim loại. Vào thời điểm đó, mặt trời yếu ớt hầu như đang rọi thẳng xuống mái nhà và ánh nắng rơi xiên xiên xuống chính diện mà không soi sáng khối mạng trung tâm; do đó, sau khi băng ngang hai cây cột, thầy trò tôi đột nhiên thấy mình lọt vào khu vòm dày đặc những hình cung phát sinh từ hàng loạt dãy cột nhỏ hơn được phân bố cân đối để đỡ lấy hai ô cửa. Khi mắt chúng tôi cuối cùng quen được với cảnh u tối, ngôn từ câm lặng từ những phiến đá được chạm khắc - vốn đập ngay vào mắt nhìn và óc tưởng tượng của bất kỳ ai – làm loá mắt tôi và ném tôi vào một ảo giác mà ngay đến hôm nay, lưỡi tôi cũng khó lòng miêu tả nổi.

Tôi trông thấy một ngai vàng đặt trên trời cao và một con người ngồi trên đó. Gương mặt của Người ngồi trên ngai nghiêm và lạnh, đôi mắt mở to, nhìn trừng trừng vào nhân giới đã tiến đến cuối chặng đường lịch sử của mình, mái tóc và hàm râu uy nghi toả chung quanh khuôn mặt và trên lồng ngực như những dòng sông đều đặn, được chia thành hai phía đối xứng. Chiếc vương miện trên đầu Người sáng rực sắc men và ánh châu ngọc; chiếc long bào màu tím, thêu và kết ren bằng chỉ vàng, chỉ bạc, được xếp thành những nếp rộng trên đầu gối, cầm một quyển sách được niêm kín; tay phải giơ cao trong tư thế ban phước, hay tôi có thể nói, khiển trách. Gương mặt Người được toả rạng nhờ vẻ đẹp tuyệt vời của một vòng hào quang có kết một thập tự và đính đầy hoa, trong khi đó, chung quanh ngai và phía trên đầu Người là một cầu vồng bằng ngọc lục bảo sáng lấp lánh. Phía trước ngai, dưới chân Người là một biển pha lê êm chảy và quanh Người, bên cạnh và bên trái ngai, tôi trông thấy bốn sinh vật khủng khiếp - khủng khiếp đối với cái nhìn kinh hãi của tôi, nhưng lại thân thương, ngoan hiền đối với Người trên ngai, Người mà chúng ngợi ca không dứt lời.
Thật ra, không phải tất cả bọn đều khủng khiếp, vì trong số đó có một người đàn ông phía tay trái tôi trông có vẻ khôi ngô, tử tế, tay ông chìa ra quyển sách. Nhưng phía bên kia có một con đại bàng, tôi trông hãi quá, mỏ nó ngoác ra, vuốt nó chắc nhọn, bộ lông dày kết với nhau như một chiếc áo giáp, đôi cánh vĩ đại xoè rộng. Dưới chân Người trên ngai, bên dưới hai sinh vật kia là hai con khác: một bò đấu, một sư tử; mỗi con quái vật giữ trong vó, trong vuốt của chúng một quyển sách. Đầu chúng quay về hướng ngai, nhưng thân lại quay ra, như thể vai và cổ đột nhiên bị xoắn vặn dữ dội, lườn chúng căng thẳng, tứ chi trông như của một con vật đang hấp hối, hàm há rộng, hai cái đuôi như đuôi rắn cuộn lại, quằn quại, ở tận cuối đuôi mọc ra những cái lưỡi lửa. Cả hai con quái vật đều có cánh, đầu viền hào quang, mặc dù hình thù đáng sợ như vậy, chúng không phải từ địa ngục mà là từ thiên đàng, và nếu trông chúng có vẻ khủng khiếp, ấy chính là vì chúng đang rống lên khúc ca xưng tụng Đấng Sắp Hiện, Người sẽ phán xét người sống lẫn kẻ chết.

Chung quanh ngai, bên dưới bốn sinh vật nói trên và dưới chân Người ngồi trên ngai, như thể nhìn qua làn nước trong veo của biển pha lê để làm đầy toàn bộ không gian ảo ảnh này, có hai mươi bốn vị thánh mặc áo choàng trắng, đội vương miện vàng, ngồi trên hai mươi bốn ngai nhỏ hai bên chiếc ngai lớn, được sắp xếp theo khung tam giác của vòm mạng, hàng dưới cùng có bảy và bảy, rồi ba và ba, rồi hai và hai. Vài người cầm đàn luýt, một người cầm lọ nước hoa, và chỉ có một người chơi đàn. Tất cả những người khác đều hân hoan, mặt hướng về Người trên ngai, ca vang lời ngợi khen Người, tứ chi của họ cũng bị vặn xoắn như tứ chi của bốn sinh vật kia, do đó, mọi người thảy đều có thể nhìn thấy Người trên ngai, nhưng đó không phải là cảnh hỗn loạn, mà là những động tác trong vũ điệu mê ly – như David đã múa trước thuyền Ark – do đó nghịch với luật chi phối những thân tượng, dù con ngươi trong mắt họ nằm ở vị trí nào đi nữa thì chúng cũng hội tụ về một điểm rực rỡ chung. Ôi, thật là một cảnh hoà hợp tuyệt vời các nét phóng khoáng, buông thả, các kiểu cách tuy bất thường nhưng duyên dáng, trong đó ngôn ngữ của chân tay được biểu hiện thần tình thoát khỏi sức nặng của xác thịt, các số lượng cố rót thêm vào những thực thể mới lạ, như thể một cơn gió dữ dội đã quật vào những vị thánh này, thổi vào họ hơi thở sự sống, và niềm vui điên cuồng nối tiếp khúc nhạc ngợi ca đã được phép lạ biến hình từ âm thanh hoá thành thực thể…

Khi linh hồn tôi còn đang chơi vơi bay bổng vì bản hoà âm của vẻ đẹp dương thế và những biểu tượng siêu nhiên hùng tráng, trái tim sắp vỡ tung vì những đợt sóng vui dâng trào thì đôi mắt tôi, lần theo nhịp cân xứng của những cửa sổ chạm những đoá hồng rộ nở dưới chân các vị thánh, dừng lại nơi những thần linh đan quyện vào nhau trên chiếc cột chính đang chống đỡ khối mạng trung tâm. Chúng là gì vậy và chúng là biểu tượng cho thông điệp nào vậy, hỡi ba đôi sư tử đứng chồm lên bắt chéo vào nhau tạo thành các hình vòng cung, chân sau trụ trên mặt đất, chân trước bám vào lưng bạn, bờm xoắn cuộn như rắn, mồm ngoác to gầm lên đe dọa, thân quấn vào cột bởi một màng keo, hay một tổ tua xoắn xít? Để làm dịu tinh thần tôi và có lẽ cũng nhằm thuần hoá bản chất ác quỷ của mãnh sư và biến nó thành biểu tượng của những điều cao cả hơn, ở hai bên thân cột hiện lên hai hình người cao lạ thường, giống hệt hai hình người khác ở hai bên các chân vòm chạm trổ, nơi gắn các cánh cửa bằng gỗ sồi. Đây là hình bốn ông già, và căn cứ vào đồ tế nhuyễn của họ, tôi nhận ra Peter và Paul, Jeremia và Isaiah. Áo sống họ cũng vặn vẹo như đang trong một vũ điệu, những bàn tay dài gầy guộc giơ lên, ngón xoè rộng như cánh chim, râu tóc lộng bay trong gió tiên tri, nếp xiêm áo lượt thượt dưới cử động của đôi chân dài tạo nên những đường sóng cuộn sống động, tuy tương phản với các mãnh sư nhưng làm bằng cùng một chất liệu. Khi tôi thôi ngây mắt nhìn cảnh phức điệu huyễn hoặc giữa tứ chi thần thánh với gân cốt quỷ quái, tôi trông thấy những hình ảnh nghĩ thật đáng kinh sợ bên cạnh cửa, dưới những cánh cửa hình cung sâu thẳm, và chỉ có thể biện hộ cho sự xuất hiện của chúng ở nơi chốn này nhờ sức mạnh biểu tượng và bài học ngụ ngôn mà chúng toát ra. Tôi trông thấy một phụ nữ thật khêu gợi, trần truồng, gầy gò, bị những con cóc kinh tởm gặm nhấm, những con rắn xấn vào mút thịt, đang giao cấu với một Thần Dê bụng phệ có đôi chân quái sư đầy lông cứng, họng thô tục đang rống lên lời tự nguyền rủa. Tôi trông thấy một gã bần tiện, xác cứng còng trên chiếc giường xa xỉ lộng lẫy, giờ đang bất lực trở thành con mồi cho đội quân quỷ dữ, một con quỷ xé từ miệng kẻ hấp hối linh hồn của gã dưới hình thể một hài nhi. Tôi trông thấy một kẻ kiêu hãnh và một ác quỷ bám sau lưng hắn thọc móng vuốt vào đôi mắt hắn, trong khi đó hai tên háu đói ẩu đả nhau kịch liệt xé xác nhau thành từng mảnh. Tôi cũng trông thấy những sinh vật khác nữa, đầu dê, lông sư tử, hàm báo, tất cả bị giam vào một khu rừng lửa, mà tôi hầu như có thể cảm nhận thấy hơi nóng toả ra cháy bỏng. Chung quanh chúng, hoà lẫn với chúng, trên đầu, dưới chân chúng, thêm những bộ mặt, chân tay khác nữa: một nam một nữ túm tóc nhau, hai con rắn có mào mút mắt một kẻ bị đày địa ngục, một tên nhăn răng cười lấy tay có móc câu banh họng một con rắn nhiều đầu, và tất cả những loài thú của quỷ Sa-tăng tụ tập lại thành một hội đồng bảo vệ cho chiếc ngai đối diện, ngợi ca ngai trong chiến bại của chúng… Toàn thể sinh linh của âm ty dường như đã hội tụ lại đây, quây thành một tiền sảnh, một rừng thẳm âm u, một hoang mạc trung tâm, cho gương mặt hứa hẹn và đe doạ của Người. Chúng là những kẻ thất trận trong cuộc thư hùng Thiện – Ác Armageddon trước Ngày phán xét, đang đối diện Người cuối cùng sẽ đến để tách người sống khỏi kẻ chết. Sững sờ trước cảnh tượng này, hoang mang không hiểu giờ đây mình đang ở một nơi thân thiện hay trong thung lũng của Ngày phán xét cuối cùng, tôi kinh hãi quá và không cầm được nước mắt. Dường như tôi nghe thấy giọng nói đó, trông thấy những hư ảnh đã bám theo tôi thời tu sinh trai trẻ, lần đầu đọc thánh thư, những đêm tĩnh tâm trong ca đoàn xứ Melk, và trong cơn mê sảng của những giác quan yếu đuối, tôi nghe một giọng nói rền vang như tiếng kèn trôm-pet phán: “Hãy viết vào sách điều ngươi đang thấy” (và đó là việc tôi đang làm). Tôi trông thấy bảy chân nến đai vàng, và ở giữa ngọn nến, Người như con trẻ, ngực thắt đai vàng, râu tóc trắng như tuyết, mắt sáng như lửa, chân đẹp như đồng nung trong lò, giọng nói tợ sóng vọng, tay phải Người chứa bảy tinh tú, miệng phun ra thanh gươm hai lưỡi. Tôi thấy cửa thiên đàng mở ra và Người ngồi trên ngai hiện lên sáng ngời như châu ngọc, một cầu vồng bắc chung quanh ngai và từ ngai phóng ra sấm sét. Người trên ngai cầm trên tay một lưỡi liềm sắc ngọt, la lên: “Vung liềm của ngươi lên và gặt hái đi, vì đã đến lúc ngươi phải gặt hái, vì ruộng đồng thế gian đã chín rồi”, thế là Người ngự trên mây ném liềm xuống mặt đất và thu hoạch mùa màng.

Chính lúc đó tôi nhận ra những hư ảnh ấy đang nói lên một cách chính xác những gì đang xảy ra trong tu viện, những gì chúng tôi đã biết được từ Cha Bề trên dè dặt. Trong những ngày kế tiếp, tôi đã trở lại không biết bao nhiêu lần để xem xét cánh cửa đó, tin rằng tôi đang trải nghiệm chính những sự kiện nó tường thuật lại. Tôi biết chúng tôi đã leo đến đây để chứng kiến một vụ thảm sát vĩ đại và thần thánh.
Người tôi run rẩy như thể tắm đẫm mưa đông buốt giá. Tôi lại nghe một giọng nói khác, nhưng lần này vọng đến, từ sau lưng và rất lạ, vì nó xuất phát từ trần gian chứ chẳng phải từ trong ảo mộng mù loà của tôi. Nó đã thực sự phá tan ảo ảnh, vì thầy William trước đó cũng chìm đắm vào dòng suy tưởng, giờ mới cùng tôi quay đầu lại.
Con người sau lưng chúng tôi rõ ràng là một tu sĩ, mặc dù chiếc áo rách bẩn thỉu khiến gã trông như một tên du thủ du thực, và bộ mặt gã giống hệt những quái vật tôi vừa mới nhìn thấy trên đầu cột. Không giống các tu sĩ anh em khác, cả đời tôi chưa bao giờ trông thấy Quỷ, nhưng tôi tin nếu một ngày kia Quỷ có hiện ra trước mặt tôi, và phép thánh buộc nó không được che dấu hoàn toàn bản chất của mình dù có giả thành người đi nữa, hẳn nó sẽ phải mang những đường nét của kẻ đang nói chuyện với chúng tôi bây giờ đây. Đầu gã trọc lóc, không phải bị cạo do phạm tội mà là hậu quả của bệnh chàm nhốt hồi xưa, trán thấp đến độ nếu gã có mọc tóc hẳn tóc sẽ hoà lẫn với đôi mày rậm và bờm xờm, cặp mắt tròn, đồng tử nhỏ và linh động, tôi không biết ánh nhìn của gã là ngây thơ hay quỉ quyệt; có lẽ là cả hai, trong những tia, những trạng thái khác nhau. Không thể gọi mũi gã là mũi được, vì nó chỉ là một mẩu xương phát xuất từ giữa đôi mắt, nhưng nó mới nổi lên thì lập tức chìm xuống ngay, rồi biến dạng thành hai cái lỗ tối đen, hai cánh mũi rậm đầy lông… Một vết sẹo nối mũi với một cái miệng rộng và xấu xí, kéo dài về bên phải nhiều hơn bên trái, giữa môi trên hầu như không có và môi dưới dầy trề ra là hàm răng hô, cái nhô ra, cái thụt vào, đen và sắc nhọn như răng chó.

