XtGem Forum catalog
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện ma

 

Phần 2

Chương 7

NGÀY THỨ HAI

KINH SỚM

Một sự kiện đẫm máu
cắt ngang
vài giờ hạnh phúc huyền nhiệm.

Là biểu tượng đôi khi của Quỷ, đôi khi của Chúa phục sinh, chẳng có một con vật nào lại khó tin cậy hơn con gà trống. Dòng chúng tôi biết có những con gà trống chẳng bao giờ gáy lúc bình minh. Mặt khác, đặc biệt vào mùa Đông, Kinh Sớm bắt đầu từ lúc màn đêm hãy còn dày đặc và mọi sinh vật vẫn say ngủ. Vì một tu sĩ sẽ phải thức dậy rồi đọc kinh thật nhiều trong bóng tối, đợi ngày mới bừng lên và lấy ngọn lửa thành kính của lòng mình soi sáng bóng đêm. Do đó, nội qui đã qui định trong khi các tu sĩ anh em đi ngủ, phải có vài tu sĩ thức đêm để ngâm nga một số bài thánh ca cố định. Số bài này cho phép họ đo được số thời gian đã trôi qua; vì vậy, khi hết thời hạn ngủ quy định, họ sẽ đi đánh thức mọi người dậy.
Do vậy, đêm đó, chúng tôi được đánh thức bởi các tu sĩ đánh chuông đi qua suốt nhà nghỉ và nhà hành hương, trong khi một tu sĩ khác đi từ phòng này sang phòng kia, la lớn: “Chúng ta hãy ca ngợi Chúa”, rồi mọi người đồng thanh trả lời: “Tạ ơn Đức Chúa trời”.
Thầy trò tôi tuân theo nội qui của dòng Benedict: chưa đầy nửa giờ, chúng tôi đã sửa soạn xong để còn mừng ngày mới, đoạn chúng tôi đi xuống khu hát kinh. Nơi đây, các tu sĩ nằm xấp trên sàn, đọc mười lăm bài thánh ca đầu tiên để đợi các thầy dẫn tu sinh của mình vào. Xong, mỗi người ngồi trên chiếc ghế quen thuộc của mình, và cả đoàn cất tiếng hát: “Lạy Chúa hãy hé mở môi con, và miệng con sẽ ca ngợi Chúa”.
Tiếng ca vọng lên vòm giáo đường, nghe như tiếng trẻ thơ cầu khẩn. Hai tu sĩ leo lên bục và bắt nhịp bài thánh ca thứ chín mươi tư “Ta đến reo mừng” và mọi người khác ca theo. Tôi cảm thấy lòng ấm áp một niềm tin mới. Các tu sĩ ngồi trên ghế, co ro thân hình trông giống hệt nhau trong bộ áo dòng. Sáu mươi chiếc bóng chập chờn dưới ngọn lửa trên chiếc giá ba chân lớn. Sáu mươi giọng hát hoà với nhau, ca ngợi Đấng toàn năng, và khi lắng nghe khúc hoà điệu cảm động đang đưa ta đến hạnh phúc thiên đường này, tôi tự hỏi phải chăng tu viện này thực sự là nơi còn ẩn giấu những bí mật, những âm mưu và sự đe doạ kinh khủng. Giờ đây, đối với tôi, tu viện trái lại là một mái nhà của những con người thánh thiện, là nơi chốn của đức hạnh, của tri thức, của sự khôn ngoan, hiền hoà, sức mạnh và thiêng liêng.
Sau sáu bài thánh ca, phần đọc thánh kinh bắt đầu. Vài tu sĩ đang gục đầu buồn ngủ, và một trong các tu sĩ trực đêm xách theo một chiếc đèn nhỏ, đi dọc theo các dãy ghế để đánh thức những người ngủ gục. Ai ngủ gục sẽ bị hình phạt xách đèn tiếp tục đi tuần. Sáu bài thánh ca khác được tiếp tục cất lên. Kế đó, Tu viện trưởng ban phước lành, người thứ bảy đọc kinh cầu, và mọi người cúi đầu về phía bàn thờ, tĩnh tâm tận hưởng giây phút ngọt ngào mà những ai không trải nghiệm những giây phút nhiệt tâm huyền bí và tận cùng bình an trong tâm hồn sẽ không thấu hiểu được. Sau cùng, mũ trùm xuống mặt, tất cả ngồi nghiêm trang cất giọng “Bài ca tạ ơn Chúa”. Tôi cũng ca ngợi Chúa, vì Ngài đã giải toả các nỗi ngờ vực và những cảm giác bất an mà tu viện đã gây cho tôi trong ngày đầu tiên…
*
* *
Trong khoảng thời gian giữa Kinh Sớm và Kinh Ngợi khen, các tu sĩ không trở về phòng của mình, mặc dầu đêm vẫn còn tối đen. Tu sinh theo thầy của họ sang nhà nguyện để học Thánh ca, vài tu sĩ ở lại giáo đường để chăm sóc các vật trang trí nhà thờ, còn phần lớn, như thầy trò chúng tôi, đi dạo trong nhà dòng để tĩnh tâm. Các người giúp việc đang ngủ và vẫn say giấc khi chúng tôi trở lại khu hát kinh dự kinh Ngợi khen, trời lúc ấy vẫn rất tối.
Chúng tôi ca Phúc âm và khi minh chứng Phúc âm đã đến soi sáng cho nhân loại thì sao mai, cùng với vẻ đẹp rực rỡ nhất của nó, như thể đang tràn ngập điện thờ. Ánh sáng, dù vẫn chưa đến, dường như đã soi lên các lời thánh ca, lên bông huệ huyền bí ngát hương nở trên các vòm cung trên trần. Tôi lặng lẽ cầu nguyện và thầm nhủ: “Ôi, Thượng đế: Con tạ ơn Ngài vì giây phút sướng vui khôn tả này. Trái tim ngu ngốc của ta ơi, mi sợ hãi điều gì chứ?”
Đột nhiên, từ hướng cửa Bắc vọng lại tiếng người nói ồn ào. Tôi không hiểu tại sao những người giúp việc sửa soạn công việc của họ lại dám làm rộn các buổi kinh lễ như thế. Vào lúc đó ba người nuôi heo bước vào, mặt lộ vẻ kinh hoàng, họ chạy thẳng đến Tu viện trưởng và thầm thì vào tai người điều chi đó. Thoạt tiên, Tu viện trưởng khoát tay trấn tĩnh họ, như thể người không muốn làm gián đoạn buổi lễ, nhưng các người giúp việc khác đã tràn vào, và tiếng la nghe lớn hơn.
- Một người! Một người chết! – Có người nói lớn và những người khác la tiếp - Một tu sĩ. Không thấy đôi giày xăng đan ư?
Lời cầu kinh im bặt và Tu viện trưởng chạy vội ra ngoài, vẫy tay cho viên Quản hầm theo người. Thầy William đuổi theo họ, và bấy giờ, các tu sĩ cũng rời ghế vội vã ùa ra ngoài.
Trời đã hừng sáng và tuyết trên mặt đất khiến trời càng sáng hơn. Phía sau khu hát kinh, ngay trước các khu chuồng, nơi hôm qua có cái vại lớn đựng tiết heo, người ta thấy một vật thể kỳ lạ, hình thù giống cây Thập giá, ló ra khỏi miệng vại, trông như thể hai cái cọc đã được cắm xuống đất và giẻ rách phủ lên đó để doạ chim chóc.
Nhưng đó là hai chân người, chân của một người đầu bị cắm sâu vào vại máu.
Tu viện trưởng ra lệnh lôi xác ra khỏi khối chất lỏng kinh sợ ấy. Hai người nuôi heo lưỡng lự bước đến bên chiếc vại, kéo cái thây máu me đáng thương ra: máu vấy đầy lên người họ. Như người ta đã giải thích cho tôi, tiết heo này đã được lấy ngay sau khi thọc huyết, được khuấy và để ngoài trời lạnh nên nó không bị đông lại. Thế nhưng lớp tiết heo bao bọc xác chết giờ đang bắt đầu cô lại, nó đã thấm đẫm chiếc áo dòng nên không nhận dạng được mặt mũi nữa. Một người giúp việc xách một xô nước đến và xối lên khuôn mặt kẻ bất hạnh. Một người khác cúi xuống lấy khăn lau mặt. Thế rồi trước mắt chúng tôi hiện lên khuôn mặt trắng nhợt của Venantius, học giả người Hy Lạp mà chúng tôi đã hầu chuyện bên cạnh các bản chép tay của Adelmo chiều hôm trước.
Tu viện trưởng bước đến – Sư huynh William, như Huynh thấy đó, một việc gì đó đang diễn tiến bên trong tu viện này, một việc đòi hỏi tất cả trí tuệ của Huynh. Xin Huynh hãy hành động ngay.
Thầy William chỉ vào xác chết và hỏi:
- Huynh ấy có mặt trong khu hát kinh lúc hành lễ hay không?
- Không – Tu viện trưởng nói – Cha thấy ghế của Huynh ấy trống.
- Không có ai khác vắng mặt à?
- Có lẽ không, nhưng Cha không để ý kỹ.
Thầy William lưỡng lự trước khi hỏi câu kế, và ông thì thầm hỏi, cố để không ai khác nghe được.
- Berengar có mặt nơi ghế của Huynh ấy không?
Tu viện trưởng nhìn thầy với vẻ vừa áy náy vừa kinh ngạc, như muốn tỏ ra rằng ông bàng hoàng nhận thấy thầy tôi cũng nuôi dưỡng một nỗi ngờ vực mà chính ông đã có, vì những nguyên nhân hiển nhiên hơn. Rồi ông đáp nhanh:
- Huynh ấy có mặt ở đó, ngồi ở ghế đầu, gần kề bên phải tôi.
- Hẳn rồi, tất cả những điều này là vô nghĩa, con không tin có người đi xuyên đằng sau điện thờ để vào khu hát kinh, và do đó, thây ma có lẽ đã ở đó nhiều giờ, ít nhất là từ lúc mọi người đã đi ngủ.
- Chắc vậy, những người giúp việc dậy sớm nhất vào lúc hừng sáng, do đó họ mới khám phá ra xác chết trước tiên.
Thầy William cúi xuống thi hài, như thể thầy đã quen tiếp xúc với xác chết. Thầy nhúng miếng giẻ bên cạnh vào xô nước và lau kỹ khuôn mặt Venantius. Trong khi đó, các tu sĩ khác đang đứng quanh, kinh hãi bàn tán xôn xao, khiến Tu viện trưởng phải buộc họ yên lặng. Trong số những người tiến đến gần có Severinus, người chịu trách nhiệm về sức khoẻ trong tu viện. Ông này cúi xuống bên cạnh thầy tôi. Để nghe họ nói chuyện và để hỗ trợ thầy William, vì thầy cần một mảnh vải sạch khác, tôi nhập cuộc, cố đè nén nỗi kinh hãi và ghê tởm của mình.
Thầy William hỏi: - Huynh có bao giờ trông thấy một người chết trôi chưa?
Severinus trả lời: - Nhiều lần rồi, và nếu tôi đoán trúng điều huynh muốn ám chỉ, thì người chết trôi không có bộ mặt như thế này: mặt mũi họ trương lên hết.
- Như thế, Huynh ấy đã chết, rồi ai đó mới ném xác vào vại máu.
- Tại sao người ta lại làm như thế?
- Tại sao lại giết Huynh ấy ư? Chúng ta đang đương đầu với một kẻ có đầu óc bất thường. Nhưng bây giờ cần phải xem thi thể có vết thương hay vết bầm gì không? Tôi đề nghị đem xác vào phòng tắm, cởi quần áo, tắm rửa và xét nghiệm. Tôi sẽ đến đấy với Huynh ngay.
Trong khi Severinus được Tu viện trưởng cho phép bảo các người nuôi heo đem xác đi, thầy tôi đề nghị Tu viện trưởng bảo các tu sĩ trở về khu hát kinh, theo đường cũ, và các người giúp việc cũng về nghỉ: do đó, hiện trường được trống trải. Cuối cùng, chỉ còn lại thầy trò tôi đứng bên cạnh chiếc vại máu đã trào ra khi người ta lôi thây ma gớm ghiếc ra ngoài. Mặt tuyết quanh đó đỏ lòm, và ở những nơi bị xối nước tuyết tan thành từng vũng nhỏ. Chỗ người ta đặt xác hằn lên một vệt lớn màu đỏ bầm. Thầy William nói, hất đầu về phía các dấu chân hỗn loạn do các tu sĩ và những người giúp việc để lại.
- Thật là lung tung, Adso ơi, tuyết trắng là một thứ giấy tuyệt vời, trên đó thân người để lại những hàng chữ rất dễ đọc, nhưng bản viết này lại được cạo sửa quá tồi tệ, có lẽ chúng ta chẳng đọc được điều gì thích thú đâu. Khoảng đất từ nhà thờ đến đây, các tu sĩ đã tấp nập ngược xuôi, còn khoảng từ nhà kho, chuồng trại đến đây thì các người giúp việc đã ùa đến. Cái khoảng trống duy nhất không có ai đi lại là giữa kho thóc và Đại dinh. Thử xem chúng ta có tìm được điều gì đáng chú ý không?
- Thầy mong sẽ tìm thấy gì?
- Nếu Huynh ấy không tự lao đầu vào vại, thầy cho rằng có kẻ nào đó đã vác xác Huynh đến đó, sau khi Huynh ấy đã chết hẳn. Một người vác xác một người khác sẽ để lại những vết chân sâu trên tuyết. Do đó, hãy nhìn xem có tìm được quanh đây vài dấu chân khác với các dấu chân của các tu sĩ rầm rập chạy đến làm hỏng bản giấy tuyết của chúng ta hay không.
Và chúng tôi đã tìm thấy nó. Phải nói ngay rằng chính tôi là người tìm ra. Xin Thượng đế chớ để con mắc tật kiêu hãnh, chính tôi đã khám phá ra một vật ở khoảng giữa vại máu và Đại dinh: đó là những dấu chân người, khá sâu, trong khu đất chưa có ai đi qua. Như thầy tôi đã nhận xét ngay tức khắc, những dấu chân này có vẻ mờ hơn các dấu chân của các tu sĩ và những người giúp việc, một dấu hiệu chứng tỏ tuyết đã rơi xuống đó rất nhiều lớp. Như thế, những dấu chân này đã xuất hiện trước tiên, nhưng đối với chúng tôi, có lẽ điều đáng ghi nhận hơn cả là có một vệt dài, chạy liên tục lẫn trong những dấu chân người này kéo lê đi. Tóm lại, đó là các dấu chân chạy từ vại đến nhà ăn, sang mạn hông của Đại dinh, đến giữa ngọn tháp phía Nam, rồi sang ngọn tháp phía Đông.
Thầy William nói: - Nhà ăn, phòng thư tịch, thư viện. Lại một lần nữa. Thư viện. Venantius chết trong Đại dinh và có lẽ là trong thư viện.
- Tại sao lại chính là trong thư viện?
- Ta đang tự đặt mình vào hoàn cảnh của kẻ sát nhân. Nếu Venantius chết hay bị giết trong nhà ăn, nhà bếp hoặc phòng thư tịch, tại sao không để xác chết lại đó? Nhưng nếu Huynh ấy chết trong Thư viện thì phải vác xác đến nơi khác, vì cả hai lý do: Một là, trong Thư viện sẽ chẳng bao giờ có ai tìm thấy xác chết cả, và có lẽ kẻ sát nhân đặc biệt quan tâm đến việc tất cả mọi người đều trông thấy xác chết - Hai là: kẻ sát nhân không muốn mọi người tập trung vào Thư viện.
- Tại sao kẻ sát nhân muốn ai cũng trông thấy xác chết?
- Thầy không biết. Thầy có thể đưa ra vài giả thiết. Làm sao chúng ta biết kẻ sát nhân đã giết Venantius vì thù oán? Hắn có thể giết Huynh ấy, chớ không phải ai khác, hòng để lại một dấu hiệu, hoặc ám chỉ một ý gì khác.
- Dấu hiệu đó là gì?
- Đấy chính là điều thầy không biết, nhưng chúng ta chớ quên rằng có những dấu hiệu như thế, nhưng thật ra vô nghĩa.
- Giết người như thế thật là gớm ghiếc!
- Giết một người để nói: “Tôi tin Chúa” thì còn gớm ghiếc hơn.
Lúc ấy, Severinus tiến đến. Thi hài đã được rửa sạch và xét nghiệm kỹ lưỡng, không có thương tích, không một vết trầy trên đầu.
Khi chúng tôi trở về bệnh xá, thầy William hỏi:
- Trong phòng thí nghiệm của Huynh có độc dược không?
- Lẫn cùng với những thứ khác. Nhưng còn tùy Huynh cho thế nào là độc dược, vì những dược chất khi dùng liều ít sẽ rất bổ dưỡng, nhưng dùng quá liều sẽ gây tử vong. Cũng như các dược thảo sư khác, tôi bảo quản các dược chất này và dùng chúng rất thận trọng. Chẳng hạn, tôi có trồng trong vườn loại cây Nữ Lang: vài giọt thuốc từ cây này trong hỗn hợp các loại dược thảo khác sẽ trợ tim, nếu tim đập không đều, nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây choáng váng hoặc chết người.
- Huynh không nhận thấy xác chết có một dấu hiệu gì chứng tỏ bị nhiễm một loại độc dược nào sao?
- Không. Có nhiều loại độc dược chẳng để lại dấu tích gì.
Chúng tôi đến bệnh xá. Sau khi được rửa sạch tại nhà tắm, xác Venantius đã được đưa đến đây, đặt trên chiếc bàn lớn trong phòng thí nghiệm của Severinus. Các nồi chưng và các dụng cụ thủy tinh hoặc bằng đất khiến tôi nghĩ đến phòng làm việc của một nhà giả kim. Trên vài chiếc kệ dài kê sát tường, gần cửa ra vào, bày vô số chai, lọ, ống, nồi, đựng đầy các chất đủ màu.
- Một bộ sưu tập cây thuốc rất hay. Tất cả đều là sản phẩm từ vườn của Huynh đấy chứ?
- Không, nhiều loại hiếm hoặc không thể trồng được trong khí hậu này đã được các tu sĩ từ khắp thế giới mang đến cho tôi trong bao năm nay, cùng với các loại rất dễ trích ra từ hoa ở địa phương, tôi có nhiều dược thảo rất quý và hiếm. Huynh xem… đây là mumia, rất hiếm, được sản xuất từ sự phân hủy các xác chết khô; nó được dùng để chế ra nhiều loại thuốc hiệu nghiệm gần như thần dược. Madragora officinalis, giúp ngủ ngon…
- Và giúp khơi dậy dục vọng - thầy tôi nhận xét.
- Người ta nói thế, nhưng như Huynh thấy, ở đây không dùng nó vào mục đích đó - Severinus mỉm cười - Và nhìn đây, Tutty, thuốc mắt thần kỳ - ông nói và với lấy một ống thuốc.
- Còn thứ gì đây? – Thầy William hỏi và sờ vào một thỏi đá nằm trên kệ.
- Cục đá đó à? Người ta cho tôi đã lâu rồi. Chắc nó có khả năng trị bệnh, nhưng tôi chưa khám phá ra khả năng đó là gì. Huynh có biết loại đá đó không?
- Biết. Nhưng không rõ hết dược năng của nó - Thầy William nói và lôi trong áo ra một con dao nhỏ, và từ từ đưa về phía cục đá. Tay thầy cầm dao hết sức nhẹ nhàng. Khi lưỡi dao dí sát vào cục đá, tôi bỗng thấy lưỡi dao bật vút lên, như thể thầy William đã lắc lư cổ tay nhưng thật ra tay thầy hoàn toàn bất động. Rồi lưỡi dao hít chặt vào cục đá, tạo ra một tiếng cách nhỏ. Thầy William bảo tôi:
- Con thấy không, nó hút sắt.
- Thế, nó dùng để làm gì?
- Nó có nhiều công dụng khác nhau, thầy sẽ cho con biết sau. Và bây giờ, thưa Sư huynh Severinus, tôi muốn biết tại đây có loại thuốc gì có khả năng giết người không?
Severinus nghĩ ngợi một lúc, có thể là một lúc lâu, để cân nhắc câu trả lời - Có nhiều loại. Như tôi đã trình bày, ranh giới giữa thuốc bổ và thuốc độc rất ngắn, người Hy Lạp đã dùng từ pharmacon cho cả hai loại.
- Dạo gần đây không có loại nào bị lấy đi chứ?
Severinus lại ngẫm nghĩ, dường như cân nhắc từng chữ: - Gần đây thì không.
- Thế còn trước đây?
- Ai mà biết được? Tôi chẳng nhớ. Tôi ở tu viện này ba mươi năm mà hết hai mươi lăm năm ở bệnh xá.
- Thật quá lâu với ký ức một con người - Thầy William nhìn nhận và đột nhiên nói - Hôm qua chúng ta đang nói đến các loại cây có khả năng gây ảo giác. Chúng là những cây gì thế?
Cử chỉ và vẻ mặt của Severinus chứng tỏ rằng ông vô cùng mong muốn lẩn tránh đề tài này;
- Tôi phải suy nghĩ kỹ đã. Tôi có nhiều loại thuốc thần kỳ ở đây. Nhưng chúng ta hãy nói về cái chết của Venantius thì hơn. Huynh nghĩ thế nào về việc đó.
- Tôi cũng phải suy nghĩ kỹ đã.
KINH ĐẦU
Benno thổ lộ một số điều,
Berengar thổ lộ một số điều khác
và Adso học được ý nghĩa
của việc thực sự sám hối.

