XtGem Forum catalog
Game mobi, avatar, phần mềm miễn phí
HOME GAME MP3
>>Kho Game Online 2013
>>Hot Clip Cựt Hay 2013
>>Kênh 18 Cập Nhật
I love you baby (Spandex)
>>Admin : Chào mừng bạn đến với wapsite http://giaitrionline.sextgem.com Trang giải trí hoàn toàn miễn phĩ hàng đầu vn.Chúc Bạn Online Vui vẻ...!
Thế giới giải trí trên mobile
>>Game Cập Nhật 24h...
Truyện tâm linh
Chương Tám

Nghe đến đây, ông Ômya, một người từng xông pha trăm nguy ngàn hiểm, vượt đạn trốn bom, một người đã từng một mình vào rung rợn hãi hung hơn cả địa ngục để tìm một mảnh giấy, một hồ sơ mật, vậy mà bất thần giựt mình và hỏi:

- Ông nói gì? Mệ Hoát? Ông trông thấy thực hay là ảo giác?

Tôi nhớ lại câu chuyện con chuột khôn của ông Tô Ðông Pha và không lấy làm lạ về công việc ông Ômya giật mình khi nghe thấy nói đến bóng ma của Mệ Hoát hiện ra trong nhà tôi lúc nửa đêm.

“Người ta có thể đập nát viên ngọc bích đáng ngàn vàng mà không thể không sợ thất kinh khi nghe cái nồi đất vỡ, có thể đánh con hổ dữ mà không thể không biến sắc vì con ông đốt: đó là tại cái lòng không chuyên nhất vậy. Những điều ấy, mọi người vẫn thường nói mà quên rồi ư?”

Tôi cười một mình chậm rãi trả lời:

- Phải, cái bóng ma Mệ Hoát. Nhưng đó là thực hay ảo giác thì tôi không biết. Ông để cho tôi nói tiếp rồi ông suy luận lấy, bởi vì ông sẽ thấy không phải chỉ có một mình tôi trông thấy nhưng chính một đồng bào của ông, ông Tôkubê cũng trông thấy hai năm rõ mười. Không, tôi kể chuyện cho ông nghe, chớ tôi không có lợi lộc gì mà bịa đặt phải không?

Tôi không nhớ rõ đêm ấy là đêm thứ mười mấy kể từ khi tôi dọn đến ở căn nhà này. Chỉ biết rằng đáng lẽ đi ăn cơm với mấy người bạn ở xa về, tôi lại khước nằm khàn ở trên giường đọc báo. Lại xin thú thực với ông nữa: tôi là nhà văn kiêm ký giả nhưng ít khi đọc báo, trừ khi nào có tin tức đặc biệt gì ghê gớm lắm.

Nhưng đêm hôm ấy tôi nằm đọc báo vì một nguyên nhân khác hẳn: tại lười. Lười một cách vô nghĩa, lười không vì nguyên nhân gì hết, lười đến cái mức nằm một bên mỏi quá cũng không buồn trở mình.

Sợ rằng cứ nằm bề bệt như thế thì đau mất, tôi ngồi dậy bật cái đèn đêm ở đầu giường, đi thong thả ra cửa sổ ngồi nhìn xuống mấy cái mái nhà tôn ở sau vườn.

Hoa y lăng bây giờ trổ bông nhiều hơn; về đêm hương thơm tiết ra ngào ngạt cả không khí làm cho tôi buồn thê thiết trong lòng. Ấy là lúc tôi nhớ đến vợ con ở Bắc trước đây, vẫn dắc nhau đi chơi thong thả trên những con đường ngào ngạt hương thơm như thế này. Tôi hèn lắm, ông Ômya ạ. Tôi hèn vì tôi buồn hết sức là buồn và tôi ngồi ôm mặt khóc như đứa trẻ. Tất cả cuộc đời dĩ vãng của tôi hiện ra. Tôi nhớ lại từng li từng tí những sự việc tưởng đâu như đã chết không còn bao giờ quay trở lại; tôi tự hỏi không biết vợ con bây giờ no đói như thế nào, sống chết ra sao và tôi cố vẽ lại trong óc những đường lối đi về ngày trước, căn nhà Pháp Vân, vợ chồng con cái, cứ chiều thứ Bảy thì về đó nghỉ ngơi, có khi hợp nhau lại cầu cơ và xin thơ giáng bút.