Gã cười, và giơ một ngón tay lên như thể khuyên răn:
- Hãy ăn năn sám hối! Coi chừng rồng sắp đến để gặm xác người! Thần Chết là kẻ tối cao! Cầu Santo Peter đến giải phóng ngươi và tất cả tội lỗi của chúng ta! Hãy coi chừng ma quỉ! Luôn rình ta ở một xó nào đó để đớp lấy gót chân ta. Nhưng Salvatore đâu phải là kẻ ngu đần! Tu viện tốt, và nhà ăn tốt, cầu Chúa chúng ta. Những thứ còn lại không đáng cục cứt. Amen. Phải không?
Khi câu chuyện tiếp diễn, tôi sẽ tả chi tiết về con người này và ghi lại lời của gã. Thú thật, làm việc ấy rất khó vì thuở đó, và cả bây giờ nữa, tôi mù tịt không biết gã nói thứ tiếng gì. Gã không nói tiếng La tinh như các học giả ở tu viện, không nói tiếng thông tục của các vùng địa phương quanh đó, hay của bất kỳ vùng nào tôi đã được nghe. Khi ghi lại những lời nói đầu tiên của gã, tôi biết mình mới phác hoạ một ý niệm mơ hồ về cách gã nói. Sau này khi tôi biết về cuộc đời phiêu bạt của gã và những nơi chốn khác nhau gã đã lê gót qua, tôi nhận ra Salvatore nói tất cả các thứ tiếng và không nói thứ tiếng nào cả. Thực ra, gã đã sáng chế cho riêng gã một thứ tiếng sử dụng những yếu tố cơ bản của các thứ tiếng gã biết được. Có một dạo tôi cho rằng tiếng nói của gã không phải là tiếng nói của Ông tổ Adam mà nhân loại hạnh phúc xưa kia đã nói - tiếng nói duy nhất đã liên kết mọi người từ điểm khởi sinh thế giới đến tháp Babel với nhau – cũng không phải một trong những thứ tiếng xuất hiện sau biến cố tàn khốc phân hoá họ; nó chính là tiếng nói của thành phố Babel [1] ngay sau khi bị Chúa trừng phạt, thứ tiếng hỗn loạn thời nguyên sơ. Nhưng không phải vì việc đó mà tôi có thể gọi lời nói của Salvatore là một thứ tiếng, vì tất cả các thứ tiếng của nhân loại đều có luật và mỗi từ đều biểu thị một sự vật theo một qui luật cố định, vì người ta không gọi con chó lúc là chó, lúc là mèo được, hay không thể phát ra những âm thanh chưa được con người gắn cho một ý nghĩa xác định nào đó. Thế nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn hiểu được điều Salvatore muốn nói, và những người khác cũng vậy. Gã nói tất cả các thứ tiếng, không nói tiếng nào đúng cả, khi dùng từ của tiếng này, khi của tiếng khác, có thể đề cập đến điều gì đó ban đầu bằng tiếng La tinh, rồi sau chuyển sang tiếng xứ Provence. Tôi nhận thấy gã ít sáng chế câu nói mới của mình, mà thường sử dụng những thành phần nhớ được từ các câu nói khác, gã đã nghe đâu đó trước kia, rồi áp dụng chúng vào hoàn cảnh hiện tại và điều gã muốn nói. Thí dụ gã có thể nói về một món ăn bằng cách chỉ dùng số từ những người cùng ăn món đó với gã đã sử dụng và bộc lộ niềm vui của gã bằng cách chỉ dùng số câu gã đã nghe những người vui mừng thốt ra vào cái ngày gã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Cách gã nói cũng na ná như bộ mặt gã, chắp từ các mảnh vụn của mặt người khác lại với nhau, hay giống như vài cái hòm đựng thánh tích quý báu tôi đã thấy, được chế tạo từ các mảnh vỡ của các thánh vật khác. Vào giây phút đầu tiên gặp mặt, do cả hai yếu tố bộ mặt và lối nói của gã, Salvatore hiện ra với tôi giống như những sinh vật lai có vó đầy lông lá tôi vừa nhìn thấy dưới cửa chính. Về sau tôi nhận thấy gã khá tốt bụng và hóm hỉnh. Rồi về sau nữa… Nhưng chúng ta không nên vượt trước câu chuyện. Đặc biệt khi gã rứt lời, thầy tôi bèn hỏi, giọng hết sức hiếu kì:
- Tại sao Huynh bảo hãy ăn năn sám hối?
- Lạy Chúa rất nhân hậu, - Salvatore đáp, khẽ cúi đầu - Đức Kitô sẽ đến và loài người phải sám hối. Phải không?

Thầy William nhìn gã, - Huynh từ tu viện dòng Anh em Nghèo khó đến phải không?
- Hổng hiểu.
- Tôi hỏi có phải Huynh đã sống với các thầy tu dòng thánh Francis hay không? Tôi hỏi Huynh có biết những người mệnh danh Tông đồ…
Mặt Salvatore tái nhợt hay nói đúng hơn, khuôn mặt sạm nắng và hung tợn của gã đổ màu xám xịt. Gã cúi chào thật sâu, cặp môi nửa khép nửa hở lầm bầm “Xin lui”, cuống quýt làm dấu thánh giá rồi bỏ chạy, chốc chốc lại ngoái nhìn chúng tôi.
- Thầy hỏi Huynh ấy gì thế?

Thầy William nghĩ một lát – Không có gì đâu. Ta sẽ kể cho con nghe sau. Chúng ta hãy vào bên trong đi. Ta cần gặp Cha Ubertino.
Vừa mới sáu giờ. Mặt trời xanh xao từ phương Tây chỉ len lỏi qua được những cửa sổ nhỏ hẹp, lọt vào nội dinh giáo đường. Một giải sáng mỏng manh chụm lên bàn thờ chính. Và mặt trước bàn thờ dường như bừng lên những tia vàng rạng rỡ. Các gian bên cạnh chìm trong bóng tối.
Gần cuối giáo đường, phía trước bàn thờ gian bên trái, có dựng một cột dáng thon nhỏ, tạc tượng Đức Mẹ đồng trinh bằng đá, theo kiểu mới, với nụ cười huyền nhiệm khó tả và vòm bụng nhô cao, khoác một tấm áo xinh đẹp có áo ngắn phủ ngoài, tay bế Chúa Hài Đồng. Dưới chân Đức Mẹ, một tu sĩ mặc áo dòng Cluniac đang gần như xoãi dài dưới đất để cầu nguyện.
Chúng tôi tiến đến. Nghe tiếng chân, tu sĩ ngẩng đầu lên. Ông ta già, đầu hói, mày râu nhẵn nhụi, đôi mắt to màu xanh nhạt, môi mỏng và đỏ, da trắng, sọ xương xẩu và da đầu bám vào đó như xác ướp ngâm sữa. Đôi tay trắng, ngón dài hình ngòi bút. Ông giống như một trinh nữ tàn tạ vì chết yểu. Thoạt đầu, ông đăm đăm nhìn chúng tôi rất hoang mang, như thể chúng tôi đã quấy nhiễu ảo mộng tuyệt diệu của ông, rồi gương mặt ông bừng lên niềm vui. Ông la lên:
- William, người thân yêu nhất của ta. – Ông gắng ngồi dậy, đi về phía thầy tôi, ôm thầy tôi vào lòng và hôn lên môi thầy – William! – Ông lập lại, mắt nhòa lệ - Đã bao nhiêu năm trời! Nhưng Cha vẫn nhận ra Huynh! Bao nhiêu mùa thu rồi, bao nhiêu sự đời đã xảy ra! Chúa đã bày ra bao nhiêu là thử thách! – ông nức nở. Thầy William ôm ông, hết sức xúc động. Trước mặt chúng tôi là Cha Ubertino.
Tôi đã được nghe nói nhiều về Cha, ngay cả trước khi tôi đến Ý, và còn được nghe nhiều hơn nữa khi lui tới các tu sĩ dòng Francisco của triều đình. Ai đó đã kể tôi nghe rằng nhà thơ vĩ đại nhất thời đó ở Florence – Dante Alighieri – mới mất cách đây vài năm, đã sáng tác một bài thơ viết bằng tiếng dân gian Tuscany, trong đó có dành nhiều dòng để bình giải những đoạn do Ubertino viết trong quyển sách:”Cây của sự sống bị đóng đinh”. Đây không phải là giá trị duy nhất của con người nổi tiếng này. Nhưng để độc giả hiểu rõ hơn tầm quan trọng của buổi gặp gỡ hôm nay, tôi cần dựng lại những biến cố xảy ra trong những năm đó, theo sự hiểu biết của tôi thu lượm được nhờ khoảng thời gian ngắn lưu lại vùng Trung Ý, và nhờ lắng nghe các buổi trò chuyện của thầy William với các Cha Bề trên và tu sĩ trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Tôi sẽ cố gắng kể lại hiểu biết của tôi về vấn đề này, mặc dù tôi không chắc sẽ có thể giải thích đến nơi đến chốn. Các thầy tôi ở Melk thường bảo rằng một người phương Bắc rất khó nắm rõ sự thăng trầm của tôn giáo và chính trị ở Ý.

Bán đảo Ý, nơi giới tăng lữ giàu có và nắm nhiều quyền lực hơn hẳn các nước khác, trong ít nhất hai thế kỷ nay đã dấy lên các phong trào của các tu sĩ sống nghèo hơn chống lại các linh mục biến chất, những kẻ thậm chí đã từ chối không chịu làm lễ ban phước cho họ. Họ họp thành những cộng đồng độc lập và bị các lãnh chúa, đế chế và thị trưởng căm ghét không kém.
Cuối cùng, Thánh Francis xuất hiện, quảng bá lối tu hành khổ hạnh nhưng không đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội. Sau nỗ lực của Người, Giáo hội đã mở những cuộc triệu tập để kỷ luật nghiêm khắc các phong trào trước đây và thanh lọc các yếu tố chia rẽ tiềm ẩn bên trong. Đáng lẽ sau đó phải là một giai đoạn sùng đạo, an bình. Nhưng khi dòng Francisco phát triển và thu hút được những tu sĩ tốt nhất, nó trở nên quá mạnh và quá gắn bó với thế sự. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco mong muốn khôi phục lại sự thanh khiết ban đầu của dòng tu của mình – một công việc rất khó khăn – vì vào thời tôi ở tu viện, dòng tu đã có đến ba mươi nghìn môn đồ ở rải rác khắp thế giới. Các tu sĩ này chống lại những Điều lệ do dòng tự đặt ra, và bảo rằng hiện nay dòng tu lại mang những tính chất của các dòng mà nó đã cải tạo trước đây. Việc này đã xảy ra ngay vào thời Thánh Francis vẫn còn sống, và người ta đã phản bội lời dạy cùng mục tiêu của Người. Nhiều người tái phát hiện một quyển sách do một tu sĩ dòng Cistercian tên là Joachim, viết vào hồi đầu thế kỷ XII, người được xem như có tài tiên tri. Cha đã tiên đoán một thời đại mới sắp đến, khi đó tinh thần của Chúa Kitô, hằng bao lâu nay bị tha hóa bởi hành động của các tông đồ giả dối, sẽ được hồi phục lại trên thế gian. Và cha đã tuyên bố về những sự kiện tương lai bằng một cách, dù vô hình, khiến mọi người hiểu rằng ông đang nói đến dòng Francisco. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco vô cùng hân hoan, thậm chí dường như quá hân hoan nữa, vì vào khoảng giữa thế kỷ đó, các tiến sĩ Sorbonne rất lên án sự giáo huấn của Cha Bề trên Joachim. Họ đang trở nên những học giả quá uyên thâm, quá uy lực, tại Đại học Paris, và những tiến sĩ Sorbonne đó muốn trừ khử họ đi như những kẻ theo tà giáo. May thay, âm mưu đó không thực hiện được.

Trong ba mươi năm cuối cùng của thế kỷ trước, Hội đồng Thành phố Lyon đã cứu dòng Francisco thoát khỏi tay những kẻ muốn thủ tiêu nó, và cho phép dòng được sở hữu tất cả tài sản đang sử dụng. Đó là luật áp dụng đối với các dòng tu cũ. Nhưng vài tu sĩ ở Marches đã nổi loạn phản đối vì họ tin rằng tinh thần của giáo luật đã bị phản bội, vì tu sĩ dòng Francisco không được sở hữu một vật gì cả, dù là cho cá nhân, cho tu viện, hay cho dòng tu đi nữa. Những kẻ nổi loạn này đã bị tù chung thân.
Nhiều năm sau đó, Cha Bề trên mới là Raymond Gaufredi đã đến gặp các tù nhân này ở Ancana và phóng thích họ.
Trong số những tù nhân được phóng thích này có một người tên là Angelus Clarenus, sau đó đã đến gặp Pierre Olieu, một tu sĩ quê ở Provence, người đã rao giảng các lời tiên tri của Joachim, rồi gặp Ubertino, và như thế phong trào của các tu sĩ dòng Thánh thần được hình thành. Họ tìm đến Đức Giáo hoàng thánh thiện Celestine Đệ ngũ và xin thành lập một cộng đồng gọi tên là Các anh em và người nghèo của Đức ẩn sĩ Celestine. Phong trào nghèo khổ mới này được sự ủng hộ bí mật của các giáo chủ xứ Colona và Orsini. Ubertino trở thành tu sĩ được kính trọng nhất trong dòng Thánh thần và đang gặp nguy cơ bị buộc là kẻ theo tà giáo, nhưng chính giáo chủ Orisini đã đứng ra bảo vệ Cha tại Avignon.
Hàng vạn người dân chất phác công nhận lời giảng đạo của Angelus và Ubertino, rồi nó truyền lan đi khắp nước, không gì ngăn giữ nổi. Thế là nước Ý tràn ngập những tu sĩ Fraticelli hay những Thầy tu Nghèo khó mà nhiều người xem là rất nguy hiểm. Lúc đó thật khó phân biệt ai là giáo sĩ Thánh thần có liên hệ với Giáo hội, ai là tín đồ chất phác sống ngoài dòng, ngày ngày đi xin của bố thí và làm thuê làm mướn, không lưng lận một của riêng nào. Bấy giờ dân chúng gọi những người này là Fraticelli, tương tự như những tu sĩ Beghards người Pháp, những người đã nghe theo lời Pierre Olieu nhập đạo.
Kế vị Đức Giáo hoàng Celestine Đệ ngũ là Boniface thứ tám. Trong những năm cuối của thế kỷ hấp hối này, Ông đã ký một Sắc lệnh Hãy cảnh giác,[2] trong đó Ông thẳng tay tố cáo các thầy tu hành khất lang thang quanh vùng ven xa xôi của dòng tu Francisco và cả các tu sĩ dòng Thánh thần đã lui về ở ẩn.