Sự kiện rùng rợn vừa rồi làm chấn động cuộc sống của dòng tu. Cảnh hỗn loạn khi phát hiện xác chết làm gián đoạn buổi thánh lễ. Tu viện trưởng lập tức điều động các tu sĩ về khu hát kinh để nguyện cầu cho linh hồn người tu sĩ anh em xấu số. Giọng của các tu sĩ nghẹn ngào. Thầy trò tôi chọn một chỗ ngồi để có thể quan sát được tất cả gương mặt mọi người khi nghi thức không đòi hỏi phải sụp mũ xuống. Tức thì, chúng tôi trông thấy gương mặt Berengar. Nó tái xanh, cau có và đẫm mồ hôi.
Sát bên y, chúng tôi để ý đến Malachi. Gương mặt ông u tối, suy tư, trầm tĩnh. Kế Malachi, cũng trầm tư như thế là gương mặt của tu sĩ mù Jorge. Mặt khác, chúng tôi quan sát thấy Benno - học giả hùng biện mà chúng tôi đã gặp hôm trước tại phòng thư tịch - Huynh ấy có vẻ bồn chồn, liếc vội về phía Malachi. Thầy William nói: - Benno thì bồn chồn, Berengar thì sợ hãi, phải thẩm vấn họ ngay.
- Tại sao?
- Việc của chúng ta rất khó khăn. Đó là việc gian nan của một phán quan phải đánh vào kẻ yếu đuối nhất và vào chính lúc họ cảm thấy yếu đuối nhất.