Vào khoảng nửa đêm, gió thổi mạnh, kêu vù vù như gió mây ở Bắc. Lá cây y lăng đập vào nhau rào rào. Dưới bóng mờ của ngọn đèn đêm, tôi lấy một tờ giấy và cây viết ra định làm một bài thơ “Nhớ Nhà” nhưng nghĩ mãi không ra tứ lạ, tôi tiện có giấy bút đây vẽ bậy một hình đàn bà, vừa vẽ vừa ngâm lớn mấy câu thơ cũ:

Vạn Lí bi tha thuồng tác khách
Bách nhiên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đỏa tân đình ngọc tử bôi.

Muôn dặn thương thu, làm khác trọ
Trăm năm nhiều bệnh, dạo dài chơi
Sương in mái tóc đầy gian khổ
Nghiên ngã ngừng nâng chén rượu ôi. (Bản dịch của Trần Ngọc San)

Bốn bề im lặng. Ngọn đèn để đêm cháy mù mù như một con mắt chột kèm nhèm. Ðặt bút xuống nhìn hình người đàn bà vừa nghệch ngoạc xong, tôi chột dạ trong một thoáng vì không hiểu tại sao cái đầu người đàn bà tôi vừa vẽ lại giống y hệt cái hình tôi lồng trong khung treo trên tường.

Tự nhiên tôi rùng mình, ngoảnh mặt đi không còn muốn nhìn cả bức hình treo lẫn bức vẽ nằm ở trên bàn viết. Thì chính giữa khi ấy tôi nghe thấy có tiếng dép đi khe khẻ ở cầu thang, sau khi cái cửa ở nhà dưới kêu két lên một tiếng mơ hồ. Tôi hỏi:

- Ông Yên mở cửa đấy à?

Không có tiếng trả lời.

Tôi ngồi im không động đậy, đầu óc tôi tỉnh táo lạ thường. Chiều hôm đó tôi không uống rượu, không ăn no, không nhức đầu. Mắt tôi nhìn tin tường hết sức, có lẽ còn hơn cả bây giờ tôi đang nhìn ông, ông Ômya à…Tôi nhìn ra phía cầu thang và hỏi khẽ:

- Ai lên đó?

Tôi hỏi như thế là vì ở chỗ cầu thang lên phòng ngủ của tôi ở trên gác, lúc bấy giờ có một hàng chấn song cao làm bằng cây, treo một bức màn hoa. Kế đó là một cái cửa ra vào lắp kiếng mờ, thường đóng để cho đỡ bụi mà cũng là để cho cửa nhà kín đáo lúc đêm hôm.

Lúc ấy, trời khuya lắm. Tôi nghe rõ tiếng các bật thang cũ kỹ kêu óp ép một giây rồi sau đó, mặc dầu ngồi ở trong gác không nhìn được ra ngoài cầu thang, tôi thấy rõ rệt một người bước lên thong thả và rất nhẹ. Kỳ! Ai vậy? Mà tôi hỏi lại không trả lời? Có một lúc tôi ngỡ là ông Yên lên có việc gì, nhưng trong giây lát, tôi biết ngay là không phải. Tại sao? Tôi cảm thấy như thế, còn hỏi tại sao thì tôi không có cách gì để trả lời.

Tiếng dép đi khẽ trên sàn gần hơn một chút, gần hơn một chút. Từ ngực ra phía sau lưng tôi tự nhiên lạnh toát. Tóc ở gáy tôi không dựng đứng lên như người ta vẫn tả trong trường hợp gặp chuyện gì sợ hãi, nhưng rung động khe khẽ và làm nhột ở cổ một cách khác thường. Chính trong lúc bối rối chưa biết sử sự ra sao (chạy ra mở cửa xem sao hay cứ ngồi yên mà chờ đợi?) thì cái cửa kiếng đi xuống cầu thang mở ra từ từ êm ru, tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng động nhỏ nhoi nào hết. Tôi dồn hết sức mắt để nhìn: cái cửa kiếng tự nhiên mở ra thật; ở ngoài tối như bưng; một ngọn gió lạnh tê tê hiu hắt tạt vào phòng trong, chỗ tôi đang ngồi.