Năm 1936, John XXII được cử lên ngôi Đức Giáo hoàng, và đã tước của họ mọi hy vọng. Lão viết thư cho vua xứ Sicile yêu cầu Ông trục xuất tất cả các tu sĩ đang trú ẩn tại đó và truyền bắt giam Angelus cùng các tu sĩ dòng Thánh thần xứ Provence.
Không phải tất cả hành động này đều trót lọt. Nhiều người trong giới lãnh đạo Giáo hội La Mã phản kháng. Ubertino và Angelus tìm cách xin phép rời khỏi dòng, Ubertino được nhận vào dòng Benedict và Angelus vào dòng Celestine. Nhưng John đã không nương tay đối với những người vẫn tiếp tục sống đời tự do, Ông truyền lệnh thanh lọc họ, và nhiều người đã phải chịu cảnh trói vào cọc thiêu sống.
Tuy vậy, Ông nhận thức được rằng muốn hủy diệt tận gốc rễ các tu sĩ Fraticelli, những người đe dọa thành trì quyền lực của Giáo hội, Ông cần tố cáo các quan niệm làm nền tảng cho đức tin của họ. Họ tuyên bố rằng Chúa Kitô và các tông đồ không sở hữu bất kỳ một của cải dưới hình thức riêng chung nào cả. Thế là Đức Giáo hoàng tố cáo tư tưởng này là lạc đạo. Thật đáng kinh ngạc, vì Đức Giáo hoàng chẳng cần có một căn cứ cụ thể nào để gọi quan điểm Chúa Kitô cơ nghèo là sai trái cả. Thế nhưng, mới trước đó một năm, dòng Francisco tại Perugia đã xướng quyết quan điểm này. Đức Giáo hoàng lên án quan điểm này có nghĩa là Ông cũng đồng thời lên án dòng. Như tôi đã nói, Đại hội Perugia đối nghịch kịch liệt với cuộc đấu tranh của Ông nhằm chống lại hoàng đế. Hậu quả là sau đó, nhiều tu sĩ Fraticelli, chẳng liên hệ gì đến triều đình hay Đại hội Perugia, đã bị thiêu chết…
…..

Những suy nghĩ trên hiện lên trong óc tôi khi tôi nhìn đăm đăm nhân vật truyền thuyết Ubertino. Thầy tôi giới thiệu tôi, và con người già nua này đưa bàn tay nồng ấm đến độ hầu như nóng bỏng vuốt má tôi. Khi tay ông chạm vào da thịt tôi, tôi chợt hiểu ra rất nhiều điều được nghe về con người thần thánh đó, và nhiều điều khác đọc được trong quyển sách “Cây của sự sống bị đóng đinh” do ông viết. Tôi hiểu ngọn lửa huyền nhiệm đã nung nấu Cha từ thời thanh niên, thời ông ngồi học ở Paris, bỏ nghiên cứu Thần học và tưởng tượng mình hoán cải thành cô điếm ăn năn Magdalen, hiểu dây liên hệ khăng khít giữa ông và Thánh Angela, người đã khai tâm cho ông bước vào cuộc đời huyền nhiệm phong phú và tôn thờ thập giá, và hiểu tại sao các Bề trên của ông, một ngày nọ hoảng hốt vì những lời giảng đạo nồng nhiệt của ông, đã tống ông lui về La Verna.
Chỉ mới đây, qua các tin đồn tôi loáng thoáng nghe được, ngôi sao của ông tại triều đình đã lu mờ, ông phải rời Avignon và Đức Giáo hoàng đã sai người truy đuổi con người không hề khuất phục này như một kẻ lạc đạo tha phương cầu thực khắp thế giới. Thế rồi, người ta bảo đã mất tuyệt tông tích ông. Chiều hôm đó, qua cuộc nói chuyện giữa Thầy William và Cha Bề trên, tôi biết ông đang ẩn náu nơi tu viện này. Và giờ đây, ông đang đứng trước mặt tôi.
Ông cất tiếng: “William biết không, chúng sắp sửa giết Cha đấy. Cha phải thoát chạy lúc nửa đêm”.
- Ai muốn giết Cha? John à?
- Tất cả bọn chúng. Bọn cầm đầu Giáo hội La Mã. Chúng đã mưu sát Cha hai lần. Chúng muốn Cha câm họng. Cha đã biết việc xảy ra cách đây năm năm. Các tu sĩ Beghards đã bị kết án trước đó hai năm và Berengar Talloni, mặc dù là một trong các phán quan, đã chống án lên Đức Giáo hoàng. Đó là những thời kỳ khó khăn. John lúc ấy đã ban hành hai sắc lệnh chống dòng Thánh thần và thậm chí Cha Michael cũng chịu đầu hàng – À, bao giờ Cha Michael đến?
- Cha Michael sẽ có mặt tại đây trong vòng hai ngày.
- Cha Michael… lâu lắm rồi không gặp Cha Michael. Bây giờ Cha Michael đã đi nhiều nơi, Cha hiểu khi xưa chúng ta muốn gì. Đại hội tại Perugia đã khẳng định là chúng ta đúng. Nhưng vào năm 1318 đó, Cha Michael đã tuân lệnh Đức Giáo hoàng và nộp cho lão năm tu sĩ dòng Thánh thần không tuân phục lão ở xứ Provence. Chúng thiêu họ, William ạ… Ôi! Thật khủng khiếp. – Cha dấu mặt vào lòng hai bàn tay.
- Xin Cha hãy kể cho con nghe, Cha đã thoát khỏi lũ chó đó như thế nào?
- À, đúng là lũ chó, William ạ. Một lũ chó dại. Cha thậm chí còn đụng độ với cả Bonagratia đấy.
- Nhưng Cha Bonagratia cùng cánh với Cha mà!
- Bây giờ thì cùng cánh, sau khi nghe Cha hết lời trình bày. Rồi Cha Bonagratia tin, và bèn phản đối sắc lệnh Đối với người sáng lập giáo hội.[3] Thế là Đức Giáo hoàng tống giam Cha ấy một năm.
- Con nghe rằng bây giờ Cha ấy thân với một người bạn của con trong giới lãnh đạo Giáo hội, William xứ Occam.
- Cha biết về người ấy rất ít, và không thích hắn. Một kẻ duy lý trí, không nhiệt tình, không tim.
- Nhưng lý trí ấy thật tuyệt.
- Có thể, nhưng nó sẽ đẩy hắn xuống địa ngục.
- Khi đó, con sẽ gặp lại người ấy ở dưới đó, và cả hai sẽ tranh luận về logic.
- Im nào, William… Cha Ubertino nói, mỉm cười trìu mến, - Con còn giỏi hơn các triết gia của con đấy. Giá mà con muốn…
- Muốn gì?
- Khi chúng ta gặp nhau lần cuối ở Umbria, nhớ không? Cha vừa khỏi bệnh nhờ sự cầu nguyện của một phụ nữ tuyệt vời… Clare xứ Montefalco…

Ông thầm thì, gương mặt rạng rỡ… Clare… Khi bản chất phụ nữ, vốn dĩ rất hư hỏng, được phép đạo hóa thiêng liêng, khi đó nó có thể là nguồn ơn huệ cao quí nhất. William, con biết sự trinh nguyên đã truyền cảm cho đời Cha xiết bao! – Ông chụp lấy cánh tay thầy tôi, xoắn vặn. – Con biết Cha đã áp dụng một sự hành xác ăn năn… dữ dội, phải, đúng từ đó, sự hành xác dữ dội xiết bao để giết chết trong thân thể Cha sự rung động của xác thịt, để dọn mình Cha hoàn toàn tinh khiết với tình yêu của Chúa Kitô trên thập tự giá… Thế mà, ba người phụ nữ trong đời Cha đã trở nên ba thiên thần đưa tin cho Cha: Angela, Margaret và cuối cùng là Clare. Đó chính là phần thưởng của Đức Chúa Trời, do đó Cha, đúng, Cha phải tìm hiểu phép lạ của bà và phong thánh cho bà trước giáo dân. William, con cũng có mặt lúc ấy, đáng lẽ con có thể giúp Cha thực hiện nỗ lực thiêng liêng đó, và con sẽ không…
- Những nỗ lực thiêng liêng mà Cha mời con cùng dự đã khiến Bentivenga, Jacomo và Giovannuccio lên cọc thiêu, - thầy William nhẹ nhàng nói.
- Chúng đã lấy những điều suy đồi của chúng để bôi nhọ ký ức về bà. Nhưng con là phán quan cơ mà!
- Đó chính là lý do khiến con xin thôi giữ trách nhiệm đó. Con không thích công việc đó. Thành thực mà nói, con cũng không thích cách Cha ép Bentivenga thú tội. Cha giả vờ muốn gia nhập giáo phái của anh ta, nếu có gọi đó là giáo phái đi nữa, khai thác lấy được bí mật của anh ta, rồi bèn ra lệnh bắt anh ta.
- Nhưng đó là cách chống lại các kẻ thù của Chúa. Chúng là bọn tà đạo, bọn tông đồ giả trá, tụi nó nồng nặc diêm sinh uế khí của Fra Dolcino!
- Họ là bạn của Clare.
- Không, William, con không được phép để cho dù chỉ là cái bóng của chúng dây vào ký ức về Clare.
- Nhưng nó có liên hệ với bà.

- Chúng là bọn Anh em nghèo khó, chúng tự nhận là tu sĩ dòng Thánh thần, nhưng chính chúng là tu sĩ của cộng đồng! Con biết rõ rằng tại tòa, Bentivenga đã tuyên bố mình là tông đồ, rồi sau đó hắn cùng Giovannuccio đã quyến rũ các nữ tu, bảo họ rằng địa ngục không tồn tại, rằng có thể thỏa mãn nhục dục mà không tổn hại đến Chúa Trời, rằng thân thể Chúa Trời – Xin Thượng đế tha thứ - có thể được hình thành sau khi một người đàn ông ăn nằm với một nữ tu, rằng cô điếm Magdalen thích nhìn hình Chúa hơn nhìn Thánh nữ đồng trinh Agnes, rằng cái mà người thế tục gọi là Quỷ sứ chính là Thượng đế, vì Quỷ sứ là tri thức và theo định nghĩa thì Thượng đế là tri thức! Sau khi nghe được cuộc nói chuyện này, chính Clare thánh thiện đã mơ thấy một ảo ảnh, trong đó chính Chúa bảo bà rằng chúng là những tín đồ độc ác của Tinh thần Tự do!
- Họ là những Anh em Nghèo khó óc cháy bỏng vì những ảo ảnh y hệt như Clare đã gặp, và giữa hư ảnh xuất thần và cơn cuồng điên tội lỗi thường chỉ cách nhau một bước rất ngắn.

Ubertino xoắn đôi tay áo vào nhau và mắt lại nhòa đi – Đừng nói thế, William. Làm sao con có thể lẫn lộn giây phút yêu thương xuất thần đốt cháy tâm can và ngào ngạt hương nhang với sự hỗn loạn của xác thịt nồng nặc diêm sinh? Bentivenga xúi giục người ta sờ soạng chân tay trần truồng của kẻ khác, hắn tuyên bố đó là cách duy nhất dẫn đến sự tự do thoát khỏi sự ràng buộc của xác thịt, “đàn ông và đàn bà, họ nằm trần truồng với nhau…”
- Nhưng không có một cuộc giao hợp nào.
- Láo! Chúng tìm kiếm lạc thú, và chúng đã tìm thấy. Nếu lòng rạo rực nhục dục và nếu để thỏa mãn nó mà đàn ông, đàn bà ăn nằm với nhau, kẻ này sờ soạng, hôn hít kẻ kia khắp cùng cơ thể, bụng trần ấp lên nhau thì chúng chẳng xem đó là tội lỗi!
Thú thực, cách Cha Ubertino bêu xấu tội lỗi của kẻ khác chẳng gợi cho tôi một ý nghĩ đạo đức nào. Thầy tôi hẳn đã nhận thấy tâm tư tôi đang bị xáo động nên bèn cắt ngang lời thánh nhân này.
- Thưa Cha, Cha yêu Chúa và căm ghét tội lỗi thẩy đều hết sức nồng nhiệt. Ý con muốn nói khi nãy là giữa sự cuồng nhiệt của thiên thần tối cao và sự cuồng nhiệt của quỷ Lucifer cũng chẳng khác nhau bao xa, vì cả hai đều luôn phát sinh từ cực điểm kích động của ý chí.
- Ồ, có sự khác biệt chứ, và Cha biết mà – Cha Ubertino nói, giọng hưng phấn – Con muốn nói giữa Thiện và Ác chỉ cách nhau một bước rất ngắn, vì đó luôn luôn là nhiệm vụ chỉ đạo lý trí. Quả đúng như vậy. Nhưng sự khác biệt chính là mục tiêu, và mục tiêu thì rất dễ phân định. Chúa phía này, Quỷ phía kia.
- Con e rằng con không còn biết phân biệt thế nào nữa, Cha Ubertino ạ. Chẳng phải bà Angela của Cha đã kể Cha nghe chuyện ngày nọ bà ta xuất hồn thấy mình ở trong mộ của Chúa sao? Chẳng phải bà đã kể, thoạt tiên bà hôn ngực Ngài ra sao? Thấy Ngài nhắm mắt lại, rồi bà hôn môi Ngài, từ môi Ngài tỏa ra một hương vị ngọt ngào khôn tả, đoạn một lát sau, bà áp má vào má Ngài và Chúa đưa tay vuốt má bà, ghì sát bà vào người và như bà nói – hạnh phúc của bà trở nên linh thiêng?...
- Điều này thì có ăn nhập gì đến đòi hỏi của xác thịt? - Cha Ubertino hỏi – Đây là một trải nghiệm huyền nhiệm, và thân thể ấy là của Thượng đế của chúng ta.

