The Soda Pop
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện tâm linh
Chương Mười

Bây giờ, không phải là tôi mời rượu nữa, mà chính ông Ômya lại rót rượu mời tôi uống.

- Chuyện của ông lạ lắm. Tôi phải uống để thưởng thức. Thế thì tại sao lại còn một con ma nữa hiện ra để làm gì? Tôi không còn hiểu ra thế nào…

- Thưa ông Ômya, chính tôi sống cái chuyện ấy tình đến nay đã ngót hai chục năm trời mà cho đến tận hôm nay tôi vẫn không hiểu, huốn chi ông.

Luôn mấy năm trời tôi suy nghĩ và tìm một ý nghĩa, tôi tìm hiểu xem người đàn bà Huế ấy tìm kiếm cái gì và tại sao lại cùng đi với một cô cháu gái tên là Phương Thảo, nhưng vô ích. Luôn mấy năm trời, tôi đi hỏi thăm những người ở khắp vùng Chợ Quán, nhưng một phần vì những người ở đó là người mới đến đây cư ngụ, mà còn trẻ tuổi nên không thể biết; một phần vì những người có thể biết chuyện lại mệnh một hay là đi xa rồi tôi nên đành chịu, rồi dần dà cũng quên đi, không lưu ý nữa.

- Thế hai cái bong ma ấy có còn hiện lên không?

- Có. Nhưng không hiện liền như trước nữa. Ðó là chuyện sau, rồi đây ông sẽ biết. Trở lại nỗi thắc mắc của tôi. Dần dần tôi cung quên đi không nhớ đến hai con ma ấy nữa thí tự nhiên ở đâu ông tới hỏi tôi về ông Tokubê tức Trần Hữu Lăng.

- Ủa, ông Tôkubê cũng dính tới vụ này sao?

- Có chứ. Nhưng ông cứ yên tâm, nghe cho có đầu đuôi mới được. Vậy chính lúc Mệ Hoát ( từ đây gọi bóng ma sắc trắng đó là Mệ Hoát), nói đến đây thì Phương Thảo ( cái bóng ma đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài gác sân) quay lại nhìn về phía tôi.

Trái với Mệ Hoát, Phương Thảo không có một hình sắc rõ rệt. Toàn thân nàng trong vắt, mặc dầu có một lớp gì tựa tựa như sương mù bao phủ lấy cái áo dài màu lòng chanh của nàng.

Mặt mũi, đầu tóc chỉ mờ mờ thôi, còn cặp mắt thì đờ ra như người mất hồn, tuyệt nhiên không có một tí tinh thần nào cả. Nhưng nàng có một điểm rất kỳ: mặc dù lúc ấy nàng đứng xa tôi đến ba bốn bước; từ cái thân thể trong suốt của nàng, tôi thấy tiết ra một mùi thơm mát thoảng ra, làm át hết cả mùi hương của hoa y lăng bay vào trong căn gác nhỏ. Mùi thơm ấy vuốt ve mặt tôi, vướng vít tóc tôi, trìu mến tôi.

Tôi tưởng như nghe thấy một tiếng thở dài khe khẽ. Tự nhiên, toàn thân tôi run lên một cách kỳ lạ vừa đau nhói mà lại vừa như khoan khoái. Tôi làm bộ nhìn trang giấy mà tôi viết dở, nhưng thật tình tôi có thấy chữ nào đâu.

Ấy là vì mùi thơm tiết ra từ Phương Thảo ra mê li quá, huyền ảo quá, làm cho tôi cảm thấy say như một người nghiền say á phiện: mắt vẫn mở và nhìn rõ ràng được những sự thật ở chung quanh nhưng trí óc thì lại vật vờ như bay lên cao lắm, bay đi xa lắm…

Ngửng mặt lên, tôi bỗng nhiên thấy ngời lên ở trước mắt một bộ mặt diễm kiều bao phủ trong một mớ tóc xanh mướt như đêm thu; đôi môi óng ánh hồng hé mở như van xin; còn cặp mắt thì long lanh một nỗi sầu khôn tả.