Tim tôi đập, đập như trống trận. Trong nháy mắt máu dồn lên cả thái dương, nhưng tôi cố ngồi yên và cố giữ bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Những chuyện ma chọc người, ma không nhát được những kẻ sĩ tâm hồn cứng rắng, ma muốn thế nào cũng không hại được những người ăn ngay ở thẳng…mà ông bà, cha mẹ vẫn kể cho tôi nghe lúc tôi còn nhỏ và đã nhiễm vào trong tim óc tôi và thành ra một chất đặt biệt hòa vào trí óc, huyết mạch, da thịt tôi rồi.

“Ngày xưa tại một bảng thượng du có một cây bàng xum xuê thường hay có ngươi đến thắt cổ ở trên cành, người ta đồn rằng có ma ở đấy.

Tại xóm ấy có một người học trò hay chữ tên là Lê Quý đêm nào cũng thắp đèn học đến tận sáng mới đi ngủ. Láng giềng có một người đàn bà còn trẻ cũng thường hay thức đêm để dệt cửi.

Một đêm vào khoảng cuối canh hai, trời sáng trăng suông mờ mờ, người học trò nghe có tiếng sột sột bên ngoài, mở cửa sổ trông ra thì thấy bóng một người đàn bà tay cầm một khúc dây chừng ba bốn thước đang giấu quanh dấu quẩn, đễ chỗ này rồi đem chỗ khác, như sợ có người biết, rồi sau cùng đến bỏ vào đóng rơm mà đi. Người học trò đem đèn ra soi, lấy cái dây thấy mùi hôi tanh, đoán chừng là của con ma thắt cổ, liền đem vào để trên án thư, lấy kinh sách đè lên rồi đóng cửa ngồi chờ thử xem ra làm sao…”

Tôi cũng ngồi chờ thử xem ra làm sao, theo đúng tinh thần bất úy, bất khuất của người học trò trong truyện cổ.

Thế rồi cái cửa kiếng mở rộng: một cái bóng bé nhỏ mặc áo rộng và dài đi dép rất êm, hiện mờ mờ rồi rõ dần dần trong khuôn cửa. Một điều rất kỳ lạ nẩy ra trong óc tôi lúc đó, và chắc chắn không ai có cách gì thấu được: thay vì nghĩ: Ủa! Ma à!” tôi lại nhớ ngay đến một câu Kiều, đoạn Kiều gặp Ðạm Tiên hôm đi tảo mộ về:

Sương in mặt, tuyết pha than
Sen vàng lững thững như gần, như xa.

Quả đúng như thế. Cái bóng hiện ra ở trước mặt tôi lúc đó quả đúng y như thế. Sau khi đã nghĩ như thế rồi, tôi mới nhìn kỹ cái bóng đương tiến nhẹ như hơi gió đến trước tôi… Ðó là một người đàn bà không có tuổi, bới tóc cánh tiên, có một dáng điệu phong lưu tuyệt trần. Mặt bà hình trái soan, mọng và đỏ thẳm, hai con mắt sáng và dài, nhưng toàn thể thì có vẻ xanh xao, mệt mỏi, chán nản không thiết tha gì hết.

Cái bóng tiến thêm lên một chút nữa.

Tôi nhìn kỹ hơn thì thấy ở chung quanh mắt bà có một quầng thâm, không linh động, nhìn thẳng phía trước mặt không mục đích mà đôi môi, măc dù mộng và đỏ thẩm nhưng không có lúc nào hé mở, trái lại luôn luôn mím chặt. Ở hai bên má, có hai hàng nếp nhăn lờ mờ.

Tôi nghĩ thầm: “Có lẻ là ma chớ không phải người”. Và tôi tự lý luận với chính mình trong một giây: “Phải bằng người thì bằng xương bằng thịt, chứ đằng này mờ mờ nhân ảnh như là khói sương. Thêm nữa, mình đóng cửa, người thường vào sao được, phải là ma mới biến thẳng vào đây thong thả như thế này!”.

Trong khi tôi nghĩ như thế, cái bóng đàn bà ấy lừ lừ lại gần, ngồi xuống cái ghế ở trước mặt tôi, cuối đầu chào một cách lạnh lùng rồi lặng im không nói gì.

Tôi lại nghĩ thầm: “Ðích là ma rồi. Mình phải can đảm đối phó thì ma nó sợ, chớ la lên hay chạy thì nó nhát và đuổi theo bóp cổ, hớp hồn mình chết”.