Ngay khi vừa tan lễ, chúng tôi đuổi theo Benno, lúc y đang trực chỉ thư viện. Người tu sĩ trẻ này dường như bực mình khi nghe thầy William gọi, nên lẩm bẩm thoái thác xin cáo phải đi làm việc ngay. Dường như Huynh ấy đang vội đi đến phòng thư tịch. Thầy tôi lưu ý Huynh ấy rằng, thầy đang tiến hành điều tra theo mệnh lệnh của Tu viện trưởng, rồi đưa Benno vào nhà dòng. Chúng tôi ngồi lên bức tường giữa hai cây cột nhìn về phía Đại dinh. Benno đợi thầy tôi nói trước.

- Này nhé, thế vào ngày Huynh thảo luận các tranh minh họa bên lề Thánh thư của Adelmo với Berengar, Venantius, Malachi và Jorge, mọi người đã nói gì?
- Hôm qua, Huynh đã nghe rồi đó, Jorge bảo rằng sử dụng các hình ảnh lố bịch để trang trí những quyển sách chứa đựng sự thực là không đúng đắn. Venantius nhận xét rằng, chính Aristotle đã nói về những lối nói dí dỏm và những cách chơi chữ như những công cụ có khả năng bộc lộ sự thực hay hơn; do đó, tiếng cười không thể là một điều xấu, nếu nó có thể trở thành một phương tiện diễn đạt sự thực. Jorge bảo rằng Huynh ấy nhớ rằng Aristotle đã viết về điều này trong tác phẩm “Thi ca”[22] khi bàn luận về phép ẩn dụ. Và chính trong những điều này, có hai sự kiện rắc rối: thứ nhất, vì tác phẩm “Thi ca” từ lâu vốn đã không được lưu truyền trong xứ đạo, đã được người Maroc vô thần mang đến cho chúng ta…
- Nhưng sách đó đã được một người bạn của bác sĩ thánh thiện Aquino dịch ra tiếng La tinh.
- Đó là điều tôi đã nói với Huynh ấy - Benno phấn khởi thốt lên - Tôi đọc tiếng Hy Lạp rất tệ, nên chỉ có thể nghiên cứu quyển sách đó qua bản dịch của William xứ Moerbeke. Vâng chính tôi đã nói thế. Nhưng Jorge nói thêm rằng, nguyên nhân gây rắc rối thứ hai là do trong quyển sách đó, con người xứ Stragira[23] đã viết về thi ca, một giáo điều thấp hèn và tồn tại trong những lời bịa đặt. Venantius bảo các bài thánh ca cũng là những bài thơ sử dụng phép ẩn dụ, và Jorge bèn nổi giận vì Huynh ấy cho rằng thánh ca là các công trình của Thánh ý, và phép ẩn dụ được sử dụng để miêu tả sự thực. Trong khi đó, các bài thơ của các thi sĩ đa thần lại sử dụng phép này để diễn đạt sự giả dối, nhằm mục đích giải trí thuần túy, một nhận xét hết sức xúc phạm đến tôi…
- Tại sao?
- Vì tôi đang nghiên cứu tu từ học, tôi đã đọc nhiều nhà thơ đa thần, và tôi biết… hay tin rằng lời lẽ của họ cũng miêu tả các sự thật hiển nhiên còn hơn là người Thiên Chúa. Nói tóm lại, lúc đó, nếu tôi vẫn còn nhớ rõ, Venantius nói về những quyến sách khác, và Jorge nổi giận đùng đùng.
- Những quyển sách nào?
Benno lưỡng lự - Tôi không nhớ rõ. Sách nào thì có quan trọng gì?
- Rất quan trọng, vì tại nơi đây, chúng tôi đang cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong những con người sống giữa sách vở, với sách vở và từ sách vở; do đó, nhận định của họ về sách vở nhất thiết phải quan trọng.

Lần đầu tiên Benno mỉm cười, khuôn mặt gần như rạng ngời lên - Đúng đấy, chúng tôi chỉ sống về sách vở. Một nhiệm vụ đẹp đẽ trong thế giới hỗn loạn và hư đốn này. Như thế, có thể Huynh sẽ hiểu được những điều đã xảy ra vì lẽ đó. Venantius, người rất giỏi tiếng Hy Lạp, nói rằng Aristotle đã dành riêng tập thứ hai của tác phẩm “Thi ca” để viết về tiếng cười. Nếu một triết gia vĩ đại như thế đã viết cả một quyền sách về tiếng cười, thì tiếng cười hẳn phải quan trọng chứ. Jorge bảo rằng, nhiều Cha đã dành trọn những quyển sách viết về tội lỗi, điều đó quan trọng nhưng xấu xa. Venantius bảo, theo Huynh ấy còn nhớ, Aristotle đã nói về tiếng cười như một điều thiện, một công cụ của sự thật. Thế rồi, Jorge khinh miệt hỏi xem Huynh ấy từng đọc quyển sách đó của Aristotle chưa, Venantius đáp rằng chẳng có ai đọc được quyển sách đó cả, vì không ai tìm ra nó, và có lẽ nó đã thất lạc mất tiêu rồi. Thật vậy, William xứ Moerbeke cũng chưa hề cầm đến nó. Đoạn Jorge bảo, nếu chưa ai tìm ra quyển sách đó, thì chính vì nó chưa hề được viết ra, và vì Đức Chúa trời không muốn làm vinh quang những chuyện phù phiếm. Tôi muốn xoa dịu mọi người, vì tính Jorge rất nóng, còn Venantius thì cố tình chọc giận Huynh ấy. Tôi bèn nói rằng, trong những đoạn của tác phẩm “Thi ca” mà chúng tôi có biết, cũng như trong quyển “Tu từ học”[24], có rất nhiều lời nhận xét khôn ngoan về các câu đố. Venantius nhất trí với tôi. Bây giờ, Pacificus cũng về phe chúng tôi, Huynh ấy biết rất rõ những nhà thơ đa thần và bảo rằng, nói về các câu thơ dí dỏm thì không ai có thể giỏi hơn các thi sĩ Phi Châu. Huynh ấy có dẫn ra một câu đố về cá của Symphosius:
Nhà ở trên trái đất, lời đã bộc lộ rõ ràng
Chính nhà ấy đã ngân vang, nhưng khách yên lặng không lên tiếng
Cả hai cùng chạy, khách cùng lúc với nhà.

Đến lúc này, Jorge bèn bảo Chúa Kitô đã mong chúng ta chỉ nói hoặc là “có”, hoặc là “không”, và bất kỳ kiểu nói nào khác đều xuất phát từ Quỷ dữ, muốn chỉ “cá” thì chỉ cần nói “cá” là đủ rồi, chớ không cần che dấu khái niệm đó dưới âm thanh lừa lọc. Đoạn Huynh ấy tiếp rằng Huynh không nghĩ rằng, việc lấy các nhà thơ Châu Phi làm mẫu mực là khôn ngoan đâu… Và rồi thì…

- Rồi thì sao?
- Rồi có một việc xảy ra mà tôi không hiểu, Berengar phá lên cười. Jorge mắng Berengar, và Berengar bảo mình cười vì theo Huynh, nếu người ta tìm kiếm kỹ lưỡng trong số các nhà thơ Châu Phi, thì sẽ tìm thấy các câu đố hoàn toàn khác nhau, không dễ dàng như câu đố về cá ban nãy đâu. Malachi có mặt lúc đó, bèn nổi giận nắm lấy mũ của Berengar và tống Huynh ấy về nơi làm việc của mình… Berengar, Huynh biết đấy, là phụ tá của Malachi…
- Và sau đó?
- Sau đó, Jorge chấm dứt cuộc tranh luận bằng cách bỏ đi. Tất cả chúng tôi bèn quay về công việc của mình nhưng trong khi tôi đang làm việc, tôi trông thấy, đầu tiên là Venantius, rồi đến Adelmo, tiến đến chỗ Berengar và hỏi Huynh ấy điều chi đó. Từ đằng xa, tôi thấy Berengar đang lảng tránh các câu hỏi của họ, nhưng nội trong ngày đó, cả hai quay lại tìm hắn. Và rồi buổi tối hôm đó, tôi thấy Berengar và Adelmo nói chuyện với nhau trong nhà dòng, trước khi vào phòng ăn. Thế đấy, đó là tất cả những gì tôi biết.

Thầy William nói: - Như thế, Huynh có biết rằng hai người vừa chết một cách bí ẩn đều đã hỏi Berengar một điều chi đó.
Benno bối rối đáp: - Tôi không nói như thế! Tôi kể Huynh nghe những gì đã xảy ra hôm đó, vì Huynh yêu cầu tôi… - Huynh ấy suy nghĩ một lát và vội tiếp - Nhưng nếu Huynh muốn biết ý kiến của tôi thì nó như thế này, Berengar nói với họ về một vật gì đó trong thư viện, và đó là nơi Huynh cần tìm kiếm.

- Tại sao Huynh lại nghĩ đến thư viện? Berengar có ý muốn nói gì về việc tìm kiếm trong số những nhà thơ Châu Phi? Có phải Huynh ấy muốn nói rằng cần đọc họ rộng rãi hơn chăng?
- Có thể. Dường như là như vậy. Thế nhưng tại sao Malachi lại nổi giận chứ? Dẫu sao, chính Huynh ấy là người quyết định xem có nên đưa một tập thơ của các thi sĩ Châu Phi cho chúng tôi đọc hay không? Nhưng tôi biết một điều: Bất kỳ ai giở qua tập danh mục sách sẽ thường thấy, trong số các ký hiệu mà duy chỉ Quản thư viện mới hiểu được, một ký hiệu đề “Châu Phi". Tôi thậm chí đã tìm thấy một ký hiệu đề “Tận cùng Châu Phi” (finis Africae). Có một lần tôi hỏi mượn quyển sách mang ký hiệu đó, tôi không nhớ quyển nào, dù tựa sách rất khêu gợi óc hiếu kỳ của tôi. Và Malachi bảo các sách mang ký hiệu đó đã bị mất! Đó là điều tôi biết. Vì thế nên tôi bảo Huynh đúng, hãy để ý đến Berengar và kiểm tra khi nào Huynh ấy lên thư viện, không ai có thể ngờ được đâu.