- Có lẽ con đã quen với cách nghĩ ở Oxford, ở đó thậm chí một trải nghiệm huyền nhiệm cũng là một loại…
- Tất cả là trong đầu, - Cha Ubertino mỉm cười.
- Hay trong đôi mắt. Thượng đế được cảm nhận như ánh sáng trong vạt nắng, bóng gương, sắc màu khuếch tán trên những sự vật ngăn nắp, trong ánh ban mai trên lá ướt… Tình yêu này lại không gần gũi với tình yêu của Thánh Francis sao, khi người ca ngợi Thượng đế trong các sinh vật, cỏ hoa, trời nước của người? Con không tin một tình yêu như vậy có thể tạo ra một cạm bẫy nào. Trong khi đó, con nghi ngờ loại tình yêu biến những cơn rung động do va chạm xác thịt thành cuộc hội thoại với Đấng Toàn Năng…
- William, chớ báng bổ! Hai thứ không phải là một đâu. Cơn xuất thần cao cả của trái tim yêu Đấng Kitô trên Thập giá khác cơn xuất thần đồi bại, xấu xa của những tông đồ giả trá của Montefalco một trời một vực…
- Họ không phải là những Tông đồ giả trá, họ là Tu sĩ của Tinh thần tự do, chính Cha đã nói như vậy mà.
- Có khác gì đâu? Con chưa biết hết về phiên tòa mà bản thân Cha chẳng bao giờ dám tường thuật một số lời thú tội nghe được, vì sợ rằng Cha sẽ, dù chỉ trong giây phút thôi, để cho bóng Quỷ dữ dây vào không khí thiêng liêng mà Clare đã tạo ra ở đó. Nhưng William ạ, Cha đã nắm chắc một số điều, một số việc. Ban đêm, chúng tụ tập bên dưới hầm, bắt theo một hài nhi mới sinh, chúng ném chuyển hài nhi đó từ đứa này sang đứa kia cho đến khi đứa trẻ chết vì những cú tung hứng bầm dập … hay vì nguyên do khác… kẻ nào đón bắt được hài nhi khi nó trút hơi thở cuối cùng sẽ trở thành tên giáo chủ. Rồi thi thể đứa trẻ sẽ bị xé thành từng mảnh vụn, đem trộn với bột mì để làm những chiếc bánh cho bữa tiệc báng bổ.
- Cha Ubertino – thầy William nói rắn rỏi – cách đây nhiều thế kỉ, các giám mục Armenie đã nói đến những việc như thế này, những việc liên quan đến giáo phái của bọn Pauli và bọn Bogomil.

- Thế thì đã sao? Quỷ rất ương ngạnh, hắn vẫn giương cạm bẫy và quyến rũ theo một kiểu cũ, cứ một nghìn năm lại lặp lại các nghi lễ xưa, hắn muôn đời vẫn chẳng thay đổi, và chính nhờ đó ta nhận ra hắn là kẻ thù! Cha thề với con rằng vào đêm Phục sinh, chúng đã châm nến và dắt các trinh nữ xuống hầm. Rồi chúng thổi phụt nến đi và nhảy đè lên các cô gái, thậm chí dù các cô có liên hệ huyết thống với chúng đi nữa… Và nếu có một đứa trẻ được sinh ra từ cuộc giao hợp đó, một buổi lễ quỷ quái khác sẽ được tổ chức quanh một bình rượu vang nhỏ mà chúng gọi là vại. Chúng nhậu nhẹt say sưa và cắt đứa trẻ thành từng mảnh, dốc máu nó nhỏ vào cốc, rồi ném đứa trẻ còn sống vào lửa và hòa tro cốt đứa trẻ với máu của nó đem uống!
- Nhưng Michael Psellus đã viết về việc này trong quyển sách về hoạt động của Quỷ, cách đây cả trăm năm rồi! Ai kể Cha nghe những việc như thế?
- Bọn chúng. Chính Bentivenga và đồng bọn kể, khi bị khảo hình.
- Chỉ có một thứ khơi dậy thú tính còn hơn cả khoái lạc, đó chính là sự đau đớn. Khi bị tra tấn, ta có cảm giác như thể đang chịu tác dụng của các loại dược thảo gây ảo giác. Tất cả những điều ta được nghe kể lại, cả những thứ ra đã đọc đều hiện về trong tâm trí ta, như thể người ta đang chuyển mình đi, không phải lên thiên đường, mà là xuống địa ngục. Khi bị tra tấn, ta không chỉ nói những điều mà phán quan muốn ta nhận mà cả những điều ta nghĩ sẽ khiến lão vui lòng, vì giữa ta và lão đã xác lập một sợi dây liên hệ quỷ quái.. Con có biết những điều này, Cha Ubertino ạ; con cũng đã từng theo phe tin rằng họ có thể tìm ra sự thật nhờ những thanh sắt nung đỏ. Thôi được, hãy nghe con nói, sự thật trong trắng hừng phát từ một ngọn lửa khác. Khi bị tra tấn, có lẽ Bentivenga đã nói những điều láo toét ngu xuẩn nhất, vì khi đó không phải là bản thân hắn đang nói, mà chính lòng ham muốn, quỷ dữ trong tâm hồn hắn, đang nói.
- Lòng ham muốn?

- Phải, có sự ham muốn cơn đau, khi ta có sự ham muốn được ngưỡng mộ, và thậm chí sự ham muốn điều hèn mọn. Nếu các thiên thần nổi loạn dễ dàng bỏ đạo và đời thanh bần để chống đạo và sống đời kiêu ngạo thì chúng ta có thể trông đợi gì ở người trần mắt thịt? Đó, bây giờ Cha đã hiểu: chính suy nghĩ này ám ảnh con suốt thời gian làm phán quan. Và đây chính là nguyên nhân khiến con rời nhiệm vụ. Con không đủ can đảm điều tra sự yếu đuối của kẻ ác, vì con khám phá rằng nó cũng giống hệt sự yếu đuối của Thiên thần.
Ubertino lắng nghe lời cuối của thầy William như thể chẳng hiểu gì hết. Căn cứ vào nét mặt lộ vẻ tội nghiệp đầy trìu mến của Cha, tôi biết ông xem thầy William như nạn nhân của những cảm tính tội lỗi mà ông muốn tha thứ vì ông yêu thầy tôi vô cùng. Cha ngắt lời thầy, đoạn cay đắng nói:
- Không sao cả. Nếu con cảm thấy thế, con từ chức là đúng. Cần phải chống lại cám dỗ. Tuy nhiên, lúc đó Cha vẫn thiếu sự ủng hộ của con; nếu có, hẳn Cha đã có thể đánh tan tác bọn chúng. Ngược lại, con biết việc xảy ra chứ, bản thân Cha bị buộc tội đã nương tay với chúng, và họ nghi ngờ Cha là kẻ lạc đạo. Con cũng yếu đuổi trong trận chiến với lũ ác. Tội ác, William hỡi! Chẳng lẽ tội ác – cái bóng tối, cái vực thẳm ngăn chúng ta không đến được nguồn thánh – sẽ cứ mãi mãi tiếp diễn sao? – Cha tiến sát vào thầy William hơn nữa, như thể e sợ ai đó sẽ nghe trộm.
- Cả ở đây nữa, thậm chí lẫn trong những bức tường nhà nguyện thiêng liêng này nữa, con biết không?
- Con biết. Cha Bề trên đã nói chuyện với con; thú thực, Cha nhờ con giúp Cha soi sáng vụ này.
- Thế thì con hãy quan sát, điều tra, lấy mắt linh miêu xem xét cả hai hướng: tính dâm dục và lòng kiêu ngạo…
- Tính dâm dục à?
- Phải, tính dâm dục. Có một vẻ gì đó… đàn bà, và do đó rất ma quỷ, trong chàng trai vừa mới chết. Gã có đôi mắt của một cô gái muốn giao cấu với thần ác mộng. Nhưng Cha cũng nói đến “lòng kiêu ngạo”, lòng kiêu ngạo của kẻ trí thức, trong tu viện này nó được thánh hóa với lòng kiêu hãnh về chữ nghĩa, với ảo tưởng về trí tuệ.
- Nếu Cha biết điều gì đí, xin hãy giúp con.
- Cha không biết gì hết. Nhưng tim Cha linh cảm một vài điều. Hãy để trái tim con nói. Hãy dò xét khuôn mặt và chớ tin vào miệng lưỡi người…Nhưng thôi, tại sao Cha cứ phải nói những chuyện đau buồn làm anh bạn trẻ này hoảng sợ chứ? – Đôi mắt xanh nhạt của ông nhìn tôi, những ngón tay trắng, dài, mơn trớn má tôi và suýt nữa tôi giật lùi lại theo bản năng của mình. Tôi cố kiềm chế và quả thực nếu không làm thế hẳn

Cha đã giận, Cha nào có tà ý gì. Cha quay sang thầy William – Hãy kể về con đi. Từ dạo đó, con đã làm gì? Đã…
- Mười tám năm rồi, con trở về quê hương. Tiếp tục học ở Oxford. Nghiên cứu thiên nhiên.
- Thiên nhiên tốt lành vì cô là con gái Thượng đế.
- Và Thượng đế hẳn phải tốt lành, vì Người đã sinh ra Thiên nhiên, - thầy William mỉm cười nói – Con nghiên cứu, gặp gỡ vài người bạn rất khôn ngoan. Rồi con quen Marsilius, các tư tưởng của ông về đế chế, con người, về một qui luật mới cho các vương quốc trên thế gian hấp dẫn con, và cuối cùng, con gia nhập nhóm Tu sĩ đang cố vấn cho Hoàng đế. Nhưng Cha đã biết những việc này: Con có viết cho Cha mà. Tại Bobbio, con rất mừng khi họ bảo Cha có mặt nơi đây. Chúng con cứ nghĩ Cha đã lạc mất rồi. Nhưng bây giờ có Cha bên chúng con, Cha có thể sẽ giúp đỡ con nhiều trong vài ngày tới, khi Cha Michael đến. Đó sẽ là một cuộc chạm trán khắc nghiệt với Berengar Talloni. Con tin chắc chúng ta sẽ có vài cuộc vui.
Ubertino nhìn thầy, cười gượng – Cha chẳng biết khi nào thì dân Anh các con nói chuyện nghiêm túc cả. Chẳng có gì vui thú trong một vấn đề nghiêm trọng như thế này. Vận mạng dòng tu của con, mà thực tâm, cũng là dòng tu của Cha nữa, đang bị đe dọa. Nhưng Cha sẽ khẩn cầu Michael đừng đi đến Avignon. John cần ông ta, lùng kiếm, mời mọc ông ta quá sức khẩn khoản. Chớ tin lão già người Pháp ấy. Ôi, hỡi Thượng đế. Giáo hội của Người đã rơi vào tay kẻ nào đây! – Ông quay sang hướng bàn thờ. – Ngày xuất hiện của bọn Phản giáo cuối cùng đã gần kề, và Cha sợ quá, William ôi! – Ông nhìn quanh, mắt nhìn trừng trừng vào những hốc tối, như thể bọn Phản giáo sẽ hiện ra bất kỳ lúc nào và thực bụng tôi cũng mong sẽ thấy được một tên – Bọn đồng đảng của chúng đã được phái đến đây như Chúa phái tông đồ xuống thế! Chúng đang dẫm lên thành phố Thánh, dùng trò xảo quyệt, đạo đức giả và bạo lực để quyến dụ người. Chính lúc đó, Chúa sẽ phái tôi tớ của người là Elijah và Enoch, những người đã được Chúa cho sống trên thiên đàng hạ giới, để một ngày kia sẽ tiêu diệt bọn Phản giáo. Họ sẽ đến, mặc bao tời, ban lời tiên tri, bằng lời nói và tấm gương của mình, giảng về sự sám hối…
- Họ đã đến rồi đó, Cha Ubertino – thầy William nói, tay chỉ về chiếc áo dòng Francisco.
- Nhưng họ chưa chiến thắng; giờ là lúc bọn Phản giáo tức giận điên cuồng ra lệnh đem giết Enoch và Elijah, bêu xác họ cho mọi người thấy, để mọi người sợ không dám làm theo nữa. Cũng như chúng sẽ mưu giết Cha vậy…

Lúc đó, tôi kinh hoảng nghĩ Ubertino đang lên cơn cuồng thánh và tôi ái ngại cho sự suy xét của ông. Giờ đây, đã qua nhiều năm, và biết được rằng hai năm sau đó ông đã bị giết một cách bí ẩn tại một thành phố Đức, và hung thủ đã bặt tăm; tôi càng kinh hãi hơn nữa, vì rõ ràng trong đêm ấy Ubertino đã phán những lời tiên tri.
Ubertino đưa tay lên trán, dường như để xóa đi một giấc mơ u ám. Ông thở hổn hển, mệt mỏi – Chúng ta vẫn đang đợi đức Giáo hoàng Thánh thiện… Trong những lúc này, Francis và Dominic đã xuất hiện – Ông ngước mắt lên trời và nói như thể cầu nguyện, nhưng tôi biết chắc ông đang trích đọc một trang trong quyển sách vĩ đại của ông về “Cây của sự sống” – Người thứ nhất trong số họ được gột rửa bằng sự thử thách thánh thần, và dường như cháy sáng bằng sức nóng trên trời. Người thứ hai, nhờ có những lời giảng rực rỡ hơn những tối tăm của thế gian. Vâng, đó là những điều hứa hẹn: Đức Giáo hoàng Thánh thiện phải đến thôi.
- Và sẽ như thế, thưa Cha Ubertino – thầy William nói – Trong lúc này, con đến đây để ngăn ngừa sự truất phế vị hoàng đế của trần gian. Đức Giáo hoàng Thánh thiện của Cha đã được Fra Dolcino giảng…

- Không được nhắc đến tên của con rắn ấy nữa, - Ubertino hét lên và lần đầu tiên tôi thấy nỗi buồn của ông biến thành cơn thịnh nộ - Hắn đã làm ô uế lời giảng của Joachim, biến chúng thành vũ khí giết người tanh tưởi! Nếu có một sứ giả của bọn Phản giáo, ấy chính là hắn! Còn William, con nói như vậy vì con không thực tin vào sự xuất hiện của bọn Phản giáo, và các thầy của con ở Oxford đã dạy con tôn thờ lý trí và làm khô kiệt khả năng tiên tri của quả tim con rồi!
- Cha lầm rồi, - thầy William nghiêm trang đáp lại – Cha biết rằng trong số các thầy học của con, con kính trọng Roger Bacon hơn cả…
- Người mà nhiệt thành nói về máy bay, - Ubertino chua chát lẩm bẩm.
- Đó là người nói rất rõ và điềm tĩnh về bọn Phản giáo. Người ý thức được tầm quan trọng của tội lỗi thế gian, và nền học vấn suy đồi. Tuy nhiên, người dạy rằng chỉ có một cách duy nhất ngăn kẻ Phản giáo đến là nghiên cứu sự bí mật của tự nhiên, dùng kiến thức để làm nhân loại tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể chuẩn bị chiến đấu chống bọn Phản giáo bằng cách nghiên cứu khả năng chữa bệnh bằng dược thảo, tiềm năng của đá và thậm chí chế tạo những máy bay mà Cha cười chế nhạo.
- Bọn Phản giáo của thầy Bacon của con là một cái cớ để gieo mầm kiêu ngạo của giới trí thức.
- Một cái cớ thần thánh.
- Chẳng có cái cớ nào gọi là thần thánh cả, William ạ; con biết Cha rất thương con, và Cha vô cùng tin tưởng con. Hãy hủy diệt trí tuệ của con đi, hãy học cách khóc vì những vết thương của Chúa và hãy ném sách của con đi.
- Con sẽ tận tậm chỉ đọc sách của Cha mà thôi, - thầy William cười nói.