Tôi bèn thu hết cả lòng can đảm của tuyệt vọng, hỏi rất lớn (nhưng chính ra thì lì nhí ở trong miệng, không rõ rệt từng câu chữ):

- Thưa bà, có việc gì mà lại hạ cố tìm tôi vào giữa đêm khuya như vậy?
Chương Chín

Nghe câu chuyện đến đây, ông Ômya vùng đứng lên, tiến lại cạnh tôi và nói:

- Tôi nói câu này có điều gì không phải, xin ông tha lỗi. Rất có thể là ông không bằng lòng và cho tôi là người thiếu lễ độ với một ông bạn nhất kiến vi kiến, nhưng nếu tôi không hỏi cho ra lẽ, tôi băng khoăn trong bụng không chịu nổi.

- Không sao mà…Ông bạn cứ hỏi.

- Ở nước tôi, các ông già, bà cả, nhà thơ, nhà văn vẫn thường nói về…nhưng quả là chính mắt tôi chưa từng thấy ma quỷ bao giờ cả.

Tôi cũng không sợ ma quỷ như ông bạn, và tôi muốn được thấy ma quỷ một lần, một lần thôi cũng đủ, vì thấy ma quỷ hiện về, đối với tôi là một cái gì rất thơ mộng, rất thú vị…

Dám xin hỏi ông bạn, có thật chắc chắn là cái bóng đàn bà hiện ra, ngồi ở trước mặt ông, và nói với ông chớ không phải là ông tưởng tượng, không phải là ông nghỉ ngợi nhiều quá rồi ý nghỉ đó thành hình và diễn ra ở trong óc như sự thật, rồi truyền xuống mắt để mắt cung nhìn thấy y như thật?

- Tôi không phải nghĩ ngợi lôi thôi gì cả. Xin trả lời ngay. Tôi ngồi nói với cái bóng ấy như tôi với ông bây giờ vậy, chỉ khác có cảnh trí mà thôi: bây giờ có tiếng động mà lúc ấy thì im vắng không có tiếng gì; bây giờ sáng của mà lúc ấy thì tối tăm; bây giờ tôi trông rõ mọi vật đằng sau lưng ông, nhưng lúc ấy thì không thấy gì hết, không thấy cả bối diện của bóng đàn bà ấy.

Nhưng cái bóng ấy nhất định là có thật, tôi không bày đặt ra làm gì.

- Ông hỏi thế, cái bóng ấy có trả lời không hay chỉ có hình có bóng ngồi đấy rồi biến đi? Theo khoa học bây giờ, tôi tin chắc là không nói được.

- Khoa học khám phá được rất nhiều bí mật hiện nay và chế tạo được rất nhiều máy móc kỳ lạ y như phép tiên mà ta vẫn đọc thấy trong những truyện Tây Du, Phong Thần, Bát Tiên Quá Hải… Một ngày kia, người ta có thể chế tạo ra được ma quỷ, âm binh, thần tướng, nhưng hiện nay khoa học chắc chắn là chưa giải thích nổi sự kì lạ vô biên mà ông vừa hỏi tôi.

Ông tin chắc cái bóng ma đó nói không được? Thế là ông lầm rồi! Cái bóng đàn bà ấy ngẩn đầu lên chút nhìn tôi. “ Hổng rồi! Câu mình vừa nói làm phật ý bà này”. Tôi nghĩ thầm như vậy và tay tôi nắm chặt lại sẵn sàng. Phải, tôi sẵn sang vớ con gấu đồng dung để chặn giấy ném lên người khách lạ mà tôi không hề mời đến nhà tôi chơi lúc đêm hôm khuya khoắt, nếu bà ta có một cử chỉ gì khả nghi hay nói xấu một câu xúc phạm đến tôi.
Tôi lầm. Nói ông tha lỗi, lúc còn trẻ tuổi và cả ngay bây giờ nữa tôi quen biết đã nhiều bà, nhiều cô, nhưng thật tình chưa hề được nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái, mơ mộng đến như thế bao giờ. Sự khiêm nhường cùng với tư cách và lễ độ tiết ra những câu nói của bà làm cho tôi quý trọng liền.