- Không ai có thể ngờ được - Thầy William kết luận và cho phép Huynh ấy lui. Đoạn thầy bắt đầu đi dạo với tôi trong nhà dòng và nhận xét: trước tiên, Berengar là đề tài cho các tu sĩ anh em xầm xì; kế đến; Benno có vẻ nôn nóng muốn hướng chúng tôi về phía thư viện. Tôi thấy rằng có lẽ Huynh ấy muốn chúng tôi khám phá những điều mà Huynh ấy cũng muốn biết. Thầy tôi bảo có thể là như vậy, nhưng cũng có thể trong khi hướng chúng tôi về phía thư viện, Huynh ấy muốn chúng tôi đừng để ý đến một nơi nào khác. Tôi hỏi nơi nào, Thầy bảo không biết, có lẽ là trong phòng thư tịch, có lẽ là nhà bếp, khu hát kinh, nhà nghỉ hay bệnh xá. Tôi thưa rằng, hôm trước, chính thầy đã bị thư viện quyến rũ, và thầy nói rằng thầy muốn được quyến rũ bởi những nơi thầy đã chọn, chớ không phải bởi những nơi mà các người khác đã khuyên thầy. Nhưng cần phải quan sát thư viện, và ngay lúc này, việc đột nhập vào đó cũng là một ý hay. Hoàn cảnh hiện tại đã cho phép thầy tò mò, trong khuôn khổ tôn trọng các tập tục và luật lệ của tu viện. Chúng tôi rời nhà dòng. Các tu sinh và những người giúp việc đang từ nhà thờ đi ra sau khi tan lễ. Khi chúng tôi men theo mạn Tây của nhà thờ, chúng tôi chợt thấy Berengar đang từ trong cánh cửa ngang bước ra, rồi băng qua nghĩa trang. Thầy William gọi. Huynh ấy dừng lại, nên chúng tôi bắt kịp. Thậm chí Huynh ấy trông còn thê thảm hơn khi chúng tôi thấy trong khu hát kinh, và thầy William hiển nhiên quyết khai thác tình trạng tinh thần này như thầy đã từng làm với Benno. Thầy nói:
- Dường như Huynh là người cuối cùng gặp Adelmo còn sống.

Berengar lảo đảo, dường như muốn ngất đi:
-Tôi ư? - Huynh ấy yếu ớt hỏi, vì thầy tôi đặt câu hỏi đó như thể tình cờ, có lẽ vì Benno đã kể thầy nghe việc hai người nói chuyện với nhau trong nhà dòng sau Kinh chiều. Câu hỏi hẳn đã bắn trúng đích, và Berengar rõ ràng đang nghĩ đến một buổi gặp gỡ khác, chắc là buổi gặp gỡ cuối cùng, vì thế Huynh ngập ngừng cất giọng;
- Sao Huynh lại nói thế? Tôi không hề trông thấy Huynh ấy trước khi đi ngủ, cũng như tất cả mọi người khác.

Thầy William bèn gây sức ép ngay, quyết không buông tha - Không. Huynh còn gặp Huynh ấy sau đó nữa và Huynh biết rõ nhiều điều mà không muốn thú nhận. Ở đây đã xảy ra hai cái chết rồi, nên Huynh không thể yên lặng được nữa. Huynh thừa hiểu rằng, có nhiều cách để buộc người ta nói chứ.

Thầy William thường bảo tôi rằng, ngay khi thầy còn là phán quan, thầy đều tránh sử dụng hình thức tra tấn: nhưng Berengar đã hiểu nhầm ý thầy. Dẫu sao, đó là một phương thức hữu hiệu. Berengar nói, rồi bật khóc thổn thức - Vâng, vâng, tôi đã gặp Adelmo đêm đó, nhưng tôi đã thấy khi Huynh ấy đã chết rồi…
- Thế nào? Tại chân đồi à?
- Không, không. Tôi gặp Huynh ấy tại nghĩa trang này. Huynh ấy đang đi giữa những nấm mồ, một hồn ma giữa những hồn ma. Tôi nhận ra Huynh ấy và biết ngay rằng, trước mắt tôi không phải là một người sống nữa; Huynh ấy mang bộ mặt của một xác chết, đôi mắt lắng đọng một sự trừng phạt vĩnh cửu. Dĩ nhiên, mãi đến sáng hôm sau, khi hay tin Huynh ấy đã chết, tôi mới hiểu ra rằng tôi đã gặp một hồn ma; nhưng ngay lúc ấy, tôi biết tôi đang trông thấy ảo ảnh và trước mắt tôi là một linh hồn bị đọa đầy. Chúa ơi, giọng Huynh ấy nói với tôi lạnh lẽo, âm u làm sao!
- Và Huynh ấy đã nói gì?

- “Tôi bị đọa đày”. Huynh ấy đã nói với tôi như thế, “như Huynh thấy đây, tôi là một kẻ trở về từ địa ngục, rồi tôi sẽ phải trở lại địa ngục." Huynh ấy nói với tôi như thế, và tôi la lên: “Adelmo, Huynh thực trở về từ địa ngục sao? Nỗi thống khổ ở địa ngục như thế nào?” Tôi run bần bật, vì vừa tan Kinh Tối, trong buổi lễ đó tôi vừa nghe những trang kinh khủng khiếp về cơn thịnh nộ của Thượng đế, thế rồi Huynh ấy lại nói với tôi: “Nỗi thống khổ muôn vàn to tát hơn chúng ta có thể diễn tả. Huynh có thấy bộ lốt giả dối mà tôi vẫn mặc cho đến nay chứ? Nó siết chặt tôi, đè nặng trĩu trên người tôi, như thể ngọn tháp cao nhất ở Paris hay ngọn núi cao nhất thế giới đang đè trên lưng tôi, mà tôi không bao giờ có thể đặt nó xuống được nữa. Công lý thiêng liêng biết tôi đang chịu nỗi khổ này để trừng phạt tính kiêu hãnh của tôi, vì tôi tin thân thể mình là nơi đón nhận lạc thú, vì tôi nghĩ mình biết nhiều hơn người khác, vì tôi đã khoái trá những thứ quái đản, đó là những thứ bấy lâu được ấp ủ trong trí tưởng tượng của tôi, làm sinh ra trong tâm hồn tôi nhiều thứ còn quái đản hơn nữa. Thế nhưng, giờ đây tôi phải cùng sống với chúng nơi vĩnh cửu. Huynh nhìn thấy lớp vải lót của chiếc áo dòng này chứ? Nó như thể toàn bằng than hồng và lửa đỏ rực, và chính lửa này đang đốt cháy thân thể tôi, và tôi phải chịu sự trừng phạt này, bởi tội lỗi xấu xa của xác thịt tôi hằng nuôi dưỡng. Ngọn lửa này không ngừng thiêu đốt tôi! Xin đưa tay cho tôi, hỡi người thầy đẹp trai”. Huynh ấy lại còn nói thêm: “Cuộc gặp gỡ này có thể là một bài học hữu ích để đổi lại nhiều bài học mà thầy dạy tôi. Hãy đưa tay đây, hỡi người thầy đẹp trai của tôi”. Huynh ấy lắc lư ngón tay trong bàn tay nóng bỏng của mình và giọt mồ hôi nhỏ bé của Huynh ấy rơi xuống bàn tay tôi, như thể đâm suốt qua tay tôi. Tôi mang dấu vết đó nhiều ngày, nhưng có điều tôi giấu hết thảy mọi người. Rồi Huynh ấy biến mất vào các nấm mồ. Sáng hôm sau, tôi được biết rằng con người đêm trước đã khiến tôi vô cùng kinh hãi, giờ đây đã chết ở chân vực đá.

Berengar nghẹn ngào khóc. Thầy William hỏi:
- Thế tại sao Huynh ấy lại gọi Huynh là “người thầy đẹp trai của tôi”? Cả hai Huynh đều đồng tuổi nhau, Huynh đã dạy Huynh ấy điều gì vậy?

Berengar cúi đầu, kéo mũ trùm mặt và quỳ xuống ôm lấy chân thầy William… - Tôi không biết tại sao Huynh ấy lại gọi tôi như thế? Tôi chẳng hề dạy Huynh ấy điều chi cả - Rồi Berengar thổn thức – Con sợ quá, Cha ơi! Con muốn xưng tội với Cha. Xin Cha hãy khoan dung, quỷ đang nuốt sống lòng ruột con!
Thầy William đẩy Berengar ra, đưa tay kéo Huynh ấy đứng dậy và bảo: - Không, Berengar ạ! Chớ yêu cầu tôi nghe lời xưng tội. Đừng mở miệng Huynh để khóa miệng tôi. Điều tôi muốn nghe, Huynh sẽ kể cho tôi nghe bằng cách khác, chớ không phải qua lời xưng tội. Nếu Huynh không kể, tôi sẽ tự tìm hiểu lấy. Yêu cầu tôi khoan dung, nếu Huynh thích, nhưng chớ yêu cầu tôi im lặng. Vì trong tu viện này có quá nhiều người im lặng rồi. Tốt hơn, hãy nói cho tôi biết bằng cách nào Huynh thấy được gương mặt xanh xao của Huynh ấy, nếu đó là một đêm tối như mực? Làm thế nào Huynh ấy đốt cháy tay Huynh, nếu đó làm một đêm tuyết rơi? Và lúc đó Huynh đang làm gì trong nghĩa trang? Nói đi! Ít nhất Huynh hãy nói cho tôi biết điều này! – Thầy William nắm vai Berengar lắc một cách tàn nhẫn.

Toàn thân Berengar run lẩy bẩy – Tôi không biết lúc ấy tôi đang làm gì ở trong nghĩa trang. Tôi không nhớ, tôi không biết tôi trông thấy gương mặt Huynh ấy bằng cách nào? Có lẽ tôi có một ngọn đèn. Không…đúng hơn, Huynh ấy có một ngọn đèn và có lẽ tôi trông thấy bộ mặt nhờ ánh lửa…

- Làm thế nào Huynh ấy có thể mang đèn được nếu lúc ấy tuyết đang rơi?
- Lúc ấy là sau Kinh Tối. Ngay sau Kinh Tối, trời chưa đổ tuyết, mãi về sau tuyết mới rơi… Tôi nhớ những bông tuyết đầu tiên rơi xuống, khi tôi chạy về phía nhà nghỉ. Tôi chạy về phía nhà nghỉ thì bóng ma chạy ngược lại… và sau đó tôi không biết gì thêm nữa. Xin đừng hỏi tôi nữa, nếu Huynh không cho tôi xưng tội.
- Rất tốt, đi đi, vào khu hát kinh đi. Hãy xưng tội với Thượng đế, vì Huynh sẽ không nói với người phàm tục hay đi tìm một tu sĩ chịu nghe Huynh xưng tội. Nếu từ lúc đó đến nay Huynh chưa xưng tội thì Huynh đã phạm thánh rồi đó. Đi đi, sẽ gặp lại nhau sau.

Berengar chạy mất dạng. Thầy William chà xát hai bàn tay vào nhau – một cử chỉ tôi thường thấy trong những dịp thầy hài lòng điều gì.