Lúc ấy Mệ Hoát lại cuối xuống tìm kiếm ở chân tường. Mặc dầu không trông thấy, tôi cảm giác rằng cái tối tăm ở bên ngoài lúc đó đặc quánh lại như có thể lấy dao mà thái ra từng khúc. Không có một tiếng chim, một tiếng lá rung cành, một tiếng lau tiếng lách rì rào trong gió. Mà cái bóng của Phương Thảo thì đứng im lìm trước mặt tôi, phản ánh lên trên tường gác như một ngôi sao hiện lên trong sương mù phương đông.

Không bao giờ, không bao giờ cõi đời này có thể tạo được một cái gì linh thiêng như vậy, tuyệt vời như vậy. Không bao giờ cái chết lại có thể hái đi một cái gì tràn trề một sự sống mãnh liệt và thiết tha như vậy. Không, Phương Thảo không phải là một con người ở trên mặt đất thô lậu này mà chính là màu sắc, là ánh sáng thay vì vóc dáng và hình thái; đó là một hơi thở ấm áp, du dương thay vì máu huyết; đó là tư tưởng thay vì tình cảm. Mà đó cũng không phải là một bóng ma giả dối và rỗng không bởi những nét mờ mờ, những dáng dấp mờ mờ ấy tiết ra sự mê li cấp bách, sự ham muốn, buồn rầu, đau khổ, xót xa, yêu đương, sợ hãi, ước mong; đó là những cái đẹp bao la tuyệt diệu mà ta vẫn thường tưởng tượng ở trong tâm óc khi còn trẻ, một trong những cái đẹp mà trong những giấc mộng não nùng, say sưa, nồng cháy mà ta vẫn quỳ xuống để hôn, ta vẫn ôm mặt khóc rồi cười, rồi lại cảm ơn trời, rồi lại khóc vì sợ có một ngày cái đẹp ấy mất đi.

Tôi không thể nào giải thích được nỗi cảm xúc lúc bây giờ, nhưng bắt đầu từ bấy giờ trở đi tôi coi hai cái bóng ma ấy như thể người nhà. Không có gì biệt âm dương, không sợ hãi; hơn thế nữa lại coi việc Mê Hoát và Phương Thảo đêm đêm đến tìm kiếm đồ vật ở trong nhà tôi như một việc rất tự nhiên.

Mệ Hoát dường như cũng cho việc đi lại, lên xuống căn nhà này là bình thường nên lần lần không còn sự giữ gìn e ấp như buổi ban đầu nữa, mặc dù lúc nào mệ cũng vẫn giữ nguyên giọng nói, tiếng cười và những cử chỉ của con người phong lưu, đài các.

Có đêm, mệ tự cầm lấy cây chổi quét nhà rồi gom lại thành đống rồi ngồi sụp xuống bới tìm; lại có lần mệ duỗi chân ra cho thân cao mãi lên, cao mãi lên để được lục lọi cả trên đầu tủ, xích đông mà khỏi phải đứng lên trên ghế đẩu.

Một người sống cần cù nhất cũng chỉ có thể làm lụng siêng năng đến thế là cùng.

Tôi tự nghĩ hẳn Mệ Hoát mất những đồ gì quý lắm, hiếm lắm cho nên mới khổ công tìm kiếm vất vả công phu như thế, chớ phải chi là đồ vật thường thường thì đâu lại có phí phạm ngày giờ, lao tâm lực tìm hết đêm này sang đêm khác như thế bao giờ.

- Ờ, những đồ vật ấy là gì vậy?

Tính ra tôi đã hỏi mệ hai lần rồi, nhưng không thấy đáp cho nên từ đó tôi không hỏi nữa. Hỏi nữa mệ có thể là cho tôi tò mò, dò dẫm và do đó liệt tôi vào hạng người “không sự thể” là điều tôi không bao giờ muốn như vậy, dù là đối tượng với người đã mệnh chung.
Tuy nhiên nói như vậy không phải là bảo rằng đêm đêm Mệ Hoát hiện lên không năng nói chuyện với tôi. Tất cả chuyện của mệ, y như buổi ban đầu, tôi nghe mà không hiểu gì hết, nhưng vì thấy tôi gật đầu, ra vẻ hiểu biết và tán đồng, mệ cứ nói, cứ nói để cho mệ hiểu một mình.

Phương Thảo thì trái hẳn. Tính từ đêm tôi thấy lần đầu,nàng chỉ nói có ba câu ngắn ngủi không rõ ràng, y như thể một người bị nghẹn ngào, tức tưởi, nhưng mùi thơm tiết từ thân thể trong suốt của nàng lúc nào cũng tỏa ra ngạt ngào mà hình như mỗi đêm lại ngào ngạt mê li hơn một chút.