Bà khách lạ trầm ngâm một giây lâu nữa. Rồi bà nhếch đi một chút trên ghế. Cái bóng trắng mờ mờ như sương mù một buổi sáng mùa đông mỗi lúc lại thay đổi đi một chút, có lúc lớn hơn, có khi to thêm ra, lại có lúc thu nhỏ lại, như một cái xác chết liệm trong vải trắng. Một lúc sau, lại trở lại nguyên hình khi mới tới.

“Ðúng rồi. Ðúng là một con ma!”

Nhưng con ma này muốn gì chớ? Sao hỏi mà không thấy nói gì? Ngờ rằng cái bóng không nghe thấy câu hỏi của tôi hoặc nghe thấy mà không nói được ra lời, tôi lập lại câu hỏi để xem trong hai giả thuyết, giả thuyết nào đúng. Một lát sau, cái bóng mới chậm rãi nói, y như thể nói một mình, để cho chính mình nghe vậy. Bà ta nói bằng tiếng Huế:

- Ngay khi thầy mới dọn đến ở đây, tôi đã hay rồi, nhưng chưa đến thăm ngay vì nhà cửa còn bề bộn, công việc chưa yên, cho nên không dám khinh động thầy. Ðêm nay, thấy thầy ngâm thơ, biết là thầy đã rãnh rỗi nên tôi mới đến thăm, trước là để chủ cũ chủ mới căn nhà này làm quen với nhau, sau là để yêu cầu thầy chấp nhận cho tôi được lui tới nơi đây dọn dẹp quét tước vườn tược cửa nhà, may ra nhờ đó mà kiếm được một ít đồ vật đã mất trước đây.

“Ðồ vật gì? Mà đồ vât gì mất trước đây?” Tôi tự hỏi nhưng không nói ra, cứ lẳng lặng nghe bà ta nói.

Bà nói tiếp:

- Nhiều lắm, đồ vật nhiều không kể siết, chính tôi cũng không biết số lượng là bao nhiêu.

Tò mò quá, không chịu nổi, tôi bèn hỏi:

- Nhưng đồ vật gì, mệ có thể cho tôi biết được không?

Nhưng không để tai đến câu hỏi của tôi, bà cứ nói tiếp, và càng nói tôi lại càng không hiểu.

Trong một thoáng, tôi cảm giác con người ta lúc chết đi mà cái hồn hiện lên được ở dương trần thì không còn minh mẫn, như lúc sinh thời nữa. Hoặc là lúc sống, chính thần kinh của bà ta đã không được thăng bằng rồi cho nên lúc mất đi, những lời do cái bóng bà phát ra không có mạch lạc mà gần như vô nghĩa lý. Bà nói tiếp:

- Phải, nhiều vô số kể, thầy à. Chẳng thế, họ lấy một lần không hết mà phải lấy bốn năm lần đem đi ấy là chưa kể bao nhiêu thứ khác mà họ đập phá, họ giày xéo, họ lấy dao, lấy búa, lấy kiếm, lấy gươm ra đập cho tan nát. Riêng những cái miểng còn sót lại cũng đầy cả ba gian nhà này, mà cao ngang đầu người!

“Ngót hai chục năm nay tôi đã đi khắp sông ngòi đồi núi, tôi đã đi khắp đầu chợ cuối thôn để tìm mà không thấy một món nào…Chẳng biết làm sao, tôi đành phải đi tìm những miếng còn sót lại ở đây để gom góp lại đem về nhắm nghía cho khuây khỏa nổi tương tư bởi vì trình với thầy, tôi tương tư những món đồ vật ấy thật tình; không có, tôi thấy cái kiếp con người hoàn toàn nhạt nhẽo, hoàn toàn vô nghĩa”.

Càng nghe càng không hiểu bà ta định nói gì, tôi kết luận thầm trong bụng: “Nhất định con ma này là con ma điên”.

Tôi chán quá, không buồn hỏi nữa, nhưng vẫn tò mò muốn nghe hết những lời bà ta nói tiếp, hy vọng sẽ tìm thấy trong những lời đó có một câu gì giúp tôi hiểu được câu chuyện của con ma kỳ dị. Nhưng nghe cho đến hết, tuyệt nhiên tôi vẫn chẳng hiểu một tí một li gì cả. Ðồ vật là đồ vật gì mà nhiều vô số kể? Mà cái gì lại có những cái miểng đầy cả ba gian nhà?