- Tốt! Bây giờ nhiều điều đã bắt đầu sáng tỏ.
- Sáng tỏ ư, thưa thầy? Sáng tỏ vì giờ đây chúng ta lại có thêm hồn ma Adelmo chăng?
- Adso thân yêu của thầy. Hồn ma đối với thầy chẳng có gì ma quái lắm. Dẫu sao đi nữa, Huynh ấy đã đọc một trang sách mà ta từng đọc trong một quyển sách nào đó, viết cho các nhà thuyết giáo sử dụng. Có lẽ những tu sĩ đó đọc quá nhiều nên khi đầu óc họ bị kích động, các hình ảnh họ đã đọc được trong sách vở hiện ra. Thầy không biết Adelmo có thực sự nói những lời đó không, hay Berengar đã nghe thấy những lời đó, vì Huynh ấy muốn nghe chúng. Điều cốt yếu là câu chuyện này đã khẳng định một loạt các giả thuyết của thầy. Chẳng hạn, Adelmo tự tử chết, và câu chuyện Berengar cho thầy biết rằng trước khi chết, Huynh ấy đã đi lòng vòng, loanh quanh vì hoảng loạn, và vì ăn năn đã trót phạm một tội lỗi nào đó. Huynh ấy hoảng loạn về một tội lỗi của mình, vì có ai đó đã đe dọa Huynh, và có lẽ đã kể cho Huynh ấy nghe chính câu chuyện về những bóng ma quỷ quái mà Huynh ấy đã đọc cho Berengar nghe với giọng sành sỏi, đầy ảo giác như vậy. Và Huynh ấy đi qua nghĩa trang khi vừa rời khu hát kinh, nơi mà Huynh ấy đã xưng tội với một người nào đó; người đó đã khiến Huynh ấy tràn đầy kinh sợ và ăn năn. Từ nghĩa trang, Huynh ấy trực chỉ về hướng đối diện nhà nghỉ, đúng như Berengar đã báo cho chúng ta biết. Thế thì về hướng Đại dinh nhưng cũng có thể về phía bức tường, ngoài dãy chuồng ngựa, nơi thầy đã suy đoán rằng Huynh ấy lao mình xuống vực. Huynh ấy đã lao mình xuống trước khi cơn bão nổi lên, rồi chết dưới chân tường, và sau đó đất mới bị lở, cuốn theo xác Huynh ấy đến khoảng giữa ngọn tháp phía Bắc và ngọn tháp phía Tây.

- Nhưng còn giọt mồ hôi nóng bỏng thì sao?
- Đó là một phần câu chuyện Berengar đã nghe lặp lại, hay Huynh ấy đã tưởng tượng ra điều đó trong cơn hoảng loạn. Vì, như một điệp khúc lặp lại, sự ăn năn của Adelmo là sự ăn năn của Berengar, con đã nghe rồi đấy. Nếu Adelmo từ khu hát kinh đến, Huynh ấy có thể mang theo một ngọn nến nhỏ, và giọt mồ hôi trên bàn tay Huynh ấy chỉ là một giọt sáp. Nhưng Berengar cảm thấy giọt sáp cháy sâu hơn vì Adelmo đã gọi Huynh ấy là thầy. Đó là một dấu hiệu cho thấy Adelmo đang trách móc Berengar, đã dạy cho Huynh ấy một điều gì đó, đẩy Huynh ấy đến chỗ tuyệt vọng muốn chết. Và Berengar biết điều đó, nên Huynh ấy đau khổ vì biết đã đẩy Adelmo đến cái chết, bằng cách khiến Adelmo làm một việc gì đó đáng lý ra không được làm… và tưởng tượng ra điều đó, cũng không khó khăn gì Adso ơi, sau khi chúng ta đã nghe những điều về viên phụ tá quản thư viện của chúng ta.
- Con tin mình đã hiểu điều đã xảy ra giữa hai người – tôi nói, bối rối vì chính điều mình biết – Nhưng chẳng lẽ tất cả chúng ta lại không tin vào Chúa khoan dung sao? Thầy bảo có lẽ Adelmo đã xưng tội, tại sao Huynh ấy lại tìm cách trừng phạt tội lỗi của mình bằng một tội nặng hơn, hay ít ra cũng nghiêm trọng tương đương?
- Vì có ai đó đã nói với Huynh ấy những lời tuyệt vọng. Như thầy đã nói, một trang sách của một nhà thuyết giáo hiện đại nào đó hẳn đã thúc đẩy ai đó lặp lại những lời đã khiến Adelmo kinh sợ và Adelmo lại dùng những lời đó để khiến Berengar kinh sợ theo. Trong vài năm gần đây, khác hẳn trước kia, để khơi dậy lòng kính đạo, nhiệt tâm và sự kinh hoàng, sự tuân thủ luật đạo và luật đời trong quần chúng, các nhà thuyết giáo đã dùng những lời buồn thảm và đe dọa khủng khiếp.
- Có lẽ đó là điều cần thiết cho sự ăn năn.
- Adso ạ, xưa nay thầy chưa hề nghe nhiều lời kêu gọi ăn năn như hiện giờ. Trong một thời đại mà các nhà thuyết giáo, lẫn giám mục, thậm chí các tu sĩ dòng Thánh thần anh em của ta, đều không có khả năng khơi dậy sự ăn năn chân thực nữa…
- Nhưng còn thời đại thứ ba, Đức Thánh Cha và Đại hội xứ Perugia… - tôi hoang mang nói.
- Lại hoài niệm. Thời hoàng kim của sự ăn năn đã qua rồi. Đừng tin vào công cuộc đổi mới của nhân loại khi bọn lãnh đạo Giáo hội và triều đình nói về sự đổi mới đó.

Tôi đánh bạo nói, tò mò muốn biết thêm về cái tên hôm qua tôi nghe nhắc đến nhiều lần – Thế còn Fra Dolcino…
- Ông ta chết, và chết thảm thương như khi còn sinh thời, vì ông ta cũng đã đến quá trễ. Thế con biết gì về ông ấy?
- Con chả biết gì cả nên con mới hỏi thầy…
- Thầy chả bao giờ muốn nói về ông ấy. Đó là một câu chuyện buồn về một kẻ làm những điều điên rồ, vì đã thực hành những gì mà rất nhiều vị thánh đã thuyết giảng. Điều thầy thật sự muốn nói đến là: Khi thời đại của sự ăn năn đã qua, đối với người ăn năn, nỗi tha thiết hối lỗi trở thành nỗi tha thiết được chết. Những kẻ giết người, ăn năn điên loạn, lấy mạng đổi mạng, nhằm đánh bại sự ăn năn chân thực mà hậu quả sẽ sản sinh thêm chết chóc, thay thế sự ăn năn tâm hồn bằng sự ăn năn tưởng tượng, cùng những lời lẽ gợi lên ảo ảnh siêu nhiên đầy máu me thống khổ.

Họ gọi chúng là “tấm gương” của sự ăn năn chân thật, một tấm gương mà đối với trí tưởng tượng của người thường, và thậm chí đôi khi của các bậc học giả nữa, mang đến cho cuộc sống nỗi đau của địa ngục. Do đó, người ta nói, sẽ không có ai phạm tội nữa. Họ hy vọng dùng nỗi sợ hãi để giữ linh hồn khỏi phạm tội và tin rằng sẽ dùng nỗi sợ hãi để thay thế sự nổi loạn.
- Thế nhưng, họ thực sự sẽ không phạm tội à?
- Điều đó tùy thuộc quan niệm của con về sự phạm tội, Adso ạ. Thầy không muốn có định kiến đối với những người dân xứ này, cái xứ mà thầy đã trải qua vài năm sinh sống. Nhưng theo thầy, đạo đức khiêm tốn của dân Ý có đặc tính tiêu biểu là kiêng phạm tội vì sợ hãi một thần tượng nào đó, mặc dầu họ có thể đặt cho thần tượng đó một tên thánh. Họ sợ Thánh Sebastian hay Thánh Antoine hơn Chúa.
Tôi nêu rõ: - Nhưng Berengar không phải người Ý!
- Thì có khác gì đâu? Thầy đang nói đến cái bầu không khí mà Giáo hội và các luật lệ thuyết giảng đã tỏa tràn trên bán đảo này, và từ đây tràn đến khắp nơi. Thậm chí nó đã tràn đến một tu viện đáng kính của các tu sĩ thông thái như ở dây.
Tôi nhấn mạnh, vì duy nhất điều này mới thỏa mãn được tôi – Giá như họ đừng phạm tội nhỉ! - Giả sử tu viện này là một thế giới đặc biệt, hẳn con đã có câu trả lời.
- Nhưng phải chăng nó là một thế giới đặc biệt?
- Để có một tấm gương cho thế gian, thế gian cần có một hình thể - thầy William kết luận.
Thầy là một người quá triết lý đối với tâm trí còn non trẻ của tôi.

Chú thích:
(22) “Poetics”
(23) Quê hương của Aristotle, ám chỉ ông.
(24) “Rhetoric” 

Chương 8
KINH XẾ SÁNG

Khách chứng kiến một trận cãi vã
giữa những người phàm tục,
Aymaro nói vài lời bóng gió,
Adso suy tư về sự thánh thiện và về phần của Ác quỉ.
Sau đó, William và Adso trở lại phòng thư tịch.
William nhìn thấy một điều thú vị
đối thoại lần thứ ba
về sự hợp lý của tiếng cười,
nhưng cuối cùng vẫn không đến xem được nơi ông mong muốn