Mỗi đêm, tôi ngồi viết, nhưng ít khi viết được thành văn, mà ví có thành văn đi nữa cũng chẳng có hay ho gì. Trái lại, mỗi đêm, tôi lại được chiếm ngưỡng đôi mắt, nụ cười của Phương Thảo đôi mắt nụ cười mà tôi dám hy sinh tất cả ở trên đời này để đổi lấy – dù chỉ trong giây phút. Quả đến lúc bây giờ tôi mới hiểu tại sao trên đời này bao nhiêu công hầu khanh tướng, bao nhiêu liệt sĩ, trung thần, bao nhiêu danh nhân, cao sĩ, lại có thể hy sinh công danh, phú quí vì một đôi mắt, vì một miệng cười tươi, mà khi chỉ có một nét nhăn trên mặt, một lời nói đong đưa, nhõng nhẽo, một giọt lệ chảy trên gò má thương thương.

Không Ông Ômya, ông phải thành thật thú nhận với tôi rằng chiến đấu cho một lý tưởng, cho một chủ nghĩa, cho một dòng họ, nhiều khi cũng say sưa hấp dẫn, nhưng sống theo tôi lúc bấy giờ, hàng đêm chung sống với những cái bó ma hiền lành tử tế không bao giờ hại tôi mà lại phù hộ cho tôi, đời sống như thế còn thi vị, mặn mà và còn đẹp đẽ hơn cả đời sống thực tế rất nhiều, phải không ông?

Một tháng, hai tháng trôi qua, tôi thấy không cần phải dấu diếm gắt gao như những buổi ban đầu nữa.
Trong những lúc ngà ngà chén rượu, lâng lâng trong lò tôi đem câu chuyện ấy ra tâm sự với vài ba bạn nhậu. Không một người nào tin cả. Tôi mời họ một hôm nào đó đến nghỉ đêm ở nhà tôi để xem tôi đặt điều hay nói thực thì người nào cũng tìm cớ khước từ, riêng tôi có một người ưng chịu.

Ðến đây người bạn của ông là Tôkubê mà tôi quen biết với cái tên Việt là Trần Hữu Lăng, ra trò.
Chương Mười Một

- Ông nói thế nghĩa là Tôkubê có dính líu trực tiếp đến vụ này sao?

Ông Ômya nhìn tôi với cặp mắt tò mò, hỏi như vậy.

Qua câu hỏi đó thì tôi nghe rõ thấy có một vẻ khó tin.

Ông cứ để cho tôi kể nốt, còn tin hay không tin – tôi đã trình bày với ông rồi - tin hay không tin cái đó là tùy ông.

“Ðiều đó, ông khỏi cần nhắc lại nhưng bảo là tin có ma, chưa chắc tôi đã tin hẳn, mà bảo là không tin thì tôi xin cải chính đến cùng”.

Riêng tôi thì nhất định nghĩ rằng người ta chết đi, cái linh hồn không chết, chỉ có thể xác chết đi. Hỏi tại sao quyết đoán như thế, tôi chịu, nhưng bản than tôi đã hai lần kinh nghiệm như thế rồi. Cái linh hồn ấy có thể hiện bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức khó nhau.

“Người ta gọi là ma, là quỉ, là hồn, là gì gì cũng được nhưng tựu trung thì âm dương vẫn cảm thông được với nhau, người chết không phải tuyệt được hết liên hệ với người sống yên ổn với những hồn oan nó theo mình báo oán, còn người làm điều thiện thì không những dương trợ mà âm còn phù (hộ), nếu họ không được sung sướng về vật chất như ai thì ít ra tâm hồn cũng đợc thư thái, không lo âu sợ hãi một ngày kia bị hồn oan trả oán.