Tuy nhiên, vì kính nể bà nói năng lịch sự, cư sử phong lưu tao nhã, tôi làm ra vẻ hiểu biết câu chuyện của bà vừa nói, gật đầu ra ý tán thành triệt để ý định của bà vừa nói.

- Tôi cảm thong nỗi khắc khoải của bà. Ði kiếm tìm như thế là đúng lắm. Phải địa vị tôi, tôi cũng làm như thế. Vậy đã lấy tình thân đối xử nhau, xin bà cứ tự nhiên như ở nhà bà. Tôi xin chúc cho bà toại ý.

Cái bóng trắng khẽ cuối đầu xuống cảm ơn:

- Ngay trước khi thầy dọn đến ở đây, tôi đã biết thầy rất tốt bụng và rất hiểu biết. Tôi biết thầy không xua đuổi tôi, để cho tôi tự do đi lại tự do tìm kiếm đồ vật đã bị mất trước mát trước đây, tự do quét dọn để thu lượm những miểng còn sót lại, chớ nếu phải người khác thì ít hy vọng lắm. Nếu họ không nguyền rủa, chửi bới thì cũng tìm các cách lấy bùa trú ếm để cho tôi không vào được bên trong.

- Tôi xin cảm ơn ông thầy lần nữa và hứa sẽ tìm các cách để xin chư thần liệt thánh phù hộ cho thầy được phúc trạch dồi dào, may mắn về nhiều phiên diện.:.

Nghe đến đây, tôi chợt nhớ một điều dự định cả tuần nay mà vì nghì ngợi long bong “những cái gì ở đâu” nên quên khuấy mất. “Phải rồi, mai sáng ta phải ghi vào cuốn sổ lịch để ở trên bàn mới được: lập ngay một bàn thờ tiền chủ, một bàn thờ thổ địa và sửa một lễ tân gia”.

Có lẻ cho rằng ngồi trò chuyện như thế cũng đã lâu lắt rồi, cái bóng trắng lại cựa mình lớn hơn một chút. Ở bên cạnh, có một vật gì trắng, mờ mờ và trong suốt rung động như một hơi khói. Bà khách lạ nói tiếng Huế đứng lên, cúi đầu chào tôi lần nữa.

Cánh cửa tự nhiên khép lại từ từ lại đàng sau cái tà áo mơ hồ.

Tôi nghe thấy tiếng sàn gác rung lên như cánh con chuồn chuồn. Thế rồi, tầt cả lại trở lại im lìm như trong thế giới hỗn mang.

Máu dồn lên thái dương làm cho đầu nhức như búa bổ. Một cảm giác lạ lùng chuyển đi khắp người tôi và gâm nhấm linh hồn như con một nghiến gỗ. Tôi vừa sợ mà lại vừa bực tức, càng nghĩ càng không hiểu câu chuyện bóng ma khi nãy.

“Ðược rồi. Chắc nó muốn thử ta đây, nhưng nói cho mà biết, ta không có ngán. Ta chịu trận và sẽ chịu trận mãi cho tới khi nào con ma áo trắng phát ngán mới thôi”.

Cứ nghĩ lan man như thế, tôi ngủ thiếp đi đến lúc nào không biết. Sáng hôm sau, tôi gọi ông Yên hỏi:

- Ðêm qua, đi ngủ, ông có đóng cửa cẩn thận không ?

- Ông khỏi lo. Bao giờ tôi cũng cài then kỹ và khóa hai lần. Có chuyện gì không?
- Không. Tôi hỏi thế thôi. Ông ngủ như thường. Tôi cũng vậy.

Từ thưở bé, tôi vẫn thường hay nói dối, nói dối không có ích lợi gì nhưng cứ nói dối chơi. Lần này tôi nói dối là để lạc hướng ông Yên, cho ông ta không hay biết gì về chuyện cái bóng ma trò chuyện với tôi ở trên gác đêm trước. Tôi không muốn cho một người nào biết chuyện đó cả.

Buổi trưa, tôi uống rượu thật say, ngủ một giấc thật kỷ, đến chiều dậy ăn qua quít một mẩu bành mì với thịt nguội rồi ngồi chờ tối, sau khi đã đưa tiền cho ông Yên đi ra phố mua hai cái bàn thờ đóng sẵn cùng với cây đèn, lư hương và bài vị để đem về thờ tiền chủ và thổ địa.