Ubertino cũng mỉm cười, ngón tay ông lắc lư đe dọa. – Này người Anh ngu ngốc. Chớ có cười nhạo bằng hữu của con quá thế. Những người con không yêu thì cũng nên yêu, hay nếu có thể, hãy sợ họ. Và khi ở tu viện này hãy cảnh giác. Cha không thích nơi đây.
- Thú thực con muốn hiểu rõ hơn – thầy William nói, rồi đứng dậy chia tay – Thôi đi, Adso.
- Cha bảo con nơi này không tốt, và con bảo con muốn biết nó hơn nữa. Chà chà! – Ubertino bắt đầu nói.
- Này, - thầy William nói, khi đã đi quá nửa gian giữa của giáo đường – Ai là vị tu sĩ trông như con thú mà nói ngôn ngữ như tháp Babel vậy?
- Salvatore ư? – Ubertino khi ấy đã quỳ xuống, bèn quay lại – Cha nghĩ rằng người ấy là quà tặng của Cha gởi đến tu viện này…cùng với viên quản hầm. Khi Cha xếp chiếc áp tu dòng Francisco riêng ra, Cha trở lại tu viện cũ của Cha ở Casale một thời gian, và ở đó Cha gặp các tu sĩ khác đang trong cảnh khó khăn vì cộng đồng khép tội họ là các tu sĩ thuộc giáo phái Thánh thần của giáo xứ Cha, như cách họ gọi. Cha cố gắng giúp đỡ họ, xin phép cho họ được theo gương Cha và Cha gặp hai tu sĩ Salvatore và Remigio. Tại đây, khi Cha đến năm ngoái, Salvatore quả thật trông giống thú, nhưng lại sốt sắng lắm.

Thầy William ngần ngừ một thoáng – Con nghe Huynh ấy nói “Hãy ăn năn sám hối”.
Ubertino im lặng. Ông khua tay, dường như để xua đi một ý nghĩ vướng víu, - Không, Cha không tin vậy. Con hiểu những anh em bình dân là những người như thế nào. Họ là những dân quê, có lẽ nghe một lão giảng đạo rao truyền điều gì đó mà không ý thức mình đang nói gì. Đối với Salvatore, Cha phải trách mắng những điều khác nữa: đó là một con thú tham lam và ham hố. Nhưng không có gì, không có gì chống lại chính thống giáo cả. Không, tu viện này mắc một căn bệnh khác: hãy truy tìm nó trong những người biết quá nhiều, chớ đừng tìm ở những kẻ thất học. Đừng xây tòa lâu đài nghi ngờ trên một lời nói.
- Con sẽ không bao giờ làm thế - thầy William đáp – Con xin từ nhiệm chức phán quan chính vì muốn tránh khỏi làm như thế, nhưng con cũng thích lắng nghe những lời nói, rồi suy nghĩ về chúng.
- Con suy nghĩ quá nhiều đấy con ạ - Ubertino nói và quay sang tôi – Chớ theo gương xấu của thầy con nhé. Điều duy nhất cần suy nghĩ và điều ta nhận chân được ở cuối đời mình - ấy là cái chết. Chết là sự yên nghỉ cho người đi đường, sự chấm dứt mọi hoạt động. Giờ hãy để Cha cầu nguyện nhé.

Chú thích:
[1] Theo Thánh kinh, Babel là thành phố ở Shinar, nơi đó con cháu Noah cố dựng lên một ngọn tháp cao đụng trời. Chúa bèn phạt những kẻ xây dựng táo bạo này bằng cách làm cho họ đột nhiên nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, và do đó họ không hiểu nhau được nữa.
[2] Firma Cautela
[3] Ad conditorem canonum

 

Chương 4

GẦN GIỜ KINH XẾ TRƯA & SAU KINH XẾ TRƯA

Cuộc mạn đàm uyên bác
giữa William
và dược thảo sư Severinus

Chúng tôi xuống đến gian giữa Giáo đường và theo lối cổng vào ban nãy đi ra ngoài. Đầu tôi vẫn còn vang vọng tất cả những câu nói của Ubertino.
- Người ấy… thật kỳ quặc, - tôi rụt rè nói với thầy William.
- Ông ấy là, hay đã từng là, một người vĩ đại trên nhiều phương diện. Nhưng chỉ vì nguyên do đó mà ông trở nên kỳ quặc. Chỉ có kẻ bần tiện mới bình thường. Ubertino có thể trở thành một trong những tên lạc đạo mà ông đã đưa lên giàn hoả, hay một Giáo chủ trong Giáo hội La Mã. Ông đến rất gần cả hai thái cực suy đồi đó. Khi ta nói chuyện với Ubertino, ta có ấn tượng rằng địa ngục là thiên đường nhìn từ một phía khác.
Tôi không nắm kịp ý thầy, bèn hỏi - Từ phía nào ạ?
- À, đúng thế, - thầy William nhận thức sự kiện – Đây là việc nhận biết xem có nhiều phía hay không, hoặc phải chăng chỉ có một khối toàn vẹn. Nhưng chớ để ý ta, và đừng nhìn cánh cửa nữa - Thầy nói và gõ nhẹ lên gáy tôi, khi tôi quay lại nhìn những hình tượng tạc mà tôi đã trông thấy lúc mới vào – Hôm nay chúng đã làm con đủ khiếp hãi rồi.
Khi tôi ngoái nhìn cổng vào, tôi trông thấy trước mặt một tu sĩ khác. Có lẽ trạc tuổi thầy William. Ông cười và niềm nở chào thầy trò tôi. Ông tự giới thiệu là Severinus, dược thảo sư, phụ trách nhà tắm, bệnh xá, vườn tược, và sẽ nhận mệnh lệnh của chúng tôi, nếu chúng tôi muốn tìm hiểu đường đi trong tu viện.

Thầy William cảm ơn và bảo rằng khi mới đến tu viện, thầy đã chú ý đến khu vườn xinh đẹp không chỉ trồng các loại rau ăn được, mà còn có các loại thảo dược nữa.
- Hạ sang, Xuân về, với đủ các chủng loại cây, mỗi loài rộ đua sắc, khu vườn ca vang lời xưng tụng Thượng đế - Severinus nói, hơi nuối tiếc – nhưng ngay trong tiết Đông này, đôi mắt của dược thảo sư vẫn nhìn xuyên qua các cành cây khô, nhận ra các loại cây sắp mọc, và có thể bảo Huynh rằng khu vườn này phong phú hơn bất kỳ vườn dược thảo nào, nhiều màu sắc hơn, đẹp như các minh hoạ trên các cột đá. Ngoài ra, những loài dược thảo quý cũng mọc trong mùa Đông, và tôi giữ các thứ thuốc hái được khác để sẵn trong các nồi ở phòng thí nghiệm. Cứ như thế, tôi dùng rễ cây me chua đất để chữa bệnh viêm xuất huyết, nước sắc rễ cây althea làm băng dán các bệnh ngoài da, đá mài chữa chàm, chặt và nghiền thân rễ cây rắn thành thuốc trị tiêu chảy và một số bệnh phụ khoa. Tiêu cũng là một loại thuốc tiêu hoá khác…
- Làm thế nào Huynh có nhiều dược thảo phong phú thích hợp với các loại khí hậu khác nhau?
- Một mặt, nhờ Thượng đế xếp bình nguyên của chúng tôi vào giữa vùng đồng cỏ phía Nam trông ra biển đón gió ấm, phía Bắc trông lên núi cao, hướng về rừng. Mặt khác, nhờ nghệ thuật, tôi đã học lõm bõm được theo ý các thầy tôi. Một số cây thậm chí vẫn mọc trái mùa được. Nếu Huynh để ý chăm sóc đến địa hình quanh chúng, tưới nước vun phân và theo dõi sự tăng trưởng.
- Nhưng Huynh cũng trồng các loại cây chỉ để ăn cho bổ phải không? - tôi hỏi.

- Chà, chú ngựa non của tôi, không có loại cây nào ăn bổ mà không giúp chữa bệnh tốt cả, với điều kiện phải biết dùng đúng liều lượng. Chỉ khi dùng quá liều mới gây bệnh. Hãy xét loại bí. Bản chất nó mát, nhiều nước và giải nhiệt, nhưng nếu chú ăn bí thối thì sẽ bị tiêu chảy và phải cột ruột bằng một miếng keo làm bằng nước muối và mù tạc. Thế còn hành tây? Nóng và nhiều nước, nếu dùng lượng nhỏ, chúng sẽ giúp cường dương, nhưng dùng liều cao sẽ khiến nặng đầu, phải chữa bằng sữa và giấm – Ông ranh mãnh nói thêm. – Đó là lý do tại sao một tu sĩ trẻ phải ăn in ít hành thôi. Thay vào đó nên ăn tỏi. Tỏi nóng và khô, chống ngộ độc. Nhưng đừng lạm dụng ăn nhiều quá, vì nó khiến óc mất tính khôi hài. Ngược lại, đậu ăn lợi tiểu và sinh mỡ, là hai điều rất tốt: nhưng chúng gây ác mộng. Tuy nhiên, vẫn ít hại hơn các loại cây khác. Cũng có vài loại thực sự khơi dậy những ảo giác tội lỗi.
- Loại nào? – tôi vồn vã hỏi.
- Ái dà, chú tu sinh của chúng ta muốn biết nhiều quá. Có những điều chỉ duy nhất dược thảo sư được biết mà thôi; nếu không bất kỳ kẻ vô tâm nào cũng có thể đi đây đó để tạo ra ảo giác, nói cách khác, họ có thể khoác lác về những cây thuốc.
- Nhưng Huynh chỉ cần một nhúm tầm ma - Thầy William nói – hay cây Olieribus là khỏi thấy ảo giác. Hy vọng Huynh có một ít cây thuốc quý này.
Severinus liếc trộm thầy William – Huynh cũng quan tâm đến ngành dược thảo à?
- Qua loa thôi, - thầy William khiêm tốn trả lời - Từ khi tôi tình cờ đọc quyển “Thao trường rèn luyện sức khoẻ”[1] của Ububchasym de Baldach…

Tôi không biết ở đây có bản đó không?
- Một trong những tác phẩm đẹp nhất. Có rất nhiều minh hoạ chi tiết.
- Lạy Chúa. Và còn quyển “Sức mạnh của cỏ cây”[2] của Platearius?
- Quyển đó cũng có nữa. Và quyển “Về cây”[3] và quyển “Về rau cỏ”[4] của Aristotle đã được dịch bởi Alfred de Sareshel.
- Tôi cũng được biết Aristotle không thực sự viết công trình đó, - thầy William nhận xét - Người ta còn khám phá rằng ông không phải là tác giả quyển “Nguyên nhân”[5] nữa.
- Dầu sao chăng nữa, đó quả là quyển sách vĩ đại, - Severinus nhận định, và thầy tôi nhất trí ngay không hỏi thêm xem dược thảo sư đang nói đến quyển “Về rau cỏ” hay quyển “Nguyên nhân”. Cả hai quyển sách đó tôi đều không biết, nhưng theo cuộc đối thoại trên, tôi đoán rằng chúng hẳn độc đáo lắm.
- Tôi rất vui mừng, - Severinus kết luận - được nói chuyện trực tiếp với Huynh về dược thảo.
- Tôi lại còn vui hơn Huynh nữa, nhưng phải chăng chúng ta đang vi phạm luật giữ bí mật do dòng tu của Huynh đặt ra?
- Luật đó đã được áp dụng nhiều thế kỷ nay, theo yêu cầu của các cộng đồng khác nhau. Luật qui định được phép nghe giảng nhưng không được nghiên cứu. Tuy nhiên, Huynh biết dòng tu của chúng tôi đã tăng cường nghiên cứu việc đạo và đời như thế nào. Luật này cũng qui định thiết lập một tịnh xá tập thể, nhưng thỉnh thoảng các tu sĩ, cũng như chúng tôi, được quyền tĩnh tâm ban đêm, do đó phải dành cho từng người một phòng riêng.

Luật rất khắt khe về việc giữ bí mật, vì trong số chúng tôi ở đây, không chỉ những tu sĩ làm việc chân tay, mà cả những người trí thức, cũng không được phép trò chuyện với các anh em khác. Nhưng chức danh đầu tiên và tối cao của tu viện chính là cộng đồng của các học giả. Và việc trau dồi các kho tàng trí thức tích luỹ được thường rất hữu ích cho các tu sĩ. Tất cả các cuộc trò chuyện về học vấn đều được xem là hợp lệ và có lợi, với điều kiện không được nói chuyện trong phòng ăn hay trong các giờ thánh lễ.
- Huynh có thường nói chuyện với Adelmo không? - thầy William đột nhiên hỏi.
Severinus không lộ vẻ ngạc nhiên – Tôi biết Cha Bề trên đã nói chuyện với Huynh. Không, tôi hiếm khi nói chuyện với Huynh đó. Huynh ấy chăm chú vào việc minh hoạ. Thế nhưng tôi cũng có dịp nghe Huynh ấy nói chuyện với các tu sĩ khác, chẳng hạn như Venantius hay Jorge về chuyên môn của mình. Ngoài ra, ban ngày tôi không làm việc ở phòng thư tịch mà ở phòng thí nghiệm của tôi – Ông hất hàm về phía bệnh xá.
- Tôi hiểu rồi, như thế Huynh không biết rõ Adelmo có bị ảo giác hay không?
- Ảo giác à?
- Giống như các loại ảo giác do dược thảo mà Huynh nói gây ra ấy mà.