“Nhưng tại sao bạn tôi, là Tôkubê lại dính líu đến vụ hai cái bóng mà ông đương nói chuyện? Lúc nãy nghe thấy ông nói, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi tự đặt ra nhiều giả thuyết nhưng vẫn không có cách gì đoán được. Nghe nốt câu chuyện của ông, tôi hy vọng sẽ tìm ra được lý do…

“Tôi hồi hộp lắm, nhưng tôi xin ông một điều: kể đến đây, câu chuyện bắt đầu gây cấn ít ra đối với tôi. Tôi xin ông ngưng lại, để đến mai kể tiếp vì tôi còn ở đây lâu ít nhất là vài tuần lễ. Tôi mong ông sẽ đãi tôi vào hạng bạn như ông đối với Tôkubê ngày trước, cho tôi được đến đây hỏi thăm ông mạnh khỏe và trò chuyện với nhau.

“Tôi muốn ông ngưng câu chuyện ở đây, bởi vì thú thật là nghe ông kể tôi hồi hộp quá. Tôi muốn nghỉ để ghi câu chuyện và suy nghĩ vì tôi tin rằng mai đây, được nghe kể tiếp, câu chuyện của ông sẽ tạo cho tôi nhiều thú vị, hồi hộp hơn và tôi sẻ đủ sức minh mẫn để mà lãnh hội từng ý kiến, thấm nhuần từng chi tiết”.

Chiều hôm sau, ông Ômya đến tìm tôi vào buổi chiều, đem theo một chai rượu sakê cùng với một bịch gỏi, mắm ruột cá và một thứ bánh vỏ bằng nếp mà nhân bằng đậu đen.

Ngồi uống với nhau một cách rất trịnh trọng ở gác sân, ông Ômya hỏi tôi:

- Bây giờ ban đêm hai cái bóng trắng có còn hiện lên thường thường nữa không?

- Ðã có lần tôi nói với ông rồi thì phải. Ít lâu nay, nó ít hiện thường như trước.
- Ông có nghĩa tại sao lại có sự thay đổi như thế hay không? Tại vì họ tìm kiếm đủ rồi, nên không kiếm nữa? Hay là tại vì một cớ gì đó họ đã đi nơi khác, không còn ở đây?

- Ðiều đó, tôi không biết nên không dám nói. Nhưng theo sự nhận thấy của tôi thì hai cái bóng ít xuất hiện kể từ khi thấy ông Tôkubê tức Trần Hữu Lăng.

Ông Ômya nói:

- Ông làm cho tôi lạnh cả người. Có phải là hai cái bóng trắng không muốn thấy sự hiện diện của một người lạ ở đây không?

- Hình như ông đoán không đúng lắm. Tôi ngờ rằng hai cái bóng trắng ít xuất hiện vì một hành động của ông Tôkubê thì đúng hơn.

- Ủa, tại sao vậy? Có phải Tôkubê đã có nói một câu gì hay làm một cử chỉ gì không đúng đắn vời Mệ Hoát không cô Phương Thảo? Dám lắm. Tôi biết Tôkubê phần nào. Y có nhiều đức tính của một người hành động: cần cù, ít nói, có lương tâm phục vụ, nhưng mang một cái tật có thể làm hỏng đại sự như chơi…

- Xin lỗi, ông với ông Tôkubê là thế nào với nhau?

- Tôi không giấu ông bạn: chúng tôi là bạn cùng làm việc mật vụ trong Thế Chiến Thứ Nhì, nhưng ngoài cái đó, y với tôi còn là người đồng hương ở Kyôtô và lúc bé cùng học một trường với nhau. Ra đời, mỗi người đi một ngã, tưởng là không bao giờ gặp nhau, không ngờ cuộc chiến tranh Ðức Ý Nhật liên hiệp đánh Ðồng Minh lại khiến cho y và tôi phục vụ trong cùng cơ quan. Cùng phục vụ, biết thế mà thôi, chớ công tác của y tôi tuyệt nhiên không biết, mà đối với công tác mật của tôi thì y cũng mù. Trong mấy năm trời ở đây, tôi chỉ gặp y vài bận, nhưng theo chỗ biết ngầm của tôi thì y phụ trách một công tác mật gì đó ở Trường Sơn.

Nói cho thật đúng, điều ấy tôi mới vừa được biết mới đây thôi là vì Nhật bại trận, tôi về nước, gần đây lúc có tin lại được cử trở lại Việt Nam phụ trách về một phương diện kinh tế mới, tôi có gặp mẹ và vợ y nói nhỏ cho biết thế. Không phải là họ mở mồm miệng đâu, nhưng họ nói rành rẽ như vậy là vì muốn nhờ tôi một việc. Công việc đó là việc riêng, chắc ông chẳng muốn nghe làm gì.