Tôi lại dặn ông đi hỏi thầy cẩn thận xem hôm nào tốt để sửa một lễ tân gia:

- Ăn tân gia ở nhà hàng không được. Phải ăn ở nhà. Mà nhà mình lại không đủ nồi niêu, soong chảo, bát đĩa, tôi nghĩ rằng ông nên đi kiếm một nhà hang nào ở Sài Gòn hoặc Chợ Lớn đặt thì hơn. Tôi tính mời độ mười lăm người, ông liệu đấy.

Chừng mười hai giờ đêm, tôi xức dầu thơm vào đầu vào mặt cho tỉnh táo rồi ngồi ở ghế viết lăng nhăng một bài báo người ta đặt viết.

Tôi viết chưa được một trang giấy thì cầu thang kêu cót két khe khẽ rồi có tiếng dép đi lên, cánh cửa kiếng lại tự động mở ra và cái bóng ma lại hiện ra như đêm trước.

Nhưng lần này không ngồi lại ở bàn nữa mà cứ đi quanh đi quẩn lại ở bên ngoài, cúi đầu nhìn hết chỗ này đến chỗ kia, có khi kại ngồi xuống giơ hai bàn tay trong suốt ra bới một cái gì bí mật ở khe tủ, gầm bàn. Thế rồi khi không cái bóng đứng thẳng lên trèo thang gác êm nhẹ xuống dưới nhà hồi lâu. Tôi đang tưởng nó biến đi thì bỗng đâu lại hiện ra ngồi sụp xuống tìm kiếm nữa… mà tuyệt nhiên tôi không thấy đồ vật gì hết trọi.
Phải nói thực, ngạc nhiên hết sức, ngạc nhiên đến mức khó chịu, không hỏi không thể yên tâm được:

- Bà có kiếm được gì không?

- Chẳng có gì hết, thầy à. Chỉ có một ít miểng thôi, nhưng có một ít miểng gom góp lại để ngắm cho đỡ thèm cũng còn hơn là không có gì phải không thầy?

Vẫn chẳng hiểu gì, tôi cứ gật đầu tán thành câu nói. Bà khách lạ chép miệng, ra vẻ buồn hết sức”

- Một triệu lần như thế này bây giờ thâu lượm lại chỉ được một phần. Mà tôi tìm kiếm mấy năm nay rồi chớ có phải là ít đâu. Thầy xem, tôi bắt cả con cháu cùng đến tìm kiếm vời tôi mà củng chẳng hơn gì cả.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Cháu nào? Con cháu nào? Tôi có thấy đâu?

- Kìa, nó đứng ở cửa sổ, đang kiếm ở ngoài hành lang hiên mà thầy không thấy à?
Chân tay tôi lạnh toát. Tôi không dám quay hẳn mình lại. Chỉ ngoẹo cái đầu về phía cửa sổ để nhìn thì thấy một hình mờ mờ mà trong suốt đứng quay lưng lại phía tôi, nhìn ra ngoài gác sân (vì cái gác của tôi ăn ra một cái sân nhỏ để khi nào có trăng thì tôi kê một ghế bố ra nằm chơi nhìn trời).

- Ðây là cháu gọi bằng dì. Nó tên là Phương Thảo.

- Xin lỗi bà nói tôi mới nhớ. Tôi có một cái tội được bà đãi là chỗ quen biết mà đến bây giờ vẫn chưa được biết đến quí danh. Thêm nữa, tôi có một điều muốn trình bày: tôi đã cho làm một bàn thờ thổ địa và một bàn thờ tiền chủ. Nếu bà thấy không có gì bất tiện thì cho tôi biết quí danh để tôi ghi lên bài vị. Như thế, tôi nghĩ là cái tình nó có vẻ thân hơn mà mỗi khi tôi muốn lễ bái, cầu khẩn gì cũng tiện.

Ông làm thế thì có hơi kiểu cách, nhưng lòng của một người ở cõi dương ăn ở với một người ở cõi âm đến như thế, quả thực là chu đáo. Cháu tên là Phương Thảo, còn tôi là Mệ Huyết nhưng gì bà sơ tôi trùng tên ấy nên gọi trếch ra là Hoát. Tôi là Mệ Hoát.

Chính giữa lúc bà khách vừa nói đến đây thì người cháu tên là Phương Thảo quay lại nhìn về phía tôi.


.:: Trang chủ ::.
>>Tag :
Online: 1 / 7
C-STAT