Severinus sượng cứng người lại – Tôi đã nói với Huynh rằng tôi cất giữ tất cả các cây độc hại hết sức cẩn thận mà.
- Tôi không định ám chỉ điều đó, - thầy William vội vã biện bạch. - Tôi đang nói đến các ảo giác một cách tổng quát.
- Tôi không hiểu Huynh – Severinus nhấn mạnh.
- Tôi đang nghĩ đến khả năng một tu sĩ ban đêm lang thang trong Đại dinh, nơi mà Cha Bề trên đã từng công nhận những điều kinh khủng có thể xảy ra… cho những ai dám đột nhập vào giờ cấm… À, như tôi nói, tôi đang suy nghĩ đến khả năng Huynh ấy bị các ảo giác ma quỷ ám nhập, xúi giục đi đến vách núi đá đó.
- Tôi đã thưa với Huynh: tôi chỉ đến phòng thư tịch khi cần đọc sách, nhưng thường thì tôi có tập mẫu cây cất trong bệnh xá. Như đã nói, Adelmo rất gần gũi với Jorge, Venantius và … dĩ nhiên là với Berengar.
Ngay cả tôi cũng cảm nhận được vẻ ngập ngừng trong giọng nói của Severinus. Điều đó cũng không thoát được mắt thầy tôi.
- Berengar ư? Và tại sao lại “dĩ nhiên”?
- Berengar là phụ tá quản thư viện. Họ cùng trang lứa, đã cùng là tu sinh với nhau, họ có nhiều điều để chuyện trò với nhau cũng là việc bình thường.

Đó là điều tôi muốn nói.
- À, đó là điều Huynh muốn nói - thầy William lặp lại. Tôi ngạc nhiên thấy thầy không theo đuổi đề tài này nữa mà khéo léo chuyển sang chuyện khác – Có lẽ đã đến lúc chúng ta đi thăm Đại dinh. Huynh có vui lòng dẫn đường chúng tôi không?
- Rất vui lòng, - Severinus nói, lòng mừng rỡ được thoát câu chuyện. Ông dẫn chúng tôi đi dọc theo khu vườn đến cửa Tây của Đại dinh.
- Đối diện với khu vườn là cánh cửa dẫn vào nhà bếp, nhưng nhà bếp chiếm phân nửa tầng trệt, mặt Tây; nửa mặt kia là nhà ăn. Ở cổng phía Nam mà Huynh có thể vào từ phía sau, chỗ dành cho ca đoàn trong giáo đường, còn có hai cánh cửa khác dẫn vào nhà bếp và phòng ăn. Nhưng ta có thể vào lối này, và từ nhà bếp, ta có thể sang tiếp nhà ăn.

Khi bước vào nhà bếp rộng bao la, tôi mới nhận thức được toàn bộ chiều cao của toà Đại dinh nằm trong khuôn viên khối bát giác. Về sau, tôi mới hiểu rằng, đó là một loại giếng khổng lồ không có lối vào, trên mỗi tầng mở ra những cửa sổ rộng, như các cửa sổ ở mặt ngoài. Nhà bếp là một sảnh đường rộng mênh mông ngập ngụa khói. Nhiều tôi tớ đang bận rộn sửa soạn thức ăn cho bữa tối. Trên một chiếc bàn lớn, hai người đang làm một cái bánh bằng đậu, lúa mạch, yến mạch, mạch đen, củ cải xắt nhỏ, cải đường, cải xoong, và cà rốt. Gần đó, một đầu bếp khác vừa ngâm xong vài con cá vào một dung dịch tổng hợp rượu vang và nước, rồi rưới lên chúng một loại nước sốt có lá sô thơm, rau mùi tây, húng tây, tỏi, tiêu và muối. Bên dưới ngọn tháp phía Tây có một cái lò khổng lồ dùng để nướng bánh mỳ đang rực đỏ. Trong ngọn tháp phía Nam có một lò sưởi thật lớn, trong đó người ta đang đun những cái nồi lớn sùng sục và trở các xiên thịt nướng. Những người chăn lợn vừa bước vào qua cánh cửa mở ra khu chuồng lợn sau giáo đường, mang theo thịt heo vừa mổ. Chúng tôi ra ngoài cũng bằng cửa đó để bước vào khuôn sân ở rìa phía Đông của bình nguyên, sát bức tường, nơi có nhiều dãy chuồng. Severinus giải thích cho tôi biết dãy đầu là chuồng lợn, rồi tới chuồng ngựa, chuồng bò, chuồng gà và sân có mái để nuôi cừu. Phía ngoài chuồng lợn, các người chăn lợn đang khuấy một vại lớn đựng huyết lợn, vừa mới mổ để huyết khỏi đông lại. Nếu khéo khuấy, huyết sẽ lỏng trong vài ngày nữa, nhờ thời tiết lạnh, và họ sẽ dùng nó làm tiết canh. Lúc quay vào Đại dinh và khi đi ngang qua nhà ăn, trên đường đến ngọn tháp phía Đông, chúng tôi liếc nhanh vào phía trong. Nhà ăn trải dài giữa hai ngọn tháp, trong ngọn tháp phía Bắc có một lò sưởi, ngọn tháp kia có một cầu thang xoắn ốc dẫn lên phòng thư tịch trên lầu. Các tu sĩ dùng cầu thang này để lên làm việc mỗi ngày hoặc họ có thể dùng hai cầu thang khác, tuy không tiện lợi bằng, nhưng rất ấm áp vì được xây theo hình trôn ốc bên trong lò sưởi này và trong lò bánh của nhà bếp. Thầy William hỏi xem chúng tôi có thể gặp ai ở phòng thư tịch không, vì hôm đó là Chủ nhật. Severinus mỉm cười đáp rằng, đối với tu sĩ dòng Benedict, công việc chính là cầu nguyện. Vào chủ nhật, giờ đọc kinh kéo dài hơn, nhưng các tu sĩ được giao công việc về sách vở vẫn làm việc vài giờ ở trên đó. Thường họ dành thời giờ để trao đổi với nhau các nhận định, lời khuyên và tư tưởng uyên bác, bổ ích trong Thánh kinh.

Chú thích
[1] "Theatrum Sanitatis"
[2] "De virtutibus herberum"
[3] "De plantis"
[4] "De vegetalibus"
[5] "De causis"
****   *****    *****
SAU KINH XẾ TRƯA

Thăm phòng thư tịch,
gặp gỡ nhiều học giả,
người sao chép và ghi đề mục,
cùng một tu sĩ già, mù
đang chờ đợi bọn Phản giáo.

Khi chúng tôi leo lên lầu, tôi trông thấy thầy tôi đang quan sát các cửa sổ rọi ánh sáng cho cầu thang. Có lẽ tôi đang trở nên khôn ngoan như thầy, vì tôi lập tức nhận thấy vị trí cửa sổ rất khó cho người leo đến. Mặt khác, các cửa sổ của nhà ăn, vốn là các cửa sổ duy nhất ở tầng trệt trông xuống vách núi đá, dường như cũng rất khó leo đến, vì dưới cửa sổ chẳng có một loại đồ đạc nào.
Khi lên hết cầu thang, chúng tôi đi xuyên qua ngọn tháp phía Bắc và bước vào phòng thư tịch, rồi tôi bật lên tiếng kêu thán phục. Tầng này không ngăn làm đôi như tầng dưới, do đó, trước mặt tôi dàn trải toàn bộ không gian bao la của nó. Trần uốn cong, không cao quá, chống đỡ bằng các cột chắc chắn, ôm lấy một không gian chan hoà thứ ánh sáng đẹp nhất tràn vào từ ba cửa sổ khổng lồ, dọc theo mỗi chiều dài, từ các cửa sổ nhỏ hơn trên mỗi mặt ngoài của tháp, và từ tám cửa sổ cao hẹp đón ánh sáng từ khối giếng trung tâm hình bát giác.

Số lượng cửa sổ nhiều như vậy cho thấy gian phòng lớn sẽ thường xuyên rạng rỡ ánh sáng ngay cả vào buổi chiều Đông. Các ô cửa không sơn màu như cửa sổ ở giáo đường, và những tấm kính hình vuông trong suốt, khung bằng chì, cho tràn vào một thứ ánh sáng tinh khiết nhất, không hề bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật của con người, và như thế giúp ánh sáng đạt được mục đích của mình là soi rọi cho những người đang đọc, đang viết. Trước đây, và tại nhiều nơi khác, tôi đã được thăm nhiều phòng thư tịch: nhưng chưa có nơi nào, trong làn ánh sáng chân thật tràn vào làm bừng sáng căn phòng, lại chiếu rạng đến như vậy, các nguyên lý tinh thần, vốn là hiện thân của ánh sáng, và sự rực rỡ, vốn là nguồn cội của tất cả các vẻ đẹp và học thức: thành tố gắn liền với sự cân đối, thể hiện trong cấu trúc căn phòng. Vì để tạo thành cái đẹp cần có ba yếu tố: trước hết là tính toàn vẹn hay toàn thiện, và vì lý do này, tất cả các sự vật không đầy đủ được xem là xấu; kế đó là sự cân đối hay sự hài hòa; cuối cùng là ánh sáng và sự rõ ràng, và quả thật chúng ta gọi các vật thể đẹp là các vật thể có màu sắc rõ ràng, xác định. Do cái đẹp tượng trưng cho sự yên hòa và do cái thiện, cái đẹp, cái yên hòa xoa dịu tâm hồn con người, bản thân tôi chợt cảm thấy một niềm vỗ về bao la, và tôi nghĩ rằng được làm việc nơi đây hẳn phải thích thú lắm.

Vào buổi chiều hôm ấy, trước mắt tôi hiện ra một phòng làm việc nghiên cứu thật vui vẻ. Sau này, tại thư viện thánh Gall, tôi có trông thấy một phòng thư tịch với cấu trúc tương tự và cũng tách biệt khỏi thư viện, nhưng không sắp xếp đẹp đẽ như ở đây. Các nhà nghiên cứu cổ học, quản thư viện, người ghi đề mục, và các học giả đang ngồi tại bàn giấy của mình, dưới mỗi cửa sổ lại có một bàn giấy. Vì có bốn mươi cửa sổ, bốn mươi tu sĩ có thể làm việc cùng một lúc, mặc dầu lúc đó có lẽ chỉ có khoảng ba mươi người mà thôi. Severinus giải thích rằng các tu sĩ làm việc ở phòng thư tịch được miễn dự các giờ kinh Xế sáng, kinh Trưa và kinh Xế trưa, do đó, ban ngày, họ không phải rời nơi làm việc, và họ chỉ ngưng công việc khi hoàng hôn xuống để dự kinh Chiều.
Các chỗ sáng nhất được dành riêng cho các nhà nghiên cứu cổ học, các chuyên gia minh họa giỏi nhất, các người viết đề mục và sao chép. Mỗi bàn giấy có đủ các vật dụng cần thiết cho việc sao chép và minh họa: sừng đựng mực, bút lông ngỗng đẹp mà vài tu sĩ đang chuốt bằng dao mỏng, đá bọt để vuốt giấy da, thước để kẻ hàng trên giấy. Trên đầu bàn giấy hơi dốc, bên cạnh người viết, có một bục đặt bản sách chép tay sắp được sao lại, trang sách được phủ bằng một tờ giấy có đục một khe nhỏ đóng khung dòng chữ đang được sao chép lúc đó. Vài người có mực vàng và mực đủ màu sắc. Các tu sĩ khác đang đọc sách, họ ghi các chú thích của mình vào sổ tay hay các bản gỗ.

Tuy nhiên, tôi không có thì giờ quan sát công việc của họ, vì quản thư viện đã bước đến. Chúng tôi biết ông ta là Malachi. Gương mặt ông ta biểu lộ một vẻ chào đón, nhưng tôi bất giác rùng mình khi nhận thấy một gương mặt kỳ quái như thế. Ông cao và cực kì gầy, tay chân to lớn vụng về. Khi ông sải bước tới, mình khoác chiếc áo đen của dòng tu, vóc dáng ông có một vẻ gì đó rất đáng sợ. Đầu ông vẫn đội mũ, vì vừa mới từ ngoài vào, che tối gương mặt xanh xao của ông, tạo cho đôi mắt to rộng buồn bã một vẻ đau khổ chịu đựng. Trên khuôn mặt ông có những đường nét, dường như trước đây chất chứa nhiều nỗi đam mê nay ý chí đã thuần hóa, nhưng lại khiến chúng trở nên băng giá, hay không còn sinh động nữa. Vẻ u buồn và khắc khổ bao trùm gương mặt ông và đôi mắt thật sắc bén đến nỗi chỉ cần liếc nhìn là có thể đâm suốt tim gan người đối diện và đọc được cả những suy nghĩ thầm kín. Vì thế, thật là khó chịu khi nhìn vào ánh mắt soi mói đó, và chẳng ai muốn nhìn vào mắt ông ta lần thứ hai.
Quản thư viện giới thiệu chúng tôi với các tu sĩ đang làm việc lúc đó. Đến từng người. Malachi kể cho chúng tôi nghe về công việc người ấy đang thực hiện, và tôi khâm phục tất cả mọi người về sự tận tâm của họ dành cho trí thức và việc nghiên cứu Phúc Âm. Qua đó, tôi đã gặp Venantius, dịch giả tiếng Hy Lạp và Ả Rập, người dốc lòng nghiên cứu Aristotle, bậc thông thái nhất của nhân loại. Benno, một tu sĩ trẻ từ Thụy Đan Na, đang nghiên cứu tu từ học, Aymaro, người sao chép các sách thư viện mượn được mới mấy tháng nay, và một nhóm nhà minh họa xuất xứ từ nhiều nước: Patrick xứ Clonmacnois, Rabano xứ Toledo, Magnus xứ Iona, Waldo xứ Hereford.

Danh sách có thể còn dài, nhưng tôi phải quay lại đề tài của cuộc tranh luận, vì từ đó nổi lên các biểu hiện hữu ích cho thấy nguyên nhân gây sự khó chịu kín đáo trong các tu sĩ, và các mối quan tâm chưa biểu lộ vẫn đè nặng lên các cuộc nói chuyện của chúng tôi.
Thầy tôi bắt đầu nói chuyện với Malachi, ca ngợi vẻ đẹp và sự làm việc cần cù trong phong thư tịch, hỏi thăm ông ta về thể thức tiến hành công việc tại đây, vì thầy tôi đã được nghe khắp nơi nói về thư viện và mong muốn được khảo sát các sách ở đây. Malachi trình bày với ông những gì tu viện trưởng đã cho biết: tu sĩ yêu cầu quản thư viện đưa quyển sách người ấy muốn tham khảo và viên quản thư viện sẽ lên lầu mang sách xuống, nếu lời yêu cầu hợp lý và thành khẩn. Thầy William hỏi làm cách nào ông ta có thể tìm ra các tựa sách xếp trong các kệ trên lầu. Malachi bèn đưa cho thầy xem một bản sách chép tay gồm nhiều tập ghi chi chít các danh mục, buộc chặt vào bàn giấy của ông ta bằng một sợi xích nhỏ bằng vàng.