Tôi nhắc lại là Tôkubê có nhiều đức tính, riêng phải một cái tật xấu có thể làm hại đến đại sự như chơi…

- Có phải ông nóng tính quá phải không?

- Về tật ấy, tôi chưa có dịp nhận xét kỹ và biết rõ. Tôi chỉ thấy là ngay từ lúc còn đi học, Tôkubê có tật ham đàn bà quá. Có phải là tôi đã nói với ông rằng lúc y công tác ở Trường Sơn, cơ quan đã nhận được một báo cáo về y có lien quan đến gái, nhưng tôi không kể lại vì là chuyện đời tư của y?

- Phải tôi còn nhớ….

- Lần nãy, nghe ông nói, tôi ngờ nữa: có phải Tokubê đã làm điều gì bất nhã, không đúng đắn nên hai cái bong trắng không xuất hiện thường thường như trước xuất hiện ở nhà ông nữa?

- Không, không phải thế, ông Ômya ạ! Nếu ông Tôkubê – tôi muốn nói ông Trần Hữu Lăng - có điều gì đáng trách, theo tôi, đó là cái tính hơi nóng nảy của ông ta. Bè bạn đã nhiều người biết thế, nhưng vì là chỗ anh em lớn tuổi mà đã giao du với nhau lâu rồi nên chín bỏ làm mười, không có ai lấy thế làm điều; hơn thế vẫn quý mến ông ta, vì cho rằng ông ta “thẳng như ruột ngựa”, có thể nào thì tỏ thái độ ngay chớ không dấu diếm tâm sự hay gian xảo.

Vậy muốn chứng tỏ tôi chân thật, tôi mời mấy ông bạn đến nghỉ đêm ở nhà tôi để nhìn tận mắt hai cái bóng ma tìm đồ vật quý, nhưng không có một người nào ưng chịu. Riêng có một mình Tôkubê bằng lòng đến thôi.

Tôi còn nhớ rõ đêm ấy có trăng, nhưng nóng như nung như nấu. Hình như là vào khoảng tháng Ba, tháng Tư gì đó. Tôkubê và tôi cũng ngồi uống rượu ở gác sân như thế này. Uống đến gần sáng, gió trở lạnh. Có mấy hạt mưa bắt đầu rơi xuống tàn lá cây y lăng ngoài vườn bên kia. Chúng tôi, người nào cầm ly của người nấy, vừa bước vào trong gác để trú mưa thì thấy Mệ Hoát và Phương Thảo đã đứng dựa vào bàn viết của tôi, nhìn ra ngoài gác sân tự bao giờ.

Vì quen thuộc quá, tôi chỉ khẻ gật đầu và không để ý. Nhưng Tôkubê thì tôi thấy ông ta trừng mắt ngó lên hai cái bóng trắng một hồi lâu mà mặt mày thì tái nhợt. Tôi thầm cười: “Còn không tin nữa hay thôi? Phen này gọi là bở vía nhé!”

Muốn cho ông ta đỡ sợ, tôi nói:

- Cứ tự nhiên đi ông bạn! Không có ai hại ông đâu mà sợ!

- Kìa, nhắm cái gì đi, chớ ngồi ì ra đấy ư, ông bạn?

Tôkubê không trả lời tôi. Bỗng nhiên tôi thấy ông hét to lên một thứ tiếng gì nghe không rõ. Bây giờ nhớ lại tôi cảm giác tiếng thét đó tựa như tiếng thét của người lính Nhật đêm chính biến hạ Pháp ở Hà Nội lúc họ tiến vào căn cứ của Pháp thực dân. Ngay lúc đó tôi không nghỉ thế. Nghe tiếng thét, tôi không hiểu lý do và ý nghĩa, thế thôi.

Tôi mở to đôi mắt để xem có gì lạ xảy ra (bởi vì rượu lúc đó bắt đầu ngấm, tôi say tằng tằng, hai con mắt nhíu lại và chỉ muốn nằm lăn ra ngủ).

Tôi đã thấy gì? Bảo là quái lạ, tôi phải nói là lạ không thể nào tưởng tượng được: rõ ràng mới đây tôi thấy hai cái bóng biến vào phía sau cửa kiếng, mà cái cửa kiếng tự động đóng lại rồi, mà không hiểu từ lúc nào và bằng cách thức nào, hai cái bóng Mệ Hoát và Phương Thảo đã hiện lên sừng sững ở cạnh Tôkubê.