Trước khi leo lên phòng thư tịch, chúng tôi ghé lại nhà bếp để ăn lấy sức, vì từ khi thức dậy đến giờ chưa có miếng gì vào bụng. Tôi uống một bát sữa nóng và thấy tỉnh hẳn người ngay. Lò sưởi phía Nam cháy rừng rực như một lò rèn, trong khi bánh mì để ăn trong ngày đang được nướng trong lò bánh. Hai người chăn gia súc đang đặt xuống một con cừu vừa mới mổ. Trong đám các đầu bếp, tôi trông thấy Salvatore, lão nhe chiếc miệng sói ra cười với tôi. Lão lấy một miếng thịt gà còn sót lại trên bàn từ đêm trước và lặng lẽ chuyền tay cho hai người chăn gia súc. Họ giấu miếng thịt vào trong chiếc áo chẽn bằng da cừu và mỉm cười khoái chí. Nhưng bác đầu bếp chính đã để ý thấy và cự Salvatore. Bác nói:
- Quản hầm, Huynh phải trông nom tài sản của tu viện, không được phí phạm như thế.
Salvatore nói: - Họ là con của Chúa. Chúa Ki-tô đã nói, việc mình làm cho người nghèo là việc mình làm cho Chúa.
- Đồ Fraticello hôi thối, rắm của bọn Anh em nghèo khó. Mày không còn ở trong đám những tên thầy tu nghèo khó đầy chí rận của mày nữa đâu! Lòng từ thiện của Tu viện trưởng chỉ chăm lo miếng ăn cho các con chiên của Chúa thôi.
Mặt Salvatore đanh lại, rồi lão quay phắt người, giận điên lên – Ta không phải là một thầy tu nghèo khó! Ta là một tu sĩ dòng thánh Benedict. Đồ khốn kiếp! Đồ chết dịch!
- Hãy gọi con đĩ mày ngủ hồi hôm là chết dịch! Đồ heo nọc Bogomil phản giáo!
Salvatore tống mấy người chăn gia súc ra cửa. Khi đi đến gần chỗ chúng tôi đứng, lão nhìn chúng tôi một cách lo lắng rồi nói với thầy tôi: - Thưa Sư Huynh, xin Sư huynh hãy bảo vệ dòng tu, dù không phải là dòng của tôi, xin hãy bảo hắn rằng các tu sĩ dòng Francisco không phải là dị giáo! – Rồi lão thì thầm nói vào tai thầy tôi – Chúng nó láo toét! - Đoạn nhổ nước bọt xuống đất.
Người đầu bếp tiến đến và xô lão ra, đóng sầm cửa lại. Bác kính cẩn nói với thầy William:
- Tôi không nói xấu dòng tu của Sư Huynh, hay nói xấu những người thánh thiện thuộc dòng này. Tôi chỉ nói đến những thầy tu giả hiệu dòng Anh em nghèo khó và dòng Benedict, bọn chúng chẳng ra người, chẳng ra ngợm.
Thầy William hòa hoãn: - Tôi biết xuất xứ của Huynh ấy. Nhưng bây giờ Huynh ấy cũng là một tu sĩ như Huynh, do đó, Huynh nên đối xử với
Huynh ấy bằng sự kính nể trong tình huynh đệ.
- Nhưng lão chỗ mũi vào việc của người khác chỉ vì lão được Sư Huynh quản hầm che chở, và tự cho mình cũng là Quản hầm. Lão sử dụng tu viện như thể là của riêng lão cả ngày lẫn đêm.
Thầy tôi hỏi: - Về đêm thì sao?
Bác đầu bếp ra hiệu như thể không muốn nói đến những việc phi đạo đức. Thầy William không hỏi thêm bác ta điều gì nữa, bèn uống hết sữa của mình.
Lòng hiếu kỳ của tôi ngày càng tăng: Cuộc gặp gỡ Ubetino, những lời thầm thì về quá khứ của Salvatore và Huynh quản hầm, những lời nhắc nhở về dòng Fraticelli và những tu sĩ dị giáo Anh em nghèo khó mà tôi nghe quá nhiều trong mấy ngày vừa qua. Thầy tôi miễn cưỡng không muốn nói tôi nghe về Fra Dolcino… Một loạt hình ảnh lại hiện ra trong tâm trí tôi. Thí dụ, trong cuộc hành trình của chúng tôi, chúng tôi đã bắt gặp ít nhất hai lần các đám người tự dùng roi hành xác. Lần đầu, dân địa phương chiêm ngưỡng họ như những vị thánh; lần khác, dân chúng thầm thì bảo đó là những kẻ dị giáo. Nhưng họ vẫn chỉ là cùng những con người đó. Đám người đi hàng hai qua các con đường trong thành phố, chỉ có chỗ kín được che đậy, vì họ đã vượt qua các cảm giác xấu hổ. Mỗi người mang trong tay một ngọn roi da tự quất lên vai mình cho đến khi rướm máu, mặt họ ràn rụa nước mắt như thể chính mắt họ trông thấy niềm đam mê của sự cứu rỗi. Bằng một khúc ca đau khổ thê lương, họ van cầu Chúa khoan dung và Đức Mẹ can thiệp. Không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, giữa mùa đông rét buốt, với những ngọn nến cháy sáng, họ đi thành từng đám đông, từ nhà này sang nhà khác, phủ phục trước các bàn thờ, dẫn đầu bởi các linh mục cầm nến và cờ. Họ không chỉ là những người đàn ông, đàn bà thường dân mà còn có cả các mệnh phụ và thương gia… Người ta chứng kiến những tấn tuồng ăn năn vĩ đại: những kẻ trộm cắp trả lại của lấy được, những kẻ khác thú nhận các tội ác đã phạm… Nhưng thầy William lạnh lùng nhìn họ và bảo tôi, đây không phải là sự ăn năn chân thực. Lúc đó, thầy nói như thầy vừa bảo tôi sáng hôm nay. Thời đại của sự sám hối cao quý đã cáo chung. Và đây là những cách các nhà thuyết giảng tổ chức các đám đông kính đạo, chính là để họ khỏi sa vào khát vọng ăn năn – mà trong trường hợp này – quả thực là phản giáo và đe dọa tất cả. Nhưng tôi không thể hiểu được sự khác biệt giữa hai cách ăn năn thật và giả. Dường như sự khác biệt không nằm trong hành động của cách này hay cách kia, mà trong thái độ của Giáo hội khi phán xét chúng.
Khi tôi đang miên man suy nghĩ và thầy William đang cạn bát sữa, thì bỗng nghe có tiếng ai chào hỏi chúng tôi. Đó là Aymaro xứ Alessandria, người chúng tôi đã gặp trong phòng thư tịch. Huynh ấy có diện mạo khiến tôi chú ý, vẻ mặt khinh khỉnh như thể Huynh không bao giờ hòa nhập vào cảnh phù phiếm của loài người, và lâu nay vẫn xem thường cái bi hài của cõi đời này.
- Chà, Huynh William, Huynh đã quen với cái động của những người điên này chưa?
Thầy William dè dặt nói: - Tôi cho đây là nơi của những người đáng kinh trong việc tu hành và học hỏi.
- Trước đây là thế. Thời mà Tu viện trưởng ra Tu viện trưởng và quản thư viện ra quản thư viện. Còn bây giờ, như Huynh đã thấy trên kia – Aymoro hất hàm về phía lầu trên, - cái tên người Đức dở sống dở chết, có mắt như mù, mê mẩn nghe lời tên Tây Ban Nha mù, cơ hồ như là tên Phản giáo sẽ đến đây mỗi buổi sáng. Chúng cạo giấy sột soạt, nhưng ít hoàn thành sách mới… Chúng tôi ở tít trên này, còn họ thì giở trò dưới phố. Đã có thời các tu viện của chúng tôi thống trị thế giới. Còn tình huống ngày nay thì như Huynh thấy đấy: Hoàng đế lợi dụng chúng tôi, phái thân hữu của người tới đây để gặp kẻ thù, nhưng nếu Người muốn nắm việc nước này thì lại ở trong thành. Chúng tôi nhọc nhằn gom thóc lúa, nuôi gia cầm, còn ở dưới kia, họ đổi hàng cây lụa, lấy từng mảnh vải, đổi từng mảnh vải lấy bao gia vị, và buôn gia vị để làm giàu. Chúng tôi bảo quản của cải của mình, còn dưới kia của cải của họ cứ chồng chất mãi lên. Cả sách nữa. Sách của họ cũng đẹp hơn sách của chúng tôi.
- Đời này chắc chắn có nhiều chuyện lạ. Nhưng tại sao Huynh nghĩ rằng lỗi là do ở Tu viện trưởng?
- Vì ông đã giao phó thư viện cho những tên ngoại bang và điều khiển tu viện như một thành trì dựng lên để bảo vệ thư viện. Một tu viện của dòng Benedict tại địa phương của nước Ý phải là một nơi mà người Ý quyết định các vấn đề của họ. Thời này dân Ý làm gì đây, khi họ thậm chí không còn một Giáo hoàng nữa? Họ đổi chác, sản xuất, và còn giàu hơn vua Pháp. Thế thì hãy để chúng tôi làm như vậy, vì chúng tôi biết cách làm sách đẹp, chúng tôi cần làm sách cho các trường đại học và quan tâm đến những vấn đề đang xảy ra trong thung lũng – tôi không quan tâm đến Hoàng đế, mà quan tâm đến việc những người dân Bologne và Florence đang làm gì. Từ đây, chúng tôi có thể kiểm soát lộ trình của những người hành hương và thương nhân ngược xuôi từ Ý đến Provence. Chúng tôi phải mở cửa thư viện đón nhận các tác phẩm văn học dân gian và những ai không còn viết được tiếng Latinh cũng có thể đến đấy. Nhưng chúng tôi lại bị chi phối bởi một nhóm ngoại bang tiếp tục cai quản thư viện như thể Cha Odo xứ Cluny còn làm Tu viện trưởng…
- Nhưng Tu viện trưởng của các Huynh là người Ý mà.
Aymaro vẫn khinh khỉnh nói – Tu viện trưởng ở đây chẳng đáng kể. Một kệ sách bị mối mọt gặm nhấm đã thế chỗ cho bộ óc của ông. Ông đã để bọn tu sĩ Anh em nghèo khó tràn chiếm tu viện để chọc tức Giáo hoàng… Thưa Huynh, ý tôi muốn nói đến bọn tu sĩ nghèo khó phản giáo, những tên đã chối bỏ dòng tu linh thiêng nhất của Huynh… và để làm vừa lòng Hoàng đế, Tu viện trưởng mời các tu sĩ từ tất cả các chủng viện phía Bắc, như thể trong xứ tôi không có những nhà sao chép giỏi, những người biết tiếng Hy Lạp và Ả rập, như thể trong xứ Florence hay Pisa không có con cái của những thương nhân giàu có và hào phóng sẽ hân hoan nhập dòng, nếu dòng tạo điều kiện nâng cao uy tín và quyền lực cho cha ông họ. Nhưng ở đây, người ta chỉ thấy sự dễ dãi khi thâu nhận vào dòng lúc người Đức được phép… Lạy Chúa, hãy cắt lưỡi con, vì con sắp sửa nói những điều xằng bậy!
- Những điều xằng bậy có xảy ra trong tu viện này không? – thầy William lơ đãng hỏi, rót cho mình thêm ít sữa nữa.
- Tu sĩ cũng là người thôi, nhưng ở đây họ còn kém nhân tính hơn những nơi khác. Xin nhớ giùm: tôi không nói những điều tôi nói nhé.