Thầy William luồn tay vào bên trong áo tu, lần đến chỗ ngực áo phồng lên thành một cái túi, lôi ra một vật mà tôi đã nhìn thấy ông cầm trên tay hay đeo trên mũi trong cuộc hành trình của chúng tôi. Đó là một cái ống hình chạc, cấu tạo sao cho có thể nằm trên mũi người ta, như kiểu kị mã cưỡi ngựa hay chim đậu bám vào cành. Mỗi bên chạc, ở đằng trước mắt, có một khung kim loại hình bầu dục, giữ một mảnh kính dày như đáy chai. Thầy William thích đeo vật này trước mắt để đọc sách, bảo rằng nó giúp tăng thị lực tự nhiên và phụ trợ đôi mắt lão của thầy nhìn rõ hơn, đặc biệt khi trời chạng vạng tối. Nó không giúp thầy nhìn vật ở xa, vì mắt thầy rất sắc, mà giúp thầy nhìn vật ở gần. Với cặp kính này, thầy có thể đọc những bản thảo viết chữ bé tí xíu mà ngay cả tôi đọc cũng khá khó khăn. Thầy giảng giải cho tôi rằng, khi một người đã qua tuổi trung niên, dù thị lực người ấy vẫn luôn luôn tốt, thì đôi mắt và đồng tử bắt đầu đờ dần; do đó, sau năm mươi tuổi, nhiều học giả xem như đã mất khả năng đọc, viết. Đó là một nỗi bất hạnh to lớn đối với những người còn có thể dâng hiến những thành quả tri thức tốt nhất của mình thêm nhiều năm nữa. Do đó, ta phải tạ ơn Chúa vì đã có người phát minh và cấu tạo nên vật dụng này. Thầy đã kể cho tôi nghe việc này để ủng hộ các tư tưởng của giáo sư Roger Bacon của thầy, người đã dạy rằng mục tiêu của việc học cũng chính là nhằm kéo dài cuộc đời con người.

Các tu sĩ khác nhìn thầy William hết sức hiếu kỳ, nhưng không dám hỏi han chi. Tôi để ý thấy ngay tại một nơi vẫn hằng tự hào là nhiệt tâm dốc lòng vào việc đạo và viết sách, vật dụng hiếu kỳ này vẫn chưa hề xuất hiện. Tôi cảm thấy hãnh diện được ở bên con người đã sở hữu một vật làm sững sờ những nhà thông tuệ lừng danh trên thế giới. Đeo vật này lên mắt, thầy William cúi xuống đọc các danh mục ghi trong tập sách. Tôi cũng nhìn vào và thấy trong đó các tựa sách chúng tôi chưa hề nghe nói đến, và các quyển sách nổi tiếng khác mà thư viện sở hữu.
Thầy tôi đọc, - “Về tòa ngũ giác của Salomon”[1], “Nghệ thuật nói và hiểu trong ngôn ngữ Do Thái”[2], “Về những vật kim khí”[3] của Roger de Hereford, “Đại số”[4] của Alkuwarizmi do Robertus Anglicus dịch từ tiếng La Tinh, “Nghệ thuật nghi binh”[5] của Silius Italicus, “Những chiến công của người Pháp”[6], “Về những lời ngợi ca cây thánh giá”[7] của Rabanus Maurus và “Các thời đại của thế giới và văn chương con người qua những quyển sách đặc biệt từ A đến Z”[8] của Flavius Claudius Giordanus. Những tác phẩm tuyệt diệu! Nhưng chúng được liệt kê theo thứ tự nào? Thầy trích dẫn một câu tôi không biết ở quyển sách nào, nhưng chắc chắn phải quen thuộc với Malachi – “Quản thư viện phải có danh sách tất cả các tựa, được sắp xếp cẩn thận theo thứ tự đề tài và tác giả, và sách phải được phân loại trên kệ có bảng số”. Huynh làm thế nào biết vị trí sắp xếp của từng quyển sách?

Malachi chỉ thầy xem vài chú thích ghi trên cạnh mỗi tựa sách. Tôi đọc: “iii, IV gradus, V inprima graecorum”; "ii, V gradus, VII in tertia anglorum”, v.v... Tôi hiểu số thứ nhất chỉ vị trí của quyển sách trên kệ hay gradus, số thứ hai chỉ vị trí kệ, trong khi đó số thứ ba chỉ vị trí ngăn; tôi cũng hiểu những nhóm từ khác chỉ phòng hay hành lang của thư viện, bèn lấy can đảm hỏi thêm về các chi tiết phân biệt cuối cùng đó. Malachi nghiêm khắc nhìn tôi... – Có lẽ con không biết, hay đã quên rằng Quản thư viện là người duy nhất được lên thư viện. Do đó, chỉ cần một mình Quản thư viện biết cách đọc những kí hiệu đó.
- Nhưng các tựa sách liệt kê trong danh sách này được sắp xếp theo trật tự nào? – thầy William hỏi – Theo tôi, dường như không phải theo đề tài. - Thầy không nêu lên thứ tự tác giả theo mẫu tự chữ cái, vì đó là một hệ thống tôi mới thấy áp dụng những năm gần đây thôi, còn khi đó thì rất hiếm sử dụng.
- Thư viện được thành lập từ thuở xa xưa, và sách được đăng kí theo thứ tự lúc nhận được, do tặng hay nhập vào thư viện.
- Như thế sẽ khó tìm lắm – thầy William nhận xét.
- Đủ để quản thư viện nhớ chúng nằm lòng, và biết mỗi quyển sách nhập thư viện vào thời gian nào. Đối với các tu sĩ khác, họ có thể tin cậy vào trí nhớ của người quản thư, - ông ta nói như thể đang bàn luận về một người nào khác chứ không phải chính ông, và tôi nhận ra ông đang nói đến nhiệm vụ mà ông không xứng đảm trách, nhiệm vụ đã được hàng trăm bậc tiền bối khác phụ trách, những người đã lần lượt truyền hiểu biết của mình cho thế hệ kế tiếp.
- Tôi hiểu rồi. Giả sử tôi cần tìm một quyển sách nào đó nhưng không biết chính xác tựa, chẳng hạn về “Tòa ngũ giác của Salomon”, Huynh có khả năng cho biết tựa sách tôi vừa mới nêu đó hiện có hay không, và Huynh có thể xác định vị trí nó ở đâu trên lầu không?
- Nếu Huynh thực sự phải tìm hiểu điều gì đó về “Tòa ngũ giác của Salomon”. Nhưng trước khi giao sách cho Huynh, tôi cần xin ý kiến của tu viện trưởng.
- Tôi được biết rằng một trong các họa sĩ minh họa giỏi nhất của Huynh vừa mới mất – thầy William nói tiếp – tu viện trưởng đã kể cho tôi nghe rất nhiều về nghệ thuật của người ấy. Vậy tôi có thể xem các bản sách mà Huynh ấy đang minh họa dở dang chăng?
- Vì còn trẻ, Adelmo... – Malachi nói, ngờ vực nhìn thầy William – chỉ minh họa các ghi chú ở lề. Huynh ấy có một óc tưởng tượng sống động và từ các vật thể quen thuộc, Huynh ấy có thể sáng tác những vật thể mới lạ, như có thể nối một thân người với một cái cổ ngựa. Sách của Adelmo ở đằng kia, chưa có ai động đến bàn giấy của Huynh ấy cả!

Chúng tôi đến gần chỗ trước kia là nơi làm việc của Adelmo, trên đó vẫn còn các trang Thánh thư dày đặc minh họa. Đó là các trang giấy da bê đẹp nhất, loại giấy hảo hạng, và trang cuối vẫn còn gắn vào bàn giấy. Sau khi được cạo bằng đá bọt và nhồi phấn cho mềm, giấy được bào nhẵn và từ các lỗ nhỏ tí đục bằng bút sắt nhọn đầu trên lề trang giấy, có thể nhận ra tất cả các đường nét hướng dẫn cho bàn tay nghệ sĩ. Nửa trang đầu đã viết đầy đủ và tu sĩ quá cố đã bắt đầu phác thảo các minh họa ở ngoài lề.
Các trang khác, ngược lại, đã hoàn tất xong; và khi chúng tôi ngắm nhìn, thầy trò tôi không ngăn được tiếng kêu thán phục. Đó là một thánh thư mà các lề giấy của nó khắc họa một thế giới trái ngược với thế giới mà lý trí chúng tôi hằng quen thuộc. Từ lề của bài giảng đạo hiện ra một vũ trụ đảo lộn: chó chạy trốn thỏ, nai săn sư tử... lưng thú mọc tay người, rồng có da ngựa vằn, người không có tay, trên lưng mọc các thân người khác như các cục bướu; những hình người với miệng đầy răng trên bụng, người đầu ngựa và ngựa chân người, cá cánh chim và chim đuôi cá, quái vật một thân hai đầu hay một đầu hai thân, bò đuôi gà, cánh bướm; đàn bà đầu có vẩy như lưng cá; những sinh vật ma quỷ cổ dài vô tận. Đây là một mẫu tự bẻ thành hình chữ L, ở phía dưới phát sinh mặt con rồng. Kia là mẫu tự to tướng hình chữ V, bắt đầu bằng từ “Verba”, từ thân chữ tự nhiên mọc ra một con rắn có ngàn đuôi, các đuôi này lại sinh ra các con rắn khác như những chùm hoa lá. Bên cạnh Thánh thư là một quyển sách thanh tú về giờ lễ, mới vừa hoàn tất xong, với kích thước nhỏ bé khó tưởng tượng nổi: có thể đặt nó vừa trong lòng bàn tay. Chữ viết nhỏ tí xíu, các minh họa bên lề thoạt nhìn chẳng thấy gì, do đó buộc phải dí sát tận mắt mới nhìn ra được vẻ đẹp. Toàn bộ lề sách dầy đặc những dạng chữ nhỏ lần lượt phát sinh ra nhau từ một cuộn giấy vô tận kẻ chữ đẹp như thể theo luật bành trướng tự nhiên: các ngư nhân, hươu đực đánh nhau, quái vật đuôi rắn, mình dê đầu sư tử, những thân người cụt tay mọc ra từ trong các dòng thư như ốc sên. Tại một điểm nọ, như thể nối tiếp ba chữ “Thánh, Thánh, Thánh” được lặp lại trong ba câu thơ, có ba con thú đầu người rất dữ tợn, hai con trong bộ ba khom người, một con cúi xuống, một con ngẩng lên để hôn nhau, một nụ hôn mà nếu người ta không tin rằng minh họa này dành cho một ý nghĩa tinh thần sâu sắc, tuy không rõ ràng, của dòng thơ lúc đó, thì người ta sẽ gọi ngay rằng đó là một nụ hôn gớm ghiếc.

Khi tôi giở sách xem, lòng tôi vừa thầm khâm phục, vừa muốn phá lên cười, vì các bức tranh vẽ rất ngộ nghĩnh, dù chúng minh họa cho các trang Thánh thư. Sư huynh William mỉm cười xem xét các minh họa này và nhận định: - Cách vẽ này ở quê tôi gọi là Babewyn.
- Ở Gaul thì họ gọi là Babouins, - Malachi nói, - Adelmo học nghề này ở quê hương của Huynh, dù Huynh ấy cũng có học ở Pháp. Babouins cũng có nghĩa là “khỉ” ở Phi châu. Những hình dạng của một thế giới lộn ngược: nhà đứng trên đỉnh tháp và đất nằm trên trời
Tôi nhớ lại một số câu thơ dân gian ở quê tôi và tôi buột miệng đọc:
Ngợi ca mọi kì quan
Tồn tại trên trời dưới đất
Cho ta chiêm ngưỡng.
Malachi đọc tiếp, trích dẫn cũng từ bài thơ đó:
Đất ở dưới trời
Đã thành lời ca
Kỳ quan chỉ là
Một điều kinh ngạc.
- Giỏi lắm, Adso ạ! – Quản thư viện tiếp – Quả thật những hình ảnh đó kể về đất nước, nơi con đến, cỡi trên lưng một con ngỗng xanh, nơi mà diều hâu bắt cá trong suối, gấu ăn chim ưng trên trời, tôm tung cánh với bồ câu và ba ông thần khổng lồ mắc bẫy rồi bị gà mổ.
Một nụ cười nhè nhẹ nở tươi đôi môi ông ta. Các tu sĩ khác nãy giờ vẫn e thẹn theo dõi cuộc đối thoại, bật cười sảng khoái, như thể bấy lâu nay họ vẫn đợi Quản thư viện đồng ý. Ông nhíu mày, nhìn các tu sĩ cười, vừa ca ngợi kỹ năng của Adelmo quá cố, vừa chỉ cho mọi người xem các hình lạ lùng khác. Trong khi tất cả vẫn đang cười đùa thì từ phía sau lưng chúng tôi bỗng cất lên một giọng nói khiêm khắc và trịnh trọng:
- Không nói những lời vô nghĩa và để cho người ta cười giễu.