Tôi trông thấy hai cái bóng rung động và mấp máy làn môi, tôi đoán là họ nói gì với nhau. Sau đó, bong Mệ Hoát rung động, cái màn vải mỏng bao trùm thân thể Mệ bay lên…. mắt mệ hết mờ, quắc lên như hai con đom đóm. Và tôi thấy môi mệ cắn chặt lại với nhau, trong khi Phương Thảo khe khẽ, nhỏ nhẹ nói vào tai Tôkubê.

Phương Thảo nói gì? Tuyệt nhiên tôi không nghe thấy gì hết. Mà Mệ Hoát tức giận như thế là tại vì sao? Tôi cũng chẳng hay gì cả.

Nhưng ông Tôkubê bây giờ thì không còn ngồi đừ ra như khi nãy nữa. Mệ Hoát nói, tôi nghe lọt được câu này:

- Khỏi cần hỏi nữa. Dì biết chắc rồi, nó muốn chối cũng không thể được. Bây giờ cháu chỉ cần hỏi một câu chót xem hắn có bằng lòng chỉ cho ta chỗ cất vật ấy không, thế thôi. Nếu không chỉ, hắn sẽ hối hận và sẽ gánh mọi hậu quả không hay.

Mệ Hoát nói đến đây thì Tôkubê thét lên một tiếng kinh khủng giữa đêm khuya thanh vắng như chúng ta vừa thấy. Rồi tôi thấy cặp mắt Tôkubê đỏ ngầu lên, ông chửi rủa, gào thét và nói:

- Tao không cần phải khai gì hết. Nếu tụi bây không ngưng phá ta, không ngưng tỏ thái độ hăm dọa, không ngưng thúc bách ta chỉ chổ kia chỗ nọ, ta quyết ăn thua đủ đêm nay.

Ðồng thời, tiếng ly chén vỡ vang lên. Tôi thấy ông Tôkubê đứng dậy, xách hai tay hai cái ghế ném vào chỗ hai cái bóng trắng vừa đứng mới đây. Miệng ông sùi bọt và không ngớt nói những câu gì mà sau này nghĩ mãi tôi không có cách nào hiểu nổi. May mà cái bàn của tôi lớn và nặng chớ nếu không thì Tôkubê cũng đã chụp lấy để ném cho chết cái bóng của Mệ Hoát và Phương Thảo rồi. Tôi kêu lên:

- Ông Lăng! Sao thế? Ông say à?

Tôkubê không nói, lấy hai bàn tay ôm chặt lấy đầu và ngồi sụp ở trên sàn gác.

Vừa lúc đó, ông Yên ở dưới nhà bước lên. Thấy tiếng đồ đạc rớt ầm ầm, ông đương ngủ vội vàng choàng dậy và lật đật chạy lên gác xem có việc gì xảy ra. Ông không dám vào ngay vì quá sợ, phải đứng đợi hồi lâu ở ngoài. Tôkubê hỏi:

- Ông lên từ bao giờ vậy? Ông có thấy hai con ma xuống dưới ấy không?

- Bẩm, ông nói gì? Không, không có người nào hết. Tôi đứng đây đã lâu rồi, nhưng quả không thấy một người nào, một bóng ma nào ra đây.

Tôkubê la lên như bị ai bóp cổ:

- Thế là nghĩa làm sao? Rõ ràng tôi thấy chúng nó, mà chúng nó lại rỉ tai tôi gắt gỏng, chửi rủa và hâm dọa tôi nữa. Tất cả những lời chúng nó thốt ra, tôi còn nhớ hết. Tôi quyết giết cho chúng nó chết. Tại sao ông không trông thấy gì?

Yên liếc mắt nhìn tôi như van nhờ tôi trả lời giùm. Tôi đưa mắt ra hiệu cho ông Yên xuống dưới nhà. Còn Tôkubê thì tôi dìu lên trên giường, khuyên nằm yên để nghỉ.
Nhưng cái bóng Mệ Hoát và Phương Thảo đã kề vào tai Tôkubê nói nhỏ những gì mà khiến cho ông giận dữ điên cuồng như thế?


.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 6
C-STAT