- Thú vị lắm, đây có phải là ý kiến riêng của Huynh không, hay có nhiều vị khác cũng nghĩ như Huynh?
- Nhiều, nhiều lắm. Nhiều người đang thương tiếc Adelmo xấu số, nhưng nếu là một kẻ khác, kẻ vẫn đi lại trong Thư viện ngoài phận sự của mình, thì họ chẳng tiếc thương như thế đâu.
- Huynh định ám chỉ gì?
- Tôi đã nói quá nhiều. Như Huynh hẳn đã nhận thấy, ở đây chúng tôi nói nhiều quá. Một mặt, ở đây không ai tôn trọng sự yên lặng nữa. Mặt khác, sự yên lặng lại được tôn trọng quá. Ở đây, thay vì nói hoặc câm lặng, chúng tôi cần hành động. Trong thời đại hoàng kim của dòng tu chúng tôi, nếu Tu viện trưởng không ra Tu viện trưởng, một ly rượu độc sẽ dọn đường cho người kế vị. Sư huynh William, tôi đã nói những điều này với Huynh, hiển nhiên không phải vì lẻo mép về Tu viện trưởng hay những Huynh khác. Xin Chúa phù hộ con, tôi không có thói ngồi lê đôi mách. Tôi sẽ bực mình nếu Tu viện trưởng yêu cầu Huynh điều tra tôi hay những người khác, như Pacificus hay Peter xứ Sant Albano. Chúng tôi không có quyền có ý kiến về việc của thư viện. Nhưng chúng tôi mong muốn được nói đôi điều. Do đó, Huynh hãy vạch trần ổ rắn độc này đi, chính Huynh đã thiêu rất nhiều tên phản giáo mà.
Thầy William đốp lại: - Tôi chưa bao giờ thiêu ai cả.
- Đó chỉ là một lối nói bóng gió – Aymaro cười toe toét thú nhận – Chúc Huynh đi săn thành công, nhưng ban đêm cẩn thận nhé.
- Ban ngày tại sao không?
- Vì ở đây ban ngày, phần xác được nuôi dưỡng nhờ cây lành, còn ban đêm thì phần hồn trở nên sa đọa bởi lá độc. Chớ tin rằng bàn tay ai đó đã đẩy Adelmo xuống vực thẳm, hay ném Venantius vào máu. Ở đây có người không muốn các tu sĩ tự định đoạt việc đi đâu, làm gì, và đọc sách báo nào. Tất cả ma lực, quyền lực phù thủy, bọn đầu trâu mặt ngựa, đều được sử dụng để lung lạc tâm trí kẻ hiếu kỳ…
- Huynh đang nói đến dược thảo sư à?
- Severinus là một người tốt. Dĩ nhiên Huynh ấy cũng là người Đức như Malachi vậy…- và một lần nữa để chứng tỏ mình không bép xép, Aymaro bỏ đi làm việc.
Tôi hỏi: - Huynh ấy muốn bảo chúng ta điều gì?
- Mọi điều, nhưng không có điều gì cả. Tu viện luôn luôn là nơi các tu sĩ chống đối lẫn nhau để nắm quyền cai quản cộng đồng. Ở Melk cũng thế. Nhưng có lẽ vì còn là một tu sinh nên con không nhận thấy điều đó. Nhưng tại xứ con, nắm được quyền cai quản một tu viện có nghĩa là chiếm được địa vị, nhờ đó người ta có thể giao thiệp trực tiếp với Hoàng đế. Ngược lại, trong xứ này, tình huống khác; Hoàng đế thì ở xa, ngay cả khi Người vi hành xuống La Mã. Không có Tòa án, thậm chí ngày nay cũng không có tòa án của Đức Giáo Hoàng. Chỉ có những thành phố tự trị, như con thấy đấy.
- Dĩ nhiên rồi, và con khâm phục các thành phố. Một thành phố Ý có cái gì khác biệt với thành phố ở quê hương con. Nó không chỉ là một nơi sinh sống, mà còn nơi để quyết định; dân chúng lúc nào cũng ở ngoài quảng trường, thị trưởng còn quan trọng hơn nhà vua hay Giáo hoàng. Các thành phố cũng giống như … các vương quốc…
- Và các vị vua là những thương nhân, có vũ khí là tiền. Ở Ý, tiền có một chức năng khác với tiền ở nước con và nước thầy. Tuy tiền luân lưu khắp nơi, nhưng phần lớn cuộc sống ở nơi khác vẫn bị chi phối bởi sự đổi chác hàng hóa, gà vịt, đấu lúa, liềm hái, cỗ xe, và tiền chỉ phục vụ việc mua những hàng hóa này. Ngược lại, trong một thành phố Ý, con hẳn nhận thấy rằng hàng hóa phục vụ việc gom tiền. Ngay cả các linh mục, giám mục và các dòng tu cũng xem tiền là quan trọng. Thế nên hiển nhiên là sự nổi loạn chống lại quyền lực dùng chiêu bài kêu gọi kẻ nghèo khó. Những người chống lại quyền lực là những kẻ đã phủ nhận mình có tiền, do đó mỗi lời kêu gọi kẻ nghèo khó dấy lên sự căng thẳng và tranh luận trầm trọng, và toàn thành phố, từ giám mục cho đến thị trưởng, xem người thuyết giảng quá nhiều về cái nghèo là kẻ thù riêng của mình. Các phán quan ngửi thấy mùi tanh của ác quỉ nơi có kẻ đã phản ứng lại mùi hôi tanh của đống phân quỉ. Bây giờ con cũng có thể hiểu Aymaro đang nghĩ gì. Một tu viện dòng Benedict, trong thời hoàng kim của dòng này, là nơi những người chăn chiên nắm được đàn chiên ngoan đạo. Aymaro muốn quay về truyền thống đó. Thế nhưng cuộc đời của đàn chiên đã thay đổi, và tu viện chỉ có thể quay trở lại truyền thống đó nếu nó chấp nhận những đường lối mới của đàn chiên mà tự nó đã trở nên khác hẳn. Do ngày nay đàn chiên ở đây bị áp bức, không phải bằng vũ khí hoặc lễ nghi hào nhoáng, mà bằng sự chi phối của đồng tiền, nên Aymaro mong muốn toàn thể cơ chế của tu viện, và cả thư viện nữa, trở thành một xưởng chế tạo, một nhà máy làm ra tiền.
- Thế điều này có liên quan gì đến các án mạng?
- Thầy chưa biết. Bây giờ thầy muốn đi lên lầu. Đi thôi.
Các tu sĩ đã bắt tay vào việc. Yên lặng bao trùm phòng thư tịch, nhưng đó không phải là sự yên lặng xuất phát từ sự thanh thản cần cù của mọi tâm hồn. Berengar, vừa đến trước thầy trò tôi một chốc, lúng túng tiếp chúng tôi. Các tu sĩ khác nghỉ tay, nhìn lên. Họ biết chúng tôi lên đây để khám phá điều gì đó về Venantius, và chính hướng nhìn của họ khiến chúng tôi lưu ý đến chiếc bàn trống ở dưới cửa sổ trông vào gian trong, tháp bát giác ở trung tâm.
Nhiệt độ trong phòng thư tịch khá ôn hòa, dù hôm nay trời rất lạnh lẽo. Góc lạnh nhất là góc ở tháp phía Đông, và tôi nhận thấy dù còn ít chỗ trống vì số tu sĩ đến làm việc đông, tất cả bọn họ đều có khuynh hướng tránh các bàn làm việc đặt tại góc đó. Về sau, tôi nhận thấy cầu thang trôn ốc ở tháp phía Đông là cầu thang duy nhất vừa dẫn xuống nhà ăn,vừa dẫn lên thư viện. Tôi tự hỏi phải chăng đã có một sự tính toán khéo léo, sắp xếp hệ thống sưởi của căn phòng, nhằm làm nản lòng các tu sĩ muốn thám sát khu vực này, và nhằm để Quản thư viện có thể dễ dàng kiểm soát lối đi lên thư viện.
Bàn giấy Venantius xấu số quay lưng về phía lò sưởi lớn, và có lẽ đó là chiếc bàn được ưa chuộng nhất. Chiếc bàn khá nhỏ, giống như các bàn khác đặt quanh sân bát giác, vì đây là những bàn đóng cho các học giả. Các bàn lớn hơn được đặt dưới các cửa sổ của bức tường ngoài được đóng cho những người minh họa và sao chép. Venantius cũng dùng cái bục giảng để làm việc, có lẽ huynh phải tham khảo và sao chép các bản thảo người ta cho thư viện mượn. Dưới bàn là một dãy kệ thấp, chồng chất những mảnh giấy rời. Vì tất cả đều bằng tiếng Latinh nên tôi suy diễn chúng là những bản dịch mới nhất của Huynh. Chúng được ghi vội vã và không đánh số trang, vì chúng còn phải được giao cho một người sao chép hay một nhà minh họa, do đó chúng rất khó đọc. Giữa những đống giấy là vài quyển sách tiếng Hy Lạp. Một quyển sách Hy Lạp khác nằm mở trên bục, cuốn sách mà trong những ngày qua, Venantius đã trổ tài dịch thuật khéo léo của mình. Thuở đó, tôi không biết tiếng Hy Lạp, nhưng thầy tôi đọc tựa sách và bảo tác giả là một tu sĩ dòng Lucy nào đó, chuyện kể về một người hóa lừa. Tôi nhớ lại một chuyện ngụ ngôn tương tự của Apuleius mà thông thường, các tu sinh bị tuyệt đối cấm đọc.
Thầy William hỏi Berengar, lúc ấy đang đứng bên cạnh chúng tôi: - Tại sao Venantius dịch quyển sách này?
- Lãnh chúa Milan yêu cầu tu viện dịch quyển sách này, nhờ đó tu viện sẽ được đặc quyền sản xuất rượu nho ở vài nông trại phía Đông của vùng này, - Berengar chỉ tay về hướng xa xa, rồi tiếp ngay – tuy không phải vì tu viện làm những công việc tầm thường cho người ngoại đạo. Nhưng lãnh chúa, người đã giao chúng tôi nhiệm vụ này, đã nhọc công can thiệp với Thị trưởng Venice cho chúng tôi mượn bản thảo Hy Lạp quý này. Ông thị trưởng đã nhận bản thảo từ Hoàng đế xứ Byzantium. Khi Venantius hoàn thành bản dịch, chúng tôi sẽ chép thành hai bản, một cho lãnh chúa Milan và một cho thư viện chúng tôi.
- Như thế, thư viện không ngại thu thập thêm những ngụ ngôn đa thần vào bộ sưu tập của mình.
- Thư viện là sự minh chứng cho thực và giả, - một giọng nói vang lên từ phía sau chúng tôi. Đó là Jorge. Cách lão già đột nhiên xuất hiện làm tôi thêm một lần nữa kinh ngạc, cứ như là chúng tôi chẳng bao giờ thấy lão mà lão lại thấy chúng tôi. Tôi cũng thắc mắc tại sao lão mù này lại ở trong phòng thư tịch, về sau tôi biết được Jorge có mặt ở tất cả mọi ngóc ngách của tu viện. Lão thường ngồi trong phòng thư tịch, trên một cái ghế đẩu cạnh lò sưởi, dường như để theo dõi mọi diễn biến trong phòng. Có lần tôi nghe lão hỏi lớn từ chỗ ngồi của mình: “Ai đang lên lầu thế?” và quay về phía Malachi, lúc ấy đang nhẹ bước trên thảm rơm về phía thư viện. Các tu sĩ đều kính trọng lão, thường nhờ cậy lão, đọc cho lão nghe những đoạn khó hiểu, nhờ lão trau chuốt câu văn, hay bày cho cách tả con thú hay vị thánh. Lão thường ngước đôi mắt vào cõi hư vô, như thể đang nhìn vào những trang giấy vẫn còn in rõ trong trí nhớ. Có lần tôi nghe lão khuyên một học giả đang hoang mang không biết nên tìm sách nào trong danh mục thư viện, hay tìm ký hiệu đó trong trang nào; lão đoan chắc với học giả nọ rằng quản thư viện chắc chắn sẽ đưa sách cho Huynh ấy vì đó là một tác phẩm bắt nguồn cảm hứng từ Thượng đế. Một lần khác, tôi nghe lão nói quyển sách này, nọ, mặc dầu có trong thư mục, sẽ không thể hỏi mượn được nữa vì bị chuột gặm nhấm năm mươi năm trước, và bây giờ nếu ai động đến thì nó sẽ rã ra thành bột. Nói cách khác, lão là bộ nhớ của thư viện và linh hồn của phòng thư tịch. Đôi khi, lão trách các tu sĩ đang tán gẫu với nhau – Lẹ lên, hãy để lại các lời chứng cho sự thật, vì thời điểm đã đến! – Lão muốn ám chỉ sự xuất hiện của tên Phản giáo.