Chúng tôi quay lại. Người vừa nói là một tu sĩ lưng đã còng vì năm tháng, tóc bạc trắng như tuyết, da mồi trắng và cả gương mặt lẫn đồng tử đều trắng. Tôi nhận thấy ông bị mù. Dù cơ thể già yếu, giọng ông ta vẫn sang sảng, chân tay còn mạnh khỏe. Ông nhìn như trông thấy được chúng tôi, và từ đó trở đi, lúc nào tôi cũng thấy ông di chuyển, nói năng một cách tinh tường. Nhưng giọng nói của ông là giọng của một người duy nhất nắm được tài tiên tri.
- Người mà Sư huynh đang thấy đấy, con người đáng kính cả về tuổi tác lẫn tri thức – Malachi nói với thầy William, tay chỉ về phía người mới đến – chính là Jorge de Burgos. Cao tuổi hơn hết thảy mọi người sống trong tu viện, ngoại trừ Alinardo. Huynh ấy là người được rất nhiều tu sĩ ở đây vẫn xưng tội kín để ký thác gánh nặng tội lỗi của họ. – Nói đoạn, Malachi xoay về phía ông lão, tiếp – Người đang đứng trước mặt Huynh là Sư huynh William xứ Baskerville, khách của chúng ta.
- Hy vọng Huynh không giận lời tôi nói – Ông sẵng giọng đáp – Tôi nghe mọi người nói những việc buồn cười, và tôi nhắc nhở các Huynh một trong các nguyên tắc của luật đạo. Như người soạn Thánh thư đã nói, nếu một tu sĩ phải kiềm chế không được nói tốt vì đã trót thề giữ bí mật, thì anh ta càng phải tránh không được nói bậy. Vì nói bậy cũng có những hình ảnh bậy và chúng là những thứ nấp dưới lớp vỏ của tạo hóa, dựng nên một thế giới đối nghịch với thế giới đứng đắn hằng tồn tại và sẽ mãi mãi tồn tại thêm nhiều thế kỷ nữa cho đến ngày tận thế. Nhưng Huynh thuộc một dòng tu khác và tôi nghe rằng ở đó người ta được phép cười đùa, dù là đùa lúc không thích hợp nhất – Ông đang lặp lại những điều các tu sĩ dòng Benedict nói về tính khí lạ thường của thánh Francis de Assisi, và có lẽ cả những cơn bốc đồng kỳ quái vẫn gán cho tất cả mọi loại thầy tu Nghèo khó và tu sĩ dòng Thánh thần, các chi nhánh mới đây của dòng Francisco. Nhưng thầy William tỏ vẻ chẳng hiểu gì lời ám chỉ đó.
- Các hình ảnh bền lề thường gây cười, nhưng chính nhằm soi sáng cứu cánh. Tương tự như trong các bài giảng, nhằm khơi dậy óc tưởng tượng của các con chiên ngoạn đạo, cần phải tạo ra các hình mẫu, thường là rất buồn cười, do đó trong chương trình cũng cho phép những bài giảng dùng các hình ảnh tạp nham này. Vì mọi đức hạnh và tội lỗi đều có thí dụ lấy ra từ loài vật, và từ loài vật người ta minh họa ra thế giới loài người.

- À, phải đấy – Jorge nói một cách châm biếm, nhưng vẫn giữ mặt nghiêm, - bất kỳ hình ảnh nào cũng gợi lên đức hạnh cao cả, với điều kiện công trình hoàn mỹ của tạo hóa phải cúi đầu quay đi để trở thành đề tài cho người ta cười giễu. Và như vậy, người ta minh họa phúc âm bằng những hình ảnh lừa chơi đàn lia, cú lấy khiên cày ruộng, bò tự buộc mình vào lưỡi cày, sóng tràn lên bờ, biển bốc cháy, sói biến thành ẩn sĩ! Dùng bò để đi săn thú, mời cú dạy người học văn phạm, cho chó cắn bọ chét, thằng chột canh thằng câm, và thằng câm xin bánh mì; kiến đẻ ra bò, gà quay bay, bánh mọc trên mái nhà, vẹt giảng về nghệ thuật hùng biện, gà mái đạp gà trống, xe đứng trước bò, chó ngủ trên giường, mọi người đi bằng đầu! Tất cả những thứ nhảm nhí ấy nhằm mục đích gì? Một thế giới đảo lộn và đối nghịch với thế giới do Thượng đế tạo ra, dưới cái cớ giảng dạy những lời giáo huấn thiêng liêng!
- Nhưng, như Thẩm phán tại tòa Areopagus ở Athens đã dạy – thầy William nhã nhặn nói, - chỉ có thể gọi tên Thượng đế qua những vật bị biến dạng nhất. Và Hugh ở St. Victor đã nhắc ta rằng sự so sánh càng khác biệt, sự thật càng được phơi bày dưới lớp vỏ của những hình dạng kinh sợ và khiếm nhã thì sự tưởng tượng lại càng ít bị sa vào những thứ nhục dục, và do đó sẽ hân hoan cảm nhận những điều huyền hoặc ẩn đằng sau các hình dạng xấu xí đó…

- Tôi đã biết lối lý luận đó, và tôi xấu hổ thừa nhận rằng đó chính là lối tranh luận chính trong dòng tu của chúng ta khi các Tu viện trưởng dòng Cluniac tranh đấu với dòng Cistercian. Nhưng thánh Bernard nói đúng: Kẻ họa hình quái vật và thiên nhiên để bộc lộ tạo vật của Chúa trong sự chiêm ngưỡng huyền bí sẽ dần dà thích thú chính bản thân của lũ quái vật hắn đã tạo ra, rồi mê mẩn chúng và hậu quả là hắn sẽ chỉ toàn nhìn thấy chúng. Các Huynh, những người vẫn còn đang sáng suốt, chỉ cần nhìn vào những cái cột của giáo đường, - ông ta chỉ tay ra ngoài cửa sổ, về phía nhà thờ… - Trước mắt một tu sĩ kính đạo, những sư tử kia, các nhân mã nọ, những con độc cước nửa-người-nửa-thú, miệng ở bụng, tai to như buồm đó có ý nghĩa gì chứ? Những con hổ đốm, những tên giác đấu, lũ thợ săn thổi tù và cùng rất nhiều quái vật một đầu nhiều thân và một thân nhiều đầu kia là gì cơ chứ? Bây giờ tu sĩ thích đọc cột cẩm thạch hơn đọc sách, thích chiêm ngưỡng công trình nhân tạo hơn nghiền ngẫm luật tạo hóa. Nhục nhã thay khát vọng cho đôi mắt và nụ cười của các Huynh!
Jorge hết hơi ngừng lại. Tôi thán phục trí nhớ minh mẫn đã giúp ông ta, tuy đã mù nhiều năm nay, vẫn còn nhớ rõ các hình ảnh mà ông đã từng công kích là độc ác. Tôi đâm nghi ngờ rằng khi nhìn thấy các hình ảnh này, ông cũng bị chúng mê hoặc, vì cho đến nay ông vẫn có thể mô tả chúng một cách cuồng nhiệt như thế. Nhưng tôi vẫn thường đọc được các đoạn mô tả tội lỗi cám dỗ nhất trong các trang sách của những nhà đạo đức phẩm hạnh nhất, những người đã tố cáo ma lực và các hậu hoạn của nó. Đó là một dấu hiệu cho thấy các nhà đạo đức này hết sức nhiệt tình muốn chứng tỏ rằng vì lòng yêu Chúa, họ không ngần ngại gán cho tội lỗi tất cả mọi cám dỗ mà nó đã khoác vào; do đó, họ mách cho những người khác những cách mà tội lỗi đã dùng để quyến rũ họ. Thực tình mà nói, lời của Sư huynh Jorge khiến lòng tôi tràn ngập niềm khao khát được xem các con hổ, con khỉ… trong giáo đường, mà tôi chưa từng được chiêm ngưỡng; nhưng ông ta đã cắt đứt dòng tư tưởng của tôi, tiếp tục nói với giọng trầm tĩnh hơn:

- Chúa không cần sử dụng những điều ngu xuẩn như vậy để chỉ cho chúng ta con đường nhỏ hẹp. Trong các chuyện ngụ ngôn của Ngài, chả có gì gây cười, gây sợ hãi. Ngược lại, Adelmo, người mà các Huynh đang thương tiếc, đã quá thích thú với những con quái vật vẽ được đến nỗi đã không còn nhận ra mục đích tối cao mà các quái vật này cần minh họa – giọng ông ta trở nên nghiêm trang và đe dọa – Huynh ấy đã theo tất cả, tôi phải nói tất cả, con đường ma quỉ. Thượng đế đã biết cách trừng phạt!
Im lặng nặng nề. Venantius bạo dạn cất tiếng:

- Thưa Sư huynh Jorge kính mến, đức hạnh của Huynh khiến Huynh thiếu công tâm. Hai ngày trước khi Adelmo chết, Huynh đã có mặt trong một cuộc tranh luận uyên bác tại ngay phòng thư tịch này. Adelmo rất cẩn thận sử dụng nghệ thuật và các hình ảnh quái dị của Huynh ấy như một công cụ của trí tuệ, của những vật thiêng để hướng đến sự vinh danh Chúa. Vừa mới đây Sư huynh William đã nhắc đến Thẩm phán Tòa Areopagus, người đã bàn đến việc học đạo qua những hình thù biến dạng. Ngày hôm đó, Adelmo đã trích lời một quan chức cao cả khác, bác sĩ Aquino, ông bảo rằng các thánh thể nên được miêu tả bằng các hình thù ác độc hơn là các hình thù thanh cao. Thứ nhất, vì tinh thần con người sẽ dễ thoát khỏi lầm lỗi hơn; quả thật rõ ràng rằng có một số đặc tính nhất định không thể ghép vào các thánh vật được và sẽ trở nên bất định, nếu miêu tả chúng bằng các sự vật cụ thể cao quý. Thứ hai, vì cách miêu tả thô thiển này phù hợp với trí thức của chúng ta về Thượng đế trên trần gian hơn. Thứ ba, với cách này, các sự vật của Thượng đế được che giấu khỏi mặt bọn tiểu nhân một cách tốt hơn. Nói khác đi, ngày hôm đó, chúng ta đang bàn luận về vấn đề cần hiểu xem sự thật đã được bộc lộ qua những phương tiện diễn đạt bất ngờ, vừa khôn ngoan, vừa bí ẩn như thế nào. Tôi đã nhắc Huynh ấy rằng trong tác phẩm của đại triết gia Aristotle, tôi đã tìm thấy những lời rất rõ ràng về vấn đề này.
- Tôi không nhớ, - Jorge gạt phắt ngang – tôi đã già quá rồi. Tôi không còn nhớ gì nữa. Có lẽ tôi đã nghiêm khắc thái quá. Thôi trời đã tối quá rồi, tôi phải đi đây.
- Thật lạ là Huynh lại không nhớ, - Venantius nhấn mạnh – đó là một cuộc tranh luận rất hay và uyên bác, cả Benno và Berengar cùng tham dự. Vấn đề đặt ra là các cách ẩn dụ, chơi chữ và câu đố, mà dường như cũng do các nhà thơ đặt ra chỉ để cho vui, chẳng lẽ không dẫn chúng ta đến cách tư duy mới, bất ngờ; và tôi đã nói đây cũng là một đức tính mà một người khôn ngoan cần có…và Malachi khi đó cũng có mặt…

- Nếu Huynh Jorge đáng kính không nhớ, hãy kính trọng tuổi tác và trí tuệ mệt mỏi của người… trước đây vốn luôn luôn minh mẫn. – Một tu sĩ vẫn theo dõi cuộc thảo luận cất tiếng. Câu nói này được cất lên bằng một giọng lo lắng, ít nhất là lúc đầu. Người nói, khi vừa nhận ra rằng phát xuất từ sự kính trọng nung nấu đối với vị tu sĩ già, người ấy đang khiến mọi người chú ý đến sự yếu đuối của Huynh Jorge, đã từ từ nói chậm lại, và dứt lời hầu như bằng một tiếng thầm thì xin lỗi. Người nói, chính là Berengar xứ Arundel, phụ tá Quản thư viện. Đó là một thanh niên xanh xao, và khi quan sát anh ta, tôi nhớ đến lời Ubertino miêu tả Adelmo: đôi mắt Huynh ấy trông như mắt một mụ đàn bà dâm đãng. Xấu hổ vì mọi người đều quay nhìn mình, Berengar đan các ngón tay vào nhau như một kẻ muốn đè nén nội tâm căng thẳng.
Phản ứng của Venantius rất khác thường. Huynh nhìn Berengar đến nỗi người ấy phải cụp mắt xuống.
- Rất tốt, thưa Sư huynh, nếu trí nhớ là một ân sủng của Thượng đế thì khả năng quên cũng rất tốt, và cũng phải được kính trọng. Tôi kính trọng khả năng đó trong vị Sư huynh cao niên tôi đang hầu chuyện. Nhưng đối với Huynh, tôi mong Huynh hãy nhớ rõ hơn những việc đã xảy ra, khi chúng ta có mặt tại đây với người bạn thân mến của Huynh.
Tôi không biết giọng nói của Venantius có ám chỉ gì từ “thân mến” hay không. Nhưng quả thật tôi cảm thấy những người có mặt lộ vẻ bối rối. Mỗi người nhìn một hướng, và không ai nhìn Berengar, lúc ấy mặt đang đỏ như gấc. Malachi cất tiếng ngay, giọng ra lệnh:
- Đi thôi, Sư huynh William. Tôi sẽ chỉ Huynh xem các quyển sách hay khác.
Nhóm người bèn giải tán, tôi thấy Berengar nhìn Venantius với vẻ thù hằn, và Venantius nhìn lại, thầm lặng và thách thức. Thấy Sư huynh Jorge sắp đi, lòng tôi tràn ngập niềm tôn kính, bèn cúi xuống hôn tay người. Người đón nhận nụ hôn của tôi, đặt tay lên đầu tôi, rồi hỏi tôi là ai, khi tôi xưng tên, gương mặt người bừng sáng.

- Chú có một tên quý và rất đẹp. Chú có biết Adso ở Montier-en-Der không? – tôi thú nhận không biết và Sư huynh Jorge nói tiếp – ông ta là tác giả của quyển sách vĩ đại và đáng sợ “Quyển sách của tên phản chúa”[9], trong đó ông tiên đoán việc sẽ xảy ra, nhưng ông không được chú ý lắm.
- Quyển sách được viết cách đây hơn nghìn năm, và những việc đó không xảy ra… - Thầy William tiếp lời.
- Cho những ai thiếu mắt nhìn. – người tu sĩ mù nói, - tên Phản giáo đến bằng những lối chậm chạp, quanh co. Đã đến lúc chúng ta không cần đợi hắn, không phải vì các tính toán do các tông đồ đề nghị là sai lầm, mà vì chúng ta chưa học được nghệ thuật tính toán đó. – rồi Sư huynh hét lớn, mặt quay về hướng tiền sảnh, và phòng thư tịch dội lại tiếng hét đó – Hắn đang đến. Đừng phung phí những ngày cuối cùng của các Huynh để cười chế nhạo những con quái vật bé nhỏ có da lốm đốm và đuôi ngoằn ngoèo! Đừng phung phí bảy ngày cuối cùng!

Chú thích:
[1] “De pentagono Salomonis”
[2] “Ars loquensdi el intelligendi in Lingua hebraica”
[3] “De rebus metallicis”
[4] “Algebra”
[5] “Punica”
[6] “Gesta francorum”
[7] “De laudibus sanctae crusis”
[8] “Flavii Claudi Giordani de aetate mundi et hominis reservatis singulis litteris per singulos libros ab A usque ad Z”
[9] "Libellus de Antichristo"

 



.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 2
C-STAT