Huynh Jorge nói: Thư viện là minh chứng cho thật và giả. - Thầy William nói: - Apuleius và Lucian hiển nhiên là những tên phù thủy có tiếng tăm. Nhưng ngụ ngôn này dưới cái mạng che giả tưởng của nó, chứa đựng một bài học luân lý hay; nó dạy chúng ta cách hối lỗi. Lại nữa, tôi tin rằng truyện người hóa lừa muốn nhắc đến sự hóa xác của một tâm hồn rơi vào tội lỗi.
- Có lẽ vậy.
- Nhưng giờ đây, tôi hiểu vì sao trong cuộc đối thoại mà người ta đã kể cho tôi nghe ngày hôm qua, Venantius rất quan tâm đến hài kịch; thật vậy, ngụ ngôn loại này có thể được xem như có liên hệ với các hài kịch cổ đại. Không như các bi kịch, cả hai loại này đều không nói đến con người hiện hữu thực sự.
Thoạt tiên, tôi không hiểu tại sao thầy William lại nhắm cuộc tranh luận bác học này với một người không thích thú các đề tài như thế, nhưng câu trả lời của Huynh Jorge cho tôi thấy thầy tôi đã tế nhị biết bao.
Huynh Jorge chua chát nói: - Hôm đó chúng tôi không tranh cãi về hài kịch, mà bàn xem tiếng cười có phải phép không.
Tôi nhớ rất rõ rằng chỉ mới một ngày trước đây, khi Venantius đề cập đến cuộc tranh luận đó, Huynh Jorge đã bảo ông không nhớ.
Thầy William thản nhiên nói: - À, tôi tưởng Huynh đã nói đến những lời dối trá của các thí sĩ và những câu đố hiểm hóc…
Jorge đốp ngay: - Chúng tôi đã nói về tiếng cười. Các kịch tác gia vô thần viết hài kịch để chọc cười khán giả, và người ta đã diễn xuất bậy bạ. Chúa Ki-tô không bao giờ kể hài kịch hay ngụ ngôn cả, mà chỉ ban các ẩn dụ hiển nhiên, dạy cho chúng ta cách lên thiên đàng và được toại nguyện.
- Tôi không hiểu tại sao Huynh lại chống đối cái ý tưởng rằng Chúa Ki-tô có thể cười. Tôi tin tiếng cười là liều thuốc bổ, cũng như việc tắm rửa, để chữa trị tính khí con người và các chứng bệnh khác của cơ thể, đặc biệt là bệnh u buồn.
- Tắm rửa là việc tốt và chính Aquinas khuyên dùng nó để xua đuổi sầu muộn. Tắm rửa làm hồi phục sự cân bằng của tính khí. Nhưng cười làm cho thân hình lắc lư, bóp méo diện mạo, làm người trông giống khỉ.
- Giống khỉ không cười, chỉ có riêng con người mới cười, đó là dấu hiệu chứng tỏ con người có lý trí.
- Ngôn ngữ cũng là dấu hiệu biểu hiện lý trí con người, và con người có thể dùng ngôn ngữ để báng bổ Chúa. Không phải bất cứ cái gì hợp với người nhất thiết phải tốt. Ai hay cười thường không tin điều mà hắn cười, nhưng hắn cũng không ghét điều ấy! Do đó, cười nhạo cái ác không có nghĩa là sẽ chuẩn bị chống lại nó, và cười nhạo điều thiện có nghĩa là phủ nhận sức mạnh phát sinh điều thiện.
Thầy William ngắt lời: - Quintilian (1) nói rằng vì phẩm giá, ta phải kiềm chế cái cười khi được tán tụng, nhưng cái cười được khuyến khích trong các tính huống khác. Chính khách kiêm nhà văn Pliny cháu đã viết: “Đôi khi tôi cười, tôi giễu cợt, tôi nô đùa, vì tôi là con người”.
- Họ là những kẻ đa thần – Jorge đáp lại.
- Hildebertus đã nói “Cho phép anh được đùa giỡn sau khi chứng tỏ đã biết sống nghiêm túc và xứng đáng”. John xứ Salisbury cho phép được hồ hởi kín đáo. Cuối cùng vị giáo sĩ Ecclesiastes, tối thiểu cũng cho phép cười lặng lẽ trong tinh thần thanh thản.
- Tinh thần chỉ thanh thản khi nó chiêm ngưỡng sự thật và hồ hởi đạt được điều thiện, và sự thật và điều thiện không thể bị cười nhạo. Thế nên, Chúa Ki-tô không cười. Nụ cười làm manh nha sự hoài nghi.
- Nhưng đôi khi hoài nghi cũng là điều đúng.
- Tôi không hiểu vì sao nó đúng. Khi ta nghi ngờ, ta phải trông cậy vào một người có thẩm quyền, vào lời nói của một linh mục hay một y sĩ; thế rồi mọi lý do làm ta nghi ngờ không tồn tại nữa. Hẳn nhiên là khi chấp nhận những ý tưởng nguy hiểm, ta cũng có thể thưởng thức sự bông đùa của một tên dốt nát đang cười cợt chân lý duy nhất mà ta cần biết, chân lý ấy đã được nói ra một lần mà thôi. Bằng nụ cười, thằng ngốc nhủ thầm: "Chúa không hiện hữu!”.
- Tôi không đồng ý, thưa Huynh Jorge đáng kính. Chúa đòi chúng ta phải dùng lý trí để soi sáng những điều tăm tối mà Thánh kinh để ta tự hiểu. Để phá vỡ sức mạnh giả trá của một luận cứ ngu xuẩn chống đối lại lý trí, nụ cười đôi khi cũng là một công cụ thích hợp. Tiếng cười dùng để lung lạc bọn nham hiểm và vạch trần sự điên rồ của chúng.
Jorge bực bội khua tay – Chế giễu về tiếng cười, huynh đã kéo tôi vào một cuộc tranh luận nhảm nhí! Nhưng Huynh thừa biết Chúa không cười.
- Điều này tôi không chắc. Khi Ngài thách bọn đạo đức giả ném đá trước, khi người hỏi trên đồng tiền phải nộp thuế có khắc mặt của ai, khi Ngài chơi chữ nói rằng “Tu es petrus”(2) tôi tin rằng Ngài đã dí dỏm làm hoang mang những kẻ có tội, để cổ vũ tinh thần các tông đồ của Ngài. Ngài cũng khôn ngoan nói với Caiaphas, viên quan tòa chủ trì việc xử Ngài, “Người đã nói vậy”. Huynh cũng biết rõ rằng trong lúc các tu sĩ dòng Cluniac và dòng Cistercian đang mâu thuẫn kịch liệt nhất, để bêu rếu dòng Cistercian dòng Cluniac đã tố tu sĩ dòng này không mặc quần dài. Trong quyển sách “Tấm gương của kẻ phàm tục”(3) có kể lại chuyện con lừa Brunellus mà Chúa thắc mắc không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ban đêm gió thổi tung mền và các tu sĩ trông thấy chính chỗ kín của mình…
Các tu sĩ chung quanh phá lên cười, và Jorge giận điên lên: - Huynh đang lôi kéo các sư huynh của tôi vào một trò hề. Tôi biết các tu sĩ dòng Francisco có thói quen lấy lòng đám đông bằng những trò nhảm nhí như thế này.
Lời trách móc khá gay gắt. Thầy William quả có hơi xấc nhưng bây giờ Huynh Jorge lại bảo thầy tôi là ăn nói xằng bậy. Tôi không biết lời đối đáp khe khắt của tu sĩ cao niên này có ngầm ý đuổi khéo thầy ra khỏi phòng thư tịch hay không. Thầy William mới mấy phút trước đầy khí thế, giờ dịu hẳn xuống. Thầy nói:
- Xin lỗi Huynh Jorge đáng kính. Miệng tôi nói vậy nhưng bụng không nghĩ vậy. Tôi không muốn tỏ ra vô lễ với Huynh. Có lẽ điều Huynh nói là đúng, và tôi sai.
Trước cử chỉ tế nhị và khiêm tốn này, Jorge đằng hắng ra vẻ vừa hài lòng vừa khoan dung, và đành phải quay về chỗ của mình. Trong khi đó, các tu sĩ nãy giờ vây quanh hai người để nghe tranh luận đang giải tán về chỗ cũ. Thầy William lại quỳ xuống bên cạnh bàn giấy của Venantius và tiếp tục lục lọi đống giấy tờ. Bằng câu trả lời nhã nhặn của mình, thầy đã lấy được vài giây yên tĩnh. Điều thầy thấy được trong vài giây này đã khiến thầy nẩy ra cái ý điều tra vào đêm hôm ấy.
Nhưng quả thật đó chỉ là vài giây ngắn ngủi. Benno lập tức tiến đến, giả vờ đã để quên cây bút trên bàn khi đến nghe Jorge nói chuyện; Huynh ấy thì thầm với thầy William, bảo có chuyện muốn nói ngay, hẹn gặp sau nhà tắm. Huynh bảo thầy tôi đi trước, Huynh sẽ theo ngay.
Thầy William ngần ngừ một lúc, rồi gọi Malachi, ông ta đang ngồi tại bàn quản thư viện, cạnh sổ thư mục, đã theo dõi tất cả mọi diễn biến. Theo chỉ thị của Tu viện trưởng, thầy yêu cầu Huynh ấy cho người canh chừng bàn giấy của Venantius đừng để ai đến gần nó suốt ngày hôm nay cho đến khi thầy quay lại vì thầy xem nó rất quan trọng trong cuộc điều tra. Thầy nói lớn yêu cầu này, không những nhằm buộc Malachi trông chừng các tu sĩ khác, mà còn buộc chính các tu sĩ khác trông chừng Malachi nữa. Quản thư viện buộc phải bằng lòng và thầy trò tôi rời khỏi căn phòng.
Khi chúng tôi băng ngang qua khu vườn đi đến phòng tắm cạnh bệnh xá, thầy William nhận xét: - Dường như nhiều người e sợ thầy sẽ tìm thấy cái gì đó trên hay dưới bàn làm việc của Venantius.
- Cái đó có thể là cái gì?
- Thầy linh cảm rằng, ngay cả những người đang e ngại việc này cũng chẳng biết.
- Thì ra Benno cũng chẳng có gì để nói với chúng ta mà chỉ nhằm kéo chúng ta ra khỏi phòng thư tịch ư?
- Chúng ta sẽ biết ngay thôi.
Chú thích :
1 Quintilian: Nhà hùng biện và phê bình gia La Mã, thế kỷ I trước công nguyên
2 Petrus (Latinh) vừa có nghĩa là đá, vừa có nghĩa là ông Thánh.
3 “Speculum stultorum”


.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 1
C-